30 tháng 12, 2011

Quan chức thua cờ tiền tỷ: 'Lỗi của công tác tổ chức cán bộ'

  Bà Trương Thị Nhờ, nguyên Phó Bí thư Thị ủy Sóc Trăng, nói: “Ông Lèo lận đận trong bầu cử nhưng chức vụ lên nhanh, giàu nhanh và sa ngã nhanh, có lỗi của công tác tổ chức cán bộ”.

                                                             Căn biệt thự của ông Lèo .
  Bầu không trúng, vẫn lên
  Bà Trương Thị Nhờ đặt vấn đề: “Chi bộ Đảng, Đảng ủy nơi ông Lèo sinh hoạt có dám giới thiệu những hạn chế, tiêu cực để giúp cho đồng chí mình chưa? Cán bộ mà bị bọn lưu manh đánh đòi nợ nhiều lần thì còn gì là cán bộ nữa”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, BQL chợ huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), có thời gian làm việc chung với ông Lèo tại Phòng Giao thông huyện Thạnh Trị, nhớ lại: “Ông Lèo vào làm việc tại Phòng Giao thông huyện Thạnh Trị sau khi học bổ túc công nông, công tác bình thường, không rõ vì sao lại giàu nhanh”.
Ông Võ Văn Hùng, cán bộ Bến xe huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cũng nhớ lại: “Ở Phòng Giao thông huyện những năm 80, ông Lèo làm tổ phó cầu đường. Sau đó, Trưởng phòng Trần Công Luận được rút về thị xã Sóc Trăng nên ông Lèo đi theo”.
Những năm làm việc tại BQL dự án thị xã (nay là thành phố) Sóc Trăng, ông Lèo lên dần đến Trưởng ban. Bà Trương Thị Nhờ kể: “Chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ 2005-2010, dự kiến đưa ông Lèo về làm Bí thư Đảng ủy phường 6 nhưng bầu vô Thị ủy không trúng”. Thực tế, ông Lèo vẫn làm Bí thư phường 6.
Ông Lèo có bằng đại học giao thông nên lại có ý kiến đề cử ông Lèo làm Phó Chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng, phụ trách khối giao thông xây dựng, nhưng bầu lại không trúng. Bà Nhờ cho biết: “Lúc làm công tác cán bộ, nhân sự thì không ai đặt vấn đề gì lớn, chỉ phạm lỗi sinh con thứ 3 nhưng bầu cử là rớt?”. Song, ông Lèo cứ thăng tiến lên đến PGĐ Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng.
Đã xứng chưa?
Ông Hứa Văn Tỷ, nguyên Chánh thanh tra Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng nói: “Chuyện ông Lèo như thế nào, hàng chục năm nay, dư luận cán bộ ngành GT-VT tỉnh Sóc Trăng ai cũng biết, tôi biết rõ lắm chứ. Việc đề bạt ông Lèo vừa qua là bất bình thường, nếu không muốn nói là có vấn đề. Chúng tôi đã từng phản ánh về thái độ đạo đức cũng như lối sống của ông Lèo nhưng hầu như người ta không chịu nghe. Có lúc, cán bộ nhân viên chúng tôi nghĩ rằng không ai làm gì được ông Lèo”.

Bà Trương Thị Nhờ: “Lỗi của công tác tổ chức cán bộ” Ảnh: Tiến Hưng.
Ông Võ Tấn Giã, nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng, nói: “Hồi xảy ra vụ khiếu nại đất đai giữa ông Lèo với gia đình ông Lâm Văn Tú, tôi là người tham gia giải quyết trực tiếp nên tôi hiểu nỗi oan ức của ông Tú. Trong các cuộc họp của khối nội chính, chúng tôi thống nhất phải giải quyết trả lại đất cho ông Tú, nhưng ông Lèo không chịu trả, khiến cho vụ việc kéo dài, ngày càng phức tạp. Bây giờ, mọi việc đã rõ, ông Lèo như vậy thì thử hỏi việc đề bạt cán bộ đã xứng đáng chưa”.
Ông Trần Anh Dũng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng), cũng bức xúc: “Ông Lèo sai như vậy, chưa giải quyết xong khiếu nại của dân, thế mà vẫn cứ được đề bạt giữ chức vụ chủ chốt trong Sở GT-VT thì thật là khó hiểu. Thậm chí, một cán bộ 2 nhiệm kỳ liên tiếp không được cán bộ tín nhiệm, mà vẫn được điều chuyển giữ chức vụ quan trọng. Đề bạt và quản lý cán bộ như vậy, làm sao người dân
tin phục”.
Tiến Hưng- Thanh Ngọc

   Xử lý nghiêm, không “đệ tử” gì cả.
    Liên quan dư luận cho rằng các ông Lèo, Tân là “đệ tử” của người nọ người kia nên mới giàu có, coi thường pháp luật, Tiền Phong ghi nhận ý kiến của các ông Võ Minh Chiến (Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) và Thiếu tướng Nguyễn Phúc Thảo (GĐ Công an tỉnh).
Bí thư Tỉnh ủy Võ Minh Chiến: Những vụ việc tương tự khi xảy ra thì luôn có nhiều luồng thông tin bàn luận, đồn đoán. Cán bộ trong một tỉnh không thể không quen biết nhau, hoặc có mối quan hệ nào đó.
Quan trọng là việc xử lý sai phạm không được nghiêng bên nọ bên kia, mà phải đúng theo pháp luật. Dư luận hồ nghi “đệ tử” hoặc xử lý không nghiêm là quyền của dư luận nhưng kết quả xử lý cuối cùng sẽ là câu trả lời. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho đến nay đã thể hiện rõ, xử lý nghiêm minh.
Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Phúc Thảo: Ông Tân trước đây có hùn hạp nuôi cá sấu gì đó với Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ trước. Ông này cũng có bà con họ với ông anh thứ năm của vợ tôi. Nhưng dù quen biết hay có bà con xa, vi phạm pháp luật là xử lý hết trơn chứ không thể nương nhẹ. Lãnh đạo tỉnh đã thống nhất rồi, xử lý nghiêm, không có “đệ tử” gì cả.
Sáu Nghệ

 TP online.

28 tháng 12, 2011

Đám cưới thời hợp tác xã.

     Sáng sớm ra cafe, gặp mấy em nói chuyện chém gió về cảnh báo mình báo người, biết là dân báo. Em bảo : mẹ, lấy của nó 10 triệu, PR cho nó là đúng mà lão còn cò kè, cứ bảo chưa đăng được. Em khác bảo : mình đi thực tế hai ngày, viết về sự ham học hỏi của nông dân trong hội thảo hướng dẫn về kỹ thuật cây trồng thì lão tổng cứ lên giọng : ' ' tôi đi trước cô hàng mấy chục năm, làm gì có nông dân nào hiếu học ? cô viết lại đi", cay quá mà chẳng làm gì được.
   Tối, cùng  mấy ông lão đi chơi đám cưới một lão 43 tuổi, họa sĩ mới lấy vợ lần đầu. Nhìn chú rể cứ xoa hai tay vào nhau kính thưa kính gửi các ông bạn đồng niên sắp lên ông ngoại mà tội nghiệp. Tám mãi đủ chuyện lại quay về chuyện đám cưới nhà quê ngày xưa, mỗi ông một vùng, đủ các phong tục tập quán mà không có bất kỳ cuốn sách nào chép đủ cả.
    Nào là 15 cây thuốc lá đem sang nhà gái, nhà giai đốt hết 35 cây trong vòng hai ngày cả dạm và cưới. Con lợn thì đã ra xã xin giấy sát sinh, sẽ mổ trước vào  chiều hôm dạm, sau khi bắc rạp xong, tối sẽ có vài ba mâm cho đám dựng rạp, cháo lòng húp soàn soạt sau khi chuốc rượu nút lá chuối đến say túy lúy.
    Mâm bát thì huy động đi mượn cả làng vì thời đấy làm gì có dịch vụ cho thuê như ngày nay, nhà thì mâm gỗ, nhà khá thì có mâm nhôm, nhà nào cũng ghi tên bằng sơn ở đáy mâm cho dễ nhận. Xoong nồi bát đĩa cũng thế, huy động cả làng, thậm chí con dao bầu mổ lợn cũng phải đi nhờ mấy ông ba toa chuyên mổ thuê cho thương nghiệp huyện mới có. Bát đĩa, đũa, muôi thìa đủ loại, cả làng ai có gì cho mượn thứ đấy, hôm xong việc mang trả thì cứ nhầm nhà này sang nhà kia rồi lại đổi cứ loạn cả làng.
   Năm 79 thì đám nhà tay Bưởng giàu nhất làng cưới con trai, sang trọng nhất bởi có cả cái đài cát sét cục gạch kéo băng hát đi hát lại mấy bài của Chế Linh, Thanh Tuyền. Đám trẻ con cứ thức cả đêm xúm vào xem cái cục gạch của tay cho thuê đài nó hát, hai cái ăc qui thay nhau phục vụ đài, chiếu sáng chưa có điện thì đi mượn ủy ban cái đèn măng sông, nhà chủ lo mua bấc. Có đám đúng lúc ông đại diện nhà trai phát biểu thì đèn măng sông hết dầu, khốn khổ khốn nạn !
    Cỗ cưới thì chỉ mấy bát đĩa lộn xộn : món chân giò hầm miến - một cục thịt chân giò gói vào rồi ninh nhừ sau đó cho tí miến và mộc nhĩ vào - một đĩa thịt mỡ ba chỉ, vài miếng lòng lợn, su  hào sắt con chì nấu canh xương, ngoài ra chả có gì. Ấy thế mà vui, các bà đi ăn cỗ còn chia mấy miếng thịt mỡ, mấy miếng lòng ra theo phần rồi gói đem về cho cháu, chỉ ăn qua loa và nói chuyện. Thế mà cũng có ối đám đánh nhau vỡ đầu chỉ vì rượu, đàn ông nhà quê thời đó cứ đi đám cưới là kiểu gì cũng có vài ông say, rượu làm gì có mà uống như bây giờ ? ngày ấy  nấu rượu lậu có mà bị cho đi tù.

    Hết chuyện đám cưới nhà quê ngày hợp tác xã thì khuya, kéo nhau về còn hẹn nhau mai đi ăn cỗ nhà giai ở khách sạn 5 sao, chắc phong bì 5 k mới dám bước vào sảnh mất. Khốn khổ khốn nạn cho cái thời buổi ăn cỗ giá cao ! giá cứ như ngày xưa thì thích nhỉ ?

Bà mẹ 3 con 44 tuổi bị đi trại vì " bán dâm" !

 Hà Nội: Nhiều uẩn khúc vụ bà mẹ 44 tuổi bị đi trại vì “bán dâm”
(Dân trí) – Trước việc UBND huyện Từ Liêm ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở chữa bệnh có quá nhiều “uẩn khúc”, gia đình nạn nhân đã có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng và Báo Dân trí.
Sổ tạm trú của gia đình chị Phạm Thị Trang (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Việc áp dụng không đúng đối tương vị phạm
Báo Điện tử Dân trí nhận được đơn khiếu nại của chị Phạm Thị Trang, trú tại số 210, khu 2,1 ha, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội phản ánh:
Do bố chị Trang mất sớm, nên mẹ chị Trang là bà Nguyễn Thị Toan, sinh năm 1968 phải vất vả nuôi 3 người con ăn học, bản thân thường xuyên ốm đau, bệnh tật liên miên. Do đã dùng quen các thực phẩm chức năng, nên bà Toan thường mua sản phẩm này của các tư vấn viên Công ty Lô Hội (46 Giang Văn Minh, Hà Nội).
Vào khoảng 21 giờ 30 ngày 14/11/2011, do người bán hàng hẹn bà Toan đến đường Phạm Văn Đồng để lấy hàng, trong khi đang trả tiền hàng thì bà Toan bị lực lượng Công an xã Xuân Đỉnh bắt về trụ sở.
Đến 9 giờ ngày 15/11/2011, Công an xã Xuân Đỉnh đưa bà Toan lên Công an huyện Từ Liêm và 13 giờ chiều cùng ngày bà Toan bị đưa lên trại Lộc Hà, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Đến ngày 22/11/2011, UBND huyện Từ Liêm ra Quyết định số 11140 áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc đối với bà Toan, với lý do: Không có nơi cư trú nhất định, đã có hành vi bán dâm có tính chất thường xuyên.
Quá trình UBND huyện Từ Liêm ban hành quyết định số 11140 trên có rất nhiều uẩn khúc cần được làm rõ là: Bà Toan không có hành vi vi phạm là bán dâm mà lại bị bắt; không có hành vi vi phạm quả tang; không phải là người đã từng có những vi phạm hành chính bị giáo dục ở xã phường, thị trấn; Bà Toan có nơi cư trú ổn định cùng các con ở số 210, khu 2,1 ha, phường Cống Vị, quận Ba Đình (Có sổ tạm trú số 240092259 do Công an phường Cống Vị cấp ngày 29/6/2011). Vậy mà, UBND huyện Từ Liêm lại cho rằng bà Toan không có nơi cư trú nhất định (?).
Ngoài ra, tại biên bản ghi lời khai ngày 14/11/2011 do Công an xã Xuân Đỉnh lập thể hiện nhiều điểm “bất thường”:
Về mặt thời gian: Bản ghi lời khai gồm 04 trang, nhưng được cán bộ ghi lời khai ghi và hỏi rất nhanh chóng, bắt đầu từ 21 giờ 30 và kết thúc vào 22 giờ 00, đây quả là kỷ lục về việc ghi biên bản, Công an xã Xuân Đỉnh chỉ cần 30 phút là đã lấy xong lời khai của  đương sự.
Về cách hỏi rất là miệt thị, không đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, với những câu hỏi: “Toan cho biết…” “ Toan trình bày…”
Căn cứ Nghị định số 43/2005/NĐ-CP; Thông tư số 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA về hướng dẫn Nghị định số 43 quy định về việc đưa người nghiện ma túy, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tại cơ sở chữa bệnh thì hồ sơ phải có: Biên Bản vi phạm hành chính và Biên bản xác định nơi cư trú. Trong trường hợp này thì thiếu cả 2 biên bản trên, vậy mà bà Toan vẫn bị UBND huyện Từ Liêm áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh (?).
Quyết định vi phạm nghiêm trọng về cả hình thức lẫn nội dung?
Ngày 27/12, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Ngô Thế Thêm, Công ty Luật TNHH Đại Việt cho hay: Quyết định hành chính số 11140/QĐ-LXVPHC của bà Phan Lan Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm có nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về cả hình thức lẫn nội dung.
Về hình thức:
Quyết định không đúng căn cứ pháp luật: Quyết định căn cứ vào Nghị định số 43 là không đúng, đây là Quyết định áp dụng biện pháp hành chính, một trong những biện pháp được quy định tại Nghị định số 135/2004. Nghị định số 43 là Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp tạm thời lưu trú tại cơ sở chữa bệnh, thẩm quyền thuộc Trưởng Công an huyện, thế mà Phó chủ tịch UBND huyện lại làm nhầm thẩm quyền của Trưởng Công an huyện;
Quyết định ghi những điều khoản pháp luật áp dụng như: Tại các NĐ số 43 hay NĐ 135 đều quy định Quyết định hành chính phải ghi rõ điều khoản văn bản pháp luật mà người vi phạm hành chính vi phạm, tuy nhiên quyết định trên không ghi rõ điều khoản, văn bản, pháp luật.
Thực tế làm gì có sự vi phạm hành chính nào nên người có thẩm quyền không thể ghi rõ được điều khoản cũng là phải thôi, làm gì có sự vi phạm nên chẳng biết ghi điều khoản nào cả, đành thôi không ghi nữa…
Quyết định không ghi quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính thời hạn để người khiếu nại tiến hành khiếu nại, khởi kiện hành chính… thực tế thì UBND huyện Từ Liêm không giao quyết định cho bà Toan thì làm sao bà Toan thực hiện quyền khiếu nại hay khởi kiện?
Về nội dung:
Áp dụng không đúng đối tượng vi phạm hành chính: Theo quy định của pháp luật thì chỉ áp dụng đối với những người có hành vi bán dâm quả tang, hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính có hồ sơ quản lý rồi lại vi phạm, người không có nơi cư trú nhất định thường xuyên đi lang thang mới đúng với mục đích, vai trò và ý nghĩa của các biện pháp hành chính.
Bà Toan là một người dân bình thường như bao người dân khác, một người có nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú đang ở cùng các con, khi mua thực phẩm chức năng thì bị bắt…
Để làm rõ hơn vụ việc trên, chiều ngày 27/12, PV Dân trí đã có buổi làm việc với bà Phan Lan Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm. Bà Tú cho biết, hiện nay UBND huyện Từ Liêm đã nhận được đơn khiếu nại của chị Phạm Thị Trang (là con gái bà Toan), cơ quan này đang trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc.
Trong ngày 27/12, PV Dân trí đã trao đổi với ông Đỗ Thiện Đức, Phó Trưởng phòng Lao động, thương binh & Xã hội huyện Từ Liêm, ông Đức cho biết, nếu như cơ quan này biết được bà Nguyễn Thị Toan có sổ tạm trú ổn định tại phường Cống Vị, quận Ba Đình đã không xảy ra vụ việc trên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Vũ Văn Tiến

27 tháng 12, 2011

Xăng A90 pha 10% Aceton biến thành xăng A95.

 Xăng pha 10 % Aceton !
Hiện chưa có bất kỳ một tổ chức khoa học, một cơ quan nào tại Việt nam có những nghiên cứu về vấn đề này.
   Các chỉ số kỹ thuật trong xăng có phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của các nhà sản xuất thiết bị, ô tô xe máy dùng xăng hay không, khi chế tạo các phương tiện ô tô xe máy hay các thiết bị dùng xăng có cho phép dùng xăng pha Aceton hay không ...?
   Vì sao nhà buôn xăng lại nhập về loại xăng pha Aceton 10% ? câu hỏi này có thể được nhiều người làm kinh doanh trả lời không khó : lợi nhuận !. Lợi nhuận trong kinh doanh sẽ khiến cho bất kỳ nhà buôn nào cũng phải đưa lên hàng đầu, đã buôn là phải có lãi, lãi càng nhiều càng tốt và không phạm luật. Chuyện sơ hở của luật pháp, trình độ yếu kém của các tổ chức khoa học, các cơ quan quản lý sẽ đổ dồn thiệt hại về phía người tiêu dùng khi họ mua phải một sản phẩm chưa được khoa học kiểm chứng, chưa công bố và chưa có qui định nào cho phép hay không cho phép tiêu dùng.
    Những vụ cháy xe máy và ô tô liên tiếp gần đây hiện vẫn chưa có bất kỳ một kết luận nào chỉ ra nguyên nhân từ đâu, báo chí có anh hỏi vu vơ : hay do chuột cắn dây dẫn, cắn dây điện ? cũng có cơ sở vì thời buổi thóc cao gạo kém, đồ ăn thừa không có để đổ vào thùng rác cho chuột nó bới nên nó đói quá, cắn đủ thứ là chuyện thường. Nhưng, cháy cả rồi thì lấy đâu ra chứng cớ để đổ lỗi cho chuột ? đó mới khó cho các cá nhân làm điều tra  trả lời chính thức.
   Chuyện cho bán một sản phẩm chưa được đăng ký chất lượng, chưa được kiểm nghiệm bởi các tổ chức khoa học là lỗi của quản lý. Một sản phẩm đặc biệt như xăng được bán ra thị trường đâu phải chỉ do mình nhà buôn quyết định từ A đến Z?  Có anh công thương tính giá thành,  có anh Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra mẫu, hải quan áp thuế,  các đơn vị chức năng giám định tình trạng hàng hóa ví dụ Vinacontrol kiểm tra và đóng dấu ngay khi nhập về cảng, vậy chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm này đã đăng ký ở đâu, tiêu chuẩn nào, nó được gọi  tên là gì...vv để làm cơ sở áp thuế, đối chiếu với các mẫu trong  tiêu chuẩn Quốc gia hay Quốc tế để được phép lưu hành ?
    Rất nhiều vấn đề chỉ vỡ ra khi các nhà khoa học được làm việc theo đúng chức năng của họ. Không phải cứ cháy là giao cho công an điều tra, tìm hiểu nguyên nhân, công an đâu phải chỗ làm thay giới khoa học ? việc soát xét lại từ khâu quản lý tiêu chuẩn, quản lý thuế, quản lý giới buôn bán đến quản lý các nhà sản xuất thiết bị dùng xăng...hiện hầu như đang được thả lỏng. Có chỗ thì năm bảy anh quản lý một thứ nhưng khi xảy ra sự cố thì không cá nhân anh nào chịu trách nhiệm, đó là sự bất cập được nêu ra liên tục trong nhiều kỳ họp ở mọi cấp tuy nhiên đến nay vẫn thế.
    Trách nhiệm cá nhân, sở hữu cá nhân - đó là một câu chuyện dài còn phải nói nữa, nói mãi. Nếu các nhà khoa học không dùng chuyên môn của họ để nói ra những bất cập hàng ngày thì khi đó xã hội đã lú lẫn. Mảnh bằng khoa học được cấp từ bất kỳ trường lớp hay chỗ nào đều chỉ để làm cảnh, lúc về già mang ra ngắm, dọa con nít.
   Theo báo Người Lao động tham khảo ý kiến của chuyên gia về xăng dầu thì biết : việc pha chế 10 % aceton vào xăng A90 để " thành " A95 sẽ đem lại lợi nhuận vài tỷ đồng cho 100 ngàn lít xăng. Chuyện đưa 10 % aceton có làm thủng bình xăng bằng kim loại, thủng ống dẫn bằng cao su hay không thì chưa có cơ quan nào trả lời. Người tiêu dùng muốn biết thì tự tìm hiểu, tự làm ...nhà khoa học.
  Cho dù cháy xe của Dân hay xe công thì đều tổn hai đến tiền Dân cả, ngay cả việc  mua bảo hiểm tài sản cũng còn nhiều điều phải bàn. Tự nguyện hay bắt buộc, tài sản cá nhân, tập thể - cái nào bắt buộc, cái nào tự nguyện ...cũng còn phải bàn.

Loi 4 ty dong tu xang pha aceton


26 tháng 12, 2011

Tinh thần chủ nhật.

  Tinh thần thể dục muôn năm !


 
   Tỷ số : 11 -11, rất căng thẳng và kịch tính, thêm mấy cầu thủ mới ra sân đá rất tốt nên số lượng bàn thắng đã tăng đột biến. Cổ động viên mới cũng có thêm nhiều gương mặt mới,  trẻ, xinh, các cầu thủ thi đấu đến tận phút chót, hết thời gian thuê sân còn cố đá thêm.
  Sau trận đấu là những câu chuyện về những pha gay cấn, những kỹ thuật cá nhân cần được phổ biến, học hỏi. Thể lực vẫn là điều đáng bàn để đủ sức thi đấu đến phút chót.
  Có ra sân cỏ mới hiểu được các bô lão Thể công vẫn đá đều các chiều ở sân Viettel khi độ tuổi đã ngoài 50, tức là U60. Họ đá vẫn mượt, không dùng sức nhiều vẫn đẹp, vẫn có nhiều bàn thắng được ghi từ những góc sút đẹp.
 Bóng đá không chỉ là đá bóng, đó còn là những câu chuyện về cái đẹp, tính đồng đội, ký thuật, kỷ luật, rèn luyện sức khỏe cá nhân để vượt qua những thử thách đời thường.
 

23 tháng 12, 2011

Thơ cổ Ba tư.

   THƯ TRẢ LỜI MỘT ĐẠI QUAN, NGƯỜI VÔ CỚ SỈ NHỤC TÁC GIẢ.
   Tác giả : Apkhađiđin Anvari.


  Ông sinh đầu thế kỷ XII, ở Khorasan, Iran ngày nay, ông là một nhà khoa học nổi tiếng. Sau 30 năm phục vụ Vương triều của một Quốc vương hùng mạnh, ông bỏ về quê, sống đơn độc một mình trong cảnh nghèo đói. Ông được đánh giá là một trong những nhà thơ lớn của nền thơ Ba Tư cổ.


 Đừng đánh giá mọi người theo vẻ ngoài.
Ông nghĩ mình là người ư thưa ngài ?


Không phải ai đi hai chân, đội mũ,
Đều được gọi là người, không phải thú.


Không ít khi, như ta thấy ở đời, 
Nhiều con thú còn tốt hơn con người.


Ông mà gọi là người ư, Xin lỗi,
Ông sợ sệt quỳ trước vua, bối rối,


Trong khi vua, ai cũng biết, nhiều lần
Ca ngợi tôi về kiến thức, thơ văn.


Thế mà ông làm nhục tôi vô cớ.
Ông, ngu dốt, bất tài, bỡ đợ. 


Ông luồn lọt để làm quan, đê hèn
Tìm mọi cách để làm giàu, moi tiền.


Ông bóc lột, làm dân ông đói khổ.
Sớm hay muộn, trời phạt ông điều đó.


Vậy, đừng kiêu, đừng nghĩ mình là người. 
Đừng hợm hĩnh thấy ai cũng chê cười.




Dịch giả : Thái Bá Tân.



22 tháng 12, 2011

Sao Batman bị công an Trung quốc cấm cản.

Sao ‘Batman’ bị công an Trung Quốc cấm cản
TPO – Ngôi sao Hollywood Christian Bale đã bị công an Trung Quốc ngăn cản không cho thăm một luật sư mù, đồng thời cũng là một nhà hoạt động nhân đạo đang bị giam lỏng ở một làng phía đông nước này.
Ngôi sao Hollywood Christian Bale
Ngôi sao Hollywood Christian Bale.
Sự kiện được kênh CNN ghi hình và phát sóng đang gây xôn xao dư luận về chuyến thăm mới nhất của nam tài tử từng đảm nhận vai nam chính trong loạt phim mới nhất về người dơi tới Trung Quốc.
Christian Bale tới Trung Quốc để tham gia sự kiện quảng bá cho bộ phim mới nhất của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu mà anh là nam diễn viên chính đó là The Flowers of War (Kim Lăng thập tam thoa).
Trong chuyến đi này, Christian Bale cùng với một đoàn làm phim của kênh truyền hình CNN đã vượt qua một quãng đường rất xa xôi để đến với một ngôi làng hẻo lánh phía đông Trung Quốc với mục đích gặp mặt luật sư mù có tên Chen Guangcheng. Chen cũng là một nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng tại Trung Quốc đã đấu tranh không biết mệt mỏi để chống lại các hành động triệt sản và phá thai cưỡng bức của chính quyền.
Trong khoảng 15 tháng qua, Chen và vợ con bị quản thúc tại nhà và cấm mọi sự thăm viếng. Mặc dù bị quản chế rất khắt khe nhưng có nhiều người đã bất chấp nguy hiểm để tìm mọi cách gặp mặt nhà hoạt động nhân đạo này, trong đó có ngôi sao Hollywood Christian Bale.
Tuy nhiên, nam diễn viên cũng đã không thực hiện được ý định của mình khi anh gặp phải sự ngăn cản quyết liệt của chính quyền Trung Quốc. Trong đoạn clip trên kênh CNN, Christian và đoàn làm phim bị công an xua đuổi và buộc phải lên xe trở về. Trước sự ngăn cấm này, nam diễn viên đã hỏi các nhân viên an ninh: “Tại sao tôi lại không được gặp người đàn ông tự do này?”.
Nói về ý định của mình, Christian cho biết: “Điều tôi thực sự muốn làm đó là gặp người đàn ông này, bắt tay và nói cho anh ấy biết rằng anh ta là một người có sức ảnh hưởng như thế nào với những việc làm của mình”.
Về phía chính quyền Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin phát biểu: “Christian được mời đến Trung Quốc để tham gia sự kiện ra mắt phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu chứ không phải để thực hiện những tin tức bịa đặt hay quay phim tại ngôi làng đó”.
Bộ phim The Flowers of War với sự tham gia diễn xuất của Christian Bale đã được Trung Quốc lựa chọn để tranh giải tại hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar vào năm tới. Phim có kinh phí gần 100 triệu đôla với những cảnh quay hoành tráng xoay quanh vụ thảm sát ở Nam Kinh năm 1937.
Videp clip Christian Bale bị công an Trung Quốc ngăn cản không cho gặp luật sư mù Chen Guangcheng (Nguồn: CNN):
Duy Nam
Theo CelebS

Cần 40 năm để đóng nhà máy điện hạt nhân Nhật.

 Nhà máy được xây dựng theo Tiêu chuẩn Nhật, tuy vậy vụ động đất, sóng thần được coi là nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến sự cố nguy hiểm này. Kỳ vọng xây một nhà máy điện hạt nhân đảm bảo độ an toàn tuyệt đối ở bất kỳ đâu trên Thế giới chỉ là chuyện viễn tưởng, thế nhưng đâu đó vẫn có những phát ngôn " bất hủ" : nhà máy điện hạt nhân chúng ta sẽ xây được dùng công nghệ an toàn nhất ! 

Nỗ lực đưa các lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I ở phía đông bắc Nhật Bản tới trạng thái ngừng hoạt động vĩnh viễn có thể kéo dài tới sau năm 2050.

Cảnh tượng
Cảnh tượng bên ngoài một lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ảnh:AP.
AFP đưa tin hôm qua chính phủ Nhật Bản và công ty điện lực Tokyo (TEPCO) công bố lộ trình đưa các lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào trạng thái ngừng hoạt động hoàn toàn. Theo lộ trình, quá trình đóng cửa hoàn toàn nhà máy có thể diễn ra trong 4 thập kỷ. Các kỹ sư sẽ cố gắng xử lý an toàn nhiên liệu hạt nhân trong các lò phản ứng trong 10 năm tới. Những công nghệ trong tương lai sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý "dọn dẹp" nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng trong các lò.
“Chúng tôi sẽ gặp nhiều thách thức về thuật đối với mỗi bước trong quá trình đưa lò phản ứng vào trạng thái ngừng hoạt động vĩnh viễn”, Goshi Hosono, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, phát biểu.
Ông Hosono khẳng định chính phủ sẽ chi tiền để thực hiện mọi biện pháp cần thiết đối với nỗ lực vô hiệu hóa các lò phản ứng, đồng thời công bố mọi thông tin liên quan tới quá trình đó – bao gồm cả những kết quả đã đạt được lẫn những vấn đề phát sinh.
Một ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật Bản ước tính chi phí tối thiểu dành cho quá trình vô hiệu hóa các lò phản ứng có thể lên tới 14,8 tỷ USD.
TEPCO sẽ tiếp tục đổ nước vào các lò phản ứng để làm nguội cho tới khi công nhân lấy hết các mảnh vụn bên trong.
Cuối tuần trước Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã tiến tới trạng thái ngừng hoạt động nguội (cold shutdown).
Một lò phản ứng tiến tới trạng thái ngừng hoạt động nguội khi nước làm nguội nhiên liệu hạt nhân trong lò có áp suất không khí và nhiệt độ dưới 95 độ C. Với nhiệt độ dưới 95 độ C, nước sẽ không sôi ngay cả khi áp suất trong hệ thống làm nguội lò giảm. Trong một số trường hợp người ta sử dụng thuật ngữ "ngừng hoạt động nguội" để miêu tả trạng thái của lò phản ứng sau khi nhiên liệu hạt nhân nóng chảy. Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định đây là cách sử dụng từ ngữ không chính xác.
Minh Long


VNex.

21 tháng 12, 2011

Tăng 5% thì không cần xin phép Thủ tướng ?

  Trong khi lương của Thứ trưởng hay Giáo sư cũng chỉ trên dưới 6 triệu, vậy lương của cán bộ EVN như kiểm toán báo cáo là sấp sỉ 30 triệu, họ dựa vào hệ số qui định nào để chia lương thế, có điều gì sai phạm trong việc này không, thanh tra đâu sao chưa vào việc ?

''EVN không sòng phẳng khi bất ngờ tăng giá điện''

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng quyết định tăng giá điện của EVN không phản ánh vào lạm phát năm nay, nhưng sẽ tạo tiền lệ xấu và gây khó cho hoạt động điều hành giá lâu dài.
Giá điện tăng từ 20/12
5 mặt hàng thiết yếu tăng giá ‘khủng’ nhất 2011EVN đầu tư 100, thu lãi chỉ một

 - Tập đoàn Điện lực Việt nam ( EVN ) vừa thông báo tăng giá điện khoảng 5% kể từ 20/12. Điều chỉnh này tác động như thế náo tới chỉ số giá tiêu dùng ( CPI) 2011 cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát một con số của năm sau ?   

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Nhật Minh
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Nhật Minh
- Tôi rất bất ngờ trước thông tin này vì nhiều cam kết của cơ quan điều hành đưa ra trước đó đều khẳng định việc điều chỉnh giá phải theo lộ trình và tránh gây sốc cho nền kinh tế.
EVN thông báo tăng giá vào ngày 19/12, tức là sau thời điểm Tổng cục Thống kê lấy số liệu tính CPI tháng 12. Như vậy lạm phát của năm 2011 sẽ không bị ảnh hưởng nhưng chắc chắn sẽ để lại hệ quả trong giai đoạn đầu năm 2012. Trong khi đó, những e ngại việc CPI sẽ tăng trở lại trong tháng một tới do tác động của Tết vẫn còn đó thì việc tăng giá điện rất có thể sẽ trở thành yếu tố châm ngòi.
- Theo giải trình của Bộ Công Thương và EVN, mức tăng giá lần này chỉ khoảng 5% nên doanh nghiệp không phải chờ ý kiến phê duyệt của Thủ tướng. Đồng thời EVN cũng không tăng giá bán đối với hộ nghèo và bậc thang điện sinh hoạt 0 - 100 kWh. Bà bình luận gì về điều này?
- Theo tôi thì với một mặt hàng quan trọng như điện thì không nên trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp với bất cứ tỷ lệ % nào. Lần điều chỉnh này chỉ 5% nhưng rất có thể là khởi đầu cho những lần tăng khác trong năm 2012 hay không? Rồi nếu mỗi quý EVN tăng 5% thì cộng lại, mức tăng sẽ như thế nào?
Thêm vào đó, việc làm lần này cho thấy bằng cách này hay cách khác, doanh nghiệp vẫn có khả năng tăng giá. Vấn đề chỉ là ít hay nhiều mà thôi.
Tương tự với việc hỗ trợ hộ nghèo, không thể nói không tăng giá bán điện cho họ là đời sống không bị ảnh hưởng vì các mặt hàng khác đều bị đội lên. Do vậy, tôi cho rằng việc EVN bất ngờ tăng giá ở thời điểm này, dù nói thế nào đi nữa, cũng là không sòng phẳng với xã hội và người tiêu dùng.
- Vậy với tư cách là một chuyên gia, bà có đề xuất giải pháp gì để việc điều chỉnh giá điện trở nên “sòng phẳng” hơn?
- EVN luôn nói phải tăng giá bán điện do đang phải bán dưới giá thành, bù lỗ nhiều cho các ngành công nghiệp. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính - Vương Đình Huệ cũng đã nêu rất rõ các ngành phải bù lỗ nặng nhất là thép hay xi măng… Do vậy, tôi cho rằng việc điều chỉnh giá điện cần tính cho những ngành đó, thay vì tất cả người tiêu dùng trong xã hội. Như vậy, tiếng là EVN đang bù lỗ, nhưng thực chất xã hội mới là người phải gánh chịu.
Điều chỉnh giá điện đối với các đối tượng nói trên cũng buộc họ phải tiết kiệm năng lượng, cắt giảm đầu tư, tăng hiệu quả. Ngoài ra, ngành điện cũng phải xem lại mình. Bên cạnh câu chuyện đầu tư ngoài ngành thì rất nhiều khoản đầu tư “đúng ngành” của EVN cũng được đánh giá là kém hiệu quả, gây tổn thất lớn. Chính những yếu tố này đã góp phần làm đội giá thành sản xuất điện. Và cuối cùng, chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thông qua những lần điều chỉnh đột ngột như thế này.
Tại buổi Sơ kết mô hình Tập đoàn - Tổng công ty Nhà nước ngày 9/12, đề xuất tăng giá điện cũng được Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh đề xuất. Khẳng định việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản theo hướng thị trường là mục tiêu kiên quyết nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết đây là việc làm phải thực hiện theo lộ trình, tránh gây sốc cho nền kinh tế. Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, EVN có thể dần thực hiện điều chỉnh giá bán ngang với giá thành nhưng không cho phép tăng giá mạnh (15-20%) ngay trong tháng 12 này.
Nhật Minh
VNex.

20 tháng 12, 2011

Kiểm toán báo cáo sai ?

    Nếu theo kết quả báo cáo của kiểm toán thì chả còn gì để nói với EVN thêm.Việc tiếp tục tăng giá điện giữa thời điểm toàn Dân đang liêu siêu bởi lạm phát , tăng giá đủ thứ như hiện nay như là một quả đấm dành cho bà con ăn Tết vậy. EVN nếu oan ức sau khi xem bài này thì hãy lên tiếng kẻo lại bị " hiểu nhầm".

 

Lương cán bộ văn phòng EVN gần 30 triệu một tháng

Năm 2010, thu nhập bình quân toàn Tập đoàn Điện lực VN (EVN) là 13,7 triệu đồng một tháng. Riêng cán bộ cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn có thu nhập bình quân gấp hơn 2 lần con số trên.
Lãnh đạo EVN trần tình về lương 7,3 triệu đồng
VSH từ chối gia hạn nợ cho EVN
EVN đầu tư 100, thu lãi chỉ một

Thu nhập bình quân của cán bộ EVN là 13,7 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng một tháng. Trong đó, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng mỗi người một tháng. Còn khối phân phối điện, thu nhập bình quân mỗi tháng vào khoảng 7,9 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn còn chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các đơn vị. Chẳng hạn thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ bao gồm cả tiền thưởng vận hành an toàn điện năm 2010 là 13,7 triệu đồng một người mỗi tháng. Thu nhập bình quân cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn còn cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của công ty mẹ.
Trước đó, Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh tại một cuộc họp báo về giá thành sản xuất điện đã chia sẻ rằng thu nhập bình quân lao động trong ngành điện năm 2009 chỉ là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Và ông cảm thấy “đau lòng” vì mức thu nhập này rất khó sống ở đô thị. Tuyên bố của ông Thanh đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ trong dư luận vì hiện nay nhiều ngành, nghề lĩnh vực, người lao động chỉ nhận một mức lương 2-3 triệu đồng mỗi tháng.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, tiền lương của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng, Tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt 5,9 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng. Như vậy, mức lương trung bình là 7,3 triệu đồng của cán bộ, công nhận viên EVN còn cao hơn cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng.
Hồng Anh

19 tháng 12, 2011

Chuyên nghiệp phát ngôn thì đương nhiên ...ấn tượng.

 Sao ăn chi bẩn vậy ?
 Vinh danh các hiệp sỹ đường phố là cần thiết !
 Doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường !
 Cháy vì hệ thống báo cháy chữa cháy của tòa nhà chưa hoạt động.
 Sân gofl quá nhiều là do qui hoạch.
 Tắc đường là do ý thức tham gia giao thông, do dân số đông.
  Điện lại phải tăng giá vì lỗ quá.
 ... 
   Nhiều phát ngôn thực sự gây ấn tượng cho độc giả khi xem ti vi, đọc báo, xem xong chưa chắc đã hiểu ngay, vỡ ra ngay vì người phát ngôn có thể nói chưa " trúng", chưa " đúng", đôi khi nó quá ấn tượng hoặc trừu tượng.
  Có chuyện cháy hầm nhưng khói lên khắp nhà, tận nóc ?
    Chuyện xảy ra cháy dưới hầm, một tòa nhà hiện đại như vậy mà khói lên được tận nóc, luồn vào khắp các tầng thì chứng tỏ tòa nhà này có thiết kế không đạt tiêu chuẩn. Đơn giản là hệ thống trục kỹ thuật thiếu các sàn ngăn cách, các van dập lửa cho ống, máng kỹ thuật. Quạt tăng áp chưa chạy để bơm vào thang thoát nạn, tuy nhiên các cửa chống cháy như vậy đã có thể lắp sai hoặc chưa có giăng, chưa có bản lề thủy lực để luôn kéo khít vào.


 Nhà EVN mới cháy hôm rồi.
   Nếu hệ thống cửa và các trục thông tầng được thiết kế và thi công đúng tiêu chuẩn thì khói không bao giờ đi được từ hầm lên các tầng và thang bộ như đã thấy. Cũng có thể công trình chưa đến giai đoạn hoàn thiện ? vậy chưa hoàn thiện thì có thể để cháy và khói như vậy, không cần biện pháp thi công hợp lý, an toàn được phê duyệt từ trước ?

May mà không xảy ra chết người, tuy nhiên thiệt hại về mọi mặt là không nhỏ.
  Cháy đôi khi không ở hiện trường mà lại cháy ở những chỗ vô hình, trách nhiệm bị cháy là một ví dụ. Bà bộ trưởng bỗng thốt lên : " Sao ăn chi bẩn vậy ? ''. Quả thực là đồ ăn bẩn, nước uống bẩn, hóa chất không có xuất xứ mang pha chế thực phẩm, thiết bị đồ dùng bẩn...các kết quả thí nghiệm của các cơ quan chức năng đã trình ra khiến bà bộ trưởng bỗng nói thật lòng mình. Tuy nhiên, trách nhiệm để xảy ra hiện trạng đó thì bà không cho biết là còn hay đã cháy rồi, mà nó là của ai ?
   Bệnh nhân nằm chung 3 người một giường, người nhà nằm cả dưới gầm giường - khó có ở đâu giống như vậy - bà bộ trưởng cũng phải thốt lên khi đi thăm vài bệnh viện rải rác ở Sài gòn và Hà nội.

Báo chí đôi khi chụp ảnh ở những góc chưa đẹp.
   Báo VN ếch phét thì tổ chức bình chọn vinh danh hiệp sỹ đường phố, báo VNN thì cho rằng đó là điều dở. Nhiều quan điểm cho rằng việc giữ gìn an ninh đường phố là của lực lượng an ninh, công an ăn lương chuyên nghiệp, họ có đủ cơ sở pháp lý, công cụ hỗ trợ, phương tiện để làm mà giảm thiểu nguy hiểm cho nhân viên. Hiệp sỹ chỉ có lý trí và nhiệt huyết nên đôi khi bị nguy hiểm đến tính mạng, cũng có thể làm sai vì chưa hiểu hết chức năng của công dân, tóm lại danh không chính, ngôn không thuận. 
 Xã hội cần cai quản bằng pháp luật chứ không thể bằng lý trí và nhiệt huyết, đó mới là đúng đắn.
  Hôm nay chính thức tăng giá điện sau nhiều ngày EVN và bộ công thương giằng co, bàn bạc. Nếu đơn thuần hạch toán theo kiểu giá thịt, rau ở chợ tăng, sinh hoạt tăng thì đầu vào của giá điện phải tăng - thế thì đúng rồi. Tuy nhiên, biểu đồ công suất năm nay ra sao khi các ngành sản xuất đang chết dậm chết rụi, nhà máy tiết giảm sử dụng điện thì điện thừa chứ, hay thừa thì cũng chết nhỉ ? Thôi, tháng này chuẩn bị thêm mấy chục tiền điện nữa vậy, giảm đi vài cốc trà đá như anh nào đó nói  có lẽ ổn. " Mỗi số điện chưa bằng cốc trà đá ", đó cũng là một phát ngôn ấn tượng.
  Hàng ngày, nghe tin trên tạp chí " Tấm gương" ở đâu đó nói : trên nước Mỹ có đến hàng nửa ngàn doanh nghiệp phá sản, giải tán, cũng có trên dưới nửa ngàn doanh nghiệp được thành lập mới. Vậy thì Việt nam có vài ngàn doanh nghiệp phá sản từ quý 2 lại đây là chuyện bình thường như anh sếp nào đó nói cũng ấn tượng. Ấn tượng có lẽ là ở chỗ các doanh nghiệp phá sản đa số là doanh nghiệp ngoài Quốc doanh, không có điều kiện được " tái cơ cấu '', nợ thì tự lo mà trả nếu không muốn bị chủ nợ mang đầu gấu đến siết nhà.
  Còn nhiều phát ngôn ấn tượng hơn nhiều ở các giới trẻ, nghệ sỹ, ca sỹ nhưng thực sự không ấn tượng bằng các nhân vật phát ngôn chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp phát ngôn mà gây ấn tượng là lẽ thường, các ca sỹ, teen, nghệ sỹ... thì nghề chính của họ không phải là phát ngôn nên khó ấn tượng cũng là lẽ thường.
 Chuyên nghiệp phát ngôn quả thực ấn tượng hơn là không chuyên nghiệp.




18 tháng 12, 2011

Sự hấp dẫn của thể thao.

    Thành thói quen rồi, mỗi tuần không được ra sân cỏ người cứ dậm dựt như con nghiện. Cảm giác êm ái của vạt cỏ dưới chân cũng có thể gây nghiện không kém bất kỳ môn thể thao nào. Âm thanh của những cú sút đầy uy lực của mấy thanh niên trẻ, tiếng hò reo của cả mấy chục cổ động viên bên sân cũng gây nghiện ghê gớm.
    Những khoảnh khắc được xả đi tất cả căng thẳng, mệt mỏi, toan tính đời thường chỉ bằng một trận đấu bóng rất đơn giản, vui vẻ và không thiếu kịch tính. Nhiều đại gia tiền đổ chết người phải bỏ tiền tỷ chưa chắc đã mua được những phút giây như thế.



 Đội bóng có cổ động viên đa dạng nhất Thế giới.

   Có sức khỏe là có tất cả - biết vậy nhưng nhiều cầu thủ không đủ can đảm để ra sân trong vài chục phút, cuộc sống bận rộn, sức khỏe yếu, việc gia đình nhiều quá, trời lạnh quá...vv nhiều lý do sẽ được bao biện cho việc tránh xa sân cỏ nếu bạn thiếu tình yêu với thể thao, thiếu sự đam mê sân cỏ.



Cầu thủ dự bị và các cổ động viên, phóng viên báo chí.


   Một điều thú vị và vô cùng đặc biệt nếu bạn được mặc màu áo của một đội bóng mà trong số các cầu thủ có đủ các thành phần khác biệt với bất kỳ đội bóng nào trên Thế giới : có cầu thủ là Tiến sỹ, nhà báo, nhà nghiên cứu, dịch giả, luật sư, kiến trúc sư và kỹ sư thì nhiều như kiến. Khó có thể tìm đâu ra đội hình độc đáo và hấp dẫn như vậy. 

Cầu thủ quần dài xanh chỉ đá được một chạm.

    Cổ động viên cũng vô cùng đặc biệt : già đến tám mươi tuổi, cả hai vợ chồng, trẻ em mới ba hay bốn tuổi, các em gái sinh viên, học sinh, giáo viên, nhà khoa học, Tiến sỹ, nhà báo, Họa sỹ...vv rất đa dạng.
    Cờ để căng ra khi chụp ảnh cho từng trận là Quốc kỳ, chụp ảnh trước và sau trận đấu là việc quan trọng không kém, nó được thực hiện bởi những nhiếp ảnh gia hàng đầu Việt nam - những tay máy khiến diễn đàn Facebook nóng cháy màn hình không chỉ bởi những pha bóng đẹp mà còn bởi những hình ảnh của các cổ động viên không thể đáng yêu hơn.


 Kết thúc trận đấu đầy kịch tính với tỷ số 7 -7.

   Nếu bạn yêu thể thao, thích bóng đá thì những trận bóng trên sân cỏ MIC - cạnh đường Trần Duy Hưng - vào 3 pm chủ nhật hàng tuần sẽ là những kỷ niệm đẹp trong đời bạn. Đừng để vuột đi những cơ hội hiếm có trong lịch sử, khoảnh khắc đẹp sẽ qua đi nếu bạn thờ ơ với chính mình.



EVN ...đen.

  Kinh doanh khó khăn, lương của cán bộ công nhân viên toàn ngành thấp khiến lãnh đạo rớt nước mắt, lỗ triền miên, tranh chấp cả cái cột bên hè phố với viễn thông...báo chí bới móc chuyện này chuyện kia...đã thế lại cháy cái nhà đang định làm biểu tượng của EVN giữa Thủ đô.
  Cháy rụi thì chưa nhưng phải sơn lại và kiểm định lại công trình là chuyện phải làm, nhà thầu nào làm gói sơn bả chắc chưa nghiệm thu thì mừng quá, cháy nổ - bất khả kháng đối với nhà thầu sơn bả, vậy là coi như được nghiệm thu rồi, kể cả chưa sơn xong, chưa bả xong. Khói đen mà lại khói từ vật liệu Polime, PVC như ống thoát nước, bảo ôn xốp nhựa, vỏ dây cáp và dây điện...rất nguy hiểm cho người và khó làm sạch.
  Chuyện công trình có còn sử dụng được không còn phụ thuộc vào kết quả kiểm định, báo cáo của đơn vị cấp nhà nước vào kiểm tra và thẩm định lại tất cả công trình này, qua một vài bức ảnh hiện trường do báo ANTD chụp đăng lên thì cho thấy : dưới tầng hầm, nơi trung tâm đám cháy nhìn rất khủng khiếp. Thang máng cáp bằng sắt cũng cháy rơi sập cả, ống thông gió bằng tôn cũng cháy, cáp điện và dây điện trơ lõi đồng, thành cục vì chảy, lớp bê tông trần và cột nơi gần đám cháy bị bong rộp, trơ thép. Kinh khủng quá bởi với nhiệt độ hàng ngàn độ C mà kéo dài đến vài chục phút hay cả tiếng thì còn bê tông nào không thành vôi bột, chưa nói đến thép chịu lực chỉ đến 500 độ C trong vài phút là bị giãn rồi, hết tác dụng chịu lực ?
   Giả dụ vài cái cột chịu lực khu trung tâm bị nung nóng, bê tông và thép đã bị ảnh hưởng thì mệt rồi, khoan lấy mẫu để nén, đo đạc, thử tải lại cái sàn tầng 1 nếu còn nghi là dùng tạm được... công trình này chắc sẽ khó có thể được hoàn thành, đón xuân mới với vài cây đào cây quất trước cửa.

   Quả là một năm đen đủi cho EVN, đúng làsông có khúc, người có lúc. Chuyện cháy có thể xảy ra ở bất kỳ công trình đang thi công hay thi công xong rồi, kể cả đã đưa vào sử dụng. Vấn đề là việc phòng cháy qua thiết kế, thi công, vận hành, sử dụng luôn còn những tồn tại do chính con người gây ra khiến cháy vẫn xảy ra, gây chết người hoặc thiệt hại lớn đến tài sản mà sau đó vẫn không ai chịu trách nhiệm, đền bù thiệt hại. Như thế mới đáng lo ngại, trách nhiệm cũng cháy theo đám cháy rồi thì sẽ còn nhiều đám cháy nữa đang chực chờ.

17 tháng 12, 2011

Đại sứ Mỹ về thăm Thái Bình.

Một ngày đi tỉnh của Đại sứ Mỹ

- Thúc đẩy đầu tư Mỹ vào Việt Nam và tăng cường giao thương giữa hai nước là một trong những mục tiêu ưu tiên của Đại sứ David Shear. Ông hy vọng khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ đi đủ 63 tỉnh thành của Việt Nam. Hôm qua (16/12), ông có chuyến đi về Thái Bình.



Phút thư giãn của Đại sứ David Shear tại quán cà phê Cát Tường, TP Thái Bình, trong khi chờ đến giờ gặp lãnh đạo UBND tỉnh. Đại sứ nói rằng nếu không có chương trình làm việc ở đây, ông sẽ ngồi tiếp và lấy sách ra đọc - một trong những thú vui của cả hai vợ chồng ông trong những lúc rảnh rỗi ở Hà Nội.
Lắng nghe lãnh đạo tỉnh giới thiệu về địa phương, trước khi đề nghị giới thiệu giúp các nhà đầu tư, kinh doanh từ Mỹ, là một trong những việc mà Đại sứ Shear thường xuyên làm trong những chuyến đi về các địa phương.
Câu nói của Chủ tịch Thái Bình, sau khi nhận quà tặng là cuốn sách “Công viên Quốc gia của Mỹ”, rằng ông nhất định sẽ tới thăm công viên này, khiến Đại sứ Shear rất vui. Thế là ông đã quảng bá được về đất nước cho ít nhất một người Việt Nam nữa - một nhiệm vụ của bất kỳ nhà ngoại giao nào.
Trong lúc chờ cơm trưa ở nhà hàng “Cây Trầu”, người lái xe đã mời Đại sứ Shear thử uống nước vối. Trên đường về, ông hỏi liệu có thể tìm được “nước vối” ở Hà Nội không.

Trung tâm Y tế cộng đồng Thái Bình là một dự án được Chính phủ Mỹ tài trợ. Hôm qua, Giám đốc Trung tâm gửi Đại sứ Shear bản tin định kỳ về hoạt động phòng chống HIV/AIDS của cơ sở này. Bà nói chuyến thăm của ngài Đại sứ đã khích lệ anh chị em của trung tâm cố gắng làm tốt hơn nữa công việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Lễ ký kết khoản tài trợ 30.000 USD từ Quỹ Đại sứ, cho một dự án bảo tồn di sản ở Thái Bình. Đại sứ Shear, sau đó, nói với tác giả rằng đầu tư để phát triển tương lai luôn phải gắn với bảo tồn di sản của quá khứ.
Đại sứ Shear rất thích thú khi được lãnh đạo bảo tàng giới thiệu rằng sân khấu chèo (chiếu chèo), cũng như múa rối nước - hai loại hình nghệ thuật đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ - có nguồn gốc từ Thái Bình. Tìm hiểu văn hóa Việt Nam để cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính phủ và nhân dân hai nước là một ưu tiên khác của Đại sứ Shear trong nhiệm kỳ của mình.
Lãnh đạo bảo tàng Thái Bình giới thiệu cho nhà ngoại giao từ bên kia đại dương một loại phương tiện giao thông thời phong kiến dành cho vua quan, chức sắc, và nói rằng cỗ kiệu này đang cần được trùng tu.
Vẻ háo hức của hai nữ nhân viên bảo tàng khi được chụp ảnh với Đại sứ Mỹ, trong khi người thứ ba đang chờ đến lượt chụp với ông. Khi được hỏi về cảm giác của ông, như một “movies’ star” được nhiều người hâm mộ xin chụp ảnh chung, Đại sứ Shear nói rằng ông rất thích tính cách cởi mở và tự nhiên của người dân Việt Nam. Ông còn nói, khi ký kết khoản tài trợ trùng tu di sản với Giám đốc Bảo tàng, ông thực hiện nhiệm vụ ngoại giao nhà nước, còn khi chụp ảnh kỷ niệm cùng các nhân viên bảo tàng, ông là một nhà ngoại giao nhân dân.
Không hiểu đây có phải cuộc đối thoại đầu tiên mà Đại sứ David Shear tham gia, trong cuộc đời ngoại giao của mình hay không. Nhưng chắc chắn nó sẽ xuất hiện trong mục “Gặp gỡ & Đối thoại” trên Tuần Việt Nam vào thứ năm tuần tới.
Huỳnh Phan

VNN.


PS :
 Chíp dự liên hoan cùng 2 đời Đại sứ Mỹ.