18 tháng 4, 2012

Quái trạng ngành y.

19 người chết vì bệnh lạ, ngành y tế vẫn loay hoay !
   Đến chiều 17.4, đã có 166 người mắc bệnh lạ trong đó tám trường hợp tử vong, theo sở Y tế Quảng Ngãi. Còn theo UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, số người tử vong vì căn bệnh này tính từ cuối năm 2010 đến nay đã lên đến 19 người.
Bệnh lạ gây hoang mang cho người dân và chính quyền, trong khi ngành y tế vẫn loay hoay chưa tìm ra nguyên nhân.
Đoàn y, bác sĩ của trung ương và tỉnh Quảng Ngãi khám sàng lọc bệnh cho người dân xã Ba Điền trong ngày 13.4. Ảnh: Phạm Anh
Nguy hiểm, tử vong nhanh
Sau ba ngày khảo sát tại xã Ba Điền, đoàn công tác của bộ Y tế nhận định ban đầu rằng những bệnh nhân mắc bệnh viêm da lạ là do nhiễm độc. Hai triệu chứng rõ nét nhất của bệnh là tổn thương da sau đó gây suy đa phủ tạng, đặc biệt là gan. Trong tổng số 166 người mắc bệnh viêm da lạ có hơn 80% suy đa phủ tạng, rối loạn chức năng gan.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh bộ Y tế, nhận định: “Những người ở xã Ba Điền có các triệu chứng tổn thương da và rối loạn chức năng gan có thể do bị nhiễm một loại độc tố. Từ đó khi tiếp xúc trực tiếp, chất độc tấn công da, sau đó tiếp tục theo đường máu dẫn vào cơ thể gây chấn thương nội tạng, đặc biệt là gan”.
Tuy nhiên, việc tìm hoá chất gây độc rất khó khăn bởi hiện hoá chất gây độc rất đa dạng, từ nhiều nguồn. Đoàn công tác của bộ Y tế đã lấy mẫu các bệnh phẩm, mẫu nước, mẫu đất, thực phẩm; xét nghiệm mẫu máu, tóc các bệnh nhân để phân tích, truy tìm độc tố gây bệnh viêm da lạ.
Trước tình hình này, PGS.TS Trần Hậu Khang, giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương, lo ngại: “Kết luận của các bệnh viện cho thấy, các bệnh nhân mắc bệnh viêm da lạ ở huyện Ba Tơ đều có chung triệu chứng suy đa phủ tạng, đặc biệt là suy gan, tiến triển bệnh nguy hiểm, tử vong rất nhanh”.
15 văn bản cầu cứu
Liên quan đến bệnh lạ, chỉ tính riêng từ tháng 2.2012 đến nay, UBND huyện Ba Tơ đã gửi đi 15 văn bản, thông báo, báo cáo, cầu cứu tỉnh, trung ương vào cuộc ngăn chặn. Mới đây, một lần nữa huyện này gửi văn bản đề nghị trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và bộ Tư lệnh hoá học (bộ Quốc phòng) vào cuộc, sớm tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh lạ để có phác đồ điều trị hiệu quả.
Chậm chạm, lúng túng
Nhìn lại quá trình từ lúc phát hiện bệnh lạ bắt đầu từ tháng cuối năm 2010 đến nay cho thấy, ngành y tế tỏ ra chậm chạp và lúng túng trong việc tìm nguyên nhân, chữa trị... Đây có thể là nguyên nhân khiến số người bị bệnh và chết tăng nhanh (lên đến 19 người).
Cụ thể, sau nhiều tháng loay hoay chữa trị không khỏi, đến đầu tháng 5.2011, ngành y tế Quảng Ngãi mới chuyển năm ca nặng nhất ra Hà Nội... Tuy nhiên, trước tình hình số bệnh nhân tử vong tăng, đến tháng 10.2011, bộ Y tế mới về xã Ba Điền khảo sát đợt đầu tiên tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh lạ.
Đến đầu tháng 1.2012, bệnh lạ lại bùng phát dữ dội, huyện Ba Tơ một lần nữa gửi công văn hoả tốc cầu cứu bộ Y tế vào cuộc. Nhưng mãi đến ngày 12.4.2012, đoàn công tác của bộ Y tế do ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh mới về làm việc, tiếp tục khảo sát thực địa tìm nguyên nhân gây bệnh lạ. Song sau khi lấy mẫu nước, mẫu đất, mẫu máu, mẫu tóc của các bệnh nhân từng mắc và đang mắc bệnh lạ... đoàn công tác tiếp tục hứa: chờ khoảng một tháng nữa mới có kết quả. Và nếu không tìm ra nguyên nhân gây bệnh lạ sẽ mời chuyên gia nước ngoài?!
Trước tình hình này, ông Phạm Văn Bút, chủ tịch UBND xã Ba Điền, bức xúc: “Dù chúng tôi tìm mọi cách tuyên truyền, trấn an người dân nhưng do số người chết vì bệnh lạ tăng nhanh nên bà con rất hoang mang, lo sợ. Cuộc sống người dân bị xáo trộn lớn, họ không dám lên nương rẫy, ra đồng sản xuất, không dám cho con đến trường. Thậm chí với chín người chết vì bệnh lạ, tìm người khiêng đi chôn cũng gặp khó khăn vì họ sợ không đến gần. Ngày nào còn chưa tìm ra nguyên nhân thì ngày đó, chính quyền địa phương cũng như người dân tiếp tục sống trong sợ hãi, bất lực nhìn bệnh lạ hoành hành”.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về việc dư luận cho rằng ngành y tế tìm ra nguyên nhân gây bệnh chậm dẫn đến không kiểm soát được bệnh, ông Nguyễn Xuân Mến, phó giám đốc sở Y tế Quảng Ngãi, cho rằng: các chuyên gia đầu ngành là giáo sư, tiến sĩ đã vào cuộc nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra bệnh thì với ngành y tế của tỉnh đành... bó tay; phải chờ kết luận của bộ Y tế.

  Ép bệnh nhân BHYT về tuyến dưới: chủ trương chưa thuyết phục

  Chuyển bệnh nhân diện BHYT từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới được xem là một trong những giải pháp để giảm tải bệnh viện. Tuy nhiên, chủ trương này đang khiến nhiều người trong cuộc hoang mang.
Bệnh nhân và bệnh viện lo
Bà Tạ Thị Tươi, ngụ tại quận 5 TP.HCM chia sẻ: “Tôi bị các bệnh mãn tính tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, bác sĩ ở bệnh viện An Bình đã nắm bệnh và điều trị cho tôi nhiều năm. Nay bảo hiểm xã hội (BHXH) chuyển tôi về bệnh viện quận 5, rất khó khăn cho việc đi lại và làm quen với bác sĩ mới. Hơn nữa, cơ sở vật chất của bệnh viện quận 5 rất kém, máy móc thiếu thốn nên tôi không muốn chuyển về đó. Cơ quan BHXH phân bổ như vậy gây khó khăn cho việc khám chữa bệnh của tôi”.
Không như bà Tươi, ông Nguyễn Thành Hợi, 70 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, có nỗi lo khác. Ông cho biết, mình bị bệnh tim phải sử dụng kỹ thuật của tuyến trên, nhưng bệnh viện quận lại không có. Việc phải khám từ tuyến cơ sở rồi mới chuyển lên tuyến trên vừa nhiêu khê lại tốn thời gian nên ông đã lên thẳng bệnh viện tuyến trên để chữa trị, chấp nhận chỉ hưởng 30% BHYT. Nhưng tới đây, khi BHYT ép bệnh nhân về dưới để giảm tải, ông không biết mình có hưởng được quyền lợi này nữa hay không.
Trước chủ trương này, bệnh viện quận/huyện cũng lo nhiều hơn vui. Đơn cử như bệnh viện quận Bình Thạnh, nơi có số lượng thẻ BHYT kỷ lục 235.000 thẻ, đang đứng trước viễn cảnh quá tải trầm trọng. Một thành viên ban giám đốc cho biết, trong tháng này, có ngày bệnh viện khám đến 2.600 bệnh nhân BHYT, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu bệnh viện quận, huyện không lo đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuyên môn để phục vụ bệnh nhân thì bệnh nhân BHYT sẵn sàng vượt tuyến để được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn, dù phải đóng thêm tiền. Trong trường hợp này, mục tiêu giảm tải sẽ khó đạt được.
Chưa chuyển ồ ạt
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc cơ quan BHXH TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM còn hơn 1,3 triệu thẻ BHYT đang đăng ký ở tuyến trên, nhưng cơ quan BHXH sẽ chuyển thẻ từ từ theo lộ trình chứ không chuyển ồ ạt. Việc chuyển thẻ BHYT từ bệnh viện tuyến thành phố về tuyến quận, huyện được bắt đầu từ đầu năm 2010 đến nay, dự kiến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành.
Để giải quyết hợp lý, theo bà Huyền, với các bệnh viện tuyến dưới đã quá tải, sắp tới BHXH TP.HCM sẽ phối hợp với sở Y tế nghiên cứu lại để chuyển về trạm y tế xã, phường hoặc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên cho hợp lý với bệnh nhân. Với những bệnh nhân có bệnh lý cần can thiệp chuyên môn và kỹ thuật cao thường xuyên, cơ quan BHXH sẽ chuyển thẻ lên tuyến trên. Bà Huyền nói, TP.HCM còn nhiều bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân sẵn sàng tiếp nhận khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, nhưng bệnh nhân có tâm lý ngại đến vì sợ đóng tiền chênh lệch.



 Sgtt - NET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét