2 tháng 10, 2013

Hà nội những năm hai mười ba.

  Nghe bài hát của nhạc sỹ Trần Tiến mấy năm trước " Hà nội những năm hai ngàn " bỗng giật mình thấy người Hà nội hôm nay, mới chỉ sau năm hai ngàn có hơn chục năm. 
 Hà nội những năm hai ngàn của Trần Tiến : không còn trẻ em ăn xin, không còn người già lang thang...anh và em đi vào ca ...y như tranh áp phích thời ta đang bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, rất thơ mộng và nhân văn.
 Giật mình tỉnh giấc khi đi qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng và phố Ngô Thì Nhậm gần nhà mình, thấy già trẻ lớn bé ngủ vườn hoa, từ khắp các miền kéo về. Họ đi kiện, đi đòi quyền lợi về đất đai, đòi chế độ chính sách về oan trái...đủ các thể loại. Đã có bà già Thanh hoá chết ngay tại vườn hoa sau vài tháng đi khiếu kiện, có nhiều người tận Dack Nong còn chưa biết tiếng kinh ra ngủ tại hè phố Ngô Thì Nhậm Hà đông để chờ nộp hồ sơ khiếu kiện vì bị lấy mất đât...chưa bao giờ  mình thấy Hà nội lạ lùng như bây giờ.


 Đọc báo thì thấy thanh niên, nam thanh nữ tú cùng ông bà già cả xếp hàng - á à, văn minh đây - nhưng họ xếp hàng để mua cái bánh trung thu giá ba chục ngàn, bằng hai cân gạo loại thường. Mất cả nửa ngày mới đến lượt mua bánh mà chỉ có hai hộp, bức xúc phát sinh từ đây, có khách hàng là thanh niên đã ném gạch vào nhân viên bán bánh khiến phải đi viện. Cũng đã có mấu thuẫn từ hai khách hàng với nhau, một già một trẻ bởi giành chỗ mua bánh hay giành thứ tự thì không rõ, tuy không lao vào đánh nhau nhưng cũng đã làm cho cả phố hốt hoảng : họ tụt quần ra và vỗ hai cái trời cho họ vào mặt nau ...! 
 Nghe đã hết cả hồn chứ chưa cần chứng kiến, ở xa nghe thấy qua báo chí chắc cũng có người bảo : chắc báo chí bịa thêm để có phần hấp dẫn thôi chứ làm gì đến thế, cái bánh ở quê còn cho nhau, mời nhau ăn chưa được nữa là. Nhưng tiếc là chuyện đó lại là sự thật 100%, không thêm bớt, chả nhẽ nhà báo lại cho cả clip lên mạng thì Hà nội còn ra cái gì nữa ?
 Cũng tương tự như chuyện nam thanh nữ tú xếp hàng  đông như kiến mua kem Tràng Tiền lúc 10 giờ đêm, đứng cả ra lòng đường, ai ăn xong thì tiên đâu bỏ vỏ ở đó, trai gái son phấn nước hoa thơm lừng vẫn cười tự nhiên như ...người Hà nội.
 Hà nội những năm hai ngàn mười ba nó vậy, con người đã phải thích nghi với những thứ tưởng như không thể, tưởng như không bao giờ gặp. Anh bạn bảo : con cá dọn rác dưới sông Tô Lịch gần nhà mình giừo nó to như con rô phi nửa cân, trước kia nước sông trong sạch thì nó bé như con cá cờ, nay bị bùn độc và nước thải ngấm vào, nó đã phải sống với những biến đổi từ chính nó, cha mẹ sinh ra nó, biến nó thành con cá mặt quỷ gớm giếc, coi bùn thối và nước thải là nhà. 
 Nghĩ mà kinh khi thấy hàng ngày anh bạn ở công ty nước sạch bảo : mỗi ngày Thủ đô ta tiêu thụ hơn 700 ngàn mét khối nước sinh hoạt, 90% trong số đó không được xử lý, cộng với hàng trăm tấn xà bông, hoá chất dùng cho sinh hoạt, hàng chục bệnh viện trong nội thành xả thải độc hại...Hà nội của chúng ta y như một ngôi nhà nằm trên một cái bể phốt khổng lồ !
 Thế thì có khác gì con cá dọn rác ở sông Tô Lịch, người Hà nội liệu có bị biến đổi gien ?
 Không biến đổi gien mà sao già trẻ tụt quần giữa phố rồi vỗ thi vào mặt nhau ?


1 nhận xét: