23 tháng 4, 2012

Ngôn ngữ báo chí đang bị đánh tráo.

 Tin về 21 ngư dân Việt nam bị Trung quốc bắt giữ gần tháng nay trên các báo hiện rất có nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm.
 Báo thì bảo : '' 21 Ngư dân Việt nam  được thả", báo thì bảo :" 21 ngư dân được về Việt nam "..vv và vv.
 Nếu đọc qua thì không có vấn đề gì, ai cũng hiểu là 21 ngư dân bị Trung quốc bắt giữ, thu hai tàu cá và đòi tiền chuộc như báo đăng, ngoại giao Việt nam và công luận đã liên tục đấu tranh, phản đối việc làm phi pháp của phía Trung quốc. Trước áp lực dư luận họ đã phải trả tự do cho 21 ngư dân và một tàu, một tàu còn lại hiện  họ vẫn đang giữ.
 Tuy nhiên,  nếu tờ báo nào nói rằng ngư dân Việt nam đã được trả về Việt nam từ Hoàng sa thì có nghĩa là Hoàng sa không phải là của Việt nam ?

Một bản tin ngắn ngủn trên báo mạng.

  Đôi khi chỉ một câu chữ rất vô tình, hớ hênh, thiếu chặt chẽ về ngữ pháp, nghĩa từ sẽ dẫn đến toàn bộ nội dung của bài  báo gây hiểu nhầm nghiêm trọng, người làm báo đặc biệt là các Tổng biên tập cần phải có trình độ nhất định về tiếng Việt nhất là khi viết, duyệt bài về các nội dung quan trọng như vậy.
 Chưa biết các ngư dân đã về có phải ký vào giấy tờ văn bản nào xác nhận nộp phạt hay xác nhận vi phạm vùng biển hay không, nếu có việc đó thì đã rất nguy hiểm bởi nếu ký xác nhận hay chấp nhận phạt thì có nghĩa rằng : ngư dân đã đồng ý công nhận vi phạm vùng biển của Trung quốc ? và Hoàng sa sẽ càng ngày càng thêm các khó khăn khi chúng ta đang cố gắng đấu tranh, khẳng định chủ quyền lãnh hải như chúng ta đã và đang làm.

Đúng là ngôn ngữ báo mạng.

  Giả dụ nếu mang vấn đề này ra Quốc tế thì nếu phía Trung quốc trưng ra các văn bản xác nhận vi phạm vùng biển hay chấp nhận nộp phạt thì liệu đó có thể là bằng chứng để gây bất lợi cho Việt nam ?
 Ngôn ngữ, từ ngữ trong báo chí đang rất đáng báo động !

 Hãy xem thêm bài trên Dân Việt để thử cảm xúc của cá nhân: 

21 ngư dân bị Trung Quốc giữ: 48 ngày giam cầm trong đói khổ

(Dân Việt) - “Trong 14 lần tra hỏi, họ đã đánh và chích điện tôi đến 60 lần” - anh Lớn nghẹn ngào kể. Con của anh Lê Lớn bức xúc: Sau khi bị bắt 3 ngày, họ bắt 10 ngư dân tàu chúng tôi đi dọn phân.

Vào lúc 1 giờ 30 sáng 22.4, tàu cá Ng-66074 đưa 21 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị Trung Quốc bắt giam cập cảng Lý Sơn trong niềm vui vỡ òa của gia đình và người dân đất đảo.
2 tháng sút 7kg
Ngay khi bước chân lên đảo, 21 ngư dân đã được UBND huyện Lý Sơn tổ chức gặp mặt, động viên, thăm hỏi sức khỏe.
Thuyền trưởng Trần Hiền gặp lại vợ và các con sau chuyến biển đầy trắc trở.
21 ngư dân này đi trên 2 tàu cá, gồm tàu Qng - 66074 (có 11 ngư dân, do anh Trần Hiền, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, làm thuyền trưởng) và tàu Qng - 66101 (có 10 ngư dân, do ông Lê Vinh làm chủ tàu). 2 tàu đều bị tàu Trung Quốc bắt cùng ngày 3.3 và 21 ngư dân trên 2 tàu đều bị giam cùng một chỗ.
Thuyền trưởng Trần Hiền nhớ lại giây phút kinh hoàng 48 ngày trước:
“Vào 15 giờ ngày 3.3, tàu tôi đang chạy ở toạ độ 16 độ 45 vĩ Bắc - 112 độ kinh Đông trên vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam) thì tàu kiểm ngư 306 của Trung Quốc xuất hiện đuổi theo. Cách tàu tôi chừng 300m, tàu kiểm ngư Trung Quốc cho ca nô lao tới, áp sát tàu tôi.
3 lính Trung Quốc leo lên tàu dùng dùi cui lùa 11 ngư dân trên tàu lên mũi tàu. Họ điều khiển tàu về đảo Phú Lâm, rồi đưa 11 người chúng tôi lên nhốt trong một căn phòng chật chội. Tại đây, tôi thấy có 10 ngư dân của tàu cá QNg- 66101 vừa bị bắt vào buổi sáng (9 giờ).
Theo anh Hiền, 21 ngư dân bị giam giữ trong một căn phòng rộng chừng 40m2. Ăn uống thiếu thốn nên sức khỏe của các ngư dân đều giảm sút. Mỗi bữa một người chỉ được 1 chén cơm.
“Sau hơn 48 ngày mà tôi bị sút tới 7kg” - thuyền trưởng Trần Hiền cho biết.
Những ngư dân trẻ do ăn không no nên bị đói xỉu. “Nhiều hôm tui chỉ ăn nửa chén cơm, còn nửa chén nhường lại cho con là Bùi Văn Lan” - ngư dân Bùi Thu (tàu Qng - 66074) ứa nước mắt.
Dù ăn uống, sinh hoạt khổ sở, nhưng 21 ngư dân đều động viên nhau cố gắng vượt qua, chờ mong ngày trở về sum họp với gia đình, người thân.
Mất sạch tài sản
Tối 12.3, phía Trung Quốc cho anh Hiền gọi điện thoại về báo với gia đình là tàu đã bị bắt, gia đình gửi tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ. Đến ngày 17.3, họ lại bắt anh Hiền điện về hối thúc gia đình nộp tiền chuộc.
“Từ khi bị bắt đến lúc được thả về, họ tra hỏi tôi đến 8 lần. Trong các lần tra hỏi, họ đều bịt mặt chúng tôi” - anh Hiền kể.
Trong 2 tàu bị bắt, tàu anh Hiền được cho về, còn tàu Qng - 66101 vẫn bị giữ lại. “Tàu cho về, nhưng ngư lưới cụ, máy dò cá, định vị, dầu... trên tàu, Trung Quốc lấy sạch, thiệt hại trên 240 triệu đồng. Đó là chưa kể 5 tấn cá đánh bắt được cũng bị lấy sạch”- Trần Hiền than thở.
“Anh em chúng tôi đang trắng tay. Chúng tôi tha thiết được sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, Nhà nước... để đóng lại tàu, mua sắm ngư lưới cụ mà ra Hoàng Sa đánh bắt lại”.
Các ngư dân trên tàu QNg - 66101 của chủ tàu Lê Vinh cho hay, họ bị tàu kiểm ngư Trung Quốc bắt tại toạ độ 17 vĩ Bắc - 112 14 kinh Đông, trên vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam). Ngư dân Lê Lớn (SN 1972) cho biết, anh chịu đòn thay cho thuyền trưởng (thuyền trưởng tàu này không có trong chuyến đi).
Trong 48 ngày bị giam giữ, họ tra hỏi anh Lớn tới 14 lần. “Trong 14 lần tra hỏi, họ đã đánh và chích điện tôi đến 60 lần” - anh Lớn nghẹn ngào kể lại.
Ngư dân Lê Văn Vương (con của anh Lê Lớn) bức xúc: Sau khi bị bắt 3 ngày, họ bắt 10 ngư dân tàu chúng tôi đi dọn phân. Ngư dân Nguyễn Dư trong lúc dọn phân đã bị dị ứng, nổi màu đỏ khắp người. Mùi hôi thối không chịu nổi.
Theo anh Lê Lớn, Trung Quốc đã thu tàu, 2.000 lít dầu, 1 máy định vị, 1 máy dò..., làm thiệt hại trên 600 triệu đồng. Phía Trung Quốc cũng thu 2,5 tấn cá và hải sâm mà tàu đánh bắt được, trị giá khoảng 300 triệu đồng.

1 nhận xét:

  1. Chỉ mấy tờ chính thống (có nghề báo già giặn) dùng các từ ngữ ấy còn mạng cá nhân có thế đâu. Chứng tỏ chẳng phải vô tình hay trình độ kém. Liên hệ tới 2 vụ cờ 6 sáu sao, vụ ảnh lính hải quân và cờ TQ trên đảo Trường Sa thì rõ

    Trả lờiXóa