17 tháng 12, 2011

Đại sứ Mỹ về thăm Thái Bình.

Một ngày đi tỉnh của Đại sứ Mỹ

- Thúc đẩy đầu tư Mỹ vào Việt Nam và tăng cường giao thương giữa hai nước là một trong những mục tiêu ưu tiên của Đại sứ David Shear. Ông hy vọng khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ đi đủ 63 tỉnh thành của Việt Nam. Hôm qua (16/12), ông có chuyến đi về Thái Bình.



Phút thư giãn của Đại sứ David Shear tại quán cà phê Cát Tường, TP Thái Bình, trong khi chờ đến giờ gặp lãnh đạo UBND tỉnh. Đại sứ nói rằng nếu không có chương trình làm việc ở đây, ông sẽ ngồi tiếp và lấy sách ra đọc - một trong những thú vui của cả hai vợ chồng ông trong những lúc rảnh rỗi ở Hà Nội.
Lắng nghe lãnh đạo tỉnh giới thiệu về địa phương, trước khi đề nghị giới thiệu giúp các nhà đầu tư, kinh doanh từ Mỹ, là một trong những việc mà Đại sứ Shear thường xuyên làm trong những chuyến đi về các địa phương.
Câu nói của Chủ tịch Thái Bình, sau khi nhận quà tặng là cuốn sách “Công viên Quốc gia của Mỹ”, rằng ông nhất định sẽ tới thăm công viên này, khiến Đại sứ Shear rất vui. Thế là ông đã quảng bá được về đất nước cho ít nhất một người Việt Nam nữa - một nhiệm vụ của bất kỳ nhà ngoại giao nào.
Trong lúc chờ cơm trưa ở nhà hàng “Cây Trầu”, người lái xe đã mời Đại sứ Shear thử uống nước vối. Trên đường về, ông hỏi liệu có thể tìm được “nước vối” ở Hà Nội không.

Trung tâm Y tế cộng đồng Thái Bình là một dự án được Chính phủ Mỹ tài trợ. Hôm qua, Giám đốc Trung tâm gửi Đại sứ Shear bản tin định kỳ về hoạt động phòng chống HIV/AIDS của cơ sở này. Bà nói chuyến thăm của ngài Đại sứ đã khích lệ anh chị em của trung tâm cố gắng làm tốt hơn nữa công việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Lễ ký kết khoản tài trợ 30.000 USD từ Quỹ Đại sứ, cho một dự án bảo tồn di sản ở Thái Bình. Đại sứ Shear, sau đó, nói với tác giả rằng đầu tư để phát triển tương lai luôn phải gắn với bảo tồn di sản của quá khứ.
Đại sứ Shear rất thích thú khi được lãnh đạo bảo tàng giới thiệu rằng sân khấu chèo (chiếu chèo), cũng như múa rối nước - hai loại hình nghệ thuật đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ - có nguồn gốc từ Thái Bình. Tìm hiểu văn hóa Việt Nam để cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính phủ và nhân dân hai nước là một ưu tiên khác của Đại sứ Shear trong nhiệm kỳ của mình.
Lãnh đạo bảo tàng Thái Bình giới thiệu cho nhà ngoại giao từ bên kia đại dương một loại phương tiện giao thông thời phong kiến dành cho vua quan, chức sắc, và nói rằng cỗ kiệu này đang cần được trùng tu.
Vẻ háo hức của hai nữ nhân viên bảo tàng khi được chụp ảnh với Đại sứ Mỹ, trong khi người thứ ba đang chờ đến lượt chụp với ông. Khi được hỏi về cảm giác của ông, như một “movies’ star” được nhiều người hâm mộ xin chụp ảnh chung, Đại sứ Shear nói rằng ông rất thích tính cách cởi mở và tự nhiên của người dân Việt Nam. Ông còn nói, khi ký kết khoản tài trợ trùng tu di sản với Giám đốc Bảo tàng, ông thực hiện nhiệm vụ ngoại giao nhà nước, còn khi chụp ảnh kỷ niệm cùng các nhân viên bảo tàng, ông là một nhà ngoại giao nhân dân.
Không hiểu đây có phải cuộc đối thoại đầu tiên mà Đại sứ David Shear tham gia, trong cuộc đời ngoại giao của mình hay không. Nhưng chắc chắn nó sẽ xuất hiện trong mục “Gặp gỡ & Đối thoại” trên Tuần Việt Nam vào thứ năm tuần tới.
Huỳnh Phan

VNN.


PS :
 Chíp dự liên hoan cùng 2 đời Đại sứ Mỹ.

15 tháng 12, 2011

Cháy xe máy liên tục - Tìm hiểu một vài nguyên nhân.

   Hàng loạt xe cháy, có đủ cả các hãng trên thị trường Việt nam, từ Honda đến SYM, từ xe có giá trị nhỏ vài triệu đến cả trăm triệu. Các chủ xe đang vận hành trên đường, vừa dắt ra, đề nổ máy, dừng đèn đỏ ...
  Truyền thông loan tin rầm rộ, hãng Honda lao vào xem xét, bồi thường cho một vài trường hợp cho dù  trả lời bằng văn bản là sản phẩm của họ không có lỗi, chưa phát hiện lỗi gì gây ra cháy nổ.
   Hội bảo vệ người tiêu dùng chưa biết nói sao, chủ xe trước mắt bị thiệt, không có chủ xe nào mua bảo hiểm toàn bộ tài sản là cái xe của mình vậy nên chỉ bỏ đống sắt vụn bị cháy gần hết đó rồi đi. Một vài câu hỏi còn được đưa ra : có chăng việc " chơi xấu " của hãng này với hãng kia ? có chăng bị trả thù riêng ?... tóm lại là bế tắc, chỉ biết hỏi nhau.

Cháy xe Honda trên đường Nguyễn Trãi hôm 10.12 gần đây.

   Trên phương diện kỹ thuật, người viết bài này chỉ đưa ra các khả năng gây ra chập, cháy của xe khi đang vận hành hoặc mới đề nổ, cho bất kỳ một loại xe có động cơ xăng hay dầu nào nói chung, xe máy nói riêng.
 Ai cũng biết việc bảo trì các thiết bị máy móc ở Việt nam đối với người dùng cá nhân đều rất thiếu và kém. Do nhận thức, kỹ năng vận hành, khai thác sử dụng thiết bị, do tư duy sợ tốn kém từ phí bảo trì, do tay nghề và trách nhiệm của nhân viên bảo trì thấp...vv tất cả đều có thể dẫn đến hậu quả như chúng ta đã biết gần đây : cháy nổ  xe liên tục.
 Rất đơn giản chỉ một mối rò rỉ từ đường ống dẫn nhiên liệu mà chủ xe không kịp thời phát hiện, một hay vài mối đấu nối điện bị oxy hóa, gây tiếp xúc kém dẫn đến phát tia lửa điện. Trên đường xóc khi gặp ổ gà là có thể gây ra điểm cháy bất kỳ lúc nào.
   Một chiếc xe máy với nhiều chi tiết dây dẫn điện không được chống cháy, ống dẫn cao su không chống cháy, nhiều chi tiết nhựa dễ cháy...đó tiềm ẩn một nguy cơ cháy cao hạng nhất cho chủ xe vào bất kỳ thời điểm nào khi kể từ khi được dắt ra, nổ máy và chạy trên đường.
     Rất nguy hiểm nếu bạn chỉ biết sử dụng xe hoặc tin tưởng vào tay nghề bảo trì của các nhân viên ngoài tiệm. Khi xe bị sự cố, cháy thì họ không bao giờ chịu trách nhiệm kể cả họ vẫn bảo trì cho xe của bạn hàng tháng, thậm chí hàng tuần, vấn đề ràng buộc về pháp lý không có cho tài sản của bạn với bất kỳ nơi nào : từ chỗ bán xe ( bảo hành hoặc đã hết bảo hành), nơi bảo trì, nơi bán phụ tùng, nơi trông giữ...
 Tốt nhất bạn nên có một chuyên gia riêng để luôn chăm sóc cho chiếc xe của bạn với một trách nhiệm bằng chữ tín trên hết. Chiếc xe cho dù là tài sản không lớn đối với bạn nếu bạn thu nhập tốt nhưng an toàn khi lưu thông mới là điều đáng quan tâm. Đừng tiếc vài trăm ngàn để trả cho việc bảo trì xe của bạn trong một tháng để phải mất cả chiếc xe khi nó có thể cháy bất kỳ lúc nào.
    Chuyện các hãng hiện nay phải giảm chi phí để cạnh tranh nên đã đặt hàng sản xuất phụ tùng kém chất lượng bởi các nhà cung cấp lẻ cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến cháy xe của khách hàng khi đang sử dụng. Điều đó có cơ sở bởi ở ta, việc kiểm tra xuất xứ, đánh giá tiêu chuẩn cho một phụ tùng hay  tổng thành chiếc xe hiện chưa có ai làm, khách hàng mua xe hoàn toàn bị tác động bởi tâm lý bầy đàn, hội chứng đám đông và phần nào bởi nghệ thuật tiếp thị của nhà sản xuất.
   Tốt nhất để an toàn cho chiếc xe máy yêu quý của bạn là bạn nên có một chuyên gia hiểu về xe để tư vấn cho bạn, phí tư vấn rất rẻ đôi khi chỉ một nửa cốc cafe mà thôi. Chúc các bạn an toàn khi bon bon trên đường với chiếc xế yêu của mình.

Phát biểu của Đại sứ Việt nam tại Mỹ

Việt Nam không dùng quan hệ nước này để chống nước kia 
 -  "Tôi không thích dùng từ cân bằng để nói về quan hệ giữa Việt Nam - Mỹ và Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam không dùng quan hệ với nước này để chống nước kia", đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường trao đổi với báo giới bên lề ngày làm việc thứ ba của hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 vào sáng 14.12 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bill Burns hôm qua (13.12) khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến việc mong muốn thúc đẩy nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Xin ông cho biết tiến độ hiện nay?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường. Ảnh:
Sau 16 năm, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển vượt bậc và toàn diện, có khuôn khổ hợp tác rõ ràng trên tất cả mọi mặt từ ngoại giao, chính trị đến giáo dục, thương mại, đầu tư. Lãnh đạo hai nước đã nhiều lần phát biểu mong quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục được nâng lên tầm cao mới. Nhưng tầm cao đó thế nào, nội hàm, tên gọi của quan hệ đó thế nào thì vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Việt Nam có lợi gì từ việc Mỹ nêu rõ lập trường họ duy trì vai trò ở châu Á – Thái Bình Dương?
Việt Nam hoan nghênh tất cả đóng góp của tất cả các nước cho hòa bình, ổn định phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kể cả từ phía Mỹ.
Sự nổi lên của Trung Quốc có được đề cập trong làm việc của ông với phía Mỹ?
Tôi có tiếp xúc nhiều với chính giới Mỹ, từ bộ Ngoại giao, Quốc phòng, hội đồng an ninh quốc gia, các nghị sĩ Mỹ, các học giả Mỹ, họ nói nhiều về sự nổi lên của Trung Quốc. Tôi cũng nói với họ rằng, sự nổi lên của Trung Quốc đối với Việt Nam có cả thách thức và cơ hội. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội nhiều hơn. Nhưng ta cũng thấy rõ những thách thức đó. Còn phía Mỹ cũng nói rõ Mỹ mong muốn Việt Nam có quan hệ tốt với Trung Quốc và cả với Mỹ.

Việt Nam nên làm thế nào để cân bằng và hưởng lợi từ quan hệ với Trung Quốc và Mỹ?
Tôi không thích từ cân bằng. Chính sách của Đảng và Nhà nước đã nói rất rõ, Việt Nam thi hành chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phuơng hóa, mong muốn phát triển quan hệ tốt với tất cả các nước, với cả Trung Quốc, cả Mỹ, các nước ASEAN, châu Âu… trên cơ sở độc lập tự chủ. Nguyên tắc lớn trong tất cả các mối quan hệ đó là theo hiến chương LHQ, theo luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Khi nêu những nguyên tác lớn đó, phía Mỹ cũng rất đồng ý. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ rất đa dạng như vậy thì chúng ta muốn quan hệ tốt với tất cả. Ta không dùng quan hệ nước này để chống nước kia. Ta không dùng quan hệ với Trung Quốc để chống Mỹ, cũng không dùng quan hệ với Mỹ để chống Trung Quốc.
Theo ông, thái độ của Việt kiều ở Mỹ với các vấn đề an ninh chủ quyền biển đảo như thế nào?
Phải nói Việt kiều rất quan tâm các vấn đề an ninh chủ quyền biển đảo trong nước. Nếu theo dõi trên mạng sẽ thấy rõ điều đó. Qua các cuộc gặp của tôi với cộng đồng người Việt, báo chí người Việt Nam ở hải ngoại hỏi rất nhiều về vấn đề này. Tôi khẳng định rõ với báo chí người Việt rằng, với người Việt Nam, chủ quyền quốc gia toàn vẹn lãnh thổ rất thiêng liêng, thiêng liêng với mọi người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước. Vấn đề quan trọng là làm sao xử lý bình tĩnh các khác biệt, duy trì được môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước và giải quyết những khác biệt đó trên cơ sở đàm phán và luật pháp quốc tế.
Công tác kiều bào nói chung thì sao, thưa ông?
Mỹ là địa bàn trọng tâm về công tác kiều bào. Trong số 4 triệu kiều bào thì 2 triệu là ở Mỹ. Tôi cũng có dịp tiếp xúc với một số cộng đồng người Việt Nam ở các bang. Tâm tư tình cảm chung là họ rất quan tâm đến tình hình đất nước, đến sự phát triển của đất nước, tình hình an ninh của đất nước. Mong muốn của họ là làm sao đất nước được ổn định, được phát triển đi lên. Đó là điều rất trân trọng. Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến rất thẳng thắn đóng góp. Qua đó tôi cũng thấy sự chân tình, tấm lòng của những người xa tổ quốc, hướng về tổ quốc, rất nhiều điều đáng suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng công tác với người Việt Nam ở Mỹ là một công tác trọng tâm của đại sứ quán.
Đại sứ có nhận định và chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam trong làm ăn với doanh nghiệp Mỹ?
Cảm nhận của tôi là các doanh nghiệp Mỹ ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Có thể nói hàng tuần tôi đều tiếp các doanh nghiệp Mỹ. Tháng nào cũng có hiệp hội doanh nghiệp khác nhau của Mỹ ở Washington D.C và các địa phương tôi đến thăm muốn có tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở Việt Nam.
Tôi cũng tiếp một số doanh nghiệp Việt Nam muốn sang đầu tư làm ăn tại Mỹ. Tuy nhiên sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ, đặc biệt chủ động trong quá trình hai bên tham gia đàm phán TPP so với doanh nghiệp Mỹ còn kém nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa, các hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động có ý kiến với Chính phủ, đoàn đàm phán để bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình đàm phán.
Trong đàm phán TPP hiện nay, duy nhất có hiệp hội Dệt may chủ động cử người đi tham gia cùng đoàn đàm phán Việt Nam. Các hiệp hội khác chưa quan tâm đúng mức. Các hiệp hội công nghiệp của Mỹ họ quan tâm rất lớn, vận động hành lang đoàn đàm phán rất ghê để bảo vệ quyền lợi của mình. Cũng có những hiệp hội vì quyền lợi của mình sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam. Có những hiệp hội làm ăn với Việt Nam đã lâu thì chính là người bảo vệ lợi ích của chúng ta và đấu tranh lại với đoàn đàm phán Mỹ. Do đó, doanh nghiệp càng tham gia tích cực bao nhiêu thì càng bảo vệ lợi ích của mình bấy nhiêu.
Làm ăn ở thị trường Mỹ phải đúng luật, bài bản, lâu dài, sẵn sàng cho những vụ kiện tụng. Quá trình kiện bán phá giá liên quan đến thép chúng tôi đang tiếp tục. Đặc biệt hiệp hội Thép liên quan làm sao tham gia từ đầu, tránh việc vụ kiện ra các nơi mà chúng ta không tham gia từ đầu.
sgtt - VIỆT ANH (GHI)

Bô xít Lâm đồng - khởi tố, bắt giam 12 cán bộ.

Chiếm đoạt 20 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng:
Khởi tố, bắt giam 12 đối tượng.
TP - Ngày 13-12, Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt tạm giam 12 cán bộ và người dân về các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhóm bị can này được xác định có sai phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng công trình tổ hợp bô xít - nhôm Lâm Đồng.
Bước đầu, công an làm rõ, năm 2005 - 2006, tỉnh Lâm Đồng công bố quy hoạch diện tích đất bị thu hồi để triển khai dự án tổ hợp bôxít - nhôm. Thế nhưng, đến năm 2009, một số cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng gồm Hoàng Công Sỏi (Phó phòng nghiệp vụ), Nguyễn Duy Hùng (cán bộ tổ Ngoại nghiệp), Phan Văn Triều và Lưu Minh Hùng (cán bộ tổ Nội nghiệp) cùng một số người quen biết đã mua hàng chục thửa đất nông nghiệp hoặc đất khai phá của người dân ở thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Sau đó, họ nhờ nhiều người khác đứng tên để nhận tiền đền bù, tiền hỗ trợ ổn định cuộc sống, dạy nghề tạo việc làm…
Theo quy định, chỉ những hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất mà không có đất để bồi thường thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. Trong khi đó, 12 đối tượng trên cùng những người đứng tên hộ đều không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất này nhưng đã làm hồ sơ gian dối, chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng tiền chênh lệch đền bù giải phóng mặt bằng.
Công an Lâm Đồng đang mở rộng điều tra để làm rõ trách nhiệm một số cơ quan, cá nhân khác liên quan.
P.V

Quốc tế ủng hộ Việt nam bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Vận động các nước ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua cho rằng đại sứ Việt Nam tại các nước cần phát huy vai trò trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, vận động các nước ủng hộ Việt Nam.
'Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình'
Việt Nam dự Hội nghị quốc tế về Biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Nhật Minh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Nhật Minh
"Trong vấn đề ngoại giao chính trị, chúng ta phải vận động các nước ủng hộ lập trường chính đáng của chúng ta về việc đòi hỏi, khẳng định và bảo vệ chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khi tới dự phiên họp chung Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 và Hội nghị Tham tán thương mại diễn ra tại Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu các đại sứ mở rộng nỗ lực vận động ra nhiều nước trên thế giới, chứ không chỉ gói trọn trong những đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). "Đây là lập trường rất chân chính và chính đáng, bởi vì chúng ta đòi hỏi chủ quyền, khẳng định chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền hoàn toàn theo luật pháp quốc tế, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dẫn chứng rằng đòi hỏi về chủ quyền của Việt Nam nhận được sự ủng hộ khi được nêu ra trong chuyến thăm Uzbekistan, Hà Lan và Ukraina mới đây của Thủ tướng. "Chúng ta đã phá được thế bị 'trùm mền', tức là không được nói lên đòi hỏi chính đáng trên những diễn đàn quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hôm 25/11, trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành hơn 10 phút để trả lời chất vấn về chủ đề chủ quyền biển đảo. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ đòi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng hòa bình.
"Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Phan Lê

Căng thẳng Trung - Nhật leo thang qua tranh chấp biển.

Trung Quốc điều tàu hải giám lớn nhất đến biển Hoa Đông
 - Trung Quốc đã phái chiếc tàu hải giám lớn nhất của họ đến tuần tra tại Biển Hoa Đông, khu vực đang có tranh chấp với Nhật Bản, “để bảo đảm việc tôn trọng chủ quyền Trung Quốc trong khu vực” – báo chí Trung Quốc hôm qua đưa tin.
 
Một tàu hải giám của Trung Quốc
 
Theo Xinhua, chiếc Hải Giám 50 hoàn toàn được chế tạo tại Trung Quốc, có trọng tải 3.000 tấn, và được trang bị các loại công nghệ tối tân nhất.
Chiếc tàu này có thể mang theo loại trực thăng Z9A cũng do Trung Quốc chế tạo.
Còn tờ Global Times viết: “Tàu Hải Giám 50, lớn nhất của Trung Quốc, lần đầu tiên ra khơi sẽ đến tuần tra tại các vùng có mỏ dầu khí trên biển Hoa Đông”.
Theo một viên chức Trung Quốc, đó là những khu vực gần các đảo Nhật Hướng Tiều (Rixiang Rock), Tô Nham Tiều (Suyan Rock), và hai mỏ khí đốt Xuân Hiểu (Chunxiao) và Bình Hồ (Pinghu) của Trung Quốc, cũng như khu vực Trung Quốc-Nhật Bản cùng khai thác.
Tại vùng biển Hoa Đông, chiếc tàu này sẽ phối hợp hành động với chiếc Hải Giám 66, nhỏ hơn – chỉ có trọng tải 1.350 tấn – đã hoạt động trong khu vực từ tháng Ba đến nay.
Tại vùng biển Hoa Đông, từ năm ngoái đến nay, tranh chấp Trung Nhật về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã không ngừng khuấy động quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Nhiều lần, Nhật Bản đã tố cáo tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển mà Nhật Bản cho là thuộc chủ quyền của mình.
Theo hãng tin AFP, việc Bắc Kinh tăng cường lực lượng tuần tra tại vùng Biển Hoa Đông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thường xuyên giữa Trung Quốc với hầu hết các láng giềng có chung vùng biển với Trung Quốc.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lên tiếng kêu gọi hải quân Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu.
Việt Hà
Theo AFP, Telegraph
Dantri.vn

Đời sống, xã hội.

Chồng già chết trên bụng vợ trẻ

Chuyện chết trên bụng vợ không phải là lời đồn thổi trong chốn phòng the mà có khá nhiều trong đời sống do sự kém hiểu biết của các cặp vợ chồng.

Cổ nhân khuyên người già trên 60 tuổi không nên xuất tinh, phải bế tinh để giữ sức khoẻ. Ảnh minh họa: Internet

Tại TPHCM, cơ quan chức năng đã tìm hiểu nguyên nhân cái chết bất ngờ của  ông V.H.N. (73 tuổi) đột tử trong khi đang "chăn gối" với một cô gái 23 tuổi. Theo lời kể của cô gái, trong khi đang quan hệ, bất ngờ ông N. sùi bọt mép và sụp người xuống. Do quá hoảng hốt, cô gái đã lật ngửa người ông V.H.N., gọi người đến cấp cứu nhưng ông đã tắt thở.
 
BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ  tịch Hội Đông y, cho biết các trường hợp như trên được gọi là hạ mã - ngã ngựa hay phạm phòng. Nguyên nhân là do tinh kiệt làm tổn thương đến tâm, tâm huyết không lưu thông khiến tim ngừng đập, chết ngay.
 
Tinh kiệt thường xảy ra ở người già, có tuổi. Do đó, cổ nhân khuyên, người già trên 60 tuổi không nên xuất tinh, phải bế tinh để giữ sức khoẻ, việc xuất tinh gây tổn hại nguyên khí, tâm huyết. Ngoài ra, bệnh nhân bị cảm lạnh theo kiểu thoát dương, dương hư hoặc trong thời kỳ mắc bệnh dương thoát do khí kém và đặc biệt ăn uống no, say bia, rượu, khi sinh hoạt cũng sinh ra thoát dương. Khi cơ thể khí huyết kém, sự ngưng trệ trong cơ thể kém theo, nếu giao hợp cộng thêm xuất tinh nữa, sẽ kéo theo sự yếu đi rõ rệt và người đàn ông bị chết trên người vợ.
 
Cơ chế ngã ngựa cũng được lý giải theo cách khác: Đó là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể như  chuyện ấy giải toả xung năng, làm giảm stress, bớt mệt mỏi... nhưng khi cơ thể già yếu mà hoạt động tình dục mạnh, lúc cao trào càng mạnh thì tim đương nhiên phải hoạt động mạnh, thần kinh phải kích thích, vỏ não hưng phấn quá độ.
 
Lúc đó, cơ thể sẽ tìm cách hãm lại bằng cách gây ra ức chế. Nhưng nếu sự ức chế đó quá mạnh, lan toả ra, nó sẽ làm dừng lại toàn bộ hoạt động của cơ thể, trong đó có tim, dẫn tới người đàn ông bị bất tỉnh. Do đó, người đàn ông mắc một số bệnh lý như cao huyết áp, bệnh tim... càng có nguy cơ bị ngã ngựa.
 
BS Nguyễn Xuân Hướng khuyên nếu chẳng may gặp trường hợp này, nguyên tắc đầu tiên là không được đẩy chồng ra khỏi người vợ. Bởi khi chồng ngất là do dương khí thoát ra mạnh, nếu giữ nguyên, người chồng vẫn còn được sưởi ấm từ người vợ, giữ âm dương hài hòa từ phần dương của vợ, nên có thể cấp cứu cho chồng.
 
Trong trường hợp người chồng có dấu hiệu ngưng thở, tim ngừng đập, người vợ cần làm đau để người chồng tỉnh lại. Sau đó, cần nhanh chóng cấp cứu, hô hấp nhân tạo cho chồng vì thời gian lúc đó là vàng ngọc. Càng chờ lâu sẽ càng khó cứu chồng mình vì chỉ cần 3 phút không có oxy lên não thì não chết.
NLD.com.vn