22 tháng 2, 2014

Quan thanh tra có khác, cổng vào nhà đẹp hơn cổng văn phòng chính phủ.

TBT Kim Quốc Hoa: "Đủ cơ sở đưa tin về biệt thự của ông Truyền"

Duy Châu - theo Trí Thức Trẻ | 22/02/2014 13:13

Ảnh: Hà Nội mới

(Soha.vn) - Tổng biên tập Kim Quốc Hoa cho rằng, báo Người Cao Tuổi có đủ cơ sở về những vấn đề đã nêu liên quan đến khối tài sản của ông Truyền...

Ngày 21/2, báo Người Cao Tuổi thông tin: Trang THƯ GIÃN CUỐI TUẦN kì này trân trọng kính mời bạn đọc “chiêm ngưỡng” một số hình ảnh về “của nổi” là những dinh thự, biệt thự, nhà đất, một phần trong khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP). 
Ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. 
Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng (ảnh 1) và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ (ảnh 3), nghe nói có cả tốp thợ Nam Hà thi công nhiều tháng qua. Những căn nhà gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt. 
Hình ảnh được cho là dinh thự của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: báo Người cao tuổi)
Hình ảnh được cho là dinh thự của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: báo Người cao tuổi)
Theo báo Người Cao Tuổi, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Người ta còn đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng, v.v…
Ông Kim Quốc Hoa.
Ông Kim Quốc Hoa.
Trao đổi nhanh với chúng tôi trong sáng 22/2, ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi cho biết, tòa soạn có đủ cơ sở về những vấn đề đã nêu.
"Chúng tôi có đủ cơ sở về vấn đề này và trong bài báo chúng tôi cũng đã nói rõ là thông tin thì nhiều, có thể chưa đầy đủ hoặc có chi tiết chưa chính xác, song những tấm ảnh mà độc giả mục sở thị trong trang này là hiện thực nhãn tiền, không thể bịa ra được. 
Báo Người Cao Tuổi hiện vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của ông Truyền. Còn ông Truyền có ý kiến phản hồi về việc này thì cần gửi văn bản chính thức đến báo Người Cao Tuổi, lúc đó, chúng tôi sẽ cho điều tra, xác minh lại nếu chưa chính xác chúng tôi sẵn sàng cải chính...", ông Hoa nói.
Ông Hoa cũng cho biết, sau khi đăng tải thông tin liên quan đến tài sản của ông Truyền, ông đã nhận được một số ý kiến từ một số nơi...
Trước đó, trao đổi với PV, ông Truyền cho rằng: “Tôi có thể khẳng định rằng phần lớn nội dung mà tờ báo đó đã đưa là không chính xác, không đúng sự thật.
Việc đưa những thông tin đó lên mặt báo có thể sẽ gây kích động và khiến người dân ở nơi đây mất niềm tin vào cán bộ nhất là một cán bộ như tôi đã từng làm Bí thư Tỉnh ủy tại đây. Người đưa những thông tin về tôi như vậy là không hiểu rõ, hiểu hết.
Tôi không hiểu anh em đưa tin cho hứng khởi hay có mục đích gì. Tuy nhiên, khi đưa những thông tin về tôi như vậy thì cũng phải thận trọng, phải nói chính xác. Chuyện không có mà nói là có thì tức là với dụng ý xấu”.
Dưới đây là những hình ảnh báo Người Cao Tuổi đã đưa, chú thích ảnh của báo Người Cao Tuổi:
Cổng chính đi vào dinh thự và “dự án gia đình” của ông Trần Văn Truyền màu sắc như sơn son thếp vàng.
Cổng chính đi vào dinh thự và “dự án gia đình” của ông Trần Văn Truyền màu sắc như sơn son thếp vàng.
Nhà gỗ nhìn từ phía bên hông, “dự án gia đình” ông Truyền phía trong có 4 căn nhà gỗ kiểu biệt thự nhỏ, đều lợp ngói đỏ.
Nhà gỗ nhìn từ phía bên hông, “dự án gia đình” ông Truyền phía trong có 4 căn nhà gỗ kiểu biệt thự nhỏ, đều lợp ngói đỏ.
Một góc dinh thự chính.
Một góc dinh thự chính.
Căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre cấp cho ông Trần Văn Truyền lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, TP Bến Tre rộng 300m2 vốn đây là trụ sở Hội VHNT tỉnh bị đập đi để xây biệt thự cho ông Trần Văn Truyền nay cho doanh nghiệp tư nhân thuê.
Căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre cấp cho ông Trần Văn Truyền lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, TP Bến Tre rộng 300m2 vốn đây là trụ sở Hội VHNT tỉnh bị đập đi để xây biệt thự cho ông Trần Văn Truyền nay cho doanh nghiệp tư nhân thuê.
Ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê.
Ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê.

http://soha.vn/xa-hoi/tbt-kim-quoc-hoa-du-co-so-dua-tin-ve-biet-thu-cua-ong-truyen-20140222115827327.htm

20 tháng 2, 2014

Một bộ máy 'ngốn' 77 sân vận động Mỹ Đình


Làm phép tính sẽ thấy, một năm ta chi vào bộ máy xóa đói giảm nghèo 3,5 tỷ USD, tương đương giá trị... 77 sân vận động Mỹ Đình.
"Lên đồng" với tiệc tùng
LTS: Tiếp tục với đề tài dài hơi Chi tiêu tiết kiệm, hạn chế lãng phí đã triển khai cuối năm 2013 và đầu 2014, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Lê Nguyễn Duy Hậu như một góc nhìn tham chiếu.
Con số giật mình
Theo số liệu của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cung cấp cho báo chí, Quỹ xóa đói giảm nghèo của VN trong giai đoạn 2011-2013 đạt mức 120 nghìn tỷ đồng/năm (khoảng 5,5 tỷ USD).
Việt Nam hiện nay có từ khoảng 500 nghìn đến 3 triệu hộ nghèo theo nhiều nguồn khác nhau. Đa số các hộ nghèo tập trung ở khu vực nông thôn, nơi thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 4,2 triệu đồng/người/năm.
Thử làm một phép tính nhỏ, nếu lấy 120 nghìn tỷ đồng/năm chia cho tổng số 500 nghìn hộ nghèo ở Việt Nam, sẽ ra kinh phí hàng năm để giúp một hộ thoát nghèo là 240 triệu đồng, tức 20 triệu đồng/hộ/tháng.
Nếu chia bình quân cho một hộ cơ bản bốn thành viên, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo nhận hỗ trợ sẽ là 5 triệu đồng/người/tháng. Tức là gấp 10 lần chuẩn nghèo ở thành thị (500 nghìn đồng/người/tháng) và lớn hơn của thu nhập bình quân đầu người của nông dân.
Kết quả sẽ thay đổi nếu chúng ta chia cho 3 triệu hộ nghèo theo thông tin từ một nguồn khác. Nhưng con số 240 triệu đồng như trên có vẻ phù hợp với thông tin do Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cung cấp cho báo Đại đoàn kết ngày 29/9/2013 là 180 triệu đồng/hộ/năm, chia từ nguồn quỹ 90 nghìn tỷ đồng/năm trước 2011.
xóa đói giảm nghèo, lãng phí, sân vận động Mỹ Đình, nợ công
Ảnh minh họa
Tiền thực sự đã đi đâu?
Nếu thực sự hàng tháng, các hộ nghèo nhận được 20 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ xóa đói giảm nghèo, thì chúng ta xem như đã cơ bản xóa nghèo vĩnh viễn cho toàn bộ các hộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, theo thừa nhận của thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, mỗi năm số tiền người nghèo tiếp cận được chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/hộ, tức là bằng 4% - 6% tổng số tiền Quỹ trích ra để chăm lo cho mỗi hộ. Câu hỏi đặt ra là 94% nguồn tiền còn lại hàng năm của Quỹ được sử dụng cho mục đích gì?
"Bộ máy quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo quá đồ sộ", Thứ trưởng Đặng Huy Đông tiếp tục thông tin. "Tỷ lệ chi cho hành chính, sự nghiệp chiếm hơn 63% tổng số tiền giảm nghèo huy động được. Còn mức chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm hơn 36%." (Báo Đại đoàn kết) Tức là chi phí để vận hành cả một bộ máy xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện đang ở mức 75,6 nghìn tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 3.5 tỷ USD.
Như vậy, để mỗi hộ nghèo tiếp cận được 15 triệu đồng/năm, Quỹ phải chi cho bộ máy vận hành là 150 triệu đồng. Có nghĩa, cứ mỗi 1 đồng người nghèo được nhận thì 10 đồng được trả cho bộ máy này!
Nguyên tắc của xóa đói giảm nghèo là trao cho người nghèo cần câu chứ không phải cho họ con cá. Chính vì thế, việc duy trì một bộ máy hành chính để giúp người dân phát triển vốn làm ăn, tay nghề để tự bản thân họ thoát nghèo và chấm dứt việc hỗ trợ tài chính từ bên ngoài là rất cần thiết. Nhưng liệu tỷ lệ 1 trên 10 như hiện nay có thực sự là lý tưởng và hiệu quả?
Nên nhớ, 15 triệu đồng/năm chỉ là số tiền người nghèo tiếp cận được, chứ không phải là số tiền thực tế được chi trực tiếp đến người nghèo. Nói như vậy nghĩa là số tiền trên bao gồm cả những chi phí cho việc đào tạo, cấp vốn, hỗ trợ việc làm, giáo dục, đời sống... cho người nghèo.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc người nghèo tiếp cận nguồn vốn quá thấp như hiện nay là do các địa phương cũng sử dụng nguồn tiền xóa đói giảm nghèo để đầu tư cho những dự án phát triển vùng, dự án nông nghiệp, dự án cơ sở hạ tầng. Điều này thoạt nghe có vẻ hợp lý, vì sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu người nghèo bắt đầu làm ăn ở những vùng mà điện, nước, trường học, bệnh viện đều thiếu hụt.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, số tiền dành cho xây dựng, phát triển nông thôn, nông nghiệp là một mục rất quan trọng được Quốc hội thông qua hàng năm khi phê duyệt ngân sách quốc gia. Câu hỏi đặt ra là, nếu như các địa phương sử dụng nguồn tiền xóa đói giảm nghèo để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dự án nông nghiệp tại địa phương thì nguồn ngân sách hàng năm cho việc này được dùng vào việc gì?
Vấn đề này được chính các Đại biểu Quốc hội đại diện cho những tỉnh nghèo nêu ra. Chẳng hạn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành thuộc đoàn Lạng Sơn, từng ví von việc nhiều địa phương đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng đều tính vào đầu tư xóa đói giảm nghèo là hình thức "4-5 người ăn một con gà, nên chỉ có một con gà nhưng được tính thành 4-5 con gà."(Báo Đầu tư)
Nói dễ hiểu hơn, 4-5 hóa đơn đã được đưa ra để thu lại từ ngân sách nhà nước cho cùng một bữa ăn. Đáng tiếc rằng câu hỏi trên đã không được giải trình thỏa đáng, hoặc nếu có thì đã không được thông tin đến các cử tri.
Không thể phủ nhận những thành tựu mà chương trình xóa đói giảm nghèo đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu không có một quan điểm kinh tế nào có thể giải thích cho hiện tượng đã nêu và những con số kể trên là thật, thì có thể khẳng định Việt Nam đang chứng kiến một sự lãng phí hàng năm lên đến con số hàng trăm nghìn tỷ đồng.
77 sân vận động Mỹ Đình
Có lẽ đã đến lúc Quốc hội cần mở một cuộc điều tra cụ thể và toàn diện về hiệu quả và tính hợp lý của chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam hiện nay. Ngay cả việc Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong những quốc gia có tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện mục tiêu thiên nhiên kỷ thì cũng không thể biện minh cho sự lãng phí và thiếu hiệu quả quá lớn nguồn vốn như hiện nay. Bởi vì để đạt được thành tựu đó, có vẻ như Việt Nam đang đánh đổi cả sự phát triển về kinh tế lẫn ổn định chính trị, khi chỉ số nợ công của Việt Nam theo nhiều dự báo đã lên đến 95% GDP.
Để kết thúc bài viết, tác giả muốn đưa ra một vài con số để tham khảo. Tổng chi phí xây dựng SVĐQG Mỹ Đình vào thời điểm 2003 là 52 triệu USD, tức khoảng 65 triệu USD vào năm 2013. Tổng chi phí dự kiến để xây dựng hệ thống đường sắt metro ở TPHCM là khoảng 5 tỷ USD.
Làm phép tính, ta sẽ thấy một năm chúng ta đã chi vào bộ máy xóa đói giảm nghèo (3,5 tỷ USD) tương đương giá trị 77 sân vận động Mỹ Đình và gần 75% hệ thống đường metro ở TPHCM. Có lẽ chỉ có những nhà kinh tế học mới có thể biện minh thỏa đáng cho hiện tượng này, vì đối với những người dân, không một suy nghĩ thông thường nào có thể giải thích được cho sự lãng phí khủng khiếp kể trên.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Bài cùng tác giả:
Ẩu đả tại Thái Nguyên và chuyện 'tháo ngòi nổ'
Việc "tháo ngòi" những ẩu đả này phải là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là nỗi lo về hình ảnh của VN trong mắt bạn bè quốc tế.
Từ phát ngôn 'thần đồng' đến clip xé đề cương
Cách xã hội phản ứng lại hai sự kiện, bài phỏng vấn bé Đỗ Nhật Nam và clip "xé đề cương Sử", đã cho thấy nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay.
 
----
Nguồn tham khảo:
- Chính sách về xóa đói giảm nghèo đã phát huy tác dụng, Báo điện tử ĐCSVN, 20/10/2013
- Đầu tư giảm nghèo kiểu "một con gà 4 - 5 người ăn", Báo Đầu tư, 24/10/2013.
- Cả nước còn hơn 3 triệu hộ nghèo, Vnexpress, 30/5/2011.
- Ai giám sát tiền hỗ trợ giảm nghèo?, Báo Đại Đoàn kết, 29/09/2013.
- Nợ công của Việt Nam có thể lên đến 95% GDP, TBKTSG, 22/11/2013.

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/162165/mot-bo-may--ngon--77-san-van-dong-my-dinh.html
  • Từ khóa: