13 tháng 10, 2012

Bi hài sừng tê và những người đàn bà !

  Tác giả: KỲ DUYÊN

Tình dục, và tiền bạc luôn là thú vui, là tham vọng lớn của không ít người. Nhưng nó cũng sẽ luôn mang đến bi hài kịch cho xã hội. Mà câu chuyện chiếc sừng tê giác và những người đàn bà thôn quê kia, chỉ là những nhân chứng, vật chứng xót xa.


  Đại gia vốn là một trong những tầng lớp có sức hút thiên hạ kiểu "nam châm". Thế nên mọi vụ việc xảy ra xung quanh họ bao giờ cũng dễ dàng gây sốc. Sốc và cũng bi hài, như câu chuyện ông Trầm Bê, một trong những đại gia giàu có nhất nhì thiên hạ, vừa bị mất cái sừng tê giác tại tư gia của ông thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Nếu có thật, rồng cũng phải khóc...
  Khỏi nói, xưa nay, không biết thực hư đến độ nào, nhưng người Việt, nhất là giới đàn ông, mê sừng tê giác như điếu đổ. Họ tin, đó là thần dược trong chuyện chăn gối, trong chữa bệnh nan y...
   Người viết bài ngẫu nhiên chứng kiến và từng được mời nhấm nháp "món này", được mài ra pha với nước trắng, của một vị chức sắc trong cuộc rượu với bạn bè của ông.
Vị bột sừng tê giác, thì "vô vi", nhưng dư vị cuộc rượu thì hoan hỉ, ầm ĩ, háo hức bởi những câu chuyện tiếu lâm đàn ông đàn bà, với đủ kiểu hài hước thêu dệt, từ sức mạnh của chiếc sừng. Tê giác thì mất hai sừng, còn các vị tu mi nam tử trong thiên hạ thì hào sảng tặng nhau ...
Thần dược của sừng tê giác linh nghiệm đến đâu, không biết. Chỉ biết, nó đã mang đến bi kịch một cách thê thảm cho loài động vật được liệt vào Sách Đỏ của thế giới. Cho dù, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) luôn cảnh báo và kêu gọi các quốc gia bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Tê giác sống bị giết đã đành. Đến tê giác đã bị "nhồi bông" như con tê giác của đại gia Trầm Bê, một lần nữa lại bị "giết", để lấy sừng.
Cái chết lần hai của con tê giác, khiến câu chuyện rơi vào trạng thái bi hài. Báo chí ồn ào đặt câu hỏi. Lúc thì sừng tê giác trị giá 4 tỉ. Lúc thì  chỉ là thú "nhồi bông"... Còn Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife Conservation Society) lập tức vào cuộc, muốn có lời giải đáp xung quanh vụ mất trộm này.
Ông Trầm Bê đã buộc phải trình ra nguồn gốc của con tê giác- nguyên là quà tặng của người bạn, ông N. T. N, vào năm 2007, nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi, năm 2006.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quang Tùng, Phó GĐ Phụ trách Cites VN (Cơ quan Quản lý thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), con tê giác tại nhà ông Trầm Bê, có khớp hay không với giấy tờ nhập khẩu, thì chưa thể khẳng định. Vì con tê giác đi kèm với sừng. Muốn xác định phải rà chíp, trong khi chip gắn trên sừng, đã bị mất trộm, thì không thể kiểm tra được.
Đến tê giác đã bị "nhồi bông" như con tê giác của đại gia Trầm Bê, một lần nữa lại bị "giết", để lấy sừng
Câu chuyện có vẻ không dừng ở đó. Mới đây, ngày 06/10, báo Đất Việt có bài viết với đầu đề, cũng là một câu hỏi: Ông Trầm Bê có hai con tê giác?
Bài báo dẫn chứng, trong cuộc trò chuyện tại nhà riêng ở t/p Cần Thơ, Trung tướng Huỳnh Tiền Phong, nguyên Tư lệnh QK 9- cho biết, cách đây gần 10 năm, ông có mượn ông Trầm Bê tiêu bản một con tê giác còn nguyên cả sừng, đem về trưng bầy ở trụ sở Bộ Tư lệnh QK 9 để trang trí và phục vụ khách tham quan.
Bây giờ thì quan trọng không phải là tê giác còn sừng, hay mất sừng, sừng "xịn" hay sừng dởm. Mà quan trọng là thời gian. Ông Huỳnh Tiền Phong mượn cách đây đã gần 10 năm, trong khi con tê giác ông Trầm Bê được tặng cách đây 5 năm. Vậy ông Trầm Bê sở hữu một hay hai con tê giác?
Vụ việc vẫn chưa rõ ràng.
Chỉ rõ ràng nhất, là có những thú vui của người Việt, của không ít đại gia mới nổi, không thể được coi là thú vui văn minh trong thế giới hiện đại này. Một thế giới mà sự khẳng định "đẳng cấp quý tộc" lẫn phong độ ăn chơi của con người, lại trở thành sự tàn bạo, độc ác và man rợ đối với thế giới loài vật quý hiếm không chút khả năng tự bảo vệ.
Điều đó, hổ thẹn thay, nó đối lập với những gì văn minh nhiều quốc gia đang hướng tới. Dù họ sống ở lâu dài, biệt thự, đi xe bạc tỉ, dùng hàng hiệu, có tất cả những điều kiện mà các tỷ phú thế giới có...
Đó là sự đối lập về tư duy văn hóa, và cả nhân cách người văn minh nữa. Vì ở đó sự sang giàu, văn minh đã bị đánh tráo khái niệm, mà chỉ có thể gọi đích danh là trưởng giả học làm sang.
Để phục vụ cho cái nhu cầu hưởng lạc, ăn chơi một cách trọc phú, mà hiện VN đã trở thành thị trường lớn tiêu thụ sừng tê giác lậu, trong con mắt của báo The Guardian tại Luân Đôn, với nhận xét tại VN, người ta nhậu với sừng tê giác.
Chỉ rõ ràng nhất, là VN cũng là một trong số 23 quốc gia được  WWF đưa vào danh sách "điểm đến mạnh nhất của sừng tê". Nghe cứ như quảng cáo tự tin và hoành tráng của ngành du lịch. Và còn là một trong những quốc gia thất bại trong các mặt cơ bản về tuân thủ và áp dụng quy định, nhằm ngăn nạn buôn sừng tê giác.
Một thông tin mới nhất được đưa ra trên TP online, ngày 10/10 mới đây khiến không ít người sốc: Đó là NamPhi đang đề xuất cho phép hợp pháp hóa việc mua bán sừng tê giác để chống lại tình trạng săn trộm tê giác nhức nhối hiện nay. Quốc gia này hy vọng với sự hợp pháp hóa, họ sẽ có thể kiểm soát được tốt hơn để bảo vệ được loài vật này đang có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2025.
Cũng bài báo cho biết, lâu nay, mỗi năm Nam Phi cho phép một số người ở quốc gia khác săn bắn, với mục đích trưng bầy. Nhưng từ tháng 4 năm nay, họ "nói không" với người có quốc tịch VN.
Cái niềm tin thần dược cho chăn gối, cho chữa bệnh nan y nó... bạo liệt đến mức, theo bài báo, kết quả phân tích của ĐH Pretoria (Nam Phi) thực hiện trên 20 mẫu sừng tê giác mua ở thị trường VN và Lào, chỉ có ba mẫu thật, còn lại là sừng trâu, cừu và linh dương được làm giả.
Không biết các quý ông người Việt nào đã sài "sừng tê giác", nghe tin này, có thấy mình đủ tự tin nữa không?
Nhưng sốc nhất, là thông tin: Mới đây, Bộ NN & PTNT có Thông tư 47, cho phép khai thác 160 loài thú rừng phục vụ thương mại (có hiệu lực bắt đầu từ  ngày 09/11 tới).
Ngay lập tức, ý kiến của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học lên tiếng, lo ngại thông tư này rất dễ bị lợi dụng. Bởi cái cung cách quản lý lỏng lẻo, thả nổi trong lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên hiện nay. Hoàn toàn đúng.
Cứ đọc trên các báo thì rõ. Ngay những gốc sưa cổ thụ khổng lồ, với giá trị tiền tỷ còn bị cưa, đốn, ngang nhiên không thương tiếc, với sự tiếp tay của một số kiểm lâm. Nữa là những con vật tội nghiệp, thuộc giống loài hoang dã, quý hiếm trong Sách Đỏ cần bảo vệ, nhưng lại là những món khoái khẩu của người Việt.
Bỗng lo quá. Vì cái khoảng cách giữa giống loài được khai thác theo quy định của Thông tư, với giống loài cần được bảo vệ, chỉ mỏng manh như sợi chỉ. Mà công tác quản lý, kiểm soát, thanh tra, giám sát hiện nay ra sao? Lớn như một số vụ Vina..., còn...lọt lưới nữa là những con vật khốn khổ, dù có là "qúy hiếm" đi nữa. Có khi càng quý hiếm, mới càng cần săn bắt!
Rất có thể, sau thông tư này, các loài động vật quý hiếm, ở cả các loại vườn quốc gia, sẽ... sạch sành sanh!
Có câu nói của một lão nông mà người viết bài nhớ mãi: Ở VN, nếu rồng là con vật có thật, thì chắc chắn cũng sẽ là mồi nhậu!
Đúng vây. Nếu rồng là con vật có thật, và dù nhiều người coi là biểu tượng của nước Việt thì rồng cũng phải khóc!
Hạnh phúc giả, bi kịch thật
Có một thông tin, dù chỉ vài phút, nhưng nó đã để lại vị đắng tình yêu cho nhiều người tình cờ được xem, trên bản tin VTV1 mới đây.
Đó câu chuyện của 174 người phụ nữ tại một xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phải (vờ) ly dị chồng để ra nước ngoài lao động, thông qua hình thức kết hôn với người nước sở tại. Hình thức này đang trở nên phổ biến, bởi nếu so với việc xuất khẩu lao động hợp pháp, thì nó rẻ hơn nhiều về đầu tư tiền bạc.
Không biết vở kịch kết hôn giả, mà đạo diễn là kẻ môi giới lừa đảo nào đó, còn "diễn viên" tồi  là những người đàn bà chân quê xã Tam Dị, có hiệu quả thế nào về kinh tế? Nhưng bi kịch thật, thì không phải chỉ là họ, là chồng họ, là gia đình họ, mà chính là những đứa trẻ thơ cuối cùng phải gánh chịu.
Hàng trăm đứa trẻ thơ ở xã này tự nhiên bị "mất mẹ" và chưa thể có giấy khai sinh, vì mẹ các em đã làm "vợ xứ người".
Cay đắng hơn, 40 gia đình trong số này đã tan vỡ hoặc đe dọa đổ vỡ. Dù những ngôi nhà cũ kỹ của họ được thay bằng những ngôi nhà cao tầng kiên cố có thể chống lại giông bão. Tiếc thay, giông bão lại đến từ lòng người, từ những vần vũ, những đổi thay của lòng người. Khiến một người chồng đã thốt lên, chua xót: Khi xưa, nghèo thì có nhau. Giờ giàu có thì...mất hết!
Những ngôi nhà cao tầng kiên cố ở Tam Dị. Ảnh: Anh Tuấn/ Báo Bắc Giang
Được nhà mới, và mất "nhà tôi", là hai câu chuyện bi hài, đau xót luôn đặt cạnh nhau, và cười ra nước mắt của những người dân chân quê. Làng xã giờ đây, đường xá phong quang, nhiều ô tô, xe máy hơn trước. Nhưng sự phong lưu của vật chất và sự nghèo nàn về hiểu biết, sự băng hoại của đạo lý, rút cục như một tấn trò đời cay đắng, đặt đối xứng sau lũy tre làng.
Xin bạn đọc cũng đừng nghĩ chỉ thôn quê mới xảy ra hạnh phúc giả, bi kịch thật. Người viết vừa chứng kiến một chuyện đau đớn hơn thế, ngay tại Hà Nội: Bà mẹ vợ đang sinh sống, buôn bán ở nước ngoài, gợi í con gái mình "vờ" ly dị chồng để kết hôn với một anh chàng tây. Đó là điều kiện đầu tiên để có thể định cư ở nước đó.
Quá sốc trước toan tính của mẹ vợ, và có lẽ bị chấn thương tâm lý nặng, người con rể phát bệnh và cuối cùng, trở thành bệnh nhân "mãn tính" của bệnh viện tâm thần. Tiền bạc, tiền tệ quả là...bạc bẽo, là tàn tệ với những toan tính nông cạn, nông nổi, với cả người thôn quê và người thành phố.
Nhưng thông điệp của tấn trò đời này cần được chuyển tới những nhà quản lý văn hóa, những chuyên gia nghiên cứu văn hóa nông thôn.
Khi mà trong vụ việc "kết hôn giả, hạnh phúc giả, ly dị thật" không chỉ được sự thỏa thuận của người vợ, người chồng, mà ngay cả gia đình hai phía của họ cũng chấp nhận như một chuyện đương nhiên. Điều gì đang xảy ra trong gia phong mỗi ngôi nhà ở làng quê hiện nay, vốn coi trọng chữ nghĩa, chữ tình.
Hay giữa hai người, vợ và chồng, chỉ là Đồng tiền bạc bẽo và đầy ma lực?
Không phải kinh tế, không phải giáo dục, mà chính là văn hóa làng quê mới là vấn đề đáng lo ngại nhất. Cho dù còn nhiều chuyện bất ổn, nhưng nếu so với nhiều năm trước đây, kinh tế, giáo dục rõ ràng đều có nhiều phần đi lên, nhưng văn hóa làng quê VN dường như đang ...đi xuống.
Bởi VN là văn minh lúa nước, nên mỗi tác động tiêu cực của xã hội, thì dường như làng quê sẽ là nơi phải hứng chịu lâu dài. Mà xét cho cùng, cuối cùng, những đứa trẻ làng quê vô tội, sẽ phải gánh đủ bi kịch của người lớn.
Chúng sẽ lớn lên ra sao với sự trống rỗng về niềm tin ở con người?
Tình dục, và tiền bạc luôn là thú vui, là tham vọng lớn của  không ít người. Nhưng nó cũng sẽ luôn mang đến bi hài kịch cho xã hội. Mà câu chuyện chiếc sừng tê giác và những người đàn bà thôn quê kia, chỉ là những nhân chứng, vật chứng xót xa.
Nếu xã hội không có tư duy quản lý đúng tầm.

9 tháng 10, 2012

Trung thu miền sơn cước - Sự khác biệt giữa miền xuôi và miền ngược.

 Tôi có mặt tại Tây bắc từ cách đây 25 năm, khi chưa tròn 17 tuổi.
Đặt chân xuống Mộc Châu là lúc 3 giờ chiều sau khi đêm trước xếp hàng ngủ đêm vạ vật tại bến xe Bến Nứa Hà nội từ đêm trước để mua vé. Chiếc xe hải Âu của Liên xô cũ ì ạch leo đến Cao Nguyên đẹp như mơ thì phải ngủ lại, chờ mai đi tiếp lên Sơn La. 
  Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là bạt ngàn hoa hai bên đường với đủ màu sắc, xen lẫn những cây cải xanh to và  mập. Chú đi cùng bảo : hoa thuốc phiện đấy. Lần đầu tiên trong đời được biết đến cây thuốc phiện. Khi ấy cũng chưa biết cây thuốc phiện nó cho thuốc phiện như thế nào, thuốc phiện dùng để làm gì, ăn được không...? vì thời đó mình còn ngây thơ và miền xuôi thì đám trẻ chưa biết nhiều về loài cây đó.
  Ngày hôm sau thì mới tới Sơn La, toàn đồi ngay giữa một cái thị xã nhỏ, người Thái và người H'Mong nhiều, ra chợ thấy  số đông là họ, người kinh ít. Trục đường dọc trung tâm Thị xã có tên Chiềng Lề, kéo xuôi xuống ngã ba Quyết Thắng qua cầu Trắng - cầu 308 - chỉ toàn lau sậy bên đường. Phía suối bên tay phải xuôi về Quyết Thắng là con suối uốn lượn, thỉnh thoảng mùa lũ lên ngập đến mép cầu. 
 Người Thái và H'Mong thật thà, vui tính. Họ nói tiếng kinh lơ lớ,  người kinh cũng học tiếng của của bà con rồi giả giọng lơ lớ như nhau, nghe rất vui.
 Những cảm nhận đầu tiên về người dân tộc đối với mình là họ rất chân chất, không hề có cái chất như nhiều người kinh : láu cá và ranh mãnh khôn lỏi. Riêng người H'Mong thì không thích người khác gọi họ là người Mèo, nếu họ cầm con mèo mà hỏi con gì thì họ nói : con kiing đấy - rất vui mà lém lỉnh, không ai bực tức gì về điều đó cả. 
  Những tìm hiểu của mình về họ đã đem đến nhiều bất ngờ : họ không ăn trộm của nhau vì luật lệ riêng rất khắc nghiệt. Nương rẫy không rào ngăn cách, nếu anh nào ăn trộm cây cối hay quả gì của nhau mà bắt được thì kinh lắm : đền 1 thành 10 và còn bị bêu ra trước bản. 
 Người H' Mong vui lắm vào mỗi dịp mùng 2 -9, đó là Tết của họ. Họ mang ngựa xuống thị xã, mang theo củi trên lưng ngựa, hoa quả hay sản vật của họ xuống bán rồi lấy tiền uống rượu, ăn phở, mua những thứ cần thiết cho gia đình và cá nhân : muối, mắm, cá khô, kim chỉ, đèn pin, bánh kẹo, mì chính, đường...và băng cattset đối với những nhà nào giàu có, đã có đài chạy băng.
 Hầu hết đàn ông đều say sau một ngày chơi dưới thị xã, con ngựa đứng bên đường cứ chờ, chồng say nằm bên vệ cỏ thì vợ cầm ô ngồi cạnh chờ đến khi chồng tỉnh rồi họ về. Ngày ấy chưa có máy ảnh nên chỉ nhớ những hình ảnh đó qua trí nhớ, người kinh thấy vậy rất tò mò, thấy lạ.
  Trẻ em thời đó vẫn như thời nay : chân đất nhiều lắm, ít đứa có dép hay giày. Có thể vì chân đất thì giúp chúng trèo leo đồi, đường dốc ? này thì có  dép tổ ong. Người lớn thì vẫn dép rọ từ xuôi sản xuất mang lên. Ít người mang giày như dân xuôi, có lẽ cũng vì thói quen và đặc thù sinh hoạt của họ.
 Trong chuyến đi với chương trình " Trung thu miền sơn cước " vừa rồi, những ký ức thời hơn hai chục năm trước ùa về, trước cảnh núi rừng trùng điệp, những mảnh ruộng bậc thang, cánh rừng trên đồi dốc, ngọn đồi trọc được đốt để làm nương rẫy ...khiến mình như được sống lại thời trai trẻ. Cũng lại nhớ đến cảnh đang đêm tiếng gõ của cồng chiêng, tiếng tù và thổi, tiếng hú hét vang vọng núi rừng khi bỗng dưng cháy bản vào mùa khô, cảnh đó thường diễn ra quanh cái thị xã Sơn La thời đó. 
  Điều đặc biệt là tới Than Uyên lần này, nhiều đổi thay đã đến với bà con người dân tộc nơi đó : họ đã định canh định cư trong các khu tái định cư do địa phương xây dựng ra, người H'Mong và người Thái ở chung một khu, nhà sàn gỗ lợp Bro xi măng, khu tái định cư cạnh các con suối và có đường vào tương đối dễ.
 Tuy nhiên có những điều khác biệt lớn với miền xuôi về hạ tầng : các khu bản hoặc tái định cư đa số là chưa có điện, cho dù đường điện cao thế 110 KV và trung thế 35 KV chạy qua bản, qua khu tái định cư. 
 Bí thư huyện đoàn còn cho biết : có bản đang bị cô lập trong lòng hồ do làm thủy điện, mất đường vào vì nước hồ dâng lên, chỉ đi đến được bằng thuyền. Huyện quyết định giữ lại tên bản, chỉ di dân phần nào. 
 Đến với các điểm trường mầm non và tiểu học để tặng quà cho các con thì thấy : các con trẻ vẫn như con trẻ ngày xưa : chúng rất chất phác, thật thà, không láu cá, gian dối như trẻ em dưới xuôi. Phát quần áo, phát bánh cho từng đứa, có đứa ăn, có đứa cho vào túi cất đi. Hỏi con có bánh chưa thì nó chỉ tay vài túi, vạch túi ra cho xem bánh đã nhận.



  Nhiều đứa chưa được nhận bánh hay nhận áo vì đứng tít cuối hàng, xã và đông nên chưa phát kịp thì cứ đứng yên trong hàng, không sốt sắng chen đẩy hay chạy vòng lên như đám trẻ dưới xuôi mà mình từng đi dự nhiều lần các chương trình của chúng. 


   Bố mẹ của đám trẻ đưa con đến điểm trường thì đứng xung quanh, bánh kẹo hoa quả để đầy trên mâm cỗ trung thu nhưng đến khi MC nói đại diện các cô giáo và các thành viên mang bánh kẹo mời phụ huynh thì họ mới nhận, không một ai tự ý lên xin hay lấy gì. Họ đứng xem rất nhẹ nhàng và gần như không có vẻ gì đòi hỏi cho con của họ được quần áo, bánh kẹo sớm hơn con nhà khác, không ý kiến gì cả.  Kể cả có con chưa được nhận áo thì MC thấy liền nói : con nào chưa được nhận áo tối này thì mai đến trường các cô sẽ phát tiếp. Bố Mẹ của các cháu và đứa trẻ cũng không có thái độ gì thể hiện ra mặt là buồn hay sao cả. Hay họ có cách thể hiện tâm trạng ẩn bên trong, không giống người kinh ?

Cô Hường - hiệu trưởng mầm non  đang phát quà cho các con. Bố Mẹ các con đứng xung quanh bên ngoài nhìn.
Đại diện Thày Cô giáo mang quà chia cho các phụ huynh.

Hai cô bé này nhận được hai quả ổi to, cũng rất vui vẻ nhận mà không đòi hỏi gì, không đòi đổi bánh dẻo hay kẹo.

Nhiều đôi chân trần nhưng vẫn vui vẻ múa hát.

Nhìn theo đoàn đến lúc xe đi khuất sau đồi.

Không phân biệt miền xuôi miền ngược, cùng nắm tay nhau nhảy múa, hát ca rất vui nhộn.


Nắm tay hát với các cô chú trong đoàn rất tự nhiên.


Xem biểu diễn văn nghệ.

Điểm trường Phúc Than

Điểm trường Noong Thang


Các lớp mà đám trẻ đang học trong đó. Đa số là vách, mái lợp tấm bro xi măng.

Lối vào điểm trường Noong Thang, nước chảy qua đường nhỏ và gồ ghề.


















Truyền hình huyện tới đưa tin đêm văn nghệ đón Tết trung thu.


  Càng đi nhiều càng thấy rõ rệt những sự khác biệt giữa miền xuôi và miền ngược, về con người và cơ sở  vật chất, văn hóa, đời sống của dân chúng hai miền. 
 Nhưng nổi bật lên một sự khác biệt rõ rệt nhất là : miền xuôi nhiều bảo tàng, nhiều con đường được thắp sáng đôi khi cả ban ngày vì quên tắt đèn. Miền ngược nhiều lớp học trát vách, cái biển tên trường cheo leo trên hai cây gỗ như trên ảnh. Con người miền núi chất phác và sống chậm hơn người miền xuôi,       cũng có thể vì họ được sống trong không khí trong lành, ít ô nhiễm hơn về mọi mặt.
  Cũng có thể bà con miền ngược vì xa trung tâm nên thiệt thòi đủ thứ kể cả ánh sáng đèn điện trong lớp học của trẻ con. Ở một nơi nào đó đang thừa điện, máy lạnh chạy ngay cả khi không có người làm việc - điều đó là những bất công mà tất cả chúng ta nên loại bỏ dần. 
 Nhiều sự khác biệt khác cần được tôn trọng, tuy nhiên với nhiều sự khác biệt  được đề cập đến trong phạm vi bài viết này theo mình thì cần được tẩy chay - ví dụ : trường học vách đất, không điện, học sinh  chân trần đi học.... Những sự khác biệt đó cần được tất cả mọi người chung tay xóa bỏ chúng, chọn lọc những cái hay, tốt đẹp cho cả miền xuôi và miền ngược.
  

Một chương trình thành công rực rỡ !


Thư cám ơn từ Than Uyên : 




“TRUNG THU MIỀN SƠN CƯỚC” - (Quyết toán)


Thành phần:
1 - Ông: Nghiêm Việt Anh - Chủ trì chương trình.
2 - Bà: Lê Phương Lan - Thủ quỹ
3 - Ông: Lê Thiện Nhân - Kế toán
4 - Bà: Lê Hiền Giang - Thành viên
5 - Ông: Người buôn Gió - Thành viên
6 - Ông: Cường Hoàng Công - Thành viên  
7 - Ông: Lê Dũng  - Thành viên

Nội dung:
1) Tổng thu bằng tiền:114.031.000, (Một trăm mười bốn triệu, không trăm ba mươi một nghìn đồng). (Xem tại đây)

2) Hiện vật:
            - Công ty Lê Anh bạn ông Nghiêm Việt Anh: 100 bánh nướng.
            - Bạn ông Lê Thiện Nhân (Đoàn Xuân Giao): 50 bánh nướng.
            - Bạn bà Nguyễn Ánh Tuyết (Minh Tuyết & MinhThúy): 70 bánh nướng.
            - Bạn ông Lê Thiện Nhân 06 thùng và Lã Việt Dũng 02 thùng sữa tươi.
            - Trường tiểu học Tô Hoàng - HBT - Hà Nội 100 chăn ấm, rất nhiều gối đơn, 3941 chiếc quần áo đã qua sử dụng còn tốt.
Và rất nhiều các nhà hảo tâm đã đóng góp quần áo, đồ dùng cá nhân và các vật dụng khác….

3) Tổng chi: 91.731.000, (Chín mươi một triệu, bảy trăm ba mươi một nghìn đồng).

Theo bảng kê dưới đây:
Stt
Nội dung
Tổng chi
Chi tiết
Chứng từ kèm theo





I
Cường Hoàng Công
 63,889,000


1
Mua 1007 áo mới

41,985,000
HĐKT + Phiếu thu (1)
2
Thuê xe vận tải

4,850,000
HĐKT + Phiếu thu (2)
3
Âm thanh - ánh sáng

3,000,000
Biên nhận của trường 
4
Mua gạo cho hs nội trú

13,954,000
Biên nhận của trường (3)
5
Mua kẹo (Binh Nhì)

     100,000





II
Lê Hiền Giang
 8,153,000


1
Nguyên liệu bánh dẻo

6,513,000
HĐ bán lẻ (4)
2
Quà cho con chị Liễu

1,000,000

3
Phụ liệu làm bánh

640,000

4
Chi phí cho việc đóng gói quần áo cũ

475,000
HĐ bán lẻ 





III
Người Hà Nội
5,000,000


1
Hỗ trợ 08 sinh viên nhóm văn nghệ

4,000,000
Chi phí ăn ở, đi lại
2
Khách mời danh dự: Tạ Trí Hải

 1,000,000
Chi phí ăn ở, đi lại





IV
Binh Nhì - Đình Hà
3,498,000


1
Đồ chơi Trung thu

3,478,000
Bảng kê chi tiết (5)





V
Lan Lê
8,126,000


1
Mua hoa quả

6,526,000
HĐ bán lẻ 
2
Tiền xe gửi chăn

1,600,000






VII
Nghiêm Việt Anh
2,100,000


1
Mua Bánh nướng

2,100,000
Giấy biên nhận (6)





VIII
Nguyễn Ánh Tuyết
490,000



Hoa + Kẹo

490,000
HĐ bán lẻ (7)

Tổng cộng chi
91,731,000
91,731,000


KẾT LUẬN:
1) Các mục thu - chi kèm theo các chứng từ minh bạch và các đầu mối chi đã thực hiện đúng theo tiêu chí của chương trình đặt ra từ ban đầu. (Số tiền còn lại sẽ được ban điều hành và những người khởi xướng đưa ra kết luận trong vài ngày tới)

2) Công việc biếu quà cho người cao tuổi và khả kính đã được thực hiện tốt, kịp thời.

3) Đêm phá cỗ trung thu cho các em thơ dân tộc thiểu số và bà con lân cận được thực hiện tại bản Noong Thăng – Lai Châu đã thành công ngoài mong đợi.

4) Những phần quà ý nghĩa và thiết thực đã được trao tận tay các em thơ và người dân nơi đây, thật ấm áp và nghĩa tình.

5) Những người bạn No-U đã có một chuyến đi thiện nguyện thật vui vẻ và kỳ thú bằng chính những khoản đóng góp của cá nhân mình, hoàn toàn không sử dụng đến khoản đóng góp của những tấm lòng hảo tâm từ khắp nơi đã ủng hộ chương trình.

Và rất nhiều điều muốn nói ……………..

Chúng tôi tự hào khẳng định: Chương trình “Trung thu miền sơn cước” đã thành công tốt đẹp. Mọi sự hảo tâm đóng góp về tài chính - vật chất và tinh thần đã được chính những bàn tay của 27 con người No-U trao đầy đủ và trân trọng cho các em thơ và bà con dân tộc thiểu số.

Về mặt tài chính, nếu phát hiện có bất kỳ sự nhầm lẫn thiếu sót nào chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra và chỉnh sửa.

Biên bản này được lập trên 02 trang giấy và 07 thành viên có mặt thống nhất ký tên làm bằng để chính thức khép lại chương trình: “Trung thu miền sơn cước”.


Hà Nội, ngày …. Tháng 10 năm 2012
Chủ trì chương trình





Nghiêm Việt Anh

Các thành viên


Lê Thiện Nhân                                                                    Lê Phương Lan                                                                                                        




Lê Hiền Giang                                                                     Người Buôn Gió                                                                              




Cường Hoàng Công                                                              Lê Dũng