29 tháng 10, 2011

Tiết kiệm kiểu Sếp - Phương Bích.

Bolgger Phương Bích bên Hồ Gươm ( hôm không bị bắt)
- Mọi người đi họp nhé.


Phân ban có hơn chục mống, tất cả quây quần trong phòng làm việc của giám đốc. Sếp ngồi chính giữa. Phần đầu là kiểm điểm công tác chuyên môn, chả liên quan gì đến tôi khiến tôi buồn ngủ rũ cả mắt. Phần sau là nói về công tác chung. Cái văn phòng bé tý xíu này thì chả có gì đáng nói. Mọi thứ để duy trì cho cái văn phòng này hoạt động, chỉ trừ có lương, và chi phí cho 2 cái xe ô tô biển xanh thì đều do nhà thầu lo hết. Thực ra cái văn phòng này của Tư vấn dự án là chính, nhưng với cái thế của Chủ đầu tư, Tư vấn vẫn phải bố trí cho cái gọi là Phân ban này ở chung.


- Các đồng chí phải hết sức tiết kiệm trong việc sử dụng giấy. Tôi thấy các đồng chí vẫn còn lãng phí quá, các đồng chí nên nhớ, mỗi khi các đồng chí tiết kiệm 1 tờ giấy thì các cháu nhỏ nghèo khó sẽ có thêm sách để đến trường…


Cái gì? Đang buồn ngủ mà tôi suýt sặc, hết cả mơ màng!


Trời ơi! Ngày xưa tôi nghe người ta kể có ông thủ trưởng dạy dỗ nhân viên rằng ở nhà thì có cha mẹ dạy bảo, đến cơ quan thì phải biết nghe lời thủ trưởng. Rồi phải biết giữ gìn cái ghế, cái bàn ở cơ quan như nó là của nhà mình vậy. Tôi tưởng đó chỉ là trên báo chí. Mà báo thì mọi người biết rồi đấy, có ít thì hay xít ra nhiều, có bé xé ra to hoặc ngược lại.


Bây giờ thì chính tai tôi nghe thấy rồi nhé, chứ chả phải nghe ai đó kể lại.


Ừ! Phải nói là Sếp nói đúng quá đi ấy chứ. Nhưng chỉ có điều, ai nói câu đó thì tôi tin, chứ là Sếp nói thì tôi quyết không tin.


Tôi biết Sếp từ hồi Sếp còn là chuyên viên thường, công tác tại phân ban phía Nam. Sau sáu bảy năm, vì có cái dự án lớn ở miền Trung nên Phân ban 2 được thành lập. Khi nào dự án kết thúc thì Phân ban 2 cũng sẽ giải thể. Vậy là Sếp được cử làm giám đốc phân ban!


Hồi ấy tôi đang ở ngoài ban. Vì công tác giải phóng mặt bằng ngoài hiện trường thiếu người, nên phải huy động cả cái loại bò sữa như tôi đi tăng cường. May là tôi chỉ phải đi gần, nhưng rồi cũng chán vì mãi chả thấy hết tăng cường. Một lần tôi sang Sở địa chính bổ sung hồ sơ, lúc ra về tình cờ gặp anh Phó giám đốc sở ở cầu thang, anh í quàng vai tôi kéo lại định thơm vào má khiến tôi hết hồn. Theo phản xạ, tôi đẩy anh í ra kêu:


- Ấy đừng


- Ấy đừng à?


Anh í cười nhìn tôi chòng chọc, còn tôi thì giả vờ liến thoắng nhờ cậy anh ấy về cái vụ sổ đỏ của nhà tôi. Anh í bảo:


- Khó đấy.


- Vâng, khó thì mới phải nhờ anh chứ. Hôm nào anh rảnh để em sang?


- Thì cứ sang đi.


Từ tầng 2 xuống nhà xe, gặp đám thanh niên đang ở lại chơi bóng bàn, tôi leo lẻo chào anh í rồi nhanh chân chuồn ra khỏi cổng. Hôm sau tôi viết đơn xin bố trí công tác khác. Tôi thực thà kể cho ông Chánh văn phòng nghe chuyện bị quấy rối, ông í cứ cười khùng khục.


Thế là tôi vào phân ban, làm thủ quỹ. Ôi giời, cái chân này thì trong đó ai kiêm nhiệm chả được. Nhưng tôi cần gì biết đến chuyện đó. Chả mấy khi có cơ hội được tung tẩy.


Vào trong này rồi, tôi mới thấy được một cuộc sống hoàn toàn khác. Tôi ngầm đặt biệt hiệu cho Sếp là: Lãnh chúa miền Trung!


Thoạt đầu tôi không nhận ra ngay nếp sinh hoạt và làm việc ở đây. Cho đến khi cô bé phiên dịch người miền Trung rụt rè hỏi tôi:


- Chị không sợ à?


Tôi tròn mắt hỏi lại:


- Sợ! Sợ cái gì?


- Thì đó, chị đi lại, cười nói rổn rảng…


Hóa ra ở đây có một sự phân biệt rất rõ rệt, giữa những người thuộc cơ quan Chủ đầu tư với Tư vấn nội, với những người địa phương làm việc theo hợp đồng có thời hạn như phiên dịch, tạp vụ, lái xe, bảo vệ, cấp dưỡng.


Ở đây to nhất, oai nhất là Sếp, mặc dù thực chất Sếp và chúng tôi là dân đi ở nhờ. Trong hợp đồng thì cái trụ sở này là nơi ở và làm việc của Tư vấn, gồm Tư vấn ngoại và Tư vấn nội. Lẽ ra Phân ban phải có trụ sở riêng, nhưng lấy thế Chủ đầu tư, bên Tư vấn phải đồng ý cho Phân ban sử dụng ké một phần. Thậm chí kẻ ở nhờ lại còn oai hơn cả ông chủ. Chắc thằng Tây nó tức lắm, nhưng ở Việt nam chúng tao nó thế đấy. Thậm chí thằng Tư vấn trưởng nào mà không cư xử khôn khéo, cái thằng ở nhờ ấy nó ton hót, xúi bẩy cấp trên đuổi bằng được. Thiếu gì lý do được đưa ra, cứ bảo là không hợp tác, cản trở tiến độ của dự án, thế là đuổi! Thằng khác vào, liệu cơm mà gắp mắm!


Đấy! Thằng Tư vấn nước ngoài mà còn thế, cái đám dân địa phương vào làm thuê ở đây thì là cái thá gì. Thảo nào mà họ cứ nem nép không khác gì con sen, thằng ở ngày xưa. Tôi có dịp đi đến một cái văn phòng trực thuộc ở địa điểm khác, thấy nói lái xe không được phép bén mảng vào khu văn phòng, mà chỉ được ở khu bảo vệ ngoài cổng. Tư vấn được ở nhà có máy điều hòa. Còn bảo vệ, lái xe tạp vụ thì đừng có mơ. Nhưng tôi choáng nhất là cái việc cấm lái xe vào khu văn phòng. Chả bù cho lái xe ở ngoài Ban, oai còn hơn cả chuyên viên.


Mọi người thấy tôi là nhân viên quèn nhất, mà cứ nhơn nhơn như không, đi lại hồn nhiên, cười nói hồn nhiên thì lạ lắm. Hồi mới vào, Sếp bảo:


- Cần về thăm nhà cứ bảo anh, anh bố trí cho đi công tác, đỡ tốn phép.


- Vâng! Nếu cần, em sẽ nhờ anh.


Nói vậy cho đỡ phụ tấm lòng thơm thảo của Sếp, chứ tôi chả bao giờ nghĩ đến chuyện xin xỏ. Phép của tôi hơi bị nhiều theo thâm niên làm việc của tôi, và nếu về thăm nhà thì tôi lại được thanh toán tiền tàu xe theo chế độ. Vậy thì sao lại cần phải nói dối là đi công tác? Cái chân thủ quỹ của tôi thì đi công tác kiểu gì? Cái đáng xin là chức vụ và tiền bạc tôi còn chả thiết nữa là.


Thật khó chịu nhất là ban ơn mà người ta không nhận. Dần dần tôi thấy Sếp khó chịu với tôi. Nhất là cái cách sống “hồn nhiên” của tôi làm phá vỡ cái uy nghiêm ở chỗ này. Thật là không ra làm sao cả. Trên phải ra trên, dưới phải ra dưới chứ. Cứ bằng vai phải lứa như thế này là không được! Cô bé phiên dịch cũng bị ghét lây vì thân với tôi, nó ngưỡng mộ cái mớ lý sự của tôi lắm, còn tôi thì lại ngưỡng mộ nó khi nghe nó kể về những công việc nó làm trước đây. Tôi bảo nó khi nó bảo nó là thư ký riêng cho giám đốc:


- Ở ngoài em giỏi thế, sao vào đây em cứ như con giun con rế thế. Em phải nhớ làm việc gì cũng phải có quy định, mà quy định lại phải dựa theo luật. Không phải ông to nào thích làm gì thì làm được. Phân ban tuyển em vào làm phiên dịch, kiêm thư ký cho Phân ban, chứ không phải cho riêng giám đốc nhé. Đến Phó tổng giám đốc ngoài kia còn không có tiêu chuẩn thư ký nữa là giám đốc phân ban.


Tôi không hỏi quan hệ trước đây giữa Sếp và cô bé phiên dịch như thế nào,.Nhưng từ khi cô bé thân thiết với tôi thì Sếp ghét nó ra mặt. Thậm chí có lần, nhân dịp đi nghỉ mát, cả phân ban vào nhà Sếp ở Sài Gòn chơi. Khi mọi người đứng dậy ra về, Sếp gọi giật cô phiên dịch lại bảo chờ tý, rồi Sếp quay vào nhà cầm ra một xấp phong bì đi phát cho từng người. Đến cô phiên dịch, Sếp thản nhiên đi qua để phát cho người bên cạnh. Khổ thân con bé, ngượng chín cả người. Nó tức tưởi kể cho tôi nghe làm tôi cũng máu nóng bốc lên đầu phừng phừng. Ra là Sếp cố tình gọi nó lại để chứng kiến màn trừng phạt nó đây. Khó có thể nói là Sếp vô tình. Dẫu nó có bé nhỏ mấy thì cũng là một con người đầy đủ hình hài trước mặt Sếp, thế mà Sếp nhớ phát phong bì cho cả người bên phải lẫn người bên trái mà bỏ qua người ở giữa thì nhất định là Sếp không vô tình. Vả lại chính Sếp gọi đích danh nó đứng lại chứ không phải là ai khác.


Cũng mừng là cô bé phiên dịch ngày nào bây giờ đã trở thành trưởng chi nhánh của một hãng bảo hiểm nước ngoài danh tiếng, lương gần 2 ngàn đô một tháng. Lúc này thì đúng là Trời có mắt.


Tôi có rất nhiều lý do để không tin Sếp là con người tiết kiệm như Sếp hô hào chúng tôi. Nhà Sếp ở Sài Gòn, chả mấy chủ nhật Sếp ở lại Phân ban. Cứ cuối tuần Sếp lại bay vào Sài Gòn. Những ngày nào Sếp ở lại Phân ban kể cả ngày thường, hết giờ làm việc mà hứng lên là Sếp đánh xe ô tô biển xanh vào trung tâm thành phố, cách đó chừng hơn chục km để đánh tennis. Tôi ngẫm chỉ cần Sếp nổ máy, xe lăn bánh ra đến cổng là đã mất đứt 1 ram giấy rồi, chứ đừng nói 1 tờ giấy như Sếp nói. Mà cái nghề làm dự án thì chỉ tốn giấy là nhiều. Mỗi lần soạn văn bản, trình đi trình lại, có khi mỗi lần sửa chỉ là một dấu chấm, dấu phẩy. Vị chi để ban hành được một tờ văn bản thì có khi phải mất chục tờ giấy bỏ đi là ít. Thay vì hô hào tiết kiệm 1 tờ giấy như thế, sao Sếp không quy định trình bằng file để sửa ngay trên máy có hơn không? Nhưng như thế nó không oai thì phải.


Chuyện ngoài lề về chủ đề tiết kiệm. Hồi tôi mới vào, một lần ngày nghỉ, Sếp khao lòng lợn tại phòng ở của Sếp ở khu văn phòng. Trong khi chờ đợi các cô phục vụ bày ra đủ món ăn, Sếp trưởng và sếp phó cụng bia với nhau. Một cậu sốt ruột bốc một miếng dồi. Lập tức Sếp quát lên:


- Thằng này láo, các cụ chưa ăn mà mày dám ăn trước à?


Cậu kia cười bảo:


- Các sếp uống, nhưng em không uống được thì em ăn.


- Láo toét!


Sếp vẫn buông một câu như vậy. Cậu kia đâm ra dở. Miếng dồi đã gắp lên đến miệng rồi, ăn vào thì chết, mà bỏ xuống thì nhục quá. Thấy vẻ mặt Sếp không có vẻ gì là đùa, thế là miếng dồi đành từ từ hạ cánh xuống đĩa. Trong đời tôi chưa từng chứng kiến những chuyện như thế bao giờ. Cứ tưởng chỉ có ở trong chuyện tiếu lâm.
Cái thằng đành bỏ miếng dồi ấy cũng đặc biệt lắm. Đang từ một thằng nghèo kiết xác, tính cái gì nó cũng quy ra thóc, chỉ qua cái dự án này nó trở thành giàu nứt đố đổ vách. Nó được Sếp phân cho phụ trách toàn bộ mảng đường nhánh, phụ trách gần trăm nhà thầu. Nghe nói có nhà thầu xách cả catap tiền đến phòng ở cho nó. Còn nó cũng chả giấu diếm khi bô bô nói với Sếp phó:


- Em chả hiểu tại sao, anh già hơn em, tiền anh cũng thể nhiều bằng em, thế mà sao gái nó cứ theo anh là thế nào?


Ngay cả khi đã giàu rồi, nó vẫn không bỏ hẳn được thói quen tính bằng thóc mới lạ chứ.


Sau gần chục năm, bây giờ Sếp đã thành Sếp tổng, còn cậu đành bỏ miếng dồi thì lên giám đốc Phân ban miền Nam. Tôi rời cơ quan đã lâu, nghe anh chị em ở cơ quan đang rên xiết rằng bây giờ đích danh Sếp phê duyệt cấp từng ram giấy một.


Khốn nạn rồi! Đã bảo là nghề dự án thì giấy và mực in là một trong những văn phòng phẩm thiết yếu nhất. Mỗi tháng phòng tôi xin phải sáu, bẩy ram mới gọi là tạm đủ. Bây giờ mà xin từng ram một thì cứ gọi là suốt ngày đi xin cũng đủ chết. Vì xin đâu có được ngay mà còn phải trình, phải xem xét, phải duyệt, rồi viết phiếu xuất kho, rồi lại trình ký… Hu hu! Khổ thân bọn ở lại quá.


 Nguồn : ChimKiwi Blog.

Những mẩu vụn.

   Sáng dắt xe ra ngõ, qua chỗ cổng nhà ông trưởng khu thì gặp hai con chó to, một con vàng nhà ông lang Hành, một con đen chả rõ của nhà ai đang làm tình.
  Lẩm bẩm bảo mình : dân gian nói " ra ngõ gặp chó .ẹo nhau", chỉ nói thế thì vế sau không biết là thế nào. Thì hôm nay thử xem mình gặp hên hay xui. Ừ cứ thử xem ra sao, gặp thì gặp chứ có gì mà phải bồn chồn, hồi hộp ?
Ảnh : VTC

   Ra quán cà phê thì gặp anh Thiều nhà văn đồng hương Ứng hòa, một anh nữa tóc dài xoăn, đeo cái kính có hai mắt tròn, hay nói chuyện về Tam quốc, Thủy hử. Mình cũng không chào vì có lần cách đây vài tháng, nghe anh ấy nói về mấy thằng đi biểu tình trong đó có cả "bọn Nguyên bạc", anh ấy bảo : thanh niên bây giờ chưa vỡ bụng cứt đã đòi bay bổng. Chắc anh ta chừa mình ra vì mình ngồi bàn cạnh, và anh ấy biết rõ mình qua cái thư mình gửi cho Nhân sỹ Hà tây hôm 17.7 lịch sử.
    Mở máy điện thoại ra thì bọn Facebook đưa đầy link về con cháu tên Trinh gì đấy cởi áo, cởi quần, khoe đồ trên trang VTC, vào thì thấy VTC lại dẫn từ VNN. Các cháu giờ mạnh bạo quá, sáng tạo quá, nổi tiếng chỉ trong chốc lát, cởi ra cái là Vua mặt, Chúa biết tên. Mình và bà con đi biểu tình ở bờ hồ mất mấy tháng mới được nhà nước biết đến, công an Hà nội biết mặt.

Ảnh : VTC
    Nhớ lại tối qua, sang nhà anh bạn gần nhà chuyên buôn đồ cũ, gặp một bác đang mân mê cái đầu video HQ 88 từ thời đổi được hai trăm mét đất Hà đông, bác ăn vận lịch sự, tóc vuốt giống bác Mạnh bí thư ngày xưa, áo sơ mi cộc là ly cứng. Mình biết bác cũng đã già nhưng khen một câu để bác mua cho anh bạn cái đầu cũ cho được giá.
 Gớm, con nhìn bác mà ngưỡng mộ quá, hình như ông Chu Hảo có họ với bác hay sao mà  phong độ giống nhau thế ạ ?
 Á à, tôi ngoài bảy mươi đấy anh ạ, mà ông Chu Hảo trước làm thứ trưởng Bộ khoa học công nghệ chứ gì ?  giỏi lắm đấy nhưng mà vừa dính cái phốt nặng .
 Thế ạ, mà phốt gì vậy bác ? mình hỏi ra vẻ quan tâm gắt gao.
 Thì ông ta đi biểu tình chống Trung quốc.  Ôi giời, làm sao lại đi biểu tình chống Trung quốc nhỉ ? mình hỏi thêm nhưng bác thôi không nói chuyện mà chỉ quan tâm đến cái đầu video cũ. Bác bảo trước bác làm bên tòa án, nghỉ hơn chục năm rồi, con cái đi tây cả, chỉ bác ở nhà và bà vợ già nên buồn, cứ đi sưu tầm đồ cũ chơi để giải tỏa. Nghĩ cũng thương bác một tí, bác quả đáng thương thật.
  Quay lại cái VTC xem thêm ảnh con cháu tên Trinh xem đẹp đến mức nào, cũng không có gì ghê gớm quá. Mấy cái ảnh không có áo, cái thì quần chip đỏ bằng cái lá cải nhỏ, cái thì nằm trên ghế mà không mặc gì cũng thường, so với cháu Thùy Linh dạo trước thì cũng chỉ như  bì phấn với vôi.
    Nghĩ mãi cũng chưa biết các cháu muốn chuyển tải thông điệp gì cho mọi người. Không vì môi trường, không vì biển đảo như hôm Lê Minh Sơn làm ở nhà hát lớn mình xem rồi, không vì chống lạm phát, chống tham nhũng, vậy hay là vì chuyện tình như hai con chó làm sáng nay mình gặp ?
  Hôm qua chở một anh họa sỹ mỹ thuật đi thăm người nhà, anh bảo : cái cối giã gạo nó cũng gợi tình lắm chứ. Này nhé : tôi kể ông xem ngày xưa chắc ông cũng từng đi giã gạo bằng cối này rồi. Tất nhiên, mình bảo, ai mà chả giã gạo đêm, thời đó làm gì đã có máy xay xát như bây giờ.
   Ông cứ thử nhắm mắt vào nhớ lại xem, cái cối giã thì hai người đứng giã, gái thường đứng trước, trai đứng sau. Mỗi nhịp dẫm chân vào cần để nhún thì mông cô gái cong lên, chàng trai đứng sau chắc không sao khi chạm vào những nơi nóng như thế chắc?
   Hơi thở của chàng trai phả vào gáy cô gái nóng hổi không phải vì giã gạo nó quá vất vả đâu. Đến nỗi mà những nhà có con gái cho đi giã gạo đêm thường về muộn, gạo giã thường trắng hơn nhà cho con trai đi giã.
   Bao nhiêu đôi trai gái nó quen nhau, yêu nhau và lên vợ lên chồng qua cái cối giã gạo đấy, tôi đang sưu tầm để làm một cái bảo tàng nông cụ, chắc cuối đời thì cũng tương đối đủ. Tôi ủng hộ bác, có  cái riu tép bên trái nhà ở quê để tôi về tìm nếu còn thì biếu bác. Nó đẹp lắm, nhìn như đôi hài của Hoàng hậu mà dáng hình tam giác mang tính mỹ thuật cao, chứ không đẹp theo kiểu Mỹ thuật Mác đâu bác ạ.
   Viết xong những mẩu vụ này thì thở hắt ra vì chỉ viết trong vòng 10 phút. Đấy, chắc bị tẩu hỏa nhập ma vì sáng ra ngõ gặp chó ...làm tình ?


PS : Cho cháu xin lỗi Bác Chu Hảo vì đã mang tên của Bác vào nhật ký của nhà cháu khi chưa xin phép ạ.

28 tháng 10, 2011

Tòa Đống đa tiếp tục xui kiện lên cấp trên.

 Tiếp bà con lần thứ 6 là chị Hiền - Phó chánh án.
Bên nguyên đến tòa lần thứ 6.

   Mọi người vào phòng chị Hiền ngồi xong, quan sát thấy chị mang hơn chục cuốn sách về luật để sẵn trước mặt, bên trên đầu chị,  cạnh cái dàn lạnh điều hòa, phía trái gần góc của hai bức tường là ban thờ Bác Hồ. Sau khi giới thiệu chức danh, bên nguyên cũng giới thiệu xong thì chị vào đề luôn : Chị bảo : Tòa có quyết định khẳng định cái văn bản trả hồ sơ do anh Thắng ký hôm 21 .10 là đúng, hôm nay trả lời các bác bằng văn bản đây.


   Bác Quang nói : việc nhận hồ sơ khởi kiện, thụ lý hồ sơ là của tòa, chị nói thế là nói thay cho luật sư bên bị rồi. Bên nguyên chúng tôi bị vu cáo thì sao lại không có quyền khởi kiện như anh Thắng viết trong văn bản ?
 Chị Hiền giải thích : như trong văn bản đã nói rõ : việc đưa hình của HTV1 mà không nói đích danh ai ...
   Thôi thôi ...mấy bác chả ai bảo ai đều nói cùng lúc. Bác Trai xin phép tất cả để có ý kiến với chị Hiền : thế nếu chúng tôi làm phóng sự về bắt gái mãi dâm đứng bên phố Phạm Văn Đồng rồi đưa ảnh chị lên, không chỉ đích danh tên người trong ảnh thì chị thấy sao ?
  Chị Hiền cố giữ vẻ mặt bình thản nói : văn bản chúng tôi đã trả lời đây, các bác có khiếu nại gì thì cứ tiếp tục gửi lên cấp trên. Bác Quang xem xong bảo : thế chị phải cho chúng tôi biết là trong vòng bao nhiêu thời gian thì được khiếu nại chứ, văn bản này chưa nói đến việc có được khiếu nại tiếp, trong vòng bao lâu...
   Bác Trai nói : chị nói thế khác gì thách thức chúng tôi, chị khẳng định việc trả hồ sơ là đúng mà lại nói chúng tôi nếu còn chưa thỏa mãn thì cứ tiếp tục gửi đơn lên cấp cáo hơn như thế liệu có mẫu thuẫn hay không ?
  Chị Hiền nói các bác ra ngoài hành lang chờ, chúng tôi sẽ sửa văn bản và gửi ngay sau đây. Chờ 20 phút, bác Tiến hút xong hai điếu thuốc lá thì văn bản được sửa,  ký và đóng dấu đỏ chót. Anh Sơn Luật sư và Bác Quang ký nhận mang về, trong đó có thêm dòng đại loại là bên nguyên có quyền khiếu nại lên "Tòa án nhân cấp trên"  ( chắc chị Hiền bớt đi chữ "dân" trong đó nên đọc chả ai hiểu gì).
    Rồi tất cả lại về để làm tiếp đơn khiếu nại gửi cấp trên. Bác Tiến nhà văn và bác Quang bảo : tôi muốn gặp ông bạn Trương Hòa Bình lắm, đang rảnh rỗi thì các anh chị cứ bảo gì tôi làm nấy vậy, đỡ buồn.
  Cả nhà chết cười về cái văn bản do chị Hiền làm, chắc vội nên viết hoa, chấm phẩy, thiếu chữ nhiều quá. Vụ kiện cỏn con này mà khiến cả mấy chục con người mất bao nhiêu thì giờ, giấy mực vẫn chưa đi đến chỗ nào. Thế này mà mấy vụ lớn thì chả biết ra sao ?

26 tháng 10, 2011

GIAO BAN VỚI HTV - Đoan Trang.

 
 
(NCTG) Ở các tòa soạn báo, hay có những cuộc họp định kỳ (hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, thậm chí hàng buổi như ở Ban Thời sự - Đài Truyền hìnhh) gọi là “giao ban”.

Bản tin thời sự gây nhiều bất bình trong công luận - Ảnh chụp màn hình

Tại đó, ban biên tập, thư ký tòa soạn, những người phụ trách khối nội dung… hay nói chung là lãnh đạo, sẽ nhận xét những tin bài nổi bật trong tháng/tuần/ngày/buổi vừa qua, cho ý kiến đánh giá - chỉ đạo, nêu ra các lỗi nghiệp vụ, thưởng và phạt các phóng viên tương ứng.

Ðặt giả thiết, nếu người viết những dòng này là lãnh đạo (của Đài Truyền hình Hà Nội - HTV), tại cuộc họp giao ban sau bản tin thời sự tối 21/8 về “một nhóm người tụ tập biểu tình, gây rối”, tôi sẽ nhận xét “quân” của mình sao nhỉ?

Hình ảnh và lời bình khớp nhau như thế nào?

Trong phóng sự truyền hình, phim tài liệu, hình ảnh và lời bình phải gắn bó với nhau một cách hài hòa. Tốt nhất là “lời bình hơi vượt ra ngoài hình ảnh một chút”, tức là nói những điều hình ảnh không truyền tải/ minh họa hết được.

Có hai dạng lỗi lớn như sau:

- Hình ảnh và lời bình chồng chéo, trùng lặp. Ví dụ kinh điển là, sẽ không gì tẻ nhạt hơn là trên khuôn hình hiện một cánh đồng lúa vàng, lời bình kèm theo: “Đồng lúa”; “Đây là cánh đồng lúa vàng”; “Các bạn đang ngắm một cánh đồng lúa vàng”…

- Hình ảnh và lời bình không khớp nhau, hình một đằng, lời một nẻo. Ví dụ thế này: Biên tập viên truyền hình (tạm gọi là “phóng viên” - PV) đưa tin về vụ chị N.T.H. chết vì giải phẫu nâng ngực ở cơ sở thẩm mỹ A. Khi phóng viên đến hiện trường, chủ cơ sở đã bỏ đi, nhà khóa cửa. PV bèn xử lý phóng sự như sau:

Hình ảnh: Toàn cảnh cơ sở thẩm mỹ A, nhìn từ bên ngoài. Hai cánh cửa sắt đóng kín, phía trên là tấm biển: “Thẩm mỹ viện A”. (Lời bình: “… Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ…”).

Chuyển cảnh. Toàn cảnh: Quán cóc bên kia đường, đối diện cơ sở thẩm mỹ A. Một toán thanh niên ngồi uống trà đá, hút thuốc. (Lời bình nối tiếp câu trên: “… Ngày càng có nhiều người có nhu cầu làm đẹp…”).

Cách xử lý hình ảnh và lời bình như thế sẽ khiến khán giả mặc nhiên nghĩ rằng toán thanh niên ngồi trà đá trong quán nước kia là những người có nhu cầu làm đẹp.

Ví dụ khác: Phóng viên đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ.

Hình ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rảo bước cùng các cán bộ, vệ sĩ… trên sân bay, chuẩn bị lên máy bay. (Lời bình: “Cùng đi với Thủ tướng là đoàn các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong chuyến đi này, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với…”).

Chuyển cảnh. Trung cảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng trước cửa máy bay, cười, vẫy tay chào những người ra tiễn đứng dưới đường băng. (Lời bình nối tiếp câu trên: “… (sẽ có cuộc gặp với) một số doanh nghiệp cá tra, cá basa của Mỹ, để bàn về…”).

Cách dựng hình này khiến khán giả mặc nhiên nghĩ rằng ê-kíp truyền hình coi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một doanh nhân mua bán cá tra, cá basa, hoặc ít nhất cũng nhầm như thế.

*

Trở lại với phóng sự của HTV1:

Hình ảnh những người biểu tình, trong đó có một số người mà công luận đã biết mặt như Nguyễn Văn Phương (lúc đó là nhân viên công ty Việt Long), GS. Huệ Chi, TS. Nguyễn Văn Khải (“ông già Ozone”), nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thạch (tác giả sáng kiến “Tủ sách dòng họ”)…

Lời bình của HTV1: “… Việc tham gia biểu tình lại trở thành tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động đằng sau đang ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết, kích động tư tưởng hằn thù dân tộc…”, “Lợi dụng vỏ bọc yêu nước, một nhóm người bị các thế lực phản động trong nước và nước ngoài kích động đã tụ tập biểu tình, hòng lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin không nắm bắt thông tin đầy đủ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, cản trở và chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.” …


Ðưa những hình ảnh này khi bình luận, HTV đã thể hiện đúng điều họ muốn khẳng định... - Ảnh chụp màn hình

Tuyệt! Lời bình khớp với hình ảnh một cách không thể hài hòa hơn, để thể hiện chính xác ý đồ của (các) tác giả phóng sự – cho rằng tất cả những người xuất hiện trên hình đều hoặc là phản động đi lợi dụng kẻ khác, hoặc là người nhẹ dạ cả tin bị phản động lợi dụng.

Ở đây xin mở ngoặc đơn nói thêm: khi “Nhà đài” bị một số trí thức đâm đơn kiện, Tòa án Đống Đa xả thân bênh HTV, cho rằng: “Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đưa tin về sự việc có hình ảnh các ông nhưng không nêu đích danh cụ thể ai, không xuyên tạc, cũng không có lời bình, nhận xét có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và gây thiệt hại đến cá nhân nào”.

Đến đây thì vấn đề nằm ở chỗ Tòa án phải xác định được những từ “tấm bia che chắn”, “thế lực thù địch phản động”, “ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết”, “kích động tư tưởng hằn thù dân tộc”, “lợi dụng vỏ bọc yêu nước”, “hòng lôi kéo”, “nhẹ dạ cả tin”, “không nắm bắt thông tin đầy đủ”, “gây ảnh hưởng xấu”… có phải là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” hay không.

Nếu câu trả lời là “không” thì chúng ta có thể yên tâm rằng “phản động” là yêu nước.

Cái nước mình nó khác!

Một trong những nguyên tắc của đạo đức nhà báo là trung thực và khách quan. Nếu một bài báo, một tác phẩm truyền hình đưa tin “phản ánh chính xác thực tế” mà chỉ nêu thực tế của một bên, thì vẫn sẽ là không trung thực, không khách quan.

Do đó, điều mà nhà báo nào cũng phải ý thức nằm lòng, là khi tác nghiệp, không được phép hùa vào theo ai đó, không được dùng từ ngữ gay gắt và ngoa ngoắt, không được ủng hộ lộ liễu một tổ chức nào, v.v… Nếu đưa tin cho rằng một nhóm người là “phản động” hoặc bị “phản động lợi dụng”, nhà báo bắt buộc phải lấy ý kiến của ít nhất một người trong số đó hay nói cách khác, phải để các bên có cơ hội lên tiếng bình đẳng.

Một nguyên tắc khác là: “Nếu sai, phải nhận!”. Nhà báo cũng như tờ báo phải có thái độ và cách hành xử đó. Đã sai là nhận trách nhiệm, nhận lỗi, và xin lỗi, bồi thường. Không có chuyện sử dụng uyển ngữ, nói tránh đi thành “nói lại cho rõ” chẳng hạn.

Ðương nhiên, đây là nguyên tắc đạo đức nhà báo theo chuẩn mực của Phương Tây và ở một phần đáng kể trên thế giới. Còn ở Việt Nam mình, có lẽ vẫn phải mượn ý nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến: báo chí nó khác, khác ghê lắm!
Ðoan Trang

Nguồn : Nhịp cầu Thế giới

Ông già OZON lại bị báo An ninh Thế giới ...đăng bài.

  Hôm nay 26 tháng 10 năm 2011, báo An ninh thế giới đăng bài " Nước OZON" là khắc tinh của chân tay miệng ?. Nước này là nước gì, ở đâu ra, nó dùng cho việc gì, giá cả ra sao ...vv mời bà con mua tờ An ninh Thế giới số 1.106 để đọc và tìm hiểu.
  Ở đây, tôi chỉ xin thưa với bà con một điều về  Ông Tiến sỹ đã nghiên cứu và cho ra đời cái thứ nước để ứng dụng cho việc chữa được nhiều thứ bệnh quái quỷ đang hoành hành : H5N1, bệnh chân tay miệng - căn bệnh mà báo chí và Bộ y tế ta đang tốn nhiều giấy mực để ...họp báo, tuyên truyền đến dày đặc trên mặt báo.

Trang bìa An ninh Thế giới ngày 26.10

  Không biết là bên chỗ Chị Tiến - bộ y tế đã đọc bào báo này chưa, hay bà con nào gần chỗ chị làm thì mang biếu chị một tờ vì chắc chắn tin trên bờ lốc này khó có thể đến với chị. Mấy hôm rồi thấy chị họp báo suốt về căn bệnh chân tay miệng quái quỷ này đã giết chết hàng trăm người ở khắp 63 tỉnh thành cả nước. Chị cũng cho biết là chưa có vác xin phòng bệnh này, đồng thời bộ y tế cũng chưa công bố dịch vì các nước bên cạnh chưa ...công bố !
 Và quả thực, nếu dịch chân tay miệng được dập bằng thứ " nước ozon " thì không biết ông Tiến sỹ khoa học mà đài HTV1 đang bôi nhọ có được bên chị Tiến y tế mời đến để tham vấn hay không ?

 Ông TS Khải - ông già OZON đeo máy ảnh trước ngực tại bờ hồ ngày 14. 8. 2011 cùng TS Quang A, Đại tá Đăng Quang, Nhà văn Vũ Ngọc Tiến và bạn bè đi biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn.

  Vụ kiện HTV1 đang được tòa án Đống Đa thụ lý hiện đã đến lần thứ 5 làm việc giữa bên nguyên với tòa, tuy nhiên, sau khi tòa trả đơn khởi kiện hôm 21.10 thì khiếu nại của bên nguyên đã được gửi đến Chánh án ngay hôm sau, tòa cũng vừa mới hẹn các bác Đăng Quang, bác Khải đến để làm việc lần thứ 6 vào 9 giờ ngày mai : 27. 10 .2011.
 



25 tháng 10, 2011

Chống lại chủ trương lớn của tập thể ?

    Văn bản cấm chơi golf được ban hành, báo nói là Anh Thăng bộ trưởng ban ra nhưng chỉ là cho nội bộ.
     Báo lại nói là bên tư pháp tuýt còi vì không hợp pháp. Chưa thấy báo nào nói là có thu hồi hay không ? hàng năm báo cũng cho biết có cả ngàn văn bản được ban hành trái luật ở mọi cấp. Thu hồi hay không thì cũng chưa thống kê ở đâu, nơi ban hành có bị phê bình hay kỷ luật không , chịu.


Thời anh Thăng : lô dầu 127 và 128 nằm sát bờ ta, dạo trước Tàu cho cắt cáp đây.

  Về phương diện làm việc thì mình cho rằng : khi ban hành một cái văn bản cấm thì cần có cố vấn về pháp lý, trong đám tay chân của mình phải có thằng giỏi về thứ ấy nó giúp, bảo ban là thế này thế kia,  được phép hay không...vv. Cũng có thể anh Thăng mới nhận chức nên chưa tìm được cố vấn đủ tầm như thế nên phải ôm tất. Làm nhiều thì sai nhiều có sao, sai thì sửa, lãnh đạo ta vẫn nói thế mà. Chỉ sợ biết sai mà không chịu sửa thì nó mới đáng bị phê phán.
    Học sinh làm bài sai thì cô chỉ cho, đến khi nhận ra sai thì thôi. Nhận ra để hiểu là mình chưa đủ kiến thức, chưa học bằng bạn bên cạnh, cần cố gắng để vươn lên, học Thày không tày học bạn. Huống hồ là cán bộ to còn không nhớ câu này thì hơi lạ.
    Đơn giản hơn, nếu định cấm chơi Golf thì phải hỏi : sao bọn nào cấp phép sân golf nhiều vậy, cho ai chơi, tây hay phi đến chơi...? hoặc chỉ cho ngành khác chơi mà dân GTVT không được chơi vì Đất nước còn nhiều việc đang phải làm ?
 Bỗng nhớ câu của ông chủ DAWOO : " Thế giới còn nhiều việc phải làm " thì lại liên tưởng biết đâu anh Thăng có tố chất như ông chủ tập đoàn nổi tiếng Hàn quốc đó ?
    Nhưng về phương diện quyền của cá nhân thì sao : chủ nhật nghỉ, thằng cậu bên tây về mời đi Sao đỏ hay Đồng mô chơi với mấy quan chức bên ngành Tài nguyên để tìm mối xuất quặng sang đó. Đáng đi lắm chứ, mà lại được bao sân thì sao ? chả nhẽ đội mũ kín mặt rồi đi trộm ? rồi lại nghĩ thôi cứ đi rồi nếu giám sát của bộ có biết thì mình bảo đi nhưng không chơi mà chỉ lấy quan hệ làm ăn cho Đất nước thôi, đáng khen thưởng là khác.
   Sân golf, chơi golf, nghĩ về golf  ra sao khi nó nằm chễm chệ trên cánh đồng màu mỡ ngày xưa cho một năm hai vụ lúa bội thu ? đó mới cần anh Thăng xuất hiện sớm. Giá như cái thời duyệt sân golf mà giời sinh ra một vài anh Thăng thì biết đâu, cả nước sẽ giữ được nhiều sân golf vốn nằm trên lúa, ngành xuất khẩu gạo của ta sẽ tiến nhanh, tiến mạnh lên ...hàng đầu Thế giới. Tiến lên hàng đầu rồi ...đi tiếp.
 Tiếc quá cho bà con nông dân !

Tiếu lâm : Ngà voi, sừng tê giác bằng ...xương.

     Alo ở đâu đấy, về quán bia Hiếu béo ngay, vừa kiếm được con  sừng tê giác 3 cân !
   Khiếp quá, dân Việt nam kiếm sừng tê giác dễ như kiếm sừng trâu Phú Thọ vậy. Nghe ông bàn bên gọi điện mà sởn da gà.
  Anh bạn ngồi cạnh bảo : ối đại gia mua sừng tê giác và sừng voi về dùng cứ tưởng thật, mài ra uống nhưng thực ra uống ...xương trâu bò, ngựa. Rồi anh kể : có lần được đi cùng để theo ông ta đi cắt sừng tê giác, chứng kiến từ đầu đến cuối : từ lúc xem nó đang đi lại, chân bị xích. Bùm, súng đạn mê bắn ra và khách ( VIP ) mua được vào cùng dùng cưa để cưa sừng. Chắc 100% rồi còn gì, đố thằng nào dám nói đấy là sừng đểu ?
 Vâng, vẫn bị lừa các bố ạ.
 Ba  cái trò thủ công đôi khi vẫn lừa được lũ lắm tiền mà óc cừu. Sừng thì vẫn là xương bình thường, giám định đi, mang ra ngoài nước giám định mẫu đi, vẫn ok. Xịn ! sừng được cắm vào khi nó chưa được mang ra diễn. Mai bán cho ông này sừng này, ngày kia cắm cái khác, cho VIP khác đi cả ngàn cây số để đến " trực tiếp cắt sừng cho yên tâm".

Hàng giả tuốt ! Ảnh : triển lãm điêu khắc của Đức ( net)
      Móng vuốt hổ, vuốt gấu - trực tiếp rút từ chân nhé. Xịn !
 Cũng lại cắm trước vào cho VIP rút. He he, tiền từ túi người này sang túi người khác, mua nhanh rút nhanh kẻo hải quan, kiểm lâm nó truy thì anh em mình toi hết. Tiền trao nhanh, cho vào cốp xe xịn rồi ...rút nhanh về Hà nội dùng.
   - Mày làm cho anh 3 cái tê giác nhé, từ hai ký rưỡi đến 3 ký mỗi cái. Bao tiền thì bảo, đưa hàng tối mai. Khiếp cứ như mua  sừng bò ở chợ Mai động. Hóa ra vứt vào đống hàng tiêu hủy cho đủ số lượng, mấy ông buôn sừng trâu bảo vậy.
 Đọc tin trên các báo nói rằng tịch thu và tiêu hủy tấn sừng, tấn ngà voi mà như chuyện đúng rồi. Ai đảm bảo đó là đồ thật, đồ thật ở đâu ra lắm thế ? Thời buổi của khôn người khó, voi và tê giác tiệt chủng cả rồi mà vẫn có cả ...tấn sừng thì nghe có lý không ?
 Tiền bà con nộp thuế có khi vào cả đống sừng giả đó.

Báo QDND ơi, bọn HWR lại '' thò mũi" vào chuyện nội bọ của ta !

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ
Hình: Cù Huy Hà Vũ
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ
Giải thưởng thường niên của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ, năm nay được trao cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và nhà tranh đấu vì quyền lợi công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh.
Lễ trao giải sẽ diễn ra đúng vào ngày Quốc tế Nhân Quyền 10/12 năm nay tại thành phố Melbourne, Australia.

Ông Đoàn Việt Trung, Trưởng Ban Tổ chức lễ trao giải, phát biểu với VOA Việt Ngữ:
“Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã được chọn. Hai người này rất xứng đáng. Họ đã chứng tỏ lòng đấu tranh kiên trì và can đảm. Cô Hạnh ngay đến bây giờ trong khi đang bị giam trong tù, vẫn khẳng định  lý tưởng của mình, mong muốn Việt Nam dân chủ, tự do, người lao động không bị luật lệ của nhà nước gò bó. Còn luật sư Vũ được nhiều người biết đến qua các bài viết rất sắc bén. Giải thường dành cho họ là món quà nhỏ tượng trưng để nói với họ và người thân của họ là người Việt không quên những hy sinh của họ, và vinh danh họ rất trân trọng.”

Tháng tư năm nay, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bị tuyên án 7 năm tù về tội 'tuyên truyền chống phá nhà nước' vì những bài viết cổ võ cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Tháng hai năm ngoái, cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị tuyên án 7 năm tù giam về tội 'phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân', theo điều 89 Bộ luật Hình sự Việt Nam, sau khi cô tham gia rải truyền đơn kêu gọi dân chủ và kêu gọi công nhân xí nghiệp giày Vĩnh Phong ở Trà Vinh tranh đấu đòi cải thiện lương bổng và quyền lợi người lao động.

Giải Nhân quyền Việt Nam được thành lập từ năm 2002 nhằm vinh danh những nhân vật đấu tranh bất bạo động, cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam và thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ của cộng đồng người Việt hải ngoại đối với các nỗ lực kêu gọi nhân quyền cho người Việt Nam trong nước.
Nhà hoạt động Ðỗ thị Minh Hạnh
MLNQVN
Nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh, tranh đấu vì quyền lợi công nhân
 
 Nguồn : VOA.
 
PS: Đề nghị báo QDND cho viết ngay bài để tỏ rõ chính kiến của mình, sao cứ để những '' cái mũi" thò vào nội. bộ.quần. chúng. ta vậy ?

Nhân cách của người ăn xin.

  Thời nào cũng vậy, cũng có hành khất, ăn xin, ăn cướp.
 Kể cả khi xã hội đầy rẫy cảnh giàu có, văn minh đến mấy. Người ăn xin đủ dạng, đủ kiểu nếu đi sâu vào tìm hiểu để biết hòan cảnh của họ. Ăn cướp cũng vậy, cũng đa dạng hoàn cảnh, số phận.

Cụ già ăn xin trên phố Hàng Than - Thanh hóa.Ảnh : Lê Dũng

    Hôm rồi mấy anh em cùng khu rủ ăn sáng ngoài hè, gặp anh em nhà đại gia quê Thanh hóa đang ăn cháo lòng quán bên. Mấy anh em hỏi nhau : anh em  họ từ trong đó ra đây làm thế nào mà lấy được một góc công viên đẹp nhất Hà đông để làm quán ca fe, một góc khác bên cây cầu Đen mới làm để làm quán nhậu,. mỗi cái cả hecta hơn ?
   Rồi đang ăn sáng thì gặp một cụ già cỡ trên dưới bảy chục chìa tay xin. Nhìn Cụ béo tốt giống như một chủ tiệm ở chợ, mang đồ đẹp, túi xách tay như của bọn con gái, áo quần và da dẻ rất không giống nhiều ăn xin khác. Biếu Cụ mấy đồng rồi hỏi chuyện, Cụ bảo quê Hà tĩnh, con nó làm cán bộ rồi cho ở riêng, hắt hủi nên đi xin để cho xã hội biết, chứ gạo ăn hay nhà ở thì không thiếu.
   Đấy, có các hoàn cảnh khác nhau, các động cơ khác nhau để khiến họ ra đường trong đó có các Mẹ già đã ở tuổi gần đất xa trời. Họ đi xin ăn vì đói thực, cũng có người không vì đói mà vì đói tình, đói cái nghĩa của chính những con người ruột thịt mà họ sinh ra, hay cùng một dòng máu.
    Nhưng dù sao thì tất cả những người đi ăn xin theo mình họ vẫn đáng được tôn trọng bởi họ đã vượt qua chính mình. Họ bỏ qua được cái sĩ diện hão huyền, cái tôi quá lớn trong họ. Họ đủ can đảm để không đi ăn cướp ngay cả khi họ có khả năng, có cơ hội ăn cướp.
 Còn kẻ cướp thì sao : đa số chúng có sức khỏe, phương tiện, điều kiện và hoàn cảnh để đi cướp.


   Kẻ cướp ở mọi thời đều vẫn chỉ là kẻ cướp, không có thể gọi khác được. Kể cả những thứ chúng cướp không thể mang về bán ra tiền được, những thứ cướp được cũng không dùng vào làm được việc gì cho chúng.

   Một xã hội tiến đến văn minh đều phấn đấu để mọi cá nhân nhận thức được hành vi của mình. Có thể phải mất một thời gian dài để nhận thức được hoàn thiện, tuy nhiên lịch sử thì không quay lại.
   Nhân cách của người ăn xin và kẻ cướp - rất đơn giản để cảm nhận.

23 tháng 10, 2011

Tội cho thằng mõ làng.

    Năm tân mão, thời nhà sản xứ Sân golf.
 Ngoại bang liên tục tìm cách xâm chiếm bờ cõi, có cái thác đẹp nhất nó cũng chiếm mất ba phần tư, cái vịnh lớn cũng bị lấy mất mấy mảnh, cửa ải cũng bị khiêng lùi xuống phía nam cả mấy ngàn con dao quăng.
  Mùa hè năm ấy, xứ Tề cho quân giả làm tàu cá hùng hổ tiến đến biển của sứ sân golf, cắt cáp và quậy phá tàu đi tìm chất đốt, dọa nạt và tuyên truyền mạnh mẽ trong nước là biển đảo của Tề quốc đang bị bọn Sân golf cướp, chiếm mất nhiều phần, dân Tề đầu nóng như lửa đốt bởi các Mõ của Tề được ăn rồi thi nhau đi rao giảng khắp làng khắp chốn.
   Dân xứ Sân golf thấy tin từ biển nhà báo về như thế như thế bèn hẹn nhau ra cửa nhà đại diện Tề quốc để phản đối, đòi Tề phải tôn trọng lệ làng phép nước. Cờ quạt chuông mõ của Dân Sân golf khua vang cả ba tháng mùa hè rồi sang mùa thu liên tiếp.
   Tề quốc sai mật quân sang ngấm ngầm mua chuộc, chỉ đạo vài mệnh quan triều đình xứ Sân golf, cho ít gái đẹp, vàng mã rồi dặn cứ thế cứ thế mà làm. Vài thảo dân bị bắt khi đi phản đối, nhốt bỏ tù vài ngày rồi cho về, sai quan nha quản thúc ngày đêm tại gia, cứ đi ỉa cũng phải canh giữ cẩn thận. Tuy nhiên cũng cho tiền để ăn bánh đúc buổi sáng, uống rượu lòng lợn tiết canh cũng được, miễn là cứ ở nhà, không ra kia ra đấy để la hét phản đối. Kể cũng bực mình mà còn gây cười đến có thể lấy tre nứa viết thành sách cho đời sau đọc về chuyện lạ đời.
   Chuyện chả có gì nếu thằng Mõ làng không chót rao theo chỉ bảo bằng miệng của chánh tổng. Nó rao rằng :" dân Sân golf cả trí phú địa hào và dân chúng đi phản đối Tề là do bọn xứ Cờ hoa cho tiền, xúi giục, có ý làm phản". 

  Nhân sỹ xứ Sân golf  vốn đã chán, không chịu nhục  thêm được bèn đến quan thưa kiện, đòi mang thằng Mõ ra xử, bắt đền. Quan tòa vốn quen làm ba chuyện xử án trộm cắp, đĩ điếm hối lộ nên chuyên môn về chuyện này yếu bèn phán bừa : " thưa kiện gì thì thưa, cần phải đi lại nhiều lần, mỗi lần bổ sung thêm " giấy". Lộ phí đi lại tốn kém vả lại phải bỏ công ăn việc làm để thưa kiện sẽ khiến bọn dân kiện này nản chí có lẽ sẽ tự quên thôi - quan nghĩ thế cũng bởi bọn này chả mang đến nhà riêng quan cái gì, chờ mãi vợ quan vẫn chưa thấy chúng ghé qua cửa hậu.
   Không ngờ, bọn dân này thất nghiệp và đa số cũng đã hết tuổi làm ăn nên rảnh rỗi, cộng thêm có cả mấy chục  tên có nghề luật học ở xứ Cờ hoa về xúi bẩy nên cứ đòi gì là lại có ngay. Chỉ mỗi chuyện chúng không hiểu là nhà quan đang cần vài con trâu để cày mấy mẫu ruộng vừa được bọn dân dưới làng cung tiến, thế mà gợi ý mãi bọn dân kiện vẫn cứ không chịu hiểu.
    Đã thế, bọn này còn tập trung lại, đi bộ từ cửa quan đến tận nhà thằng Mõ để hỏi cho ra nhẽ. Mõ thấy thế trốn ngay vào hố xí, nói bọn nô bộc xay lúa giã gạo là bảo chúng nó là tao đưa vợ đi đẻ, mấy ngày nữa mới về. Hú hồn hú vía, còn mất cả mấy lít rượu nếp với con gà cho bọn Chí Phèo và Binh Chức nó nhậu tối nay để mang đao kiếm ra chặn, dọa nhưng cũng vẫn chưa hết sợ.
   Dân Sân golf hẹn dịp quay lại, mà hẹn đến tận cái trái nhà chỗ thằng Mõ ở cùng con vợ vừa đẻ để hỏi chuyện. Cứ nhằm lúc trời tảng sáng là kéo nhau đến cổng hò hét, đòi gặp, đòi hỏi cho ra nhẽ. Nếu chưa gặp được thì sẽ hỏi đường về tận quê nhà Mõ, gặp trưởng họ, gặp trưởng thôn nhà nó để nói chuyện.
  Khổ thân thằng Mõ quá, chỉ bởi ngu ngốc thất học nên quan nói một thì lại hiểu ra một rưỡi nên cứ rao bừa, lại cứ tưởng rao nhiều thì Dân sợ mà chăm chỉ làm ăn, không đi phản đối Tề nữa, biết đâu Tề sẽ mời sang cho thưởng thức gái ở Yểu ngư đài.
   Thôi, cũng là vận hạn biết làm sao ? Mõ đang tìm cách xin xỏ có khi phải chuyển đến làm cho cụ Chánh làng bên, tuổi cao cũng bởi có tí  chữ học lỏm làm câu thơ gà vịt nên vợ cụ Chánh cần lúc cụ Chánh vắng nhà, có Mõ trổ tài mang mồm ra thổi mấy chỗ đỡ buồn. Nay gặp phải năm vận hạn đành phải chịu cảnh trốn chui, trốn lủi. Tuy vậy Mõ nghĩ đời mình vẫn còn xuân chán khi thấy bên xứ Lí Bì kia, đến cả Đế Vương còn phải chui cống vì bọn dân nó truy sát thì phận Mõ xá gì.
  Mõ đang ngày đêm cắn rơm cắn cỏ nhờ Cụ Chánh ra tay cứu giúp, rủi có thế nào thì cũng xin một chân Mõ làng khác để kiếm cơm, bỏ làng ra đi cũng được nhưng Mõ vẫn cần cơm để nuôi con vợ mới đẻ, con còn đỏ hỏn.
 Tội cho thằng Mõ quá.