Dùng vũ lực mạnh với dân Văn Giang
Cập nhật: 10:25 GMT - thứ tư, 25 tháng 4, 2012
Media Player
Sau vụ cưỡng chế đất ở diện rộng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm thứ Ba ngày 24/4 khiến hàng chục nông dân bị bắt giữ, BBC tìm hiểu phản ứng và ý kiến của người dân và một số nhà quan sát.
Chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã huy động lực lượng hùng hậu gồm hàng ngàn cảnh sát cưỡng chế các nông dân kiên quyết bám trụ không giao đất để xây dựng khu đô thị thương mại-du lịch Ecopark.
Một số hành ảnh video được đưa lên mạng sau đó cho thấy đã có hành động bạo lực mạnh tay của lực lượng cưỡng chế đối với những người nông dân phản kháng.
Trong một video gần 10 cảnh sát và những người mặc thường phục đeo băng đỏ đã xông vào dùng dùi cui và tay chân đánh hội đồng một nông dân không vũ khí.
Sau đó có nhiều tiếng ổn ào và có tiếng nổ.
'Dân sẽ trắng tay'
Bà Lê Hiền Đức, một người vận động cho dân quyền có tiếng tại Việt Nam cho biết, đêm 22/4 bà đã có mặt tại Văn Giang.
“Tôi không có gì phải giấu diếm, tôi về để bảo vệ dân tôi.”
"Tôi cảm tưởng như đang trong trận chiến đấu ác liệt cách đây nửa thế kỷ mà tôi đã từng phải chiến đấu …lửa cháy ngút trời."
Bà Lê Hiền Đức
Bà cũng cho biết, trước đó, chính quyền đã tìm cách ngăn cản không cho Lê Hiền Đức có mặt với dân.”
“Tôi nhìn thấy cảnh sát cơ động chi chít. Cảnh sát địa phương áo xanh lá mạ cũng đầy ra.”
"Tôi đứng đấy, tôi gặp tất cả bà con. Bà con đang khóc ầm ĩ kêu gào.
Nghe những tiếng khóc của các cụ già tám, chín mươi tuổi, thương lắm. Chỉ có súc vật mới không động lòng thôi."
Bà Hiền Đức mô tả về những gì bà chứng kiến hôm 24/4 là trận chiến đấu ác liệt.
“Tôi cảm tưởng như đang trong trận chiến đấu ác liệt cách đây nửa thế kỷ mà tôi đã từng phải chiến đấu …lửa cháy ngút trời.”
Bà cho biết các lực lượng đã dùng súng hơi cay, “đánh đập dân rất dã man”.
"Đây rõ ràng là lực lượng ấy đang cưỡng chế dân."
"Tôi ngồi tôi khóc. Tôi ức quá mà tôi khóc vì tại sao tôi không bênh vực được những con người như thế.
"Tôi gọi đó (thanh niên bị đánh) là những thanh niên dũng cảm, dám đối mặt với lực lượng công an."
"Họ đàn áp vô cùng tệ hại. Bắn súng, đánh đập một cách rất dã man."
Tuy nhiên, do tiếng nổ quá to, bà không phân biệt được là súng gì.
Bà tâm sự. “Tôi nhục nhã đến mức là, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đã từng hy sinh tuổi thanh xuân của tôi, tôi đã chiến đấu đủ mọi hình thức, mọi ngả đường nhưng bây giờ hoà bình rồi, mà tôi phải cải trang.”
“Hôm qua, tôi phải mượn cái nón rách, cáo áo nâu, quần sắn móng lợn để trà trộn vào với nhân dân. Nếu không nó nhìn thấy mình, nó thay đổi thái độ ngay.”
“Có như thế thì mới chứng kiến được hành động của họ đối với những người dân lành.”
“Có những người ngày hôm qua là trắng tay rồi, không còn gì cả, thì cuộc sống ngày mai đây họ sẽ ra sao?.”
“Đây là dấu hỏi rất to, tôi mong công luận sẽ đánh dấu hỏi cho những người dân Văn Giang hôm qua.”
Trao đổi với BBC, luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân nói ông tin rằng chính quyền địa phương đã có ‘vi phạm nghiêm trọng’ khi ‘sử dụng vũ lực trái pháp luật’ trong hành động cưỡng chế.
Qua các hình ảnh video mà ông xem được, ông Quân cho biết lực lượng công cả mặc đồng phục lẫn không mặc đồng phục và đeo băng đỏ ‘cùng nhau vây dân lại bắt dân và đánh dân’.
LS Quân cho biết ông không nắm trong tay các hồ sơ, thủ tục thu hồi và cưỡng chế đất của chính quyền Văn Giang nên không biết rõ liệu các quyết định này có hợp pháp hay không, tuy nhiên ông đặt câu hỏi về hành vi của công an.
Xâm phạm thân thể
“Họ đánh rất nặng và dã man,” ông nói, “Điều này hoàn toàn sai pháp luật vì pháp luật quy định quyền tự do thân thể rất rõ.”
"Nếu tôi gặp một kẻ cắp thì việc ăn cắp có thể bắt giữ hoặc tri hô nhưng nếu đánh người ăn cắp đó thì tôi cũng phạm tội."
Luật sư Lê Quốc Quân
Ông nói những nông dân bị đánh đập hoàn toàn có thể kiện lực lượng cưỡng chế về tội ‘cố ý gây thương tích’.
Luật sư Quân viện dẫn logic luật pháp để giải thích điều này: “Nếu tôi gặp một kẻ cắp thì việc ăn cắp có thể bắt giữ hoặc tri hô nhưng nếu đánh người ăn cắp đó thì tôi cũng phạm tội.”
Ông cũng không cho rằng người dân Văn Giang phản kháng chống đối người thi hành công vụ vì theo như ông thấy qua hình ảnh được quay lại thì có đến hàng chục cảnh sát mặc quân phục lẫn không mặc quân phục vây vào đánh chỉ một người.
“Nói họ (nông dân Văn Giang) chống (người thi hành công vụ) là hoàn toàn sai vì họ chỉ có một (đối đầu với công an) và họ rất hiền lành,” ông nói.
Ông cho biết pháp luật không quy định số lượng người tham gia cưỡng chế nhưng trong vụ việc ở Văn Giang thì chính quyền ‘đã huy động lực lượng quá sức’.
Ông cũng nhận thấy một điểm ‘sai’ trong quyết định thu hồi đất của chính quyền Văn Giang là đã không cho phép người dân thương thảo trực tiếp với chủ đầu tư để bồi thường theo giá thị trường vì đất đai của họ bị thu hồi cho mục đích thương mại của tư nhân chứ không phải mục đích an ninh quốc phòng.
BBC sẽ tiếp tục tì̉m hiểu ý kiến của các bên về vụ việc để cập nhật bài này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét