28 tháng 12, 2011

Đám cưới thời hợp tác xã.

     Sáng sớm ra cafe, gặp mấy em nói chuyện chém gió về cảnh báo mình báo người, biết là dân báo. Em bảo : mẹ, lấy của nó 10 triệu, PR cho nó là đúng mà lão còn cò kè, cứ bảo chưa đăng được. Em khác bảo : mình đi thực tế hai ngày, viết về sự ham học hỏi của nông dân trong hội thảo hướng dẫn về kỹ thuật cây trồng thì lão tổng cứ lên giọng : ' ' tôi đi trước cô hàng mấy chục năm, làm gì có nông dân nào hiếu học ? cô viết lại đi", cay quá mà chẳng làm gì được.
   Tối, cùng  mấy ông lão đi chơi đám cưới một lão 43 tuổi, họa sĩ mới lấy vợ lần đầu. Nhìn chú rể cứ xoa hai tay vào nhau kính thưa kính gửi các ông bạn đồng niên sắp lên ông ngoại mà tội nghiệp. Tám mãi đủ chuyện lại quay về chuyện đám cưới nhà quê ngày xưa, mỗi ông một vùng, đủ các phong tục tập quán mà không có bất kỳ cuốn sách nào chép đủ cả.
    Nào là 15 cây thuốc lá đem sang nhà gái, nhà giai đốt hết 35 cây trong vòng hai ngày cả dạm và cưới. Con lợn thì đã ra xã xin giấy sát sinh, sẽ mổ trước vào  chiều hôm dạm, sau khi bắc rạp xong, tối sẽ có vài ba mâm cho đám dựng rạp, cháo lòng húp soàn soạt sau khi chuốc rượu nút lá chuối đến say túy lúy.
    Mâm bát thì huy động đi mượn cả làng vì thời đấy làm gì có dịch vụ cho thuê như ngày nay, nhà thì mâm gỗ, nhà khá thì có mâm nhôm, nhà nào cũng ghi tên bằng sơn ở đáy mâm cho dễ nhận. Xoong nồi bát đĩa cũng thế, huy động cả làng, thậm chí con dao bầu mổ lợn cũng phải đi nhờ mấy ông ba toa chuyên mổ thuê cho thương nghiệp huyện mới có. Bát đĩa, đũa, muôi thìa đủ loại, cả làng ai có gì cho mượn thứ đấy, hôm xong việc mang trả thì cứ nhầm nhà này sang nhà kia rồi lại đổi cứ loạn cả làng.
   Năm 79 thì đám nhà tay Bưởng giàu nhất làng cưới con trai, sang trọng nhất bởi có cả cái đài cát sét cục gạch kéo băng hát đi hát lại mấy bài của Chế Linh, Thanh Tuyền. Đám trẻ con cứ thức cả đêm xúm vào xem cái cục gạch của tay cho thuê đài nó hát, hai cái ăc qui thay nhau phục vụ đài, chiếu sáng chưa có điện thì đi mượn ủy ban cái đèn măng sông, nhà chủ lo mua bấc. Có đám đúng lúc ông đại diện nhà trai phát biểu thì đèn măng sông hết dầu, khốn khổ khốn nạn !
    Cỗ cưới thì chỉ mấy bát đĩa lộn xộn : món chân giò hầm miến - một cục thịt chân giò gói vào rồi ninh nhừ sau đó cho tí miến và mộc nhĩ vào - một đĩa thịt mỡ ba chỉ, vài miếng lòng lợn, su  hào sắt con chì nấu canh xương, ngoài ra chả có gì. Ấy thế mà vui, các bà đi ăn cỗ còn chia mấy miếng thịt mỡ, mấy miếng lòng ra theo phần rồi gói đem về cho cháu, chỉ ăn qua loa và nói chuyện. Thế mà cũng có ối đám đánh nhau vỡ đầu chỉ vì rượu, đàn ông nhà quê thời đó cứ đi đám cưới là kiểu gì cũng có vài ông say, rượu làm gì có mà uống như bây giờ ? ngày ấy  nấu rượu lậu có mà bị cho đi tù.

    Hết chuyện đám cưới nhà quê ngày hợp tác xã thì khuya, kéo nhau về còn hẹn nhau mai đi ăn cỗ nhà giai ở khách sạn 5 sao, chắc phong bì 5 k mới dám bước vào sảnh mất. Khốn khổ khốn nạn cho cái thời buổi ăn cỗ giá cao ! giá cứ như ngày xưa thì thích nhỉ ?

2 nhận xét:

  1. hihi bac D chac sap lay vo roi nen co bai don duong truoc day ma.

    Trả lờiXóa
  2. tranthihuong29 tháng 12, 2011

    Tôi lấy chồng vào đầu những năm 80,ngày ấy còn ngăn sông cấm chợ ,nên vật chất còn nghèo lắm.Chú rể ở miền trung ,mang được lồng gà ra Hà nội thì bị bắt ...cỗ cũng đủ 6 đĩa 4 bát tự nấu .Ăn phải theo giờ ,vì mỗi lần ăn chỉ được hơn mười mâm ,khách mời ngoài họ hàng, bạn bè đồng nghiệp ở Hà nội ,còn toàn là công an và bộ đội (chú rể là bộ đội )tính đủ mâm mà vẫn thiếu ,phải hạ trên bàn thờ xuống ,lấy cả mấy mâm dành riêng để cô dâu chú rể ăn với phù dâu phù rể và mấy người phục vụ (quãng 10 mâm ),sau này nghe kể lại mấy người bị ngồi ghép với các chú bộ đội và công an ,vèo một cái giò chả ...trên mâm hết sạch ,chứ không chia mỗi người một miếng (có lẽ lính và công an chưa quen )nên phục vụ phải lấy thêm cỗ .Đồ mừng thì toàn nồi niêu chậu bằng nhôm ,bọc trong giấy hồng điều (chỉ nhuộm một mặt đỏ)có cả đoàn văn công bộ đội đến hát.Đám cưới được cho là to nhất phố vì từ đầu phố đến cuối phố toàn xe là xe ..xe bộ đội ,xe công an ,đưa dâu cũng bằng xe commangga gì đấy .Nhưng được cái sau đám cưới không phải trả nợ ,mà ngày ấy vô tư lắm ,nhiều khi đi cho vui để mừng hạnh phúc cho bạn mình ,chứ không suy nghĩ đắn đo phải cho vào phong bì bao nhiêu đâu ,bởi vậy mình thấy nghèo như ngày xưa cũng có cái hay .

    Trả lờiXóa