11 tháng 6, 2014

Lại một pha "bày trò trong phòng lạnh"

(Dân trí) - Muốn quy định thực sự hữu hiệu, cần phải có chế tài xử phạt cụ thể. Còn nếu không, nó sẽ chỉ là những qui định “trên trời” bổ sung vào đội ngũ vốn đã “bội thực” những qui định tào lao của đội ngũ công chức “bày trò” trong phòng lạnh...
 >>  Cán bộ công chức Hà Nội không được nói tục
(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Ngày 29/5 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quy chế yêu cầu cán bộ công chức khi giao tiếp với đồng nghiệp phải lịch sự, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt...
Qui định trên có thể coi là một thông điệp về tình trạng nói tục, nói bậy đang tràn lan, rất phổ biến đến mức cơ quan chức năng phải có hẳn một văn bản để qui định việc này. Tất nhiên là nếu nó không phổ biến, không tràn lan, không đáng báo động thì có lẽ cũng chẳng ai rỗi hơi để ban hành một cái văn bản mà không hoặc rất ít đối tượng bị điều chỉnh.
Song, điều đáng quan ngại là việc này lại xảy ra ở Thủ đô Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, nổi tiếng bởi sự thanh lịch như trong câu ca dao cổ: “Không thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Trước đây, người Hà Nội hầu như rất ít người biết đến các từ bậy, tục…
Vậy “làn sóng” nói tục, nói bậy từ đâu đến? Sao lại có sự lan truyền “khủng khiếp” đến như vậy trong khi đó, ở tất cả các địa phương. ngay từ khi cắp sách đến trường, mọi học sinh đều được thày cô dạy không được nói bậy chửi tục, không được gây gổ với bạn bè?
Mặt khác, cán bộ công chức hầu hết đều là người có học, tức đều có văn hóa đầy mình nên họ chắc chắn phải thực hiện tốt quy tắc, không có chuyện giao tiếp với nhau, giao tiếp với nhân dân bằng những lời lẽ thô tục như những người ít được học hành.
Đó là chưa kể công chức còn chịu một loạt những qui định như những điều đảng viên không được làm, qui chế văn hóa ứng xử nơi công sở, Luật công chức; viên chức và nội qui, qui chế của cơ quan, đơn vị....
Vì thế, ngẫm nghĩ lại có lẽ đây chỉ là những qui định… cho vui thôi.
Bởi nếu muốn xử phạt thì phải xác định những câu như thế nào thì bị (được) coi là nói bậy, nói tục. Thậm chí, cùng một câu đó, từ đó nhưng ở mối quan hệ này, văn cảnh này thì là câu nói tục nhưng ở văn cảnh khác, mối quan hệ khác thì lại là rất bình thường, thậm chí là câu nói thể hiện tình thân mật.
Rồi đã là qui định cấm, tất nhiên là phải có hình thức xử lý kỉ luật. Vậy thì với các hình thức kỉ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc (đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) và thêm giáng chức, cách chức đối với cán bộ quản lý thì những từ nào được dùng trong văn cảnh nào thì sẽ áp dụng hình thức kỉ luật tương xứng?
Rồi khi xử phạt, tất nhiên phải “bằng chứng đâu?”, đành rằng máy ghi âm hiện nay là công cụ khá phổ biến nhưng chả lẽ mỗi lần tiếp xúc với công chức (cả khi các công, viên chức tiếp xúc với nhau) đều bật sẵn nếu không muồn “lời nói, gió bay”…?
Tóm lại, muốn để quy định thực sự hữu hiệu phải có chế tài xử phạt cụ thể. Còn nếu không, nó sẽ chỉ là những qui định “trên trời” bổ sung vào đội ngũ vốn đã “bội thực” những qui định tào lao của đội ngũ công chức “bày trò” trong phòng lạnh.

Bùi Hoàng Tám

Tin nóng Hoàng sa

Hoàng Sa sáng nay: Tàu Trung Quốc liên tục vây ép, tìm cách đâm tàu Việt Nam 

Tàu Trung Quốc vẫn tạo thành hàng rào dày đặc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981.
Liên tục trong vòng 20 phút, tàu Kiểm ngư 771 của Việt Nam đã bị các tàu Trung Quốc vây ép ở khoảng cách 30-50 mét để tìm cách đâm va, nhưng các kiểm ngư viên đã bình tĩnh cơ động vòng tránh trước sức ép của các tàu Trung Quốc.
Sau khi nhận lệnh cơ động tiến vào khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam phát hiện 112 tàu các loại của Trung Quốc, trong đó có 6 tàu chiến.
Các tàu Trung Quốc vẫn tổ chức 3 vòng bảo vệ theo các hướng tiếp cận các tàu CSB và Kiểm ngư của Việt Nam. Trong đó có 6-8 tàu hải cảnh trên các hướng xen kẽ các tàu kéo chủ động tổ chức ngăn cản vây ép hú còi sẵn sàng đâm va ngăn cản các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ở khoảng cách từ 8-10 hải lý so với giàn khoan Hải Dương 981.
Vào lúc 8h30 sáng nay, ở khoảng cách 10 hải lý về hướng Nam Tây Nam so với giàn khoan Hải Dương 981, các tàu Trung Quốc có số hiệu 46105, 1112, 23 và một tàu kéo số hiệu 281 đã chạy với tốc độ cao đã ra ngăn cản vây ép các tàu Kiểm ngư Việt Nam.
Liên tục trong vòng 20 phút, tàu Kiểm ngư 771 của Việt Nam đã bị các tàu Trung Quốc vây ép ở khoảng cách 30-50 mét để tìm cách đâm va, nhưng các kiểm ngư viên đã bình tĩnh cơ động vòng tránh trước sức ép của các tàu Trung Quốc.
Sau khi vây ép, áp sát các tàu Kiểm ngư Việt Nam, tàu Trung Quốc có số hiệu 23 tiếp tục tăng tốc cùng với sự trợ giúp của tàu Hải cảnh có số hiệu 3411 đã tổ chức vây ép hai bên tàu CSB 8003 hú còi buộc tàu CSB 8003 và các tàu chấp pháp của Việt Nam phải rút ra xa khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương 981.
Theo nhận định của các lực lượng chấp pháp trên biển và các PV Việt Nam, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc có khả năng thay đổi vị trí trong thời gian tới.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam tiếp tục theo dõi tình hình, kiên trì đấu tranh tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

10 tháng 6, 2014

Tình huống xấu nhất ?

Bình luận của Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm

Việt Nam phải gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

10/06/2014 01:27 (GMT + 7)
TT - Thông tin ngày 9-6 ghi nhận được cho thấy thêm một sự leo thang của Trung Quốc khi tăng cường tàu chiến, trực bảo vệ đủ ba mặt quanh giàn khoan: đông, nam, tây. Với dã tâm chiếm biển và sự hung hăng sẵn sàng tấn công, họ lu loa rằng các tàu Việt Nam sẽ tấn công vào giàn khoan của họ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tuyên bố sẽ đưa tàu tiếp tế tải trọng 11.000 tấn đến biển Đông để phục vụ các tàu khác hoạt động lâu dài. Đây vừa là một động thái đe dọa Việt Nam, vừa là một đợt diễn tập thực tế.
Trước thái độ “trơ như đá” này, tôi nghĩ Trung Quốc có thể sẽ còn động thái khác. Nhiều công trình quân sự cũng đang được Trung Quốc xây dựng tại các đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên... ở Trường Sa phục vụ âm mưu chiếm trọn biển Đông lâu dài. Việt Nam nên gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra để giữ được chủ quyền lãnh thổ.
P.VŨ ghi
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/612052/viet-nam-phai-gap-rut-chuan-bi-cho-tinh-huong-xau-nhat.html

9 tháng 6, 2014

EVN - Tất cả đúng qui trình nhưng vẫn xảy ra sự cố

Biến áp 500KV:Đấu thầu minh bạch nhưng sự cố vẫn xảy ra!
(Doanh nghiệp) - Công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện đã được tổ chức tiến hành theo đúng quy định, không có hiện tượng bất thường nào xảy ra. 
Trước một số sự cố của máy biến áp 500Kv Hiệp Hòa đặt lên câu hỏi về chất lượng, cách vận hành, thậm chí “đầu vào công nghệ” của hệ thống này, đại diện EVN lý giải như vậy.
Cụ thể chỉ cách nhau 1 tuần có tới 2 lần máy biến áp 500kV-900MVA AT1 trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa gặp sự cố.
Cụ thể, ngày 14/05/2014, máy biến áp 500kV-900MVA AT1 trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa bị sự cố pha A phải tách ra khỏi vận hành, máy biến áp AT2- 900MVA thứ 2 vận hành bình thường cung cấp điện cho phụ tải.
Đến ngày 21/05/2014, máy biến áp AT2 trạm biến áp Hiệp Hòa lại bị sự cố pha B phải tách ra khỏi vận hành.
Còn rất nhiều câu hỏi về chất lượng dành cho công nghệ sử dụng trong ngành điện
Còn rất nhiều câu hỏi về chất lượng dành cho công nghệ sử dụng trong ngành điện
Sự cố liên tiếp xảy ra khiến nhiều câu hỏi đặt vấn đề về chất lượng thiết bị. Tuy nhiên chia sẻ trên TTXVN, đại diện EVN, dự án đầu tư xây dựng công trình trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa được đấu thầu và nhà thầu xây lắp được thực hiện lắp đặt theo đúng sự giám sát và hướng dẫn của các chuyên gia.
Riêng các hạng mục đấu nối các đầu cuộn dây lên sứ máy biến áp do các chuyên gia trực tiếp thực hiện.
Đại diện EVN khẳng định công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện đã được tổ chức tiến hành theo đúng quy định, không có hiện tượng bất thường nào xảy ra. Quá trình vận hành cho đến trước thời điểm xảy ra sự cố đã được thực hiện quản lý theo đúng quy trình, quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất.
“Chúng tôi đã có kế hoạch vận hành, dự phòng hệ thống điện với hiệu quả cao nhất, khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện khí đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, không để các sự cố ngoài ý muốn, cũng như không có chuyện lựa chọn công nghệ không đủ quy chuẩn, tất cả đều qua đấu thầu minh bạch và đối tác kinh doanh tin cậy,” đại diện EVN khẳng định.
Thế nhưng trước đó theo nguồn tin Pháp luật Việt Nam cho hay, cả hai máy biến áp AT1 và AT2 của trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng bị xì dầu ra ngoài, hư hỏng nặng, buộc phải tách ra khỏi hệ thống, khiến ngành điện phải cắt đột hơn 1.000 MW. Đặc biệt, cả hai máy biến áp này đều là hàng Trung Quốc và sự cố xẩy ra ngay khi vừa hết hạn bảo hành.
Nhìn lại hàng chục công trình công nghiệp thực hiện gần đây, từ thủy điện đến nhiệt điện chạy than, nhiệt điện đốt khí, xi măng, các dự án chế biến oxýt nhôm từ bô xít, các dự án nhà máy hóa chất và lọc dầu…, quy mô đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD nhưng hầu hết đều do nước ngoài làm tổng thầu EPC, số doanh nghiệp nội được tin tưởng lựa chọn chỉ chiếm phần rất nhỏ.
Riêng đối với các nhà thầu EPC của Trung Quốc thì gần như Việt Nam nhập khẩu 100%. Tất cả công việc đều do người Trung Quốc đảm nhận, từ những việc lao động phổ thông nhất như nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ... đến kỹ sư, công nhân xây dựng và lắp máy. Kể cả những vật tư, vật liệu có sẵn tại thị trường họ cũng nhập khẩu về từ bên kia biên giới.
Phương Nguyên
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bien-ap-500kvdau-thau-minh-bach-nhung-su-co-van-xay-ra-3041300/

Thế này bảo sao ngân khố rỗng tuếch, nợ công càng ngày càng cao.

“Bộ máy hành chính giờ kinh khủng thế!”

Hiến pháp mới tạo cơ sở để sắp xếp lại nền quản trị quốc gia, trong đó, Quốc hội có quyền thiết kế lại cấu trúc quyền từ trung ương đến địa phương. Liệu những gợi ý đó có được hiện thức hóa để giúp sắp xếp lại bộ máy nhà nước đã phình to quá mức.
Gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đến thăm một trường cấp ba ở tỉnh. Gặp bốn nhân viên bảo vệ và bốn người lao công đang làm nhiệm vụ ngoài cổng trường, ông Chính hỏi: “Mười năm nay, các bác có bắt được kẻ trộm nào không”. Họ đồng thanh đáp: “Không ạ, ở đây an toàn lắm”.
Nghe vậy, ông băn khoăn, tình hình tốt thế thì cần gì đến ngần ấy người. Sự băn khoăn đó trở thành câu hỏi lớn ngay sau đó. Gặp người thủ thư trong thư viện của trường được xây rất khang trang nhưng không có sách, ông Chính hỏi: “Ông làm công việc gì?”. Đáp: “Tôi nhận báo và đưa lên cho hiệu trưởng”. Ngay sau đó, bí thư tỉnh ủy gặp phụ trách văn thư, lại hỏi: “Ông làm gì?”. Được đáp: “Tôi chuyển báo lên thư viện”. Vào phòng y tế học đường, bí thư tỉnh giở sổ theo dõi thì thấy chỉ có hai học sinh khám nhức đầu trong cả năm học. Ông thốt: “Bộ máy hành chính giờ kinh khủng thế!”.
 nhà-nước, quan-chức
Câu chuyện này có thể được nối tiếp, khi các đồng nghiệp của chúng tôi gần đây cho biết, UBND phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, có 475 cán bộ; UBND thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều có tới 639 công bộc hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Bí thư tỉnh ủy cho biết thêm, chỉ một xã đảo có gần 200 hộ mà có hơn 100 cán bộ ăn lương và phụ cấp. Ông cho biết, cả tỉnh bình quân 8,5 người có một người ăn lương ngân sách. Trong tổng số ngân sách chi tiêu của tỉnh khoảng 10.000 tỉ đồng/năm, có tới 60% chi thường xuyên. Ông than: “Phần lớn ngân sách đã chi vào bộ máy hành chính hết, vậy còn đâu mà chi cho phát triển, làm sao mà dân chịu được”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, chỉ một xã đảo có gần 200 hộ mà có hơn 100 cán bộ ăn lương và phụ cấp. Cả tỉnh bình quân 8,5 người có một người ăn lương ngân sách.
Câu chuyện ở Quảng Ninh đáng báo động, cho dù đội ngũ lãnh đạo ở địa phương luôn được biết đến trên toàn quốc về những nỗ lực không mệt mỏi nhằm cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm nay cả nước có tổng số 281.714 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã). Con số này không tăng so với năm 2013.
Một báo cáo của Bộ Nội vụ gần đây cho biết, cả nước có khoảng 130.000 thôn với tổng số cán bộ thôn (bao gồm trưởng thôn, bí thư, và công an viên) là hơn 570.000 người. Bên cạnh đó, cũng ở cấp thôn, có tới 900.000 cán bộ không chuyên trách từ các tổ chức chính trị, xã hội, an ninh được hưởng lương bằng nguồn đóng góp của dân. Bộ này cho biết thêm, tổng số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trên toàn quốc khoảng 2,5 triệu người.
Bộ Nội vụ hiếm khi đưa ra tổng số người ăn lương trong cả nước. Song, một báo cáo của Bộ Tài chính cách đây gần một năm nhân dịp tăng lương theo quy định đã tiết lộ vào thời điểm đó, có tổng cộng 8 triệu người là cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Có nghĩa là cứ hơn 11 người dân, thì có 1 người hưởng lương ngân sách.
Theo Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, mô hình tổ chức nhà nước của Việt Nam hiện nay giống như mô hình búp bê Matrioska của Nga, có nghĩa bên trên có ban bệ gì thì dưới có y nguyên như vậy. Đô thị cũng như nông thôn, phường cũng như xã đều có mô hình giống nhau cả. Ông Nghĩa nói: “Nước ta tư duy có phần kỳ dị; kể từ phó thủ tướng trở xuống, cấp phó quá nhiều, thậm chí nhất thế giới. Lý do chủ yếu là mình không giao quyền cho tầng lớp cấp trung mà dồn hết cả lên cho thủ trưởng”. Ông nói tiếp: “Số lượng thứ trưởng mỗi bộ có thể giảm từ 6 người xuống 1-2 người, nếu các cục trưởng và vụ trưởng được trao quyền và chịu trách nhiệm cá nhân ngày càng rõ hơn”.
Ông Nghĩa phân tích, tựa như doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng, chính quyền cung cấp các dịch vụ công cho nhân dân. Trị an, hộ tịch, kinh doanh, cấp phép xây dựng, cho tới đăng ký tài sản, phần lớn dịch vụ công thiết yếu được cung cấp cho người dân bởi 12.000 cơ quan hành chính cấp phường xã và 700 cơ quan hành chính cấp quận huyện. Rất hiếm khi người dân mới cần tới dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh thành, khách hàng của nền hành chính cấp tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp. Chính quyền trung ương, nếu có duy trì một số dịch vụ công được tổ chức theo ngành dọc như thuế, hải quan, cũng tổ chức hệ thống từ tổng cục tới chi cục như các đại lý bố trí đều khắp ở các khu vực và địa phương.
Theo Hiến pháp mới, ông Nghĩa tiếp tục phân tích, quyền hành pháp được trao cho Chính phủ, sử dụng quyền ấy, Chính phủ có cơ hội để phân nhiệm rõ ràng thành hai bộ phận hành pháp chính trị và hành chính công vụ với sứ mệnh và chức năng rành mạch. Hành pháp chính trị được thực hiện bởi những chính khách, có chức năng thảo luận và lựa chọn chính sách để quản trị quốc gia. Ngược lại, phân tách dần với chính khách, công chức là những người chuyên nghiệp đảm nhận việc thực thi công vụ.
Nếu tạo ra được sự phân công rành mạch ấy, chẳng những chất lượng chính sách sẽ được cải thiện và hy vọng tính chuyên nghiệp của bộ máy công vụ cũng được nâng cao. Ông Nghĩa cho rằng, bản Hiến pháp mới sẽ tạo cơ sở để sắp xếp lại nền quản trị quốc gia, trong đó, Quốc hội có quyền thiết kế lại cấu trúc quyền từ trung ương đến địa phương.
Việc 100.000 cán bộ sẽ được tinh giản theo đề xuất của Bộ Nội vụ đang gặp phải những phản ứng trái chiều. Liệu Quảng Ninh có tinh giản được đội ngũ, như bí thư tỉnh ủy mong muốn? Tất cả vẫn chỉ là câu hỏi.
(Theo TBKTSG)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/179904/-bo-may-hanh-chinh-gio-kinh-khung-the--.html

Sông Tranh 2 lại nổ lớn và rung lắc dữ dội !

Khu vực Sông Tranh 2 nổ lớn và rung lắc dữ dội

08/06/2014 16:26 (GMT + 7)
TTO - Hồi 14g39 chiều nay 8-6, một trận động đất đã làm rung chuyển một khu vực rộng lớn xung quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).
Phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trong đợt khảo sát công trình thủy điện Sông Tranh 2 ngày 8-1-2013 - Ảnh: TẤN VŨ

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, trưởng phòng nông nghiệp huyện Bắc Trà My, cho biết ông cùng các chuyên viên của phòng và lãnh đạo UBND huyện đã có mặt ngay tại đập hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 để kiểm tra tình hình.
Trong khi đó nhiều người dân tại thị trấn Bắc Trà My cho hay một tiếng nổ lớn kèm theo rung lắc dữ dội đã làm rung chuyển cả thị trấn này. Nhiều người dân đã đổ ra đường và chạy ra khỏi nhà để tránh rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ngư dân ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, cho hay nhiều lần chứng kiến động đất nhưng chưa bao giờ ông có cảm giác rung lắc mạnh như lần này. Không những nhà dân, chiếc thuyền đánh cá của ông cũng bị rung lắc dữ dội khi trận động đất vừa xảy ra. “Có lẽ đây là trận động đất mạnh nhất mà tôi ở đây chứng kiến được” - ông Thanh nói.
Ông Vũ Đức Toàn, giám đốc công ty cổ phần thủy điện Sông Tranh 2, cho biết ông đang gửi dữ liệu thu thập được từ các máy đo rung chấn đặt tại hiện trường thủy điện Sông Tranh 2 ra Viện vật lý địa cầu để các chuyên gia phân tích và đánh giá cường độ. Ông Toàn cũng cho hay lượng nước về hồ hiện nay khoảng 20 m3/ giây và mực nước trong lòng hồ ở cao trình 151 mét. Thấp hơn mực nước chết gần 10 mét.
Được biết đây là trận động đất mạnh nhất kể từ đầu năm 2014. Trước đó, hàng trăm trận động đất lớn nhỏ kéo dài từ năm 2011 đến nay làm người dân quanh lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 rất lo lắng. Trận động đất lớn nhất ghi nhận được là 3,7 độ richter xảy ra năm 2012. Quân khu 5 và chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đã tiến hành diễn tập quy mô lớn để ứng phó với sự cố động đất dự lường rằng có nhiều thương vong xảy ra tại nơi này.
TẤN VŨ
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/611798/khu-vuc-song-tranh-2-no-lon-va-rung-lac-du-doi.html