23 tháng 9, 2011

Hà nội có trở thành dĩ vãng ?

 Mình cứ bảo tranh thủ rỗi thì sẽ làm cái tổng hợp về mùa hè 2011 - một mùa hè rực lửa của Hà nội - nhưng bận quá, chưa làm được.
 Mấy cái ngày giữa hè tháng 6 thì khó quên đối với những người Hà nội nếu họ là những người quan tâm đến cái sứ quán tàu, Cột cờ, bờ hồ Hoàn Kiếm vào ngày chủ nhật.  Cái sự kiện hiếm có trong suốt cả vài chục năm quan hệ khi Việt nam và Tàu đã gần như thân thiết, hứa hẹn và cam kết đủ điều, nó như tình vợ chồng mà chỉ thiếu có cái giấy đóng dấu củ khoai, xã hội gọi đó là : giấy đăng ký kết hôn.

 Biểu tình - mà biểu tình phản đối chuyện thằng bạn đang lao vào cướp, phá nhà phá cửa, bắt dân, cướp tàu, thậm chí bắn cả Dân của bạn bè - thế nhưng vẫn ít người ngay giữa Thủ đô văn minh chỉ coi đó là chuyện của thiên hạ, chuyện của mấy trí thức dở hơi, lắm chuyện.

    Hầu hết các gương mặt của mọi tầng lớp đều đã có mặt dưới chân cột cờ Hà nội cổ kính. Dưới nắng hè đỏ lửa, cháy đen mặt bất kỳ ai nếu chỉ cần phơi ra hai giờ thôi, không cần hóa trang thì bạn cũng có thể đen như dân châu Phi nếu tham gia đi dưới nắng như thế vài ba tuần.

   Mùa hè rồi cũng đã qua, thu Hà nội tiếp tục ghi nhận những hình ảnh đẹp bên Hồ gươm, dưới chân Đài cảm tử, cạnh đài phun nước... cả Hà nội lại tiếp tục hừng hực, rạo rực những ngày hào hùng bên Hồ gươm.

 Trẻ em Việt nam từ nước ngoài được nghỉ hè cũng về bờ hồ để đi với mọi người, tỏ rõ tinh thần Ái quốc khi Tổ quốc cần. Những giọt mồ hôi của các cháu đã được ghi nhận như ngày xưa Cha Ông ta từng ghi lại : một thiếu niên bóp nát quả cam bên ngoài hội nghị của các bô Lão bàn việc đánh giặc. Tinh thần yêu nước có thể không có gì cân đo được, tính theo tuổi được mà chỉ đo đếm qua hành vi, lời nói.



 Đỉnh điểm của sự kiện đáng nhớ này là sự tranh cãi của bà con biểu tình với phía các nhà quản lý Hà nội. Trí thức và Dân một bên, các nhà quản lý, chính quyền và báo chí  một bên, họ tranh biện về quyền biểu tình, quyền thể hiện lòng yêu nước theo cách mà mỗi bên suy nghĩ. Bên thì bảo : tôi cấm, bên thì bảo anh chả có quyền, Quốc hội không lên tiếng, các nghị sỹ im re, vậy ai đại diện cho Nhân dân ở Đất nước này ? chưa có câu trả lời.
 Đã có vài chục người bị Hà nội bắt cho lên xe buýt chở về về đồn công an khi họ đi biểu tình, có vài người bị giam giữ vài ngày. Có vài người đã bắt đầu khởi kiện chính quyền vì đã bắt giữ họ, giam giữ, đối xử với họ như tội phạm.
 Trí thức, nhân sỹ đã khởi kiện ti vi, báo chí vì các cơ quan truyền thông này dám vu khống, bôi nhọ những trí thức, đồng bào khi họ đi xuống đường biểu tình, phản đối sự ma giáo của bè lũ bành trướng Tàu cộng.  Nhiều người dân từng xuống đường biểu tình đang tiếp tục lên tiếng về các hành vi của một vài cơ quan chức năng cản trở họ khi họ thể hiện những thái độ đáp trả hành vi xâm lược của Tàu cộng.
  Mùa hè năm nay quả thực là một mùa hè rực lửa, nó kéo dài ngọn lửa yêu nước của đồng bào Hà nội sang tận mùa thu - mùa mà các nghệ sỹ đã xây dựng lên một Hà nội đẹp óng ả, duyên dáng mà không kém hào hoa, oanh liệt.
 Cần có những mùa hè như vậy để Lịch sử Hà nội được trải nghiệm, hoàn thiện hơn, hào hoa hơn. Một ngày mà Hà nội thiếu vắng du khách dạo chơi bên Hồ gươm ngày chủ nhật - Hà nội đã trở thành dĩ vãng.

Hãy dùng i meo, phây búc.

                                                Dưới cổng làng Đường Lâm. Ảnh : Buôn Gió.    
    Lâu ngày không gặp mấy anh bạn học cùng phổ thông, hôm qua bỗng dưng được gặp.
 Một anh bạn là giáo viên, một anh làm bí thư chi bộ, gọi thêm một lính thổi kèn, một thủ quỹ ngân hàng và một thợ nhôm kính, một thằng chánh văn phòng huyện, hai đứa làm thủy văn thời tiết - thế là đủ mâm, bia vào lời ra rôm rả như đám cưới ở Quê mình vậy.
 Rồi, nào hỏi thăm chồng con, vợ con, nhà cửa, chức vụ, thu nhập ...vv, có vàng cất đi chưa, có bồ hay không và rồi lại hỏi có i meo hay phây búc chưa.
 Hơn chục đữa thì có 3 đứa có i meo, mỗi mình chơi thêm phây búc. Thực tình là khi hỏi đến chuyện này thì cả đám bớt đi ồn ào nhiều bởi chủ đề câu chuyện nó đã chuyển sang một không khí mới. Thực ra, nếu chỉ bán bánh cuốn như bạn Hà, làm cửa nhôm kính như bạn Hỷ, thậm chí là giáo viên tiểu học như bạn Huy thì không có i meo hay gì nữa cũng được. Như bạn Tuyết làm ngân hàng thì đương nhiên giao dịch hàng ngày với sếp, cộng sự - báo cáo, thông báo, gửi và nhận tài liệu, chat hay làm gì đó vv, i meo là một phần cuộc sống của họ.
 Hay như tay bạn đang làm kế toán trưởng cho một tập đoàn xây dựng lớn nhất nhì miền bắc, chuyên làm về hầm, cọc nhồi, xây nhà thì i meo là một nửa cuộc sống của hắn. Nói không quá chứ sáng ra hắn mất hơn nửa tiếng để kiểm tra thư, trả lời thư của cả chục bộ phận, đội thi công, các phòng ban...vv đã gày mất nửa ký rồi. Nhìn hắn như thanh lạt gói bánh trưng trong khi tiền thì dày như tảng đá granit ngay cửa cơ quan, được đục, nạm chữ vàng vào để quảng cáo, giới thiệu  công ty. Nhưng dù thế thì hắn vẫn không dùng phây búc.
 Xong chuyện i meo, phây búc thì thằng Hậu làm chỗ quân nhạc bảo : dạo nọ tôi thấy trên mạng có ông ! ái chà, có tôi, mà mạng nào chứ ?
 Trên mạng mà có cả tên ông ghi trong đấy ấy. Á à, bờ lốc của tôi.
 Cả bọn hét lên : ông biết viết bờ lốc, ông viết cái gì, để làm gì ? trời ơi, lại trả lời, lại giải thích cho hai phần 3 trong hơn chục đứa bờ lốc là cái gì, dùng để làm gì, cho ai...vv và vv.
 Giải thích luôn phây búc là gì, cho ai dùng, để làm gì, ở đâu trên Thế giới dùng và dùng ra sao. Chết thật, mình bỗng dưng trở thành thày giáo về "công nghệ "mạng miếc, kinh quá. Đúng là nói như Hiệp Gà vừa bỏ vợ 2 : mình ngưỡng mộ mình quá !
 Tuyệt nhiên không dám câu nào chê hay phê bình bạn nào chưa dùng i meo hay phây búc. Bởi nói rồi : bán bánh cuốn hay lắp cửa nhôm kính thì dùng mấy cái đó cũng chỉ mất thời gian thêm, đang mải tráng bánh thì làm sao mang máy tính ra được ?
 Thế nhưng vẫn khuyên các bạn nên học sơ qua tí để dùng mấy cái thứ đó, nếu ngai chưa biết thì bảo con nó hướng dẫn cho chỉ hai tiếng là ổn. Đứa nào cũng có con lớn cả, có hai thằng còn lên chức ông nội rồi mà.
 Chỉ có tay bạn làm kế toán trưởng kia thẳng tính nói luôn : các ông bà đã lạc hậu, công nhận không, công nhận không ? - nó cứ hỏi dồn các bạn còn lại và bắt phải công nhận là đã lạc hậu. Nó bảo : nếu các ông bà muốn biết thông tin về  bạn bè hàng ngày thì phải có i meo, phây búc thì đòi hỏi cao hơn vì phải biết dùng cách vượt qua " tường lửa", tường này là gì ? nó lại mất hơn chục phút để giải thích tường lửa là gì.
 Còn nếu các ông bà vẫn không quyết tâm dùng i meo thì phải có điện thoại di động, mà đừng đổi số hay dùng sim rác khuyến mãi liên tục như bà Hà, bà Thủy, bà Thúy, bà Hiên, bà,,, nó biết đâu ở ngoại thành thì cứ thấy khuyến mãi rẻ là mua, cần gì số cũ ?
 Tóm lại là chúng ta cần cố lên một tí để hội nhập, những thứ đó rất có ích và làm cho các ông bà trẻ ra, năng động lên, có những thông tin kịp thời, đa dạng về mọi thứ : xã hội, bạn bè, cơ hội làm ăn, học tập và học cách tồn tại khi sức khỏe đã đến ngưỡng U50, U 60.
 Chia tay, hẹn nhau chậm nhất cuối tuần này là tất cả phải có i meo, ai có phây búc thì chơi luôn, nhớ tên tôi vào để có cưới con hay ông bà già ốm thì còn biết gọi nhau đi thăm.
 Đấy, người Hà nội đấy ạ, cách Hồ gươm có hai mươi ki lô mét thôi chứ đâu có xa.

21 tháng 9, 2011

Tượng đài và loại " tư duy tượng đài".

 Dạo trước, có anh nào đó trong một tỉnh nào đó vẽ ra cái dự án nghe rất vui : Khắc truyện Kiều lên núi đá.
 Dự án này chắc trình lên trung ương xin thì bị gọi điện chửi cho một trận vì tội đã có bệnh bụng to máu mỡ lại còn mang thêm bệnh nghệ sỹ nửa mùa, các nhà văn thì gọi là con điếm như đang gọi cho một anh chức sắc trong làng văn hiện nay.
 Cái dự án tượng đài Mẹ Việt nam anh hùng trong Quảng Nam đang tiến hành theo báo chí cho biết là : lãnh đạo tỉnh bảo thiếu tiền vẫn xây, vừa xây vừa vận động tiền thêm từ các nguồn, thiếu vẫn xây bởi không thể không xây, bởi nó rất hoành tráng. Xét về phương diện hoành tráng thì ở cấp tỉnh nghèo như Quảng nam thì tương đương với độ hoành tráng của dự án tàu cao tốc mà nhà nước đang bàn để làm.

Ảnh : trên mạng.

 Kiến trúc sư thiết kế kiêm luôn nhà thầu thi công thì cho rằng công trình tượng đài này là tất cả tâm huyết của anh ấy. Đúng, to vậy cơ mà, cả đời mấy ai được làm cái đó hai lần, cơ hội có một và cảm hứng đâu phải cứ ra Hàng Chiếu mua vi a gờ ra uống vào là ra cảm hứng được ?
  Tôi từng làm việc và biết những Kiến trúc sư ở Việt nam, những anh từng thiết kế cải tạo Nhà hát lớn, những anh chị được bà con trong làng biết và nể như:  Hồ Thiệu Trị, Trần Thanh Vân, Lê Trương, Hoàng Thúc Hào.. . Hỏi họ về những cái tượng đài hay bảo tàng ở ta đã và đang làm thì họ đều chỉ cười, họ bảo : rất ấn tượng ! chả hiểu ấn tượng theo cách gì mà cứ từ lúc khởi công đến lúc thi công đã vượt dự toán đến 5 lần ?
 Ví dụ cái dự án tượng đài mà bà con đang quan tâm, lúc đầu là 81 tỷ, bây giờ chưa xây đã vượt lên 430 tỷ mà đã mất 4 đến 5 năm - từ nhiệm kỳ của một lãnh đạo khác của tỉnh. Nào thì đổi từ đá thường ( rẻ) lên đá hoa cương ( đắt, bền), nâng chiều cao thêm vài mét, rộng thêm vài mét, rỗng cãi ruột bên trong thêm để có không gian - như lời anh Hài lãnh đạo tỉnh nói - cho bà con thăm thú, nghỉ ngơi. Chả biết có định làm thêm phòng nghỉ trong đó hay không ? Còn chuyện có tăng thêm kinh phí hay không cho đến khi khánh thành thì chỉ cần hỏi mấy bà nội trợ ngày nào cũng đi chợ mua đậu phụ cũng có thể có câu trả lời.

 Hôm chủ nhật tôi có đi Thanh hóa thăm viếng nhân ngày lễ hội Lam Kinh, trong đó cũng có tượng đài rất hoành tráng, quảng trường cũng rộng và thành phố ngày nay cũng khá hơn chục năm trước nhiều. Tuy nhiên, có cái xấu hơn trước : ăn xin vào tận bàn ăn của khách để xin, có cả Mẹ già và trẻ em.

                  Mẹ già đi xin ở các quán ăn chỗ phố ẩm thực Hàng than, TP Thanh hóa. Ảnh : Lê Dũng


" Khi chưa làm được những việc nhỏ, thiết thực như giúp đỡ người già và trẻ em có nơi nương tựa thì chưa nên xây bảo tàng hay tượng đài. Vì càng xây những cái đó thì càng phản cảm..." Một anh bạn học bên Thái về Việt nam làm phát biểu.
 Anh cho rằng : hai cái hình ảnh đó : xây bảo tàng, tượng đài và dân đói, ăn xin ngay dưới chân tượng đài, quảng trường đẹp nó như hiện ra cái mâu thuẫn khó xử lý. Mâu thuẫn giữa hai luồng thẩm mỹ : tai nghe và mắt thấy vậy.
 Thôi, nói chuyện kiểu vĩ mô và chính khách đó làm gì, chỉ hiểu là dự án ở ta nó như miếng đùi gà KFC, cắn vào mỡ toe toét quanh miệng gây ra một sự thích thú khác lạ. Nhất là khi cắn cái đùi gà đó mà lại không phải trả tiền, còn được tiếng là sành điệu, đã gây dấu ấn của mình trong nhiệm kỳ ngắn ngủi.
 Tư duy nhiệm kỳ, nhãn quan của đám thích ăn đùi gà không mất tiền cho dù có tạo được dấu ấn gì thì cũng bị lịch sử ghi lại. Khó có thể tạo được tiếng vang tốt cho dù lấp liếm bằng bất kỳ giọng điệu nào.
 Những tư duy nhiệm kỳ đó có thể tạm gọi đó là loại " tư duy tượng đài".  Thực ra, để cố tạo dấu ấn một cách ngờ nghệch, che đậy cho cơ hội bòn rút những đồng tiền đầy mồ hôi  của bà con đóng vào ngân khố.

19 tháng 9, 2011

Thứ trưởng ( Tiến sỹ rởm) Cao Minh Quang chỉ đạo... phá Cục?

“Tôi khẳng định khi ông Thứ trưởng Cao Minh Quang phụ trách Cục ATVSTP đã không góp phần xây dựng Cục mà còn có những chỉ đạo phá Cục” - TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết.

Trao đổi với phóng viên ngày 16.9, TS Trần Đáng khẳng định sau nhiều lần nghe ông Cao Minh Quang chỉ đạo “hai lời” và vô lý nên ông có hẳn một cuốn nhật ký để ghi chép riêng về ông Quang và lưu lại tất cả các thông báo, chỉ thị mà ông Quang đã chỉ đạo Cục ATVSTP suốt từ năm 2007 đến 2008.

TS Trần Đáng và cuốn sổ ghi chép riêng về Thứ trưởng Cao Minh Quang.

TS Trần Đáng dẫn ra 5 ví dụ về sự yếu kém trong công tác quản lý của ông Quang: Đưa ra chiến lược chỉ đạo nhưng chỉ đi vào các chi tiết vụn vặt, “hành tỏi” chứ không vẽ được các hướng phát triển một cách tổng thể, vĩ mô. Ngay khi được phân công quản lý Cục ATVSTP, ông Quang đã cho thanh tra gần 3 tháng khiến công việc của Cục bị đình trệ nhưng cuối cùng không có kết luận gì.

“Ông Quang đã từng tuyên bố trong hội nghị là “Thế giới có luật của thế giới còn Việt Nam có luật riêng” - TS Đáng nói. Chẳng hạn, đối với sản phẩm Khang Mỹ đơn được Trung Quốc công nhận là thực phẩm chức năng, nhưng riêng ông Quang cứ khăng khăng cho đó là thuốc. Sau đó, Cục Dược cũng không thể cho đăng ký sản phẩm dẫn đến việc công ty bị phá sản. Rồi phân ba lá (phân vi sinh bón theo đường lá – TS Trần Đáng) thì Thứ trưởng Quang lại bảo là hóa chất nông nghiệp…

TS Trần Đáng cho biết, nhiều lần ông Quang đã ban hành quy định toàn căn cứ vào công văn - văn bản quy phạm pháp luật thấp hơn. Ví dụ như khi ban hành Quy định 46 xây dựng mức giới hạn các chất trong thực phẩm, ông Quang căn cứ vào công văn của Bộ KHCN...

Khi phụ trách Cục ATVSTP, ông Quang ký những quyết định hết sức cảm tính và sai nguyên tắc. TS Trần Đáng đưa ra một văn bản “thượng khẩn” mà Thứ trưởng Quang đã gửi Cục ATVSTP ngày 26.12.2007 với nội dung: “Hoãn hội nghị vì “kinh phí ăn trưa cho hội nghị chưa bố trí” trong khi đó là hội nghị toàn quốc, đã lên lịch từ trước rất lâu và mời nhiều đại biểu.

Thiếu kiến thức chuyên môn

“Các văn bản do Thứ trưởng ký không chỉ sai về chính tả mà còn sai về chuyên môn rất nhiều, tôi nhớ không hết” - TS Trần Đáng cho biết. Ông Đáng dẫn ra một chi tiết nhỏ khi trình công văn, ông ghi “chất lượng ATVSTP của sản phẩm” thì Thứ trưởng Quang sửa thành “điều kiện của mắm tôm” – một ngôn ngữ tối nghĩa, đánh đố người đọc.

Không biết do trình độ năng lực kém hay vì nguyên do nào khác mà Thứ trưởng Cao Minh Quang còn chỉ đạo “lấn sân” sang cả các bộ khác.

Trong thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Cao Minh Quang tại buổi làm việc với Cục ATVSTP về việc tổng kết công tác quản lý ATVSTP năm 2007, kế hoạch 2008 ngày 28.12.2007, có đoạn đề nghị Cục ATVSTP “củng cố hoạt động của Ban quản lý, điều hành các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh các loại hàng hóa, sản phẩm thực phẩm;… quản lý các vùng rau an toàn”, trong khi các việc này là của Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT. Văn bản khác lại đề nghị Cục ATVSTP quản lý “bán hàng đa cấp”.

Đặc biệt, TS Trần Đáng nhắc đến một chỉ thị đáng kinh ngạc của Thứ trưởng Quang: “Cục ATVSTP giải quyết vấn đề phân ỉa trên đường tàu từ Bắc vào Nam”.

Điều mà TS Trần Đáng bức xúc nhất chính là Thứ trưởng Quang kết luận: “Bất cứ cái gì bắt nguồn từ thảo dược thì gọi là thuốc” mà không phân biệt được thực phẩm chức năng với thuốc Đông y, nên xảy ra nhiều chỉ đạo chồng chéo từ Cục Dược sang Cục ATVSTP.Xung quanh Nghị định 79/2008 về quản lý thanh tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại Việt Nam, TS Trần Đáng cho biết: Tập thể Cục đã vất vả 2 năm để xây dựng xong Dự thảo nghị định. Thứ trưởng Quang đã tham dự tất cả các cuộc họp giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, nhất trí về nội dung dự thảo, trong đó có nội dung thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm ATVSTP tại một số khu vực dựa trên cơ sở Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh dịch tễ…

Tuy nhiên sau đó, ông Quang đã về tự ý sửa chữa Dự thảo đề nghị Thành lập Trung tâm phối hợp kiểm nghiệm cả thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm (thuốc và thực phẩm là hai sản phẩm khác hẳn nhau, có các tiêu chuẩn riêng biệt vì thế không thể “nhốt” chung vào một “rọ” - TS Trần Đáng), tự gửi cho Bộ trưởng. Nhưng TS Trần Đáng đã kịp thời phát hiện và phản đối.

Ngày 14.7.2008, hai Bộ trưởng đã ký nháy văn bản Dự thảo thống nhất trình lên Chính phủ, đợi phê duyệt. Nhưng Thứ trưởng Quang vẫn gửi kiến nghị sang Vụ Khoa giáo văn xã – Văn phòng Chính phủ với nội dung theo ý mình.

Cuối cùng Nghị định 79/2008 vẫn được ban hành theo nội dung mà Cục ATVSTP đã soạn. Những điều đó là minh chứng cho việc Thứ trưởng Cao Minh Quang phụ trách Cục ATVSTP nhưng lại chỉ “thích phá Cục” – ông Đáng kết luận.


Nguồn : Dân Việt.

Giỗ Vua Lê

Nhân lễ hội Lam Kinh ( Thọ Xuân Thanh Hóa), anh em chúng tôi có dịp được ghé xứ Thanh, tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các tướng lãnh đã có công đánh đuổi giặc Minh, giành độc lập.
Đi ngang qua quảng trường, tượng đài Vua Lê sừng sững đứng vươn cao, dưới quảng trường là cờ đỏ và hoa, cờ lễ cũng được Thành phố Thanh hóa cho dựng từ hôm nào.

Vì không được trực tiếp tham dự lễ hội Lam kinh nên anh em chúng tôi chỉ kịp dạo vòng quanh Thành phố Thanh hóa để thăm viếng, vãn cảnh vài nơi. Không quên gọi cho bạn bè đang ở trong Thọ Xuân để nhờ gửi cho ít ảnh về lễ hội, chắc nay mai có sẽ xin đăng hầu bạn đọc.





Ghé Hàng Than ăn trưa, gặp Mẹ già và gần chục cháu nhỏ đi xin và bán kẹo cao su dạo, thương Mẹ lắm nhưng cũng chỉ xin biếu Mẹ được vài đồng, cho các cháu mấy đồng bạc lẻ mà không lấy kẹo.




Ở một vài tỉnh, người ta vẫn đang tranh nhau xin tiền ngân sách để dựng những tượng đài khổng lồ, tiêu tốn vài trăm tỷ đồng về Bà Mẹ Việt nam đã mất, còn đây những Bà mẹ đang sống thì đang đi xin ăn thế này.




Anh em cũng ghé qua thăm viếng nhà một người bạn học đã không may mất vì tai nạn đường sắt cách đây gần hai chục năm, những tình cảm của người xứ Thanh luôn mộc mạc, chân tình như sự giản dị của những anh hùng áo vải ngày xưa.


Hai mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, không biết hôm nay ở bờ hồ Hoàn Kiếm thì có ai mang hoa đến viếng tượng đài Vua Lê bên cạnh hồ hay không ?


Xem trên mạng thấy bà con đi dạo bên hồ thì có rất đông công an và các lực lượng ra giải tán, yêu cầu không ở đó, kỳ vậy.

18 tháng 9, 2011

Phát hiện một xác chết không đầu trên sông Hồng

Ngày 16/9, một số người dân đi làm đồng phát hiện một xác người ở ngay sát mép sông Hồng thuộc địa phận cụm 2, xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Qua khám nghiệm, Công an huyện Phúc Thọ xác định xác chết là nam giới bị cắt đầu, cắt 2 chân, cắt 2 tay...

Trưa ngày 17/9, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp cùng Công an Hà Nội và Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện phần đầu nghi là của xác chết tại xã Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Phần thi thể này được một số người dân địa phương tìm thấy và chôn cất một ngày trước đó.

Theo kết quả kiểm tra, phần đầu đang trong giai đoạn phân hủy, có nhiều đặc điểm trùng khớp với xác chết được phát hiện tại xã Phương Độ.

Các cơ quan chức năng đang tìm tung tích nạn nhân và xác định nguyên nhân vụ việc.

(Theo An Ninh Thủ Đô)

Tình hình an ninh của quê hương chúng ta giữa thời bình mà kinh hơn thời loạn, một ngày mà nào thì nhà cựu cán bộ toà án bị quăng mìn, xác chết không tay chân, không đầu, người dân bị côn đồ quây canh cửa nhà... thật hết biết nói sao.
Ngay cả một bộ trưởng y tế cũng không biết cách làm thế nào cho có văn hoá để đến thăm một bệnh nhân đang bị thương tích đầy mình. Cháu bị tên cướp tiệm vàng chém chết Bố và Mẹ, cháu cũng chỉ thoát chết trong gang tấc, còn đang chưa biết sống chết ra sao thì bộ trưởng kéo đoàn cả hơn chục người ào vào đòi thăm, người nhà cháu ôm lấy cháu để che đi, phản đôí.
Văn hoá đạo đức suy đồi từ trên xuống như thế thì bảo sao xã hội chả loạn ?