8 tháng 2, 2014

TS Alan Phan: "Hãy giữ tiền cẩn thận và tránh hoang tưởng"


  SGTT.VN - Các kênh chứng khoán, vàng hay bất động sản đều kém hấp dẫn, bấp bênh và rủi ro cao, vì vậy cựu Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng khi rót vốn trong năm 2014.
   Đầu xuân 2014, cựu Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải Alan Phan chia sẻ góc nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như kế hoạch và mục tiêu cá nhân trong năm.
Dưới góc độ một nhà đầu tư từng tham gia thị trường chứng khoán nhiều nơi trên thế giới, ông đánh giá ra sao về hoạt động của kênh huy động vốn này ở Việt Nam?
Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng là nơi rất phức tạp. Ngay cả khi mình nghĩ xu hướng chung là lên, nó vẫn có thể xuống hoặc ngược lại. Ngoài nhà đầu tư nhỏ lẻ, thị trường còn chịu tác động của nhiều nhóm quan trọng hơn như "đội lái tàu", “đội tự doanh của các công ty chứng khoán”, “các quỹ đầu tư, ngân hàng”... Họ có thể chi rất nhiều tiền làm ảnh hưởng giá cổ phiếu.

Tiến sĩ Alan Phan. 
Một điều khác biệt giữa thị trường Việt Nam và một số nước khác là sự can thiệp trực tiếp của công ty niêm yết. Họ nắm số lượng cổ phiếu lớn, lại có tiền nên nhiều cơ hội đánh lên, đánh xuống.
Ngoài ra, nhóm quỹ cũng gây tác động đáng kể lên giá cổ phiếu. Thông thường các quỹ ở Việt Nam phải chứng minh hoạt động có lãi mới thu hút nhà đầu tư, tạo ra nguồn phí. Do vậy đôi khi giá trị thực xuống, các quỹ có thể làm việc với công ty niêm yết, khối tự doanh, đội "lái tàu" để hợp tác đẩy giá cổ phiếu lên, xuống. Nhà đầu tư nhỏ lẻ không có tin tức từ phía trong rất khó đón bắt.
Còn ở Mỹ, thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố trên nhưng bị luật pháp chế tài rất gắt gao. Đơn vị nào không chấp hành nghiêm túc sẽ bị phạt, thậm chí là rất nặng nếu bị phát hiện thao túng giá.
Một năm trước, ông đã nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hẳn hấp dẫn với khối ngoại. Sau một năm, ông thấy nhận định của mình thế nào?
Tôi vẫn cho rằng thị trường Việt Nam chưa thực sự nóng và bền vững, không tạo nên kết quả tương xứng với tiềm năng kinh tế. Còn vấn đề nhà đầu tư ngoại thì, thấy thị trường tăng điểm đương nhiên cũng phải tham gia để kiếm chút đỉnh. Nhưng tóm lại vẫn là đầu tư cơ hội, không phải tính chuyện bài bản lâu dài. Thành ra về dài hạn, ánh nhìn của nhà đầu tư nước ngoài chưa có nhiều thay đổi.
Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi thế nào để tăng thêm sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài?
Tâm điểm chính của khối ngoại luôn là tìm kiếm lợi nhuận nhưng phải ít rủi ro. Muốn đáp ứng được nhu cầu này, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi cách làm việc, giúp công ty hiệu quả hơn về tài chính, khả năng quản trị cũng như thương hiệu. Quan trọng nhất là yếu tố minh bạch và công bằng. Còn nếu doanh nghiệp cứ tà tà, thích che giấu thì không ai quan tâm. Khi mình làm tốt, các nhà đầu tư sẽ thích. Nên nhớ cả thế giới có rất nhiều cơ hội chứ không riêng gì Việt Nam.
Ông đánh giá kênh đầu tư nào có mức sinh lời cao nhất năm 2014 tại Việt Nam?
Nếu ở nước ngoài, tôi nghĩ mỗi người sẽ có lựa chọn riêng bởi họ tự do. Nhưng ở Việt Nam, các nhà đầu tư phải chịu sự giới hạn. Ví dụ không thể đầu tư vào vàng, ngoại tệ cũng khó. Như vậy chỉ còn lại cổ phiếu, bất động sản và gửi tiết kiệm trong nhà băng. Với tôi, những kênh này chưa có điểm gì thực sự hấp dẫn. Với cổ phiếu, như tôi đã đề cập, chỉ cần có tin tức nội bộ đặc biệt hoặc thương vụ đầu tư chưa kịp công bố cũng có thể kiếm tiền. Thị trường càng bấp bênh, dậy sóng, lên xuống thất thường càng kiếm nhiều tiền hơn. Cùng một nguyên tắc, tiền theo đó cũng có thể mất nhanh.
Ở Mỹ, nhà đầu tư thường tính triển vọng sinh lời theo kết quả kinh doanh công ty đạt được. Thứ hai là tình trạng ổn định của ngành nghề cũng như kinh tế vĩ mô. Dòng tiền trước đây có khuynh hướng đổ vào các quốc gia mới nổi thì bây giờ quay về Mỹ tìm sự an toàn. Cổ phiếu Mỹ được dự báo lên khoảng 3-6% năm nay. Nếu chuyển biến không tốt thì cũng trở về 1-2%, không có nhiều thay đổi đáng kể như Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ cách quản lý các khoản đầu tư của mình?
Hiện giờ tôi không có khoản đầu tư nào ở Việt Nam. Nói chung tôi tự nghĩ mình không có đủ khả năng để kiếm lời từ thị trường trong nước. Khả năng ở đây chính là những yếu tố như lướt sóng, nay đánh lên, mai đánh xuống giá cổ phiếu, quyết định theo tin đồn.
Khi đầu tư, tôi chỉ tập trung vào tính dài hạn và những doanh nghiệp kinh doanh bài bản, số liệu minh bạch đàng hoàng. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là kết quả kinh doanh, công ty phải thực hiện đủ mục tiêu đã đề ra và hoàn thành đúng thời hạn. Thứ hai nữa là tính rủi ro và cuối cùng là thời gian mình muốn đầu tư bao nhiêu, 2 năm, 5 hay 10 năm cũng phải ấn định rõ. Các khoản đầu tư hiện thời của tôi đa phần nằm ở Mỹ. Còn lại ngoài Việt Nam, tôi cũng tránh xa các thị trường mới nổi khác vốn đầy tính bất ổn.
Vậy ông khuyến nghị gì với các nhà đầu tư trong năm nay?
Đối với các nhà đầu tư, tôi nghĩ mỗi người cần giữ gìn tiền bạc cẩn thận, tránh rủi ro và cả sự hoang tưởng. Điều nữa là luôn phải tìm hiểu dụng ý ẩn đằng sau các khuyến nghị hay dự báo từ công ty chứng khoán hoặc bất động sản. Tôi thấy rất buồn cười với một số nhà đầu tư thường xuyên nghe lời môi giới địa ốc. Đây là những người kiếm tiền nhờ bán hàng, không lẽ họ lại nói xấu hàng của mình.
Còn đối với người chơi cổ phiếu, tôi vẫn hay khuyên là nếu nằm trong "đội lái", nắm thông tin tốt sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu mình chỉ là nhà đầu tư nhỏ lẻ, thông tin không nhạy, khả năng cao là mất tiền dù vẫn có cơ hội kiếm lợi nhuận. Vấn đề hiện thời trên thị trường chứng khoán Việt Nam là dòng tiền được giới đầu tư đồn đại, đẩy từ lĩnh vực này sang ngành khác nên hầu như không sát với giá trị thực. Đôi khi những doanh nghiệp làm ăn rất bết bát, nhưng người chơi cổ phiếu đánh lên nên thị giá lại tăng. Tôi luôn tự nhủ mình không nằm sâu trong thị trường thì phải ra chỗ khác chơi, không biết mà cứ cố nhảy vào lại có ngày u đầu sứt trán.
Sang năm 2014, ông có những kỳ vọng thế nào?
Cách đây khoảng 2 năm tôi đã không còn làm việc cho Quỹ Viasa, bây giờ chỉ làm những việc riêng cho bản thân nhưng nói chung không quá quan trọng. Tôi cũng có tư vấn cho 1-2 công ty nước ngoài về M&A và tìm vốn, đồng thời còn một số tiền cùng bạn bè lại đi đầu tư thay vì gửi tiết kiệm trong ngân hàng ở Mỹ.
Tôi thấy mình cũng cao tuổi nên không còn kỳ vọng nhiều. Mỗi năm kiếm khoảng 8-9% lợi nhuận là thỏa mãn. Tôi cũng không nghĩ mình có thể lãi nhiều hơn mức này. Trường hợp ít hơn con số trên tức là mình vẫn không giỏi lắm, như vậy phải chấp nhận. Tôi thấy kỳ vọng này cũng đơn giản, thấp và không đáng kể.