Vỉa hè hư hỏng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Diệp Đức Minh
Vỉa hè hư hỏng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Diệp Đức Minh 
Về kế hoạch “1.000 tỉ đồng lát đá vỉa hè trung tâm TP.HCM”, lãnh đạo UBND Q.1 cho biết, “nếu chưa có sự đồng tình, sẽ tiếp tục thuyết phục, chứ không làm theo kiểu chủ quan, duy ý chí”.
“Không phải tổng kinh phí đầu tư lát đá hơn 130 tuyến vỉa hè là 1.000 tỉ đồng, mà đây là số tiền được các doanh nghiệp đã gắn bó lâu năm trên địa bàn Q.1 đề xuất tham gia đóng góp…”, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) khẳng định liên quan đến kế hoạch chỉnh trang đô thị, lót đá vỉa hè trung tâm TP.
Trước những băn khoăn về số kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 1.000 tỉ đồng, ông Trần Thế Thuận nói: “Kinh phí thực hiện dự án này cụ thể là bao nhiêu, quận sẽ tính toán kỹ trong lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2019, sau khi có ý kiến đồng ý chủ trương của UBND TP. Các doanh nghiệp sẽ ứng vốn cho quận thực hiện không lấy lãi và quận hoàn trả lại trong thời gian 5 năm”.
1.000 tỉ lát đá vỉa hè trung tâm Sài Gòn lấy từ đâu? - ảnh 1
Đường Lê Thánh Tôn, đoạn trước trụ sở UBND TP.HCM (Q.1) đã được cải tạo vỉa hè bằng đá granite - Ảnh: Diệp Đức Minh
“Q.1 hạn chế tối đa sử dụng ngân sách để đầu tư chỉnh trang đô thị. Ngân sách quận dành để chăm lo người nghèo, diện chính sách và chương trình nông thôn mới. Đối với việc thực hiện các công trình chỉnh trang đô thị, chúng tôi không xin TP tiền mà chỉ xin cơ chế để thu hút đầu tư”, ông Trần Thế Thuận nói thêm.
1.000 tỉ lát đá vỉa hè trung tâm Sài Gòn lấy từ đâu? - ảnh 2
Kế hoạch là vậy nhưng khi có sự đồng thuận thì mới triển khai, bởi mục đích cuối cùng là vì tương lai của TP, phục vụ lợi ích lâu dài của người dân. Nhưng nếu chưa có sự đồng tình, chúng tôi tiếp tục thuyết phục, chứ không làm theo kiểu chủ quan, duy ý chí. Mong muốn là một chuyện nhưng quá trình làm phải có tính toán cụ thể hơn
1.000 tỉ lát đá vỉa hè trung tâm Sài Gòn lấy từ đâu? - ảnh 3
Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) 
Ông Trần Thế Thuận cho rằng: “Làm hết 134 con đường mà quận quản lý là cả một quá trình nhưng khi bắt đầu làm, chúng tôi chủ trương tạo ra một công trình không chỉ phục vụ cho yếu tố đi lại của người dân, du khách mà còn là một nét đẹp của trung tâm TP. Mọi người sẽ có cảm giác đi trên vỉa hè của Q.1 không khác gì vỉa hè của các TP lớn trên thế giới. Qua khảo sát trước mắt thì dự tính làm 5 tuyến đường mang tính chất là trục xuyên tâm, liên phường ở Q.1, thường xuyên có du khách, người nước ngoài, gồm Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Trên cơ sở thực hiện 5 tuyến đường đó thì TP thấy rằng Q.1 làm có kết quả thì sẽ tạo điều kiện thúc đẩy cho Q.1 làm các tuyến còn lại nhanh hơn”.
Về lý do vì sao sử dụng đá granite (hay còn gọi là đá hoa cương - PV), thay vì các loại gạch lát khác có kinh phí đầu tư thấp hơn, ông Thuận nói, nếu như 15 năm trước làm vỉa hè thì khác; có nơi làm bằng gạch con sâu, nhưng bây giờ cũng đã khác, cần vật liệu đẹp, bền hơn. “Chúng tôi dự tính làm bằng đá granite, có lối lên xuống cho người khuyết tật... Thay vì hiện nay phải thường xuyên kẻ những vạch sơn giới hạn chỗ để xe, thì khi cải tạo vỉa hè sẽ thể hiện bằng một cách văn minh hơn, đó là lót màu đá khác vừa thẩm mỹ, vừa có độ bền cao”, ông Thuận nói.
Ông Thuận cho biết: “Có những nhà đầu tư khi nghe chúng tôi trình bày quan điểm như vậy thì rất ủng hộ và chủ động đề xuất cho phép họ ứng vốn để làm, bởi ở tầm quận, huyện thì không bao giờ đủ ngân sách để giải quyết đồng bộ một công trình lớn trong thời gian ngắn được. Vì vậy khi làm, Q.1 mong muốn làm tăng tốc, đồng bộ, chọn nhà đầu có tâm và có nguồn lực thực hiện, sau đó quận tiết kiệm chi tiêu ngân sách, cam kết hoàn trả lại trong vòng 5 năm bởi hiện nay một năm Q.1 thu ngân sách hơn 8.500 tỉ đồng”.
Cũng theo lãnh đạo UBND Q.1, khi cải tạo hoàn chỉnh sẽ tính đến yếu tố khai thác về mặt quảng cáo; tạo điều kiện cho nhà đầu tư để họ thu lại được lợi nhuận trên cơ sở tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.
Ông Trần Thế Thuận chia sẻ: “Kế hoạch là vậy nhưng khi có sự đồng thuận thì mới triển khai, bởi mục đích cuối cùng là vì tương lai của TP, phục vụ lợi ích lâu dài của người dân. Nhưng nếu chưa có sự đồng tình, chúng tôi tiếp tục thuyết phục, chứ không làm theo kiểu chủ quan, duy ý chí. Mong muốn là một chuyện nhưng quá trình làm phải có tính toán cụ thể hơn”.
Về vấn đề cây xanh khi cải tạo vỉa hè, ông Trần Thế Thuận cho biết: “Qua nghiên cứu một số nơi, chúng tôi nhận thấy cây xanh cần có độ cao hợp lý, vừa tầm mắt, đủ để che mát cho người dân, vừa tạo cảnh quan. Có thể mỗi cây trở thành một bonsai trên đường, chứ không đơn thuần là một cây gỗ. Như vậy công tác chăm sóc, bảo dưỡng và để làm đẹp hơn không chỉ ở mặt đường mà còn ở cây xanh nữa. Chủng loại cây nào mang lại lợi ích cho TP, mà về lâu dài trở thành những cây gỗ quý thì chúng tôi đang tính toán hết, để khi cải tạo nâng cấp xong rồi, thì trở thành những chuẩn mực, tương xứng ở một TP lớn”.

Tân Phú