8 tháng 9, 2011

Bọn Việt tân đã đầy ...Việt nam !

   Giữa ban ngày bọn mặt mà bọn Việt tân đàng hoàng đến đầy...Việt nam !
Chúng hoạt động trên mọi lĩnh vực đời sống : từ việc lôi kéo, xúi giục Nhân dân đi biểu tình ở bờ hồ dưới danh nghĩa phản đối bọn Tàu gây hấn, cắt cáp của PVO, dụ dỗ các đại Trí thức Việt nam làm phản động như đài HTV1 nói, nay chúng lại còn lấn sân của các doanh nghiệp Việt nam trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, sản xuất, nghiên cứu, đến ...báo chí, chơi chim cảnh...
Không tin, mời bà con đến ngay để chúng kiến chúng như tôi vừa chụp hình đây :

Chúng thuê cả gái đẹp để làm nhân viên, chúng kinh doanh các sản phẩm về điện mặt trời, phong điện và các sản phẩm công nghệ tái tạo, gớm thật ! mở triển lãm tại cung văn Hóa Việt - Xô nữa chứ - có yếu tố làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước Việt - Xô ?



Chúng tự ý tụ tập quá 5 người ngay trên hè phố Quang Trung, ngay sát cạnh bộ công an, còn mang cả chim ra chơi, mang ghế ngồi hết cả hè công viên hồ Thiền quang của bà con mà chả sợ gì bố con thằng nào.



Ngay ban ngày ban mặt mà chúng mang cưa ra cắt cây xà cừ ngay cổng công viên Lê - nin, khiến xe cộ trong giờ đi làm phải nhường chúng mà đi lấn sang cả làn bên kia đường, cảnh tượng thật hỗn loạn !



Đã thế, chúng còn mang cả ô tô tải ra đứng ngược chiều đường, lẫn hết làn đi của bà con, cắt cây ném ào ào cành xuống đường gây nguy hiểm cho dân đi lại. Thế mà chả có ai ra tóm và cho vào Hỏa lò !


Thủ đô hòa bình xinh đẹp của chúng ta đôi khi quản lý rất lòng lẻo, thậm chí cực kỳ lỏng lẻo. Ví dụ như vụ biểu tình trong suốt cả 3 tháng 6;7;8 bên bờ hồ, chúng đứng đàng sau xúi giục Nhân dân như thế mà công an chả tóm được thằng nào, trong khi chúng cứ hoạt động hiên ngang đến mình người trần mắt ốc bươu còn gặp chúng hàng ngày, chụp cả ảnh đây.


Tệ thật !








Thư ngỏ gửi bạn bè, người quen có chức, có quyền


(Tôi trên năm mươi tuổi, có vài ba chục năm đi học, làm việc ở dăm cơ quan khác nhau, nhiệt tình tham gia hội trường, hội lớp, tích cực trong các cuộc giao đãi…, vì vậy việc tôi có nhiều bạn bè, người quen có chức, có quyền là chuyện dễ hiểu. Mới rồi có người bạn rủ tôi đến thăm, chúc mừng những người bạn vừa được vào Trung ương, rồi được bổ nhiệm giữ những chức vụ quan trọng. Tôi không đi vì cho rằng nó không cần thiết, hơn nữa nhiều người thế, đi làm sao cho hết?!
Có người cho rằng, như thế là tôi vô tình, vô cảm. Nghĩ đi, nghĩ lại, cũng thấy có lý đôi chút. Vì vậy tôi viết thư ngỏ này gửi tất cả mọi người để chứng tỏ mình cũng quan tâm đến bạn bè, người quen.)

Các bạn mến thân!

Các anh, các chị kính quý!

Trước hết cho phép tôi giải thích đôi chút về cụm từ “có chức, có quyền”. Thường thường nói về các bạn, các anh, các chị; mọi người hay gọi trịnh trọng là “các đồng chí lãnh đạo”. Tôi cũng gọi như thế ở các cuộc họp hay trong các bài báo. Còn ở đây là một lá thư, tôi muốn có không khí thân mật nên gọi các bạn, các anh các chị là “những người có chức, có quyền”. Gọi thế này nó không trang trọng một chút nhưng chính xác. Khi Đảng ta chưa giành được chính quyền, những cán bộ của Đảng cũng được gọi là “các đồng chí lãnh đạo” nhưng lúc đó làm gì có quyền? Còn bây giờ các bạn, các anh, các chị có quyền rồi thì nên gọi rõ là những người có chức, có quyền cho chuẩn xác, dễ hiểu.

Thưa các bạn!

Kính thưa các anh, các chị!

Khi thấy bạn bè, người quen thăng quan, tiến chức; thông thường người ta rơi vào mấy trạng thái tình cảm như sau: ghen tị và sợ hãi, hoặc vui mừng. Với tôi, có khác một chút. Tôi không hề ghen tị. Chỉ cần không thiểu năng trí tuệ là hiểu được rằng, những người đứng ngoài hàng ngũ của Đảng khó mà có chức tước gì quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, văn hoá, tư tưởng. Mà tôi lại không làm gì ngoài việc làm báo và giảng dạy nên không bao giờ tôi nghĩ đến chức quyền. Do đó ở tôi không có sự ghen tị khi các bạn, các anh, các chị có chức cao, quyền trọng.Tôi cũng không hề sợ vì nếu sợ thì tôi đã không ngồi viết lá thư ngỏ này.

Vậy tôi có vui mừng không? Có nhưng ít thôi. Vì sao vậy? Vì theo tôi nghĩ, người ta phấn đấu để có chức, có quyền nhằm hai mục đích cơ bản: 1. Bảo đảm cuộc sống sung túc, no đủ, sang trọng; 2. Cống hiến tài năng của mình cho đất nước để ghi danh vào sử sách.

Về mục đích thứ nhất, tôi nghĩ các bạn, các anh chị đã đạt được rồi. Tôi chưa thấy ai có chức có quyền mà lại nghèo đói cả. Trong tình hình của đất nước và của thế giới hiện nay, đạt được mục đích thứ 2 là rất khó. Tôi sẽ nói rõ vấn đề này theo cách hiểu, cách cảm của tôi để các bạn, các anh, các chị tham khảo. Tôi nghĩ, các bạn, các anh, các chị nhậm chức, nắm quyền vào một giai đoạn có nhiều thách thức lớn và những cơ hội cũng không nhỏ.

Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, nước ta có bước phát triển khá ấn tượng về kinh tế. Tuy nhiên, những mặt khác như giáo dục, y tế, văn hoá, văn học - nghệ thuật… lại không có bước phát triển tương ứng như vậy. Do đó, trong xã hội nảy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực: nạn tham nhũng tràn lan, nạn mua quan, bán tước phổ biến, đạo đức-đạo lý không được coi trọng, niềm tin của người dân vào tương lai giảm sút… Trong bối cảnh như vậy, những người có chức, có quyền muốn “có chút danh gì với núi sông” phải phấn đấu ghê gớm lắm mới có được. Nghĩa là các bạn, các anh, các chị phải góp phần giải quyết được những vấn đề bức xúc đang đặt ra, đấu tranh đẩy lùi những tiêu cực một cách hiệu quả may ra mới được người đời ghi nhận.

Để làm được những điều này trong hoàn cảnh hiện nay, các bạn, các anh, các chị phải quan tâm tới nhiều thứ và phải có nỗ lực lớn về sức lực và trí tuệ mới mong giải quyết được vấn đề.

Tôi sẽ nêu ra những vấn đề mà tôi muốn các bạn, các anh, các chị quan tâm.

Tôi muốn: Các bạn, các anh chị nắm bắt được thông tin chính xác và đầy đủ về tình hình trong nước.

Điều này tưởng là đơn giản, nhưng thực tế rất khó khăn và phức tạp. Nếu các bạn, các anh chị chỉ đọc báo (chính thống), nghe đài, xem tivi, nghe cấp dưới báo cáo thì không khi nào có được thông tin đầy đủ, trung thực. Thật là buồn khi phải nói ra điều này: Rất nhiều người làm trong lĩnh vực thông tin hiện nay không đủ trình độ để nhận thức đúng sai, thực giả; không đủ bản lĩnh để nói lên sự thật đen tối, để từ chối phát ngôn những điều trái đạo lý. Vì vậy, các bạn, các anh chị cần phải ngồi quán với giới trí thức, về nông thôn gặp nông dân, đọc các trang web, blog, báo chí nước ngoài thì mới có thông tin đa chiều, mới mong có được một bức tranh toàn cảnh tương đối đầy đủ và trung thực về xã hội, đất nước mà ta đang sống. Điều này thì chính Lênin đã từng chỉ rõ. Nhiều người trong các bạn, các anh chị đã học ở các trường đảng cao cấp, chắc biết đến bài báo “Có hai nền văn hoá” của Lênin (viết trước cách mạng tháng Mười). Trong bài báo này Lênin chỉ rõ thông tin của chính quyền Sa hoàng đưa ra thường không đầy đủ, không phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Rất may là còn một luồng thông tin nữa, không chính thống được lưu truyền bằng con đường truyền đơn, báo chí bí mật, và đặc biệt là truyền miệng. Đây chính là một nguồn thông tin quý…

Nhắc lại điều này, tôi chỉ muốn lưu ý các bạn xử lý thông tin thật tốt thì mới làm chủ được tình hình. Muốn vậy, cần phải nghe bằng hai tai; nghe những lời phê phán, chỉ trích để tìm ra sự thật. Còn nếu chỉ nghe những lời ca ngợi của “thông tin chính thống” và những lời khen của cấp dưới thì chính các bạn, các anh chị đang sống ở những lâu đài xây trên cát.

Tôi lưu ý: Tính hợp lý trong hoạt động của chúng ta đang có vấn đề.

Ai cũng biết, làm bất cứ việc gì, nếu làm đúng (hợp lý) thì kết quả sẽ tốt, còn làm sai (không hợp lý), kết quả sẽ xấu cho đến tồi tệ. Quan sát những hoạt động diễn ra trong thời gian vừa qua, tôi thấy quá nhiều điều không hợp lý. Tôi lấy ví dụ ngay từ vấn đề nổi bật nhất trong thời gian gần đây: Những cuộc biểu tình ở Hà Nội và TP HCM trong thời gian vừa qua. Chính quyền đã có cách nhìn nhận thiếu nhất quán và hành động không hợp lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Công an Hà Nội đã từng đưa ra nhận xét đây là biểu tình yêu nước. Ấy thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, một số cơ quan báo chí của Thủ đô cho rằng, nhiều người tham gia biểu tình có mục đích xấu, là phản động. Vấn đề được đẩy lên căng thẳng đến mức có thể xẩy ra kiện tụng, căm ghét lẫn nhau, thậm chí xô xát. Đến lúc này thì lãnh đạo Hà Nội mới mời những trí thức tham gia biểu tình lên gặp gỡ, đối thoại. Giá cuộc gặp gỡ này diễn ra ngay từ đầu chứ không phải để công an bắt bớ, đạp lên ngực, lên mặt người biểu tình thì hay biết mấy!

Cái không hợp lý lớn hơn, bao trùm hơn diễn ra trong phát triển kinh tế. Việt Nam là một nước thiếu điện triền miên nhưng lại cho phát triển những ngành tiêu thụ điện lớn như luyện kim, sản xuất ximăng một cách vô tội vạ. Vậy sự hợp lý ở đâu? Khi mới bước sang thế kỷ XXI, chúng ta thống nhất với nhau là Việt Nam phát triển kinh tế tri thức, nghĩa là ưu tiên đầu tư những ngành có sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… Nhưng trên thực tế thì sao? Chúng ta phát triển những ngành “cơ bắp” như khai khoáng, luyện kim, đóng tàu… Phát triển kinh tế theo kiểu này, đừng mong phát triển bền vững!

Tôi chỉ nêu 2 ví dụ điển hình. Còn các bạn, các anh, các chị ở vị trí của mình, thừa biết còn biết bao nhiêu điều bất hợp lý đang diễn ra hàng ngày. Nếu chúng ta chấp nhận sự bất hợp lý thì rất nguy hiểm

Tôi gợi ý: Những vấn đề lý luận trong chủ trương đường lối phát triển đất nước cần được quan tâm hơn

Đây là vấn đề tôi theo dõi thường xuyên và cảm thấy chưa được quan tâm đúng mực. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12 -1986) đến nay, chưa có bước đột phá rõ ràng, thậm chí chưa giải thích rõ được những khái niệm cơ bản nhất. Ví dụ, chúng ta chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường nhưng có thòng cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vậy hình hài một xã hội có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ra sao? Chẳng thấy nhà lý luận nào giải thích rõ ràng, ngoài một mệnh đề gần như là khẩu hiệu: “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Những điều này là mục đích của bất cứ dân tộc nào, xã hội nào. Vấn đề của các nhà lý luận và hoạt động thực tiễn là phải chỉ ra những biện pháp để đạt được mục đích đó và chứng minh bằng thực tế cuộc sống.

Ở Việt Nam chưa làm được điều này, thậm chí là ngược lại. Ở Liên Xô trước đây đã có hàng chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành tựu mà mọi người cho là “có tính chủ nghĩa xã hội nhất” đó là việc có được nền giáo dục và nền y tế chất lượng tốt và miễn phí. Còn ở ta hiện nay thì sao? Người dân gần như khánh kiệt vì hai loại dịch vụ này. Tiền cho con cái đi học chiếm phần lớn thu nhập của gia đình. Nếu gia đình có người ốm đau đi viện là coi như cầm chắc nợ nần. Nhiều người ở nông thôn mang con ra thành phố chữa bệnh, không may con chết; họ không dám nhận xác mang về vì không có tiền thanh toán cho bệnh viện. Rồi lại có chuyện đám đông đạp phá bệnh viện, người nhà bệnh nhân giết bác sỹ… Một xã hội như vậy thì thử hỏi xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào?!

Làm lý luận là căn cứ vào thực tế cuộc sống, rút ra những bài học kinh nghiệm để xác định đường lối phát triển phù hợp. Thực tế của đất nước ta hiện nay là như vậy mà vẫn nói là xã hội chủ nghĩa thì e rằng quá giáo điều. Trên thế giới cũng có nước nói là họ “kiên trì” xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, nhưng họ khẳng định riêng “giai đoạn quá độ có thể kéo dài hàng trăm năm”. Do vậy không ai đủ kiên trì để theo dõi họ xây dựng chủ nghĩa xã hội thế nào nữa.

Tôi thấy những người làm lý luận của chúng ta trong vài chục năm gần đây không có đột phá, không có sáng tạo, không đổi mới tư duy… Cho đến bây giờ mà vẫn nói: “Không có chủ nghĩa xã hội thì không có độc lập dân tộc” thì quả là bất chấp mọi thực tế! Hiện nay trên thế giới cho trên 200 quốc gia, trong đó phần lớn là có độc lập dân tộc, nhưng thử hỏi có bao nhiêu quốc gia có chủ nghĩa xã hội?

Công tác lý luận yếu kém còn thể hiện ở chỗ chúng ta ủng hộ cả những suy nghĩ, việc làm sai về cơ bản của một số cán bộ cao cấp, nắm giữ những chức vụ quan trọng. Tôi lấy ví dụ: Khi ông Nguyễn Thiện Nhân được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông liền đề ra “cuộc vận động hai không - nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử".

Nếu chịu khó suy nghĩ một chút, chúng ta thấy ngay, không thể biến việc chống tiêu cực trong thi cử và chống bệnh thành tích thành hoạt động chính của giáo dục được - hoạt động chính của giáo dục phải là dạy và học. Tư tưởng cơ bản của giáo dục là cố gắng học hỏi để làm những điều hay, điều tốt chứ không phải không làm điều xấu, điều ác. Một nhà giáo có kiến thức sư phạm sẽ nói với học sinh: “Các em cố gắng học tập rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi!”. Còn nhà giáo lỗ mỗ trong ngành giáo dục sẽ nói: “Các em cố gắng đừng trở thành kẻ trộm, kẻ cướp!”. Mục đích thì có vẻ tốt đẹp như nhau, nhưng cách truyền đạt khác hẳn nhau và sự tác động tới học sinh cũng khác nhau.

Trước khi ông Nguyễn Thiện Nhân phát động “phong trào hai không”, trong ngành giáo dục đang thực hiện “phong trào thi đua hai tốt: dạy tốt và học tốt”. Điều cốt lõi này của giáo dục bị xem nhẹ khi “phong trào hai không” được phát động rầm rộ ở khắp nơi.

Một tư tưởng sai về cơ bản, trái với bản chất của giáo dục như vậy mà được chúng ta nhiệt liệt ủng hộ, biến thành phong trào rầm rộ trong cả nước thì rõ ràng những người làm lý luận, chỉ đạo tư tưởng – văn hoá - truyền thông không sâu sát, thiếu tinh nhạy. Từ những yếu kém này sẽ nảy sinh nhiều yếu kém khác mà chúng ta chưa lường hết được.

Tôi suy nghĩ: Bảo vệ chủ quyền quốc gia

Vấn đề này không mới bởi dân tộc ta đã đối đầu với nó hàng ngàn năm. Chỉ có điều hiện nay, mặc dù chúng ta sống trong hòa bình nhưng luôn luôn có cảm giác bất yên. Thật ra, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia không cần phải nói nhiều, bàn nhiều vì đây là vấn đề thiêng liêng đối với mọi người dân. Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để 90 triệu người Việt (kể cả 4 triệu Việt kiều) đoàn kết một lòng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Muốn vậy, chính quyền phải thể hiện được khát vọng của nhân dân, không nhượng bộ, không “đi đêm”, không tỏ ra mềm yếu.

So với các nước trong khu vực, chúng ta không lớn về diện tích, không mạnh về quân sự, không giàu về kinh tế nhưng chúng ta có truyền thống yêu nước và sự sẵn sàng xả thân vì đất nước. Đây chính là điểm tựa vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc quan trọng nhất của chính quyền hiện nay là không được làm xói mòn điểm tựa này. Không được xem những người biểu tình chống Trung Quốc có những hành vi ngang ngược ngoài biển đảo của chúng ta là những người "có vấn đề"! Cần phải có những biện pháp để đoàn kết mọi từng lớp nhân dân, chứ nói và viết như một số tờ báo của Thủ đô Hà Nội vừa qua là chia rẽ khối đoàn kết đấy!

Tôi hiểu là việc đấu tranh ngoại giao để bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là rất khó khăn, phức tạp. Những người trực tiếp làm vấn đề này đang chịu nhiều sức ép. Hôm trước ngồi tranh luận trực tiếp với mấy bạn, tôi có nói thế này: “Muốn gì thì gì, nếu để mất đất, mất biển, mất đảo thì sau này người ta đào mả các vị lên đấy!”. Tôi xin lỗi vì nói như thế nó gay gắt quá! Nhưng tôi vẫn bảo lưu ý kiến là phải tỏ ra cương quyết, nhất quán, mạnh mẽ trong vấn đề chủ quyền quốc gia, dù phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị của mình.

Tôi lo lắng: Lạm quyền là vấn đề đáng quan ngại nhất

Chuyện những người có chức có quyền lạm quyền đã quá quen thuộc, một số người yêu mến Trịnh Công Sơn nói đề tài này “xưa như Diễm”. Tôi là người không thích lặp lại chuyện cũ, nhưng sẽ nói về chuyện lạm quyền dưới góc nhìn mới - cụ thể, mang tính thời sự và mạnh mẽ hơn.

Trước hết, rõ ràng và bức xúc nhất là chuyện chính quyền giải quyết việc biểu tình phản đối thái độ trịch thượng và coi thường chủ quyển của Việt Nam ở biển Đông.

Cho đến ngày hôm nay, đây là đề tài chia rẽ bạn bè của tôi nhất. Số người ủng hộ những người biểu tình không phải là ít, số người phản đối cũng không phải là nhỏ, nhưng hầu như tất cả đều thống nhất rằng: Chính quyền lúng túng và sai lầm trong việc đối xử với những người biểu tình. Chứng minh điều này không hề khó. Biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra trong một thời gian dài (11 tuần). Trước khi bắt bớ và một số tờ báo phê phán những người biểu tình, Trung tướng Công an Nguyễn Đức Nhanh đã khẳng định: “Đây là biểu tình thể hiện lòng yêu nước và Công an Hà Nội không có chủ trương đàn áp biểu tình”. Vậy hà cớ gì ngày 21/8 lại có bắt bớ. Tệ hại hơn một số cơ quan truyền thông của Hà Nội có những bài báo với thái độ trịch thượng và nội dung sai sự thật? Đặc biệt, bà Nguyễn Phương Nga đã có những lời lẽ mâu thuẫn giữa những lần phát ngôn.

Tôi cho rằng, dẫu có chức, có quyền, có trách nhiệm cũng không nên phát ngôn theo kiểu “nói lấy được”. Nếu cứ nói "lấy được" thì đây là một biểu hiện bướng bỉnh nhất của việc lạm quyền.

Tôi nghĩ, đối phó với biểu tình yêu nước, trước hết đó không phải là việc của công an mà trước hết là của những nhà lý luận, tư tưởng, những nhà văn hoá. Việc Chính quyền Thủ đô Hà Nội ra một thông báo (không đúng quy trình ra văn bản có tính pháp quy) cấm biểu tình rồi căn cứ vào đó để quy kết những người tham gia biểu tình là “quấy rối”, là “phản động” là một trong những biểu hiện rõ ràng của lạm quyền.Tại sao không có người nào trong hàng ngũ “có chức, có quyền” trực tiếp đối thoại với những người biểu tình (phần đông là trí thức) một cách ôn hoà, trật tự? Nếu chính quyền cho rằng biểu tình là không có lợi cho lợi ích quốc gia thì phải có đại diện giải thích rõ ràng, có sức thuyết phục về vấn đề này.

Nhưng biểu hiện lạm quyền rõ nhất có lẽ thuộc ngành công an. Đã có vài chục trường hợp người dân bị công an đánh chết, hoặc chết không rõ nguyên nhân ở đồn công an. Còn cảnh sát giao thông chặn xe ăn tiền ở bất kỳ nơi nào đã trở thành chuyện cơm bữa. Điều này gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. Trước mắt, tạm thời chỉ có những phản ứng nhỏ lẻ “chống lại người thi hành công vụ”. Nhưng nếu sự việc vẫn tiếp tục diễn ra mà không được giải quyết thoả đáng thì những vụ như ở Bắc Giang (hàng ngàn người kéo đến UBND tỉnh, kéo đổ cửa), thậm chí còn lớn hơn có thể xẩy ra.

Nhiều người cho rằng, nước ta hiện nay có tình hình chính trị ổn định, quân đội và công an trung thành và vững mạnh, Đảng có trên 3 triệu đảng viên nên có thể yên tâm về mọi mặt. Theo tôi thì không nên chủ quan. Vào năm 1991, Liên Xô có gần 5 triệu người trong lực lượng vũ trang (quân đội và công an), gần 25 triệu đảng viên. Mọi thứ tưởng chừng rất yên ổn và vững chắc, ấy thế là rụp một cái, cường quốc xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Một trong những nguyên nhân trực tiếp chính là sự lạm quyền của các quan chức.

Tôi xin đưa ra lời khuyên: Không nên quá tham lam!

Mới đây tôi có đến Khám Chí Hòa và muốn biết cái nhà tù nổi tiếng này đang giam giữ những đối tượng nào ở đó. Những người phụ trách ở đó nói: “Nhà tù này chỉ giam giữ cộng sản không thôi hà!”. “Tại sao lại nói như vậy?”. “Vì thực tế là như vậy. Trước Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp xây nhà tù này để giam giữ, tra tấn những người cộng sản yêu nước. Dưới thời Mỹ - Nguỵ, nhà tù này cũng dành cho những người cộng sản, những chiến sỹ cách mạng bị bắt. Nay ở đây cũng giam giữ những đảng viên, những quan chức phạm tội tham nhũng… Thế có đúng nhà tù này chỉ giam giữ cộng sản không?...”. “À, những quan chức phạm tội, trước khi bị bắt vào tù, họ đã bị khai trừ khỏi Đảng rồi, không thể gọi họ là cộng sản được nữa!”. “Chỉ những người làm báo hay làm luật mới chú ý đến điều này, còn chúng tôi chỉ chú ý đến việc họ phạm tội là do lạm dụng chức quyền. Anh đã thấy những ai không phải là đảng viên cộng sản mà có chức quyền lớn ở nước ta hiện nay chưa?”.

Tôi rời nơi này mà lòng cứ băn khoăn tự hỏi: Có bao nhiêu quan chức thoái hoá, biến chất? Chắc cũng không ít đâu. Thông tin trong đợt đặc xá nhân 2/9/2011 đã có tới 150 cựu quan chức được tha tù khẳng định điều này. Chỉ trong một lần đặc xá đã có tới 150 người trước kia có chức, có quyền phạm tội đã bị bắt giam và được tha. Như vậy có thể kết luận những người có chức có quyền có tỷ lệ phạm tội đáng kể.

Tôi kể lại chuyện này không chỉ để cảnh báo các bạn, các anh chị đâu mà còn muốn nêu lên một băn khoăn là tại sao quan chức của chúng ta lắm người tham đến thế.

Tôi hỏi: Tại sao Việt Nam không có những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ?

Đây là vấn đề không phải gay gắt đối với đại bộ phận nhân dân, nhưng nó khiến tầng lớp trí thức day dứt không yên. Người ta mổ xẻ nhiều rồi; nhiều nguyên cũng đã được nêu ra. Ở đây, tôi chỉ xin nói cảm nhận và suy nghĩ của mình.

Có thể nói trắng ra thế này: Văn học nghệ thuật của ta chưa có những tác phẩm có giá trị lớn vì các văn nghệ sỹ không có tự do tư tưởng. Nhiều người sẽ phản đối điều này, dẫn ra là quyền tự do tư tưởng đã được ghi trong hiến pháp, được bảo đảm bằng các văn bản nọ kia; không ai cấm các văn nghệ sỹ tự do sáng tạo, không có chuyện kiểm duyệt v.v… Nhưng thực tế là đại đa số văn nghệ sỹ tự kiểm duyệt mình trước khi ngồi vào bàn sáng tác.

Theo tôi, sau “Vụ án nhân văn giai phẩm”, giới văn nghệ sỹ Việt Nam vẫn còn ở trạng thái khiếp đảm, nhiều người vẫn tiếp tục “đề cao cảnh giác”. Dường như văn nghệ sỹ của ta đã nhiễm tư tưởng cầu toàn, mong được sống bình yên. Cái “nguyên lý”: Đỉnh cao và vực thẳm xem ra đã được vận dụng. Trong nghệ thuật, ngay bên cạnh đỉnh cao là vực thẳm. Để lên được đỉnh cao là rất khó và chỉ cần sơ sẩy một chút là rơi xuống vực thẳm. Có lẽ vì nhận thức được như vậy nên đại đa số các văn nghệ sỹ của ta chọn giải pháp an toàn là đứng cách vực thẳm vài ba bước. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận đứng dưới đỉnh cao vài ba bước.

Cũng có một số nhà văn, nhà thơ muốn “đến bên vực thẳm”, muốn viết những gì rút ra từ gan ruột. Nhưng chỉ nhà văn dũng cảm thôi chưa đủ, phải có người biên tập, giám đốc nhà xuất bản ủng hộ nữa mới ăn thua. Theo như tôi được biết, rất nhiều tác phẩm được viết công phu và tâm huyết thì không khi nào được xuất bản nguyên vẹn hay vĩnh viễn không được xuất bản. Tôi đã từng đề nghị làm một cuộc triển lãm những tác phẩm văn học không được xuất bản nhưng không ai ủng hộ cả. Ai cũng sợ những điều vô hình và nỗi sợ vô hình ám ảnh tất cả chúng ta một cách vô thức.

Trước đây vài chục năm, Đảng đã từng tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sỹ. Nhưng điều quan trọng nhất là văn nghệ sỹ phải tự “cởi trói” cho mình, nếu không, chúng ta cũng chỉ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật loại hai, chỉ mang tính minh hoạ cho chế độ mà chúng ta đang sống.

Hiện nay kinh tế nước ta đã có nhiều thành phần, đã có giáo dục tư thục, điện ảnh tư nhân; vậy khi nào chúng ta có báo chí, xuất bản tư nhân?

Tôi nêu vấn đề: Những căng thẳng trong xã hội ở mức đáng lo ngại

Hiện nay, nhìn chung mọi người sống trong những căn nhà rộng hơn, ăn uống ngon hơn, đi những chiếc xe đẹp hơn nhưng những mâu thuẫn, những căng thẳng trong xã hội lại gay gắt hơn. Trước hết, đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; hiện tượng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” diễn ra ở khắp nơi. Rất phản cảm khi hàng ngàn biệt thự, căn hộ cao cấp bỏ không, còn sinh viên, người nghèo chui rúc trong những khu nhà ổ chuột.

Quan hệ giữa quan chức và dân thường cũng trở nên cách biệt ngày một lớn. đại bộ phận nhân viên chỉ tỏ ra lễ phép trước mặt thủ trưởng, còn sau lưng thì họ chê bai đủ thứ, mà chủ yếu là chê dốt và tham.

Biểu hiện của những căng thẳng xã hội khá rõ ràng qua việc có nhiều người tự tử; chỉ cần va chạm nhỏ là đâm chém nhau; người thi hành công vụ bị chống đối ngày càng nhiều; cảnh sát đánh nhau ngoài đường; người dân đập phá bệnh viện, người nhà nạn nhân giết bác sỹ; dân thường có thái độ sợ sệt và căm ghét những người có chức, có quyền vì thế những người có chức, có quyền đi đâu, làm gì đều có người bảo vệ; nhiều giá trị tốt đẹp trong quan hệ giữa con người bị xem thường…

Những mâu thuẫn thông thường không được giải quyết triệt để nên nó trở nên sâu sắc và hoàn toàn có thể trở thành đối kháng. Ví dụ, người dân bị gây ô nhiễm môi trường sống, hộ kiến nghị không được nên họ chặn xe. Phía bên kia cho người đến đâm chém để dằn mặt, thế là xẩy ra xung đột lớn. Hay những người đáng kính biểu hiện lòng yêu nước bằng cách biểu tình bị gọi là “phản động” nên rất bức xúc; có người cho rằng một lãnh đạo cơ quan báo chí Thủ đô là “vô liêm sỷ”… Nếu chúng ta cứ gay gắt với nhau ở mức độ như vậy thì sẽ trở nên căm thù nhau. Khi trạng thái căm thù đã ngự trị trong lòng thì sự cương quyết trong hành động là bước tiếp theo.

Các bạn, các anh chị là những người có chức, có quyền; đồng nghĩa với việc có trách nhiệm phải giải quyết những căng thẳng này.

Mặc dù thư đã dài, tôi cũng cố gắng đề cập tới nhiều lĩnh vực, nhưng trong một lá thư không thể nào nói hết những suy nghĩ của mình được. Tôi sẵn sàng đối thoại với các bạn, các anh các chị về những vấn đề mà mọi người cho rằng, tôi nói còn phiến diện, chưa thoả đáng. Ví dụ, tôi sẵn sàng đối thoại với những người làm việc ở lĩnh vực khoa học xã hội, văn hoá, truyền thông, chính trị - tư tưởng… về những điều mà tôi cho là yếu kém, chưa xứng tầm với một dân tộc như dân tộc Việt Nam (chúng ta đã chiến đấu, hy sinh và giành chiến thắng; chúng ta sẵn sàng làm lại điều như vậy, nếu có kẻ nào đó thách thức quyền lợi dân tộc ta).

Cuối cùng, với tư cách bạn bè, người quen, tôi mong các bạn, các anh chị có sức khỏe tốt, sống chan hòa với nhân dân, thực hiện được những điều tốt đẹp. Trong điều kiện hiện nay, vẫn còn chỗ cho những người như các bạn, các anh chị dành được sự yêu mến, kính trọng của mọi người. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm - Đại sứ - đại biểu Quốc hội Ngô Quang Xuân và nhiều người khác đã làm được như vậy. Tôi hy vọng trong số bạn bè, người quen của tôi cũng có những người được tin yêu và kính trọng.

Kính thư

Hồ Bất Khuất

Hồ Bất : Hồ Bất Khuất Blog

6 tháng 9, 2011

HTV 1 thích uống rượu phạt ?

Nhiều đời trong gia đình của mỗi chúng ta, chỉ mong sao có được một Nguyên Ngọc, Huệ Chi. Ảnh : Lê Dũng


Sau khi TGĐ của HTV 1 trả lời các bác Nguyên Ngọc, bác Huệ Chi, bác Khải và các nhân sỹ thì mình đã đoán ra : HTV1 thích uống rượu phạt.
Ở đời, chả ai thích rượu phạt nhưng đôi khi họ vẫn cố uống, uống để cho biết chất men đắng đến tận họng bởi thứ rượu phạt thì bao giờ cũng đắng. Rượu đó đã được chính thức gửi cho HTV1 thông qua tòa án quận Đống đa.
Họ đã cho sản xuất và phát phóng sự vu cáo, bôi bẩn các bậc trưởng thượng của Đất Việt, bôi bẩn lòng ái quốc của bao nhiêu bà con cả nước đã "xuống đường" phản đối việc tàu cộng gây hấn ( nói theo cách của anh Nghị bí thư), họ hồn nhiên phát đi phát lại và cứ tưởng như thế là đã có thành tích lớn trong làng báo chí Thủ đô.




Nhiều ông bà chắc chỉ biết đọc vài chữ cũng được mời ra để trả lời phỏng vấn như thật, sau đó truyền thông căn cứ vào đó để tuyên truyền đó là ý nguyện của đông đảo Nhân dân cả nước !

Cả nước mình chả nhẽ chỉ có mấy ông bà ngu ngơ như vậy được HTV mang ra để làm đại diện cho Nhân dân cả nước sao ? Nhân dân cả nước ta sao chỉ toàn nói ngọng và thiếu i ốt thế à ?



Thế mà nghe đâu họ đã được khen thưởng rồi, tiền thưởng đã dùng nhậu nhẹt, hãnh diện với bạn bè quá nhỉ ?
Mình thử tưởng tượng ra một phóng viên kể với bạn : " tao được đài thưởng vì đã làm phóng sự chiếu lên cho toàn dân biết là mấy lão Nguyên Ngọc, Huệ Chi, Khải OZON là phản động, bị các thế lực bên ngoài kích động, mua chuộc..." trời ơi, rắn hổ mang chúa cũng chưa gớm bằng !



Các Nhân sỹ rất tử tế, họ luôn xứng đáng là các bậc trưởng thượng mẫu mực, họ đã gửi đơn khiếu nại, yêu cầu cải chính, xin lỗi và chấm dứt kiểu làm ăn bát nháo như vậy, tuy nhiên lãnh đạo đài của họ lại đổ lỗi cho nhân viên làm phóng sự, không có một lời xin lỗi.
Giờ thì đã muộn, bất đắc dĩ khi tên đã bắn ra, không ai mong Cha sẽ đánh con cả. Đơn khởi kiện HTV1 đã được ký, chuyển qua tòa án Đống đa - nơi HTV1 cư trú. Lời xin lỗi giờ nếu có thì cũng đã muộn mằn, không kịp rồi. Rượu phạt đã rót ra, HTV1 có uống không thì cũng không quan trọng vì trước bàn dân thiên hạ, giang hồ sẽ chỉ tồn tại khi có nghĩa khí của giang hồ.
Một câu xin lỗi đâu có khó khăn gì, nhất là đối với bậc Cha Chú, trưởng thượng và giới trí thức mà ai cũng kính nể. Thế nhưng đôi khi, thói quen văn hóa đó chưa được định hình trong cái xác của đám trí thức nửa mùa, họ ngây ngô, ngớ ngẩn trước những tập quán văn minh của nhân loại tiến bộ, tai họ, mắt họ, miệng họ đều bị ...mất điều khiển.
Không có gì thất vọng hơn khi bậc Cha Chú thấy con cháu mình thiếu tri thức, chưa nói mất dạy và yếu đuối, hèn mọn. Nhất là những đứa con cháu lại đang nắm giữ những vai trò trụ cột của gia đình, xã hội và Đất nước. Mọi thứ sẽ trở lên ra sao khi những con người đó cứ làm những việc mà họ không biết đúng hay sai, nên hay không nên ?
Nói không được học cũng không đúng, chỉ có thể nói là có học nhưng vô văn hóa, thiếu tri thức và hèn mọn. Vậy thôi nên chỉ được uống rượu phạt của thiên hạ, bia miệng thế gian sẽ róc xương róc thịt họ và cả vợ con họ, khó mà tránh được.

4 tháng 9, 2011

Biểu tình ...xuyên Việt !

Sau khi Hà nội diễn ra hơn chục lần biểu tình liên tục phản đối Tàu cộng gây hấn thì trên phương diện xã hội - nghề biểu tình chuyên nghiệp đã tự nhiên hình thành.
Các biểu tình viên đã bỏ mặc cho Hà nội làm sân khấu cạnh bờ hồ Hoàn kiếm để các em gái nhảy, các nhạc công biểu diễn chán rồi về mà chả có mấy khách xem. Họ di dời ra các vùng nông thôn, nơi sinh ra các Vị Vua từng đánh thắng giặc Tàu trong suốt chiều dài lịch sử của Nước Việt, họ thăm viếng và cùng nhau tưởng nhớ đến Vua Cha và mặc áo No - U, thứ áo mà nhiều kẻ ngoại bang đang lăm le xâm chiếm biển đảo của nước nhà nếu nhìn thấy đều giật mình thon thót.
Có đủ thành phần trong đoàn biểu tình chuyên nghiệp này : từ tiến sỹ, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ, sinh viên, họa sỹ, lái xe và cả Việt kiều, có thiếu nhi mới biết đi chưa vững lắm.



Các biểu tình viên trước lăng Ngô Quyền


Ngay trong lúc họ kính cẩn nghiêng mình trước vong linh Vua Cha thì các an ninh viên của nhà nước vẫn tít tít nhắn tin hoặc gọi điện cho họ để hỏi thăm : bạn đang ở đâu, làm gì và đi với ai ...? rất mẫn cán.

Họ thăm viếng Vua Cha và các tiền nhân xong thì đi vãn cảnh, họ đẹp như những hoa hậu của Thế giới và quên hết những ngày hè rực lửa nóng bỏng chân dưới hè phố vì biểu tình phản đối sự bá quyền của Tàu cộng.

Khó có thể tìm thấy ai đẹp hơn những người phụ nữ này và những chàng trai U 80 trở xuống U 10. Họ từng được truyền thông xứ lạ coi là phản động và bất mãn với chế độ, từng bị lùa lên xe buýt chỉ vì họ cùng nhau tụ tập quá 5 người và hô đả đảo Tàu cộng cạnh nơi Thần Kim Qui đang chữa bệnh. Họ giục Thần Kim Qui trao tiếp kiếm thần để diệt trừ lũ giặc lấn biển, cướp đảo và thè lưỡi bò, lưỡi gỗ ra liếm hết não của Dân Việt ?




Họ lên kế hoạch sẽ biểu tình xuyên Việt, cứ nơi nào có tiền nhân từng chiến thắng giặc Tàu là họ đến. Làm như vậy sẽ tiết kiệm cho Hà nội mỗi tuần cả đống tiền chỉ vì chi cho các lực lượng đảm bảo an ninh bền vững vào các ngày chủ nhật. Họ cũng chả thèm hỏi xem các sân khấu do bên nào đó dựng lên rồi dỡ đi nhanh chóng kia do tiền của ai chi, bao nhiêu, hát đàn cho ai xem và để kỷ niệm cái gì ?









Biểu tình và tụ tập - tranh chấp khái niệm ?

Đến tận năm 2011, Việt nam vẫn đang phải huy động các trí thức lớn nhất Quốc gia để họp với lãnh đạo của một Thủ đô lớn hàng đầu Thế giới cùng họp vào ngày thứ 7 để chỉ tranh luận về khái niệm : "biểu tình" và "tụ tập".
Theo lãnh đạo Hà nội thì cứ trên 5 người đi với nhau là phải xin phép vì đó là tụ tập. Họ ra cái 38 hay 83 gì đó để qui định về cái khái niệm này, họ chả cần biết nếu một nhà có hai vợ chồng, hai đứa con cùng với một Ông hay bà, hoặc Osin đi công viên thì coi như đã phải xin phép nhà nước.
Hoặc một chị đi đẻ về, có vài người đến đón nếu là nhiều hơn 5 người thì cũng phải xin phép nhà nước. Kỳ thật !
Thế nên đem mà áp vào chuyện biểu tình phản đối gây hấn như mấy tháng vừa qua thì đều có lý do để giải tán, bắt về trụ sở tiếp dân ở Mỹ đình để làm việc và giam ở Hỏa lò ba bốn ngày mà chả theo điều luật nào.
Còn như cả trăm người đi ăn kem, tắc đường Tràng tiền, nhìn rất lộn xộn và mất vệ sinh thì không thấy ai ra bắt lên xe buýt, cho về trụ sở tiếp dân Mỹ đình và cho vào Hỏa lò để tiêu hóa hết kem rồi về.


Kem Tràng tiền. Ảnh : Lê Dũng

Đến mức mà UBND phải mời các trí thức lớn nhất Việt nam như Ông Chu Hảo, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Bác Quang A, TS Diện hán nôm đến họp vào ngày thứ 7 chỉ để tranh luận mỗi cái khái niệm biểu tình và tụ tập. Hai bên đều " tôn trọng sự khác biệt " của nhau vì tất nhiên mỗi cái đầu của ai đều không thể như nhau được. Có người học cao hiểu rộng, hiểu rõ nghĩa của tiếng Việt nhưng có người chỉ biết đọc chứ không thể nói dài nếu viết ra bằng nửa tờ A4.


Quốc hội cũng vẫn chưa rảnh để viết ra luật biểu tình cho cụ thể để các cấp dưới ra nghị định, thông tư... hướng dẫn mấy cái việc như : biểu tình, ăn, ngủ, đi đứng, thậm chí là luật hôn hay đi tiểu nơi công cộng. Xã hội vẫn phải tồn tại như kiểu : chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến.


Ví dụ chuyện có vài thanh niên đeo băng đỏ, chả biết của ai điều động cứ ào ào như sôi ra tóm bà con biểu tình trên hè phố cạnh bờ Hồ con Rùa vào các ngày chủ nhật cũng chưa biết là sai hay đúng, theo luật nào ? trụ sở tiếp dân thì đương nhiên phải là ở UBND, nhưng khi trả lời báo chí Quốc tế thì em Nga ngoại giao lại bảo ở đồn công an Mỹ đình. Lung tung hết cả.


Tóm lại : thiếu luật nên cứ dùng tạm cái này cho cái kia, bảo vẫn được.

Sao Cụ không nhận tiền nhỉ ?



Vì không đến dự lễTrao tặng Huân chương Độc lập cho mình năm 2000, có người nói “cái ông Nguyên Ngọc này buồn cười thật”. Nhưng Trần Đăng Khoa biết ông Nguyên Ngọc bị oan. Bài viết từng đăng trên báo Văn nghệ số 44 ra ngày 3/11/2007.

Ở hội nhà văn hiện nay, duy nhất có Cụ là chưa nhận tiền tài trợ lần nào.
Tôi vẫn còn nhớ buổi sáng ngày 1/9/2000. Tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, đã diễn ra một nghi lễ long trọng: Trao tặng Huân chương Độc lập vì những cống hiến to lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cho 5 nhà văn xuất sắc: Hải Triều, Thanh Tịnh, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thi và Nguyên Ngọc.

Trong số 5 nhà văn rất nổi tiếng này, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là còn sống. Nhưng ông lại không có mặt. Nhiều người tỏ ra băn khoăn. Một nhà văn bảo tôi: “Cái ông Nguyên Ngọc này buồn cười thật. Cứ khụng khà khụng khiệng. Khó chịu quá”. “Hình như anh Ngọc đi vắng.”. “Vắng đâu. Về rồi. Về mà vẫn không chịu đến! Cha này xem ra không được!”.

Thật oan cho Nguyên Ngọc.

Khi Hội Nhà văn tổ chức đón nhận Huân chương Độc lập cho ông thì ông vẫn còn lặn lội ở cơ sở cách mạng vùng ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Ông hoàn toàn không biết có sự kiện này. Báo tin cho ông ngay trong buổi chiều hôm ấy lại là những độc giả của ông ở Đà Nẵng. Họ tíu tít đến chúc mừng ông. Anh Giám đốc khách sạn Non Nước còn mang lẵng hoa đến tặng ông. Nguyên Ngọc rất cảm động vì tấm lòng thương yêu quý trọng của độc giả giành cho mình. Xem chừng họ còn vui hơn cả ông khi ông được Nhà nước ghi nhận về sự cống hiến to lớn trong cả một đời cầm súng và cầm bút.

Chiều 7/9/2000, Nguyên Ngọc về đến Hà Nội thì sáng ngày 8/9, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Tổng thư ký cùng nhà thơ Nguyễn Hoa, cán bộ Tổ chức Hội, thay mặt Ban Chấp hành đã đến tận nhà trao ông Huân chương Độc lập hạng nhì của Nhà nước cùng với lẵng hoa của Hội nhà văn. Phó Tổng thư ký Nguyễn Trí Huân còn thông báo cho ông biết, ông có 7 triệu đồng tiền đầu tư sáng tác.

- Ồ, cái đó thì mình không nhận đâu.

Nguyên Ngọc lắc đầu. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cười điềm đạm:

- Đây là lộc chung thôi anh ạ. Lộc của Nhà nước mà!

- Lộc nào của Nhà nước. Tiền đóng thuế của dân đấy. Mình không nhận đâu!

- Mọi người đều nhận cả bác ạ - Tôi chen vào - Nhà văn mình khổ quá. Nhà nước tạo điều kiện thêm để ngồi làm tác phẩm. Em cũng đã nhận mấy triệu. Mọi người cũng đều nhận cả. Bác không nhận, thế bằng bác bỉ chúng em à?

- Không! không! - Nguyên Ngọc vội vã xua tay - Cái này là tuỳ quan niệm của mỗi người thôi. Mình viết được cái gì thì “bán” cho Nhà xuất bản lấy tiền rồi. Sao bây giờ lại còn lấy tiền của dân nữa? Số tiền ấy mình không nhận đâu. Huân đừng mang đến nhé!

Nguyên Ngọc lại từ chối. Như mấy lần đầu tư trước đây, ông cũng kiên quyết từ chối.

Ở Hội Nhà văn hiện nay, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là chưa nhận tiền tài trợ lần nào. Mà ông “gàn” lắm! Cực đoan lắm. Có người bảo, Nguyên Ngọc đã quyết cái gì thì không ai có thể ngăn cản nổi. Có túm tay ông kéo lại thì lập tức ông hoá thành anh La Văn Cầu, rút mã tấu chặt phéng ngay cái cánh tay bị níu giữ ấy mà xông lên. Việc từ chối tiền đầu tư cũng thế.

Tôi biết Nguyên Ngọc rất nghèo. Số lương hưu của hai vợ chồng ông có đáng là bao. Nguyên Ngọc lại đi thực tế liên miên, mà đi xa, đi tự túc. Tính ông lại khảnh. Đã thế ông lại không chịu viết tạp. Thế thì làm sao mà có được tiền.

Một lần nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đến thăm ông, thấy trên mâm chỏng trơ hai cái xoong. Một xoong cơm, một xoong canh. Thức ăn không cho ra bát. Người ăn cứ múc thẳng từ nồi. Đấy là lối ăn theo kiểu thời chiến của lính trận. Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ rồi, vậy mà Nguyên Ngọc vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn không biết đi xe máy, cũng không biết đi cả xe đạp. Cứ túc tắc cuốc bộ. Và ông bước phăm phắp như lính cắt rừng.

- Sao tôi được nhận Huân chương Độc lập hạng nhì mà Nguyễn Thi lại chỉ hạng ba. Nguyễn Thi phải hơn tôi chứ. Tôi so với anh Thi sao được?

Nguyên Ngọc tỏ ra rất băn khoăn. Nguyễn Trí Huân chỉ còn biết nở nụ cười của Phật bà Quan âm. Bởi điều ấy nằm ngoài tầm tay Hội Nhà văn rồi. Có lẽ Ban Thi đua Khen thưởng Nhà nước cứ chiểu theo Quy chế, căn cứ vào độ dài của thời gian phục vụ trong chiến trường. Nguyễn Trọng Oánh và Nguyên Ngọc lặn lội trong lửa đạn suốt hơn chục năm trời, hết chiến tranh mới ra Bắc. Còn Nguyễn Thi thì ngay từ năm 1968, ông đã hy sinh rồi. Nguyễn Thi ở chiến trường mới được có bốn năm. Còn cả một đời, Nguyễn Thi nằm trong lòng đất và đến nay vẫn không tìm thấy hài cốt ở đâu…

Nguyên Ngọc ngồi lặng. Gương mặt đượm buồn. Ông và Nguyễn Thi cùng đi B một ngày. Bấy giờ, Nguyên Ngọc đi nhẹ nhàng lắm, vì ông chưa có vợ con. Còn Nguyễn Thi thì đã có vợ. Người vợ trẻ của ông lại vừa sinh con trai đầu lòng. Nhà thơ Vũ Cao còn nhớ buổi chia tay Nguyễn Thi. Bữa đó, ông rủ Nguyễn Thi ra phố. Ông muốn mời bạn ăn một bát phở bò. Nhà văn thời đó nghèo xơ xác. Trong túi Vũ Cao cũng chỉ đủ số tiền cho một bát phở thôi. Chả lẽ chỉ bạn ăn, còn mình thì ngồi suông ngắm bạn? Hình như cũng hiểu được nỗi băn khoăn của Vũ Cao, Nguyễn Thi bảo ông chỉ thèm khoai lang luộc thôi. Trời, tưởng gì, chứ khoai lang thì rẻ lắm. Số tiền trong túi Vũ Cao đủ để hai ông ăn no khoai lang. Thế là họ ngồi sụp xuống bên đường, làm một đĩa khoai mật.

Tối ấy, Nguyễn Thi về nhà từ biệt vợ con. Vợ ông chỉ lặng lẽ lau nước mắt còn thằng bé mới đẻ thì khóc ré lên. Nguyễn Thi đùng đùng quay ra rồi phăm phăm bước thẳng, không ngoái đầu lại, mặt tái ngắt, trông rất ghê sợ, cứ như sắp sửa chém giết ai đó. Vũ Cao biết nếu chỉ quay nhìn lại vợ con, cửa nhà, chắc Nguyễn Thi sẽ không thể đi nổi.


Đêm ấy, Nguyên Ngọc và Nguyễn Thi lên tàu ở ga Thường Tín. Rồi họ vượt rừng, lội suối, luồn dọc Trường Sơn hàng mấy tháng trời. Đến A Sầu, A Lưới thì chia tay nhau. Đêm chia tay, họ còn giăng võng, nằm bên nhau trong một khu rừng xà nu. Khu rừng này đã thành nỗi ám ảnh đối với Nguyên Ngọc. Đêm ấy, mọi người còn mời một đồng chí ở cơ sở đến nói cho anh em mới vào nghe chuyện chiến trường.


Đồng chí cán bộ đó không thể nói được gì, vì suốt mấy năm ở đây, ông chưa bao giờ được đứng trước một đám đông như thế. Trời ơi! Chỉ có 5 người thôi mà đã thành một đám đông. Nguyễn Thi bảo: “Tình hình thế này là ác liệt đấy. Chúng mình vào đây mà làm nhà văn thì vô duyên quá! Kỳ cục quá! Phải sống đã. Cầm súng đánh giặc đã rồi làm nhà văn sau. Chúng mình chỉ trở lại Hà Nội bằng con đường số Một.”

Câu nói như một lời nguyền. Và rồi họ đã thực hiện đúng như thế. Nguyễn Thi xuôi về Nam Bộ. Nguyên Ngọc xuống khu Năm. Đấy là những vùng chiến trường rất đỗi khốc liệt. Năm 1968, Nguyễn Thi hy sinh trong một trận chiến đấu . Ông ngã xuống như một người anh hùng. Còn Nguyên Ngọc thì sau chiến tranh, ông mới trở lại Hà Nội bằng đúng con đường số Một.

Trần Đăng Khoa (Báo Văn nghệ số 44 ra ngày 3/11/2007)

Nguồn : Bee net.