30 tháng 12, 2011

Quan chức thua cờ tiền tỷ: 'Lỗi của công tác tổ chức cán bộ'

  Bà Trương Thị Nhờ, nguyên Phó Bí thư Thị ủy Sóc Trăng, nói: “Ông Lèo lận đận trong bầu cử nhưng chức vụ lên nhanh, giàu nhanh và sa ngã nhanh, có lỗi của công tác tổ chức cán bộ”.

                                                             Căn biệt thự của ông Lèo .
  Bầu không trúng, vẫn lên
  Bà Trương Thị Nhờ đặt vấn đề: “Chi bộ Đảng, Đảng ủy nơi ông Lèo sinh hoạt có dám giới thiệu những hạn chế, tiêu cực để giúp cho đồng chí mình chưa? Cán bộ mà bị bọn lưu manh đánh đòi nợ nhiều lần thì còn gì là cán bộ nữa”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, BQL chợ huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), có thời gian làm việc chung với ông Lèo tại Phòng Giao thông huyện Thạnh Trị, nhớ lại: “Ông Lèo vào làm việc tại Phòng Giao thông huyện Thạnh Trị sau khi học bổ túc công nông, công tác bình thường, không rõ vì sao lại giàu nhanh”.
Ông Võ Văn Hùng, cán bộ Bến xe huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cũng nhớ lại: “Ở Phòng Giao thông huyện những năm 80, ông Lèo làm tổ phó cầu đường. Sau đó, Trưởng phòng Trần Công Luận được rút về thị xã Sóc Trăng nên ông Lèo đi theo”.
Những năm làm việc tại BQL dự án thị xã (nay là thành phố) Sóc Trăng, ông Lèo lên dần đến Trưởng ban. Bà Trương Thị Nhờ kể: “Chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ 2005-2010, dự kiến đưa ông Lèo về làm Bí thư Đảng ủy phường 6 nhưng bầu vô Thị ủy không trúng”. Thực tế, ông Lèo vẫn làm Bí thư phường 6.
Ông Lèo có bằng đại học giao thông nên lại có ý kiến đề cử ông Lèo làm Phó Chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng, phụ trách khối giao thông xây dựng, nhưng bầu lại không trúng. Bà Nhờ cho biết: “Lúc làm công tác cán bộ, nhân sự thì không ai đặt vấn đề gì lớn, chỉ phạm lỗi sinh con thứ 3 nhưng bầu cử là rớt?”. Song, ông Lèo cứ thăng tiến lên đến PGĐ Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng.
Đã xứng chưa?
Ông Hứa Văn Tỷ, nguyên Chánh thanh tra Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng nói: “Chuyện ông Lèo như thế nào, hàng chục năm nay, dư luận cán bộ ngành GT-VT tỉnh Sóc Trăng ai cũng biết, tôi biết rõ lắm chứ. Việc đề bạt ông Lèo vừa qua là bất bình thường, nếu không muốn nói là có vấn đề. Chúng tôi đã từng phản ánh về thái độ đạo đức cũng như lối sống của ông Lèo nhưng hầu như người ta không chịu nghe. Có lúc, cán bộ nhân viên chúng tôi nghĩ rằng không ai làm gì được ông Lèo”.

Bà Trương Thị Nhờ: “Lỗi của công tác tổ chức cán bộ” Ảnh: Tiến Hưng.
Ông Võ Tấn Giã, nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng, nói: “Hồi xảy ra vụ khiếu nại đất đai giữa ông Lèo với gia đình ông Lâm Văn Tú, tôi là người tham gia giải quyết trực tiếp nên tôi hiểu nỗi oan ức của ông Tú. Trong các cuộc họp của khối nội chính, chúng tôi thống nhất phải giải quyết trả lại đất cho ông Tú, nhưng ông Lèo không chịu trả, khiến cho vụ việc kéo dài, ngày càng phức tạp. Bây giờ, mọi việc đã rõ, ông Lèo như vậy thì thử hỏi việc đề bạt cán bộ đã xứng đáng chưa”.
Ông Trần Anh Dũng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng), cũng bức xúc: “Ông Lèo sai như vậy, chưa giải quyết xong khiếu nại của dân, thế mà vẫn cứ được đề bạt giữ chức vụ chủ chốt trong Sở GT-VT thì thật là khó hiểu. Thậm chí, một cán bộ 2 nhiệm kỳ liên tiếp không được cán bộ tín nhiệm, mà vẫn được điều chuyển giữ chức vụ quan trọng. Đề bạt và quản lý cán bộ như vậy, làm sao người dân
tin phục”.
Tiến Hưng- Thanh Ngọc

   Xử lý nghiêm, không “đệ tử” gì cả.
    Liên quan dư luận cho rằng các ông Lèo, Tân là “đệ tử” của người nọ người kia nên mới giàu có, coi thường pháp luật, Tiền Phong ghi nhận ý kiến của các ông Võ Minh Chiến (Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) và Thiếu tướng Nguyễn Phúc Thảo (GĐ Công an tỉnh).
Bí thư Tỉnh ủy Võ Minh Chiến: Những vụ việc tương tự khi xảy ra thì luôn có nhiều luồng thông tin bàn luận, đồn đoán. Cán bộ trong một tỉnh không thể không quen biết nhau, hoặc có mối quan hệ nào đó.
Quan trọng là việc xử lý sai phạm không được nghiêng bên nọ bên kia, mà phải đúng theo pháp luật. Dư luận hồ nghi “đệ tử” hoặc xử lý không nghiêm là quyền của dư luận nhưng kết quả xử lý cuối cùng sẽ là câu trả lời. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho đến nay đã thể hiện rõ, xử lý nghiêm minh.
Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Phúc Thảo: Ông Tân trước đây có hùn hạp nuôi cá sấu gì đó với Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ trước. Ông này cũng có bà con họ với ông anh thứ năm của vợ tôi. Nhưng dù quen biết hay có bà con xa, vi phạm pháp luật là xử lý hết trơn chứ không thể nương nhẹ. Lãnh đạo tỉnh đã thống nhất rồi, xử lý nghiêm, không có “đệ tử” gì cả.
Sáu Nghệ

 TP online.

28 tháng 12, 2011

Đám cưới thời hợp tác xã.

     Sáng sớm ra cafe, gặp mấy em nói chuyện chém gió về cảnh báo mình báo người, biết là dân báo. Em bảo : mẹ, lấy của nó 10 triệu, PR cho nó là đúng mà lão còn cò kè, cứ bảo chưa đăng được. Em khác bảo : mình đi thực tế hai ngày, viết về sự ham học hỏi của nông dân trong hội thảo hướng dẫn về kỹ thuật cây trồng thì lão tổng cứ lên giọng : ' ' tôi đi trước cô hàng mấy chục năm, làm gì có nông dân nào hiếu học ? cô viết lại đi", cay quá mà chẳng làm gì được.
   Tối, cùng  mấy ông lão đi chơi đám cưới một lão 43 tuổi, họa sĩ mới lấy vợ lần đầu. Nhìn chú rể cứ xoa hai tay vào nhau kính thưa kính gửi các ông bạn đồng niên sắp lên ông ngoại mà tội nghiệp. Tám mãi đủ chuyện lại quay về chuyện đám cưới nhà quê ngày xưa, mỗi ông một vùng, đủ các phong tục tập quán mà không có bất kỳ cuốn sách nào chép đủ cả.
    Nào là 15 cây thuốc lá đem sang nhà gái, nhà giai đốt hết 35 cây trong vòng hai ngày cả dạm và cưới. Con lợn thì đã ra xã xin giấy sát sinh, sẽ mổ trước vào  chiều hôm dạm, sau khi bắc rạp xong, tối sẽ có vài ba mâm cho đám dựng rạp, cháo lòng húp soàn soạt sau khi chuốc rượu nút lá chuối đến say túy lúy.
    Mâm bát thì huy động đi mượn cả làng vì thời đấy làm gì có dịch vụ cho thuê như ngày nay, nhà thì mâm gỗ, nhà khá thì có mâm nhôm, nhà nào cũng ghi tên bằng sơn ở đáy mâm cho dễ nhận. Xoong nồi bát đĩa cũng thế, huy động cả làng, thậm chí con dao bầu mổ lợn cũng phải đi nhờ mấy ông ba toa chuyên mổ thuê cho thương nghiệp huyện mới có. Bát đĩa, đũa, muôi thìa đủ loại, cả làng ai có gì cho mượn thứ đấy, hôm xong việc mang trả thì cứ nhầm nhà này sang nhà kia rồi lại đổi cứ loạn cả làng.
   Năm 79 thì đám nhà tay Bưởng giàu nhất làng cưới con trai, sang trọng nhất bởi có cả cái đài cát sét cục gạch kéo băng hát đi hát lại mấy bài của Chế Linh, Thanh Tuyền. Đám trẻ con cứ thức cả đêm xúm vào xem cái cục gạch của tay cho thuê đài nó hát, hai cái ăc qui thay nhau phục vụ đài, chiếu sáng chưa có điện thì đi mượn ủy ban cái đèn măng sông, nhà chủ lo mua bấc. Có đám đúng lúc ông đại diện nhà trai phát biểu thì đèn măng sông hết dầu, khốn khổ khốn nạn !
    Cỗ cưới thì chỉ mấy bát đĩa lộn xộn : món chân giò hầm miến - một cục thịt chân giò gói vào rồi ninh nhừ sau đó cho tí miến và mộc nhĩ vào - một đĩa thịt mỡ ba chỉ, vài miếng lòng lợn, su  hào sắt con chì nấu canh xương, ngoài ra chả có gì. Ấy thế mà vui, các bà đi ăn cỗ còn chia mấy miếng thịt mỡ, mấy miếng lòng ra theo phần rồi gói đem về cho cháu, chỉ ăn qua loa và nói chuyện. Thế mà cũng có ối đám đánh nhau vỡ đầu chỉ vì rượu, đàn ông nhà quê thời đó cứ đi đám cưới là kiểu gì cũng có vài ông say, rượu làm gì có mà uống như bây giờ ? ngày ấy  nấu rượu lậu có mà bị cho đi tù.

    Hết chuyện đám cưới nhà quê ngày hợp tác xã thì khuya, kéo nhau về còn hẹn nhau mai đi ăn cỗ nhà giai ở khách sạn 5 sao, chắc phong bì 5 k mới dám bước vào sảnh mất. Khốn khổ khốn nạn cho cái thời buổi ăn cỗ giá cao ! giá cứ như ngày xưa thì thích nhỉ ?

Bà mẹ 3 con 44 tuổi bị đi trại vì " bán dâm" !

 Hà Nội: Nhiều uẩn khúc vụ bà mẹ 44 tuổi bị đi trại vì “bán dâm”
(Dân trí) – Trước việc UBND huyện Từ Liêm ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở chữa bệnh có quá nhiều “uẩn khúc”, gia đình nạn nhân đã có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng và Báo Dân trí.
Sổ tạm trú của gia đình chị Phạm Thị Trang (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Việc áp dụng không đúng đối tương vị phạm
Báo Điện tử Dân trí nhận được đơn khiếu nại của chị Phạm Thị Trang, trú tại số 210, khu 2,1 ha, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội phản ánh:
Do bố chị Trang mất sớm, nên mẹ chị Trang là bà Nguyễn Thị Toan, sinh năm 1968 phải vất vả nuôi 3 người con ăn học, bản thân thường xuyên ốm đau, bệnh tật liên miên. Do đã dùng quen các thực phẩm chức năng, nên bà Toan thường mua sản phẩm này của các tư vấn viên Công ty Lô Hội (46 Giang Văn Minh, Hà Nội).
Vào khoảng 21 giờ 30 ngày 14/11/2011, do người bán hàng hẹn bà Toan đến đường Phạm Văn Đồng để lấy hàng, trong khi đang trả tiền hàng thì bà Toan bị lực lượng Công an xã Xuân Đỉnh bắt về trụ sở.
Đến 9 giờ ngày 15/11/2011, Công an xã Xuân Đỉnh đưa bà Toan lên Công an huyện Từ Liêm và 13 giờ chiều cùng ngày bà Toan bị đưa lên trại Lộc Hà, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Đến ngày 22/11/2011, UBND huyện Từ Liêm ra Quyết định số 11140 áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc đối với bà Toan, với lý do: Không có nơi cư trú nhất định, đã có hành vi bán dâm có tính chất thường xuyên.
Quá trình UBND huyện Từ Liêm ban hành quyết định số 11140 trên có rất nhiều uẩn khúc cần được làm rõ là: Bà Toan không có hành vi vi phạm là bán dâm mà lại bị bắt; không có hành vi vi phạm quả tang; không phải là người đã từng có những vi phạm hành chính bị giáo dục ở xã phường, thị trấn; Bà Toan có nơi cư trú ổn định cùng các con ở số 210, khu 2,1 ha, phường Cống Vị, quận Ba Đình (Có sổ tạm trú số 240092259 do Công an phường Cống Vị cấp ngày 29/6/2011). Vậy mà, UBND huyện Từ Liêm lại cho rằng bà Toan không có nơi cư trú nhất định (?).
Ngoài ra, tại biên bản ghi lời khai ngày 14/11/2011 do Công an xã Xuân Đỉnh lập thể hiện nhiều điểm “bất thường”:
Về mặt thời gian: Bản ghi lời khai gồm 04 trang, nhưng được cán bộ ghi lời khai ghi và hỏi rất nhanh chóng, bắt đầu từ 21 giờ 30 và kết thúc vào 22 giờ 00, đây quả là kỷ lục về việc ghi biên bản, Công an xã Xuân Đỉnh chỉ cần 30 phút là đã lấy xong lời khai của  đương sự.
Về cách hỏi rất là miệt thị, không đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, với những câu hỏi: “Toan cho biết…” “ Toan trình bày…”
Căn cứ Nghị định số 43/2005/NĐ-CP; Thông tư số 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA về hướng dẫn Nghị định số 43 quy định về việc đưa người nghiện ma túy, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tại cơ sở chữa bệnh thì hồ sơ phải có: Biên Bản vi phạm hành chính và Biên bản xác định nơi cư trú. Trong trường hợp này thì thiếu cả 2 biên bản trên, vậy mà bà Toan vẫn bị UBND huyện Từ Liêm áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh (?).
Quyết định vi phạm nghiêm trọng về cả hình thức lẫn nội dung?
Ngày 27/12, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Ngô Thế Thêm, Công ty Luật TNHH Đại Việt cho hay: Quyết định hành chính số 11140/QĐ-LXVPHC của bà Phan Lan Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm có nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về cả hình thức lẫn nội dung.
Về hình thức:
Quyết định không đúng căn cứ pháp luật: Quyết định căn cứ vào Nghị định số 43 là không đúng, đây là Quyết định áp dụng biện pháp hành chính, một trong những biện pháp được quy định tại Nghị định số 135/2004. Nghị định số 43 là Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp tạm thời lưu trú tại cơ sở chữa bệnh, thẩm quyền thuộc Trưởng Công an huyện, thế mà Phó chủ tịch UBND huyện lại làm nhầm thẩm quyền của Trưởng Công an huyện;
Quyết định ghi những điều khoản pháp luật áp dụng như: Tại các NĐ số 43 hay NĐ 135 đều quy định Quyết định hành chính phải ghi rõ điều khoản văn bản pháp luật mà người vi phạm hành chính vi phạm, tuy nhiên quyết định trên không ghi rõ điều khoản, văn bản, pháp luật.
Thực tế làm gì có sự vi phạm hành chính nào nên người có thẩm quyền không thể ghi rõ được điều khoản cũng là phải thôi, làm gì có sự vi phạm nên chẳng biết ghi điều khoản nào cả, đành thôi không ghi nữa…
Quyết định không ghi quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính thời hạn để người khiếu nại tiến hành khiếu nại, khởi kiện hành chính… thực tế thì UBND huyện Từ Liêm không giao quyết định cho bà Toan thì làm sao bà Toan thực hiện quyền khiếu nại hay khởi kiện?
Về nội dung:
Áp dụng không đúng đối tượng vi phạm hành chính: Theo quy định của pháp luật thì chỉ áp dụng đối với những người có hành vi bán dâm quả tang, hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính có hồ sơ quản lý rồi lại vi phạm, người không có nơi cư trú nhất định thường xuyên đi lang thang mới đúng với mục đích, vai trò và ý nghĩa của các biện pháp hành chính.
Bà Toan là một người dân bình thường như bao người dân khác, một người có nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú đang ở cùng các con, khi mua thực phẩm chức năng thì bị bắt…
Để làm rõ hơn vụ việc trên, chiều ngày 27/12, PV Dân trí đã có buổi làm việc với bà Phan Lan Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm. Bà Tú cho biết, hiện nay UBND huyện Từ Liêm đã nhận được đơn khiếu nại của chị Phạm Thị Trang (là con gái bà Toan), cơ quan này đang trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc.
Trong ngày 27/12, PV Dân trí đã trao đổi với ông Đỗ Thiện Đức, Phó Trưởng phòng Lao động, thương binh & Xã hội huyện Từ Liêm, ông Đức cho biết, nếu như cơ quan này biết được bà Nguyễn Thị Toan có sổ tạm trú ổn định tại phường Cống Vị, quận Ba Đình đã không xảy ra vụ việc trên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Vũ Văn Tiến

27 tháng 12, 2011

Xăng A90 pha 10% Aceton biến thành xăng A95.

 Xăng pha 10 % Aceton !
Hiện chưa có bất kỳ một tổ chức khoa học, một cơ quan nào tại Việt nam có những nghiên cứu về vấn đề này.
   Các chỉ số kỹ thuật trong xăng có phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của các nhà sản xuất thiết bị, ô tô xe máy dùng xăng hay không, khi chế tạo các phương tiện ô tô xe máy hay các thiết bị dùng xăng có cho phép dùng xăng pha Aceton hay không ...?
   Vì sao nhà buôn xăng lại nhập về loại xăng pha Aceton 10% ? câu hỏi này có thể được nhiều người làm kinh doanh trả lời không khó : lợi nhuận !. Lợi nhuận trong kinh doanh sẽ khiến cho bất kỳ nhà buôn nào cũng phải đưa lên hàng đầu, đã buôn là phải có lãi, lãi càng nhiều càng tốt và không phạm luật. Chuyện sơ hở của luật pháp, trình độ yếu kém của các tổ chức khoa học, các cơ quan quản lý sẽ đổ dồn thiệt hại về phía người tiêu dùng khi họ mua phải một sản phẩm chưa được khoa học kiểm chứng, chưa công bố và chưa có qui định nào cho phép hay không cho phép tiêu dùng.
    Những vụ cháy xe máy và ô tô liên tiếp gần đây hiện vẫn chưa có bất kỳ một kết luận nào chỉ ra nguyên nhân từ đâu, báo chí có anh hỏi vu vơ : hay do chuột cắn dây dẫn, cắn dây điện ? cũng có cơ sở vì thời buổi thóc cao gạo kém, đồ ăn thừa không có để đổ vào thùng rác cho chuột nó bới nên nó đói quá, cắn đủ thứ là chuyện thường. Nhưng, cháy cả rồi thì lấy đâu ra chứng cớ để đổ lỗi cho chuột ? đó mới khó cho các cá nhân làm điều tra  trả lời chính thức.
   Chuyện cho bán một sản phẩm chưa được đăng ký chất lượng, chưa được kiểm nghiệm bởi các tổ chức khoa học là lỗi của quản lý. Một sản phẩm đặc biệt như xăng được bán ra thị trường đâu phải chỉ do mình nhà buôn quyết định từ A đến Z?  Có anh công thương tính giá thành,  có anh Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra mẫu, hải quan áp thuế,  các đơn vị chức năng giám định tình trạng hàng hóa ví dụ Vinacontrol kiểm tra và đóng dấu ngay khi nhập về cảng, vậy chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm này đã đăng ký ở đâu, tiêu chuẩn nào, nó được gọi  tên là gì...vv để làm cơ sở áp thuế, đối chiếu với các mẫu trong  tiêu chuẩn Quốc gia hay Quốc tế để được phép lưu hành ?
    Rất nhiều vấn đề chỉ vỡ ra khi các nhà khoa học được làm việc theo đúng chức năng của họ. Không phải cứ cháy là giao cho công an điều tra, tìm hiểu nguyên nhân, công an đâu phải chỗ làm thay giới khoa học ? việc soát xét lại từ khâu quản lý tiêu chuẩn, quản lý thuế, quản lý giới buôn bán đến quản lý các nhà sản xuất thiết bị dùng xăng...hiện hầu như đang được thả lỏng. Có chỗ thì năm bảy anh quản lý một thứ nhưng khi xảy ra sự cố thì không cá nhân anh nào chịu trách nhiệm, đó là sự bất cập được nêu ra liên tục trong nhiều kỳ họp ở mọi cấp tuy nhiên đến nay vẫn thế.
    Trách nhiệm cá nhân, sở hữu cá nhân - đó là một câu chuyện dài còn phải nói nữa, nói mãi. Nếu các nhà khoa học không dùng chuyên môn của họ để nói ra những bất cập hàng ngày thì khi đó xã hội đã lú lẫn. Mảnh bằng khoa học được cấp từ bất kỳ trường lớp hay chỗ nào đều chỉ để làm cảnh, lúc về già mang ra ngắm, dọa con nít.
   Theo báo Người Lao động tham khảo ý kiến của chuyên gia về xăng dầu thì biết : việc pha chế 10 % aceton vào xăng A90 để " thành " A95 sẽ đem lại lợi nhuận vài tỷ đồng cho 100 ngàn lít xăng. Chuyện đưa 10 % aceton có làm thủng bình xăng bằng kim loại, thủng ống dẫn bằng cao su hay không thì chưa có cơ quan nào trả lời. Người tiêu dùng muốn biết thì tự tìm hiểu, tự làm ...nhà khoa học.
  Cho dù cháy xe của Dân hay xe công thì đều tổn hai đến tiền Dân cả, ngay cả việc  mua bảo hiểm tài sản cũng còn nhiều điều phải bàn. Tự nguyện hay bắt buộc, tài sản cá nhân, tập thể - cái nào bắt buộc, cái nào tự nguyện ...cũng còn phải bàn.

Loi 4 ty dong tu xang pha aceton


26 tháng 12, 2011

Tinh thần chủ nhật.

  Tinh thần thể dục muôn năm !


 
   Tỷ số : 11 -11, rất căng thẳng và kịch tính, thêm mấy cầu thủ mới ra sân đá rất tốt nên số lượng bàn thắng đã tăng đột biến. Cổ động viên mới cũng có thêm nhiều gương mặt mới,  trẻ, xinh, các cầu thủ thi đấu đến tận phút chót, hết thời gian thuê sân còn cố đá thêm.
  Sau trận đấu là những câu chuyện về những pha gay cấn, những kỹ thuật cá nhân cần được phổ biến, học hỏi. Thể lực vẫn là điều đáng bàn để đủ sức thi đấu đến phút chót.
  Có ra sân cỏ mới hiểu được các bô lão Thể công vẫn đá đều các chiều ở sân Viettel khi độ tuổi đã ngoài 50, tức là U60. Họ đá vẫn mượt, không dùng sức nhiều vẫn đẹp, vẫn có nhiều bàn thắng được ghi từ những góc sút đẹp.
 Bóng đá không chỉ là đá bóng, đó còn là những câu chuyện về cái đẹp, tính đồng đội, ký thuật, kỷ luật, rèn luyện sức khỏe cá nhân để vượt qua những thử thách đời thường.