9 tháng 12, 2011

Những công trình trăm năm tuổi.

    Người Việt và du khách từng đến Việt nam, thăm Hà nội đa số đều biết đến Nhà hát lớn Hà nội và vài công trình kiến trúc có tuổi đời trên dưới trăm năm  khác.
    Mỗi công trình kiến trúc đều để lại dấu ấn của một thời điểm lịch sử, ở  đó có văn hóa, có tâm tư, có ước nguyện của tác giả hay của cả xã hội gửi gắm vào. Những công trình tồn tại với thời gian đa số phải có tính bền vững về chất lượng, đẹp và công năng sử dụng hợp lý cho dù nhu cầu của xã hội, của cộng đồng ngày một nâng cao. Một công trình tương tự như Nhà hát lớn Hà nội đã tồn tại và đang là một điểm nhấn của Thủ đô lớn bậc nhất Thế giới.

Nhà hát lớn - Thời đang xây dựng.

  Nhà hát lớn Hà nội đang kỷ niệm  100 năm tuổi, thực tế được như hôm nay thì nó đã được trùng tu, cải tạo lớn vào những năm 1998 - 2000. Kiến trúc sư tài ba người Pháp gốc Việt Hồ Thiệu Trị đã bỏ công lục lại tất cả hồ sơ gốc của công trình đang lưu tại Pháp để mang về Việt nam, cùng các chuyên gia xây dựng của Bộ xây dựng làm trẻ lại một công trình vô giá như chúng ta đã biết.

Một quần thể các công trình ngày nay vẫn đẹp với qui hoạch và xây dựng từ trăm năm trước.


  Để có những công trình tồn tại mãi với thời gian, tạo được những dấu ấn đẹp cho Thủ đô là nhờ những tâm huyết của các Kiến trúc sư, các nhà quản lý, các bàn tay vàng của Dân Việt. Trang sách đẹp sẽ ghi nhận đầy đủ công lao của họ, những bất cập hay lỗi lầm trong qui hoạch và xây dựng cũng được ghi lại kể cả khi  thời gian và con người đào thải chúng.

Cổng làng tôi - cũng kỷ niệm 100 năm tuổi và đang được tu bổ.

    Trên các diễn đàn về qui hoạch, kiến trúc, xây dựng...chúng ta thường thấy các sếp quản lý chém gió về tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch cho 5 năm, 10 năm, 20 năm thậm chí đến tận 2050. Tuy nhiên ai cũng hiểu rằng : với tu duy nhiệm kỳ chỉ có 5 năm thì tầm nhìn dài hơn thế chỉ là chuyện chém gió, những dự án hay công trình như Nhà hát lớn hay ít ra là cái cổng làng bé nhỏ, sau 100 năm vẫn sử dụng tốt sẽ quá hiếm khi mà  tư duy quản lý chưa ra khỏi cổng làng. Ai dám khẳng định một công trình như cái bảo tàng Hà nội mới xây kia sẽ tồn tại được trăm năm như Nhà hát lớn - một công trình tốn rất ít sắt thép bê tông ?
 
(Minh họa: Ngọc Diệp) - Dantri.

  Sân golf la liệt trên ruộng lúa, trường học và bệnh viện quá tải - đó là lỗi của qui hoạch, còn ai quản lý qui hoạch thì ai cũng biết nhưng chịu, không rõ cá nhân  anh nào chịu trách nhiệm.
  Thực tế là chúng ta đang thiếu những nhà quản lý còn các Kiến trúc sư hay những người thợ có bàn tay vàng thì không thiếu.

  

Thưa bà Bộ trưởng Y tế: Điều gì "làm bẩn áo blouse"?

    Phong trào đã được phát động"nói không với phong bì" vẫn nhan nhản cảnh...nhận phong bì? 5 bệnh viện "nói không với phong bì" là con số quá nhỏ với tổng số 1.500 bệnh viện trên cả nước
Hình ảnh "lương y như từ mẫu" bây giờ bỗng xa lạ ghê gớm, có người đã nói với tôi như thế khi nhắc đến hiện tượng phong bì cho bác sĩ. Vậy thì điều gì đã "làm bẩn áo blouse", làm y đức phải đổi chất theo chiều hướng xấu?
Xét đến cùng, theo tôi, là trách nhiệm của Bộ Y tế!
"Nhà thương bị biến thành ...nhà ghét"
Theo tìm hiểu của người viết, tình trạng quá tải đều xuất hiện ở các bệnh viện lớn. Điều đáng nói là bất kỳ bệnh gì, tai nạn gì, dù nặng hay nhẹ thì tâm lý người dân đều muốn tìm đến các bệnh viện lớn dù có thứ bệnh chỉ cần trạm y tế... phường, xã là đủ.
Nhu cầu càng cao thì chi phí phục vụ cho nhu cầu càng phải lớn, nên hoặc anh có tiền nhiều, hoặc anh có thế lực, hoặc anh... khỏe mạnh (và số ít may mắn thì có cả ba thứ ấy) thì mới khỏi sợ phải tới bệnh viện lớn.
Có phong bì thì được ở phòng riêng, được bác sĩ, điều dưỡng hộ lý chăm sóc tận răng. Hoặc là "con anh Sáu, cháu chú Ba, người nhà dì Tám" thì lúc ấy người bệnh mới có những chế độ riêng mang tính... tình cảm.
"Không có phong bì? Nằm chung giường bệnh nhé! Nằm ngoài hành lang nhé! Chưa bị lườm, bị quát vào mặt là may rồi nhé!"- bạn tôi, một người phải điều trị lâu dài ở một bệnh viện lớn tại TP.HCM nhận xét như vậy. Anh không phải loại người thiếu tiền nhưng cũng không phải là người vô cảm đến mức không biết xung quanh mình đang diễn ra cái gì. "Cơ chế nó thế"- anh kết luận.
Chừng nào vẫn còn cảnh quá tải tại các bệnh viện thì sẽ vẫn còn cảnh "nhà thương" bị biến thành... nhà ghét, tôi nghĩ vậy. Mật độ làm việc căng thẳng sẽ khiến các khuôn mặt các lương y khó giãn ra mà cau có lại. Lượng bệnh nhân đông đúc sẽ luôn phát sinh chuyện "xin bác sĩ cho người nhà em thoải mái một chút". Và phong bì được đưa...
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế từng phát biểu trên www.danviet.vn đã cho rằng việc "nói không với phong bì" của 5 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội là "nói và làm" còn khoảng cách xa. Bác sĩ Đại cho rằng câu chuyện đưa và nhận phong bì hiện đã trở thành chuyện "cơm bữa" ở các bệnh viện.
Bệnh viện thực hiện cam kết "Nâng cao quy tắc ứng xử trong bệnh viện" là điều rất tốt, rất nên làm. Tuy nhiên ông cho rằng ngành y tế nếu muốn "nói không với phong bì" thì trước hết phải thực hiện giảm tải bệnh viện, tăng cường trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến cơ sở.
Phải thực hiện tăng cường, mở rộng bệnh viện tuyến trung ương. Mặt khác cần có chính sách nâng cao lương và chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ y tế để họ sống được bằng nghề.

Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải thừa nhận: "Quá tải đang làm méo mó chân dung ngành y tế". Ảnh: Chí Hiếu - SGTT
Và ông đoán không sai, nơi "nói không với phong bì" vẫn nhan nhản cảnh... nhận phong bì! Mà 5 bệnh viện "nói không với phong bì" là con số quá nhỏ so với tổng số 1.500 bệnh viện khắp cả nước.
Nên buồn không? Khi chuyện không nhận phong bì mà vẫn chữa bệnh theo đúng lương tâm thầy thuốc trở thành chuyện hiếm...
Trách nhiệm chung chung
Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải thừa nhận: "Quá tải đang làm méo mó chân dung ngành y tế". Một đồng nghiệp của tôi tại Sài Gòn Tiếp Thị là nhà báo Phan Sơn tỏ ra thông cảm với ngành y tế khi đưa ra các lý do như đời sống nhân viên y tế thấp, lại chịu áp lực tự chủ tài chính toàn phần.
Điều này làm một số bệnh viện... thích duy trì quá tải, "vơ bèo bắt tép", khám số đông bù lại để lấy tiền trang trải chi phí và nuôi sống nhân viên. Anh Sơn tự hỏi rằng: Ai duy trì khung lương bất hợp lý? Một bác sĩ học sáu năm ra trường cũng nhận lương khởi điểm như một cử nhân học bốn năm của ngành khác?
Ở một góc độ khác, các công trình mọc lên như nấm hiện nay chỉ có cao ốc văn phòng, chung cư, sân golf... mà không có bệnh viện nên quá tải là dễ hiểu. Ngay cả các công trình này khi mọc lên, cũng không có nhiều hoạch định về công trình dịch vụ y tế đi kèm.
Hệ lụy là các bệnh viện trung ương có tình trạng khám bệnh với tốc độ kỷ lục... 1 phút/người thì các trạm ý tế xã phường vẫn đìu hiu người đến vì tâm lý "bệnh viện to yên tâm hơn". 1 phút ấy, biết đâu sẽ có trường hợp bác sĩ tư vấn theo kiểu "đau bụng uống nhân sâm..." do không thể nào nắm bắt hết tất cả các triệu chứng.
Người bệnh càng đông thì nguy cơ "tắc tử" càng cao!
Nằm trong "cái được gọi là cơ chế" ấy, liệu một bác sĩ có lương tâm có chao đảo tay nghề vì lịch khám dày đặc không, có không nhận phong bì dưới mọi hình thức không? Muốn trả lời không, có lẽ họ nên đến một bệnh viện tư nào đó mà ở đó dịch vụ xứng đáng với đồng tiền người bệnh bỏ ra. Mà ở bệnh viện tư, có lẽ người nghèo khó với tới được...
Thưa bà bộ trưởng bộ Y tế! Bà nhìn được vấn đề quá tải ở các bệnh viện, bà đau lòng, bà biết luôn cả nguyên nhân tại sao... Vậy thì tôi tin người dân sẽ chờ bà làm gì để giải quyết thảm trạng đó. Người dân cũng đủ tinh tường để biết được những phát ngôn tâm huyết và những phát ngôn mang tính truyền thông hình ảnh. Người dân càng hiểu rõ hơn có hay không tư duy nhiệm kỳ trong cách làm việc của các "công bộc" của dân.
Rất hy vọng bà sẽ làm được điều gì đó để giảm bớt nỗi đau lòng của mình...
Vì cũng như bà, rất nhiều người dân khác biết rõ điều gì đang "làm bẩn áo blouse", "làm méo mó chân dung ngành y tế"!

Người dân cũng đủ tinh tường để biết được những phát ngôn tâm huyết và những phát ngôn mang tính truyền thông hình ảnh. Người dân càng hiểu rõ hơn có hay không tư duy nhiệm kỳ trong cách làm việc của các "công bộc" của dân.
 
Nhất Ngôn/Tuanvietnam.net
GDVN.

Kỳ án hiếp dâm : Chúng tôi chết thêm lần nữa.

 Khi hay tin Tòa tối cao bác đơn kháng nghị “kỳ án hiếp dâm”, chúng tôi như chết lặng. Bao hy vọng chờ đợi suốt 2 năm qua, nay mọi thứ như đổ sụp xuống...

Nhà như có tang khi hay tin

Tại cửa hàng của Nguyễn Đình Lợi, chúng tôi gặp cả ba chú cháu nhà Nguyễn Đình: Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên và người đã chạy vạy kêu cứu cho ba chú cháu Nguyễn Đình là cô Phạm Thị Hồng. Mọi người có mặt ở đây để viết đơn gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước kiến nghị quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Trong số tất cả những khuôn mặt nặng như chì kia, không đôi mắt nào cho chúng tôi thấy điểm nhãn của sự hoan hỉ mà thay vào đó là những đôi mắt mọng đầy nước như chỉ trực tuôn ra.



Nguyễn Đình Tình rầu rĩ ngồi thu mình trong một góc nhà. Rồi đây, khi anh phải vào trại, anh sẽ bỏ lại người "vợ" đã dũng cảm vượt qua tất cả để đến với anh.


Nguyễn Đình Tình ngồi thu lu trong một góc, đầu tóc bù xù, gục mặt xuống bàn. Tiếp chúng tôi, Tình nhát gừng nói về sự thất vọng của mình và kể lại cho chúng tôi khi anh và gia đình hay tin. Chiều qua, khi nhận được tin chẳng lành, không khí trong gia đình như có tang. Tình đã lấy hết can đảm, cố nén lòng mình để nói với người vợ dũng cảm đã dám vượt qua tất cả để lấy anh làm “chồng”.

“Ban đầu vợ tôi không tin và nói “anh cứ trêu em” và cười. Nhưng khi tôi khẳng định đó là sự thực thì vợ tôi đã khóc nức nở. Tối đến, mọi người đến rất đông.

Một phần vì chưa rõ kết quả nên tới hỏi thăm, một số người thì đến động viên, an ủi. Mọi người ai cũng không tin Hội đồng thẩm phán đã có thể ra bản kết luận “bản án phúc thẩm đã “xét xử đúng người, đúng tội, không làm oan”.

Tình là người thiệt thòi nhất trong số ba chàng trai trong kỳ án này. Trong thời gian ở trại, anh đã vô tình mắc căn bệnh thế kỷ HIV. Dù anh đã nhận được tấm tình cảm chân thành của một người con gái xa lạ không hề quen biết và chị đã vượt qua mọi dị nghị, mọi định kiến để đến với Tình, cùng anh xây dựng hạnh phúc gia đình.

Giờ đây, Hội đồng thẩm phán ra quyết định bác đơn kháng nghị và như vậy anh sẽ phải ngồi tù, người “vợ” của anh sẽ phải một mình ở nhà đợi ngày anh mãn hạn.




Ba chàng trai trong vụ "kỳ án hiếp dâm" giờ đây không biết suy nghĩ gì, họ đều đã mất phương hướng.


Giờ đây, Tình cũng như mọi người không biết suy nghĩ gì, “Tôi chẳng biết nói gì nữa, bây giờ mất phương hướng hết cả rồi.” Nguyễn Đình Kiên nói.

Hủy bỏ hạnh phúc trăm năm vì quyết định bác kháng nghị của Tòa tối cao

Đối với Kiên, thì đến ngày 16/12 tới đây anh sẽ hết “hạn tù”, nhưng còn với Tình thì còn hơn 4 năm và Lợi còn hơn 5 năm nữa. “Nếu phải vào lại tù, tôi cũng vẫn đi. Tôi chẳng còn gì để mà mất nữa. Suốt hai năm qua, chúng tôi sống như không vậy thì giờ đây vào tù cũng vậy thôi” , Tình ngao ngán.

Trong suốt hai năm qua, ba chàng trai cùng gia đình và dư luận toàn xã hội vẫn mong chờ, vẫn hy vọng... Nhưng điều đó giờ đã không xảy ra. Như vậy, mặc nhiên ba chàng trai ấy vẫn mang cái án hiếp dâm trong quãng đời còn lại và họ sẽ phải "mang" nó ngay cả khi họ không còn trên đời này nữa.




Sau hai năm chờ đợi, Lợi đã quyết định lấy vợ. Nhưng giờ đây, hạnh phúc trăm năm của anh sẽ bị hoãn lại.


“Tôi không thể tin nổi sẽ có cái ngày này. Chúng tôi sẽ viết đơn kiến nghị, đấu tranh tới cùng. Một số người nói rằng, có người tham gia đưa ra quyết định này lại chính là những người đã ngồi tham gia xét xử chúng tôi trước đây... ” Nguyễn Đình Kiên ngao ngán nói với chúng tôi những suy nghĩ của cá nhân anh.

Còn đối với Lợi, quãng thời gian hai năm qua anh đã cố gắng hòa nhập trở lại cuộc sống bình thường và anh đã có cửa hàng sửa xe máy cho riêng mình. Sự chờ đợi đã khiến anh quá mỏi mòn, anh đã quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình riêng. Nhưng niềm hạnh phúc của cuộc đời đã lại một lần nữa “trì hoãn” đến với anh. Dự kiến tuần sau gia đình anh sẽ làm lễ hỏi cưới và tổ chức đám cưới cho anh. Nhưng giờ đây, Hội đồng thẩm phán đã bác đơn kháng nghị của ba người nên hạnh phúc trăm năm của anh sẽ bị hoãn lại.

(Theo GDVN)

8 tháng 12, 2011

Những tài sản vô giá bị bỏ quên.

 Chiều tối, vừa đi làm về đến nhà thì ông anh chủ quán bia gọi bảo ra " rửa " cái bộ trường kỷ vừa mua, ra luôn.
    Một triệu tư - ông anh bảo, lôi tận góc chuồng lợn nhà nó ở Phú xuyên đấy. Nó còn chạy sang hàng xóm lôi về cái bàn cho đủ bộ, cũ quá nên chán, cho trẻ con hàng xóm mượn cái bàn để kê học tạm. Bộ ghế được làm bằng gỗ hương, nhà chủ bảo từ thời cụ nó được chia sau cải cách. Trước đó là của nhà địa chủ đã dùng từ trước đó vài chục năm, nghe đâu từ một chín  hai mấy gì đó.
   Quả thực nhìn bộ ghế đã có chỗ bị ải dưới chân, tuy nhiên các chi tiết đục chạm thì ít thấy có ở những  bộ bàn ghế đang bày bán ở các của hàng đồ gỗ trên phố. Các chi tiết rất tinh xảo, nhìn như tranh vẽ và cầu kỳ đến khó tin. Sáu mảng dựa lưng ở hai ghế có sáu bức đục trạm mô tả như các bức tranh khác nhau, chim hoa cá gái, phong cảnh có cả. Một ông khách đến uống bia xem xong bảo để lại 6 bức gỗ đó với giá 6 triệu. Chắc là thấy đẹp thì phải ?
    Anh chủ mua được bộ ghế bảo : mình sẽ bán bộ này với giá hơn trăm triệu ! bác gắn thêm vàng hay ngọc trai? mấy ông khách hỏi.
     Không, chỉ chụp ảnh rồi đưa lên mạng, giới thiệu về xuất xứ của nó rõ ràng, thế thôi. Khách về vãn anh mới nói : hóa ra bộ ghế này của ông nội một tay đại gia bất động sản Hà thành quê Vân đình, xưa ông nội hắn là địa chủ,  cho đóng bộ ghế đó phải mất bốn hay năm năm mới tìm đủ gỗ quý về cho thợ Chuôn tre Đồng vàng đóng, cải cách bị thu hết đồ kể cả cái mâm gỗ mít. Sau này con cháu thanh đạt, làm ăn to nhưng đám ở quê không biết bộ ghế lưu lạc nơi đâu, hơn nữa bọn thanh niên bây giờ cứ đi vác xa lon giả da về chơi, không thích  mấy cái đồ của Cha Ông chúng để lại vì chúng cho là cũ, xấu. Mình biết tay đại gia kia đang đi lục tìm cái bộ ghế này lâu rồi nhưng chưa có duyên tìm được.
   Kinh bác quá ! đúng là nghề chơi cũng lắm công phu, bác mua có hơn một triệu mà bán được hơn trăm triệu thì đúng là giỏi hơn cả Bin gết rồi. Anh ấy chỉ ngắm bộ ghế rồi cười:  những giá trị vô giá có phải ai cũng có duyên mà có được, bảo sao con cháu bây giờ nếu không dạy bảo tốt thì chúng có thể  đem bát hương nhà thờ Tổ có tuổi trăm năm ra bán rẻ, mua cái mới bên Bát Tràng về cho ...hợp mốt.
 Hay mình chuyển nghề sang đi học về ...đồ cổ nhỉ ?

Lập hội xe cổ.

  Không phải là ô tô, xe máy cũng đã nhàm kể cả xe máy cổ, mấy anh em đang tổ chức thành lập hội xe ...đạp cổ.
 Mở màn là chú em họa sỹ buôn đồ cổ, đồ cũ kiếm được con xe Pháp sản xuất từ năm 1936, xuất xứ kể ra thì chắc Hà nội chỉ có một mà không có hai : xe của toàn quyền Đông dương dùng, sau này về tay bà Bí thư tỉnh Hà tây cũ, để ở nhà lâu quá con cháu đem ra bán vài trăm ngàn. Từng chi tiết còn nguyên bản, đều có ghi tên hãng sản xuất, riêng cái yên da khách đã đòi mua 6 triệu, cái đèn nhôm bé xíu cũng có ông năn nỉ trả hai triệu. Dở hơi thật khi có hai vợ chồng địa chủ từ Bùi Thị Xuân vào cứ năn nỉ trả 25 triệu đòi mua cái xe cũ rích đấy.
     Một con Diamant khung cao còn nguyên bản cũng được mua lại từ ông chuyên gia sang Đức học từ năm 1958. Mang ra tra dầu mỡ lại đạp nhẹ nhàng, bon còn hơn mấy cái xe đời mới nhiều.
      Một con xe Pháp kiểu nữ màu vàng, được lôi ra từ góc bếp nhà ông bí thư huyện ngoại thành cũ, ông ta bảo  xưa mua nó mất mấy cây vàng, không dám mang đi họp vì sợ cơ quan bảo là chơi ngông. Ông còn bảo : lúc đó cái xe đấy có thể đổi được cả hai sào đất ở Thị xã, buồn cười.
     Chú em đi cái xe Pháp còn sắm thêm cái khóa sắt to đùng, mỗi khi ra quán cà phê thì cẩn thận khóa vào bánh xe, mấy chú em thanh niên cứ nhìn rồi cười, chắc nghĩ tay kia hâm nặng, cái xe ghẻ bán sắt vụn ai lấy. Xe LX với SH để đầy còn chả ai khóa huống hồ...đi cái xe đạp giữa phố phường còi ô tô loạn xạ, khói bụi mịt mù nom có vẻ dở hơi, thế nhưng chưa chắc đi ô tô đã có được những cảm giác lạ như ngồi trên một cái xe đạp có tuổi đời 80 năm.
   Chưa biết chừng, để Hà nội sạch và ít ô nhiễm hơn thì các hội xe đạp ra đời sẽ là một trong nhiều việc làm nhỏ mà thực tế hơn nhiều các khẩu hiệu chỉ để trên vải, căng ra bay phần phật vài ngày xong lại gỡ.

6 tháng 12, 2011

Cuộc tháo chạy của các chủ bất động sản.

    Đầu năm đã có lác đác vài chủ đầu tư " chuyển nhượng dự án" cho chủ khác, nhiều lý do như : "chủ mới vẫn là cổ đông của chúng tôi", "chia sẻ đỡ bởi nhiều quá khó quản lý, tập trung vào mũi nhọn, điều tiết chiến lược kinh doanh mảng này mảng kia cho cân bằng", "cơ cấu lại dòng sản phẩm"...vv và vv
    Nhiều ngôn từ được các Chủ đầu tư dự án đưa ra, mớm cho báo chí để che lấp những khó khăn đang hiện hữu đối với họ trong vấn đề vốn. Tiền đâu ra ? - đó là câu hỏi của nhiều chủ đang xây dở nhiều công trình, chỉ thị từ phía Nhà nước liên tục gửi xuống các đại gia ngân hàng, việc lấy tiền từ ngân hàng đổ vào bất động sản đã từ từ bị chặn lại.
     Các doanh nghiệp xây lắp đối mặt với những vấn đề nan giải : thiếu dự án, có dự án đang dở dang phải dừng, khiếu kiện phát sinh. Các nhà sản xuất vật liệu tiết giảm tối đa sản xuất bởi đầu ra bị giảm nhanh, vốn vay khó, lạm phát tiếp tục tăng khiến càng sản xuất càng lỗ.
    Việc làm là một vấn đề căng thẳng cho các doanh nghiệp, từ đầu tư, sản xuất, xây lắp, quản lý, dịch vụ...kể cả bán nước trà cho công nhân tại cổng công trình cũng thất thu, chủ quán ngồi ngáp dài tính lô dịch đề.
 Có đến 9 / 10 dự án mà mình đang tham gia đều dừng lại. 3 chủ bán đứt công trình khi vừa làm xong hầm, có ông bán ngay khi xong thô, có chị sơn bả xong khối văn phòng liền căng biển bán đứt hoặc cho thuê giá rẻ dài hạn...vẫn không có khách hỏi. Ảm đạm - từ ngữ sáng ra quán ca fe nghe ngập tràn từ miệng các nhân sự dính dáng đến ngân hàng và đầu tư, đầu cơ bất động sản, chủ thầu xây lắp, kỹ thuật nhà thầu.
    Một số ngân hàng vẫn tiếp tục đăng báo cho biết họ vẫn lãi lớn ! đó là việc của họ, quyền của họ thích thì nói. Thử rút trên một tỷ  xem là biết ngay, ông bạn làm thuê cho Chủ đầu tư một dự án có tổng kinh phí dự trù hơn hai ngàn tỷ, có  số dư tài khoản trong ngân hàng hơn trăm tỷ nhưng nếu rút ba đến năm mươi tỷ thì hãy chờ và ...chờ.

Khó khăn nảy sinh khiếu kiện của các bên.
      Một vài anh đang có chung cư muốn bán thì mở ra vài trò câu khách cổ lỗ sỹ, thông báo xếp hàng mua xuất đã hết thời, nay đón khách  bằng nam nhân kế, mỹ nhân kế, mời ca fe, ăn trưa, đưa đi xem căn mẫu bằng xe hơi xịn, tặng quà khi đi xem nhà...trong khi Keangnam bà con đang mang bếp than ra cửa tầng 1 đun nước, mắc màn ngủ dưới sân vì bị cắt điện, đóng cửa thang bộ lối duy nhất về nhà mình đã mua.
      Lối làm ăn chụp giựt, ứng xử côn đồ của đa số chủ đầu tư trong thời bất động sản lên ngôi đã góp phần giết chết niềm tin của khách mua hàng, nhất là thời bất động sản chìm như hiện nay. Khi anh độc quyền bán hàng thì kênh kiệu,  coi khách hàng không ra gì thì khách chỉ thấy lướt sóng có lợi ngắn hạn thì mua, không có khách làm ăn lâu dài nên thiếu sức mạnh về vốn, chết yểu lập tức khi thị trường đi xuống.
 Vào chợ rồi nhưng vẫn buôn bán kiểu xe thồ, đó là thói kinh doanh của nhiều ông chủ ở ta, bệnh  trọc phú ngấm sâu vào dân làm ăn kể cả giới chủ lớn. Họ coi thường các nhà tư vấn, coi thường khách hàng, coi thường thị trường mà cứ cho rằng : tao có ít tiền nhưng phải mua được mọi thứ đủ các yêu cầu : ngon bổ rẻ ! ít có chủ hiểu hoặc cố tình hiểu được rằng : tiền nào của ấy, chất lượng không nằm ngoài vỏ máy, gái đẹp như manocanh thì bên trong chắc chỉ có ...thạch cao.
  Rút chạy khỏi thị trường trong hỗn loạn, lừa các chủ đầu tư thứ cấp, tung chiêu dụ vét nốt khách hàng nhỏ...vv nhiều chiến lược được tung ra như những con bài cuối, chuyến tàu vét đêm ba mươi liệu có đưa các trọc phú đến ga cuối ? hãy cố chờ xem chỉ ngay quý đầu năm tới, nếu có tiền mua nhà thì hãy cố để qua Tết các bạn nhé.