Chiều 12/4, 5 nhà sư tự nguyện tiếp quản các chùa ở Trường Sa đã lên đường đến quần đảo này. Hòa thượng Thích Giác Nghĩa sẽ đi chuyến sau. > Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa Dự kiến, Đại đức Thích Thánh Thành cùng Thượng tọa Thích Tâm Hiện (hiện tu tại chùa Tân Long, Diên Khánh, Khánh Hòa) tiếp quản chùa ở đảo Song Tử Tây. Đại đức Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Vạn Đức và chùa Phước Trí (Vĩnh Phương, TP Nha Trang) cùng Đại đức Thích Ngộ Thành tiếp quản chùa ở đảo Trường Sa Lớn. Đại đức Thích Đạo Biện, trụ trì chùa Long Thọ và Đại đức Thích Đức Hỷ trụ trì chùa Hưng Long (thị xã Ninh Hòa) tiếp quản chùa ở đảo Sinh Tồn.
Trong đợt phát động tăng sĩ tình nguyện tu hành tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa vừa qua, đã có 12 tăng sĩ đăng ký đi Trường Sa, 6 người được chọn. Lần này đoàn ra thăm Trường Sa ngoài 5 tăng sĩ còn có 69 người nữa. Ngoài đại diện các sở, ban, ngành, Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng còn có các nhà khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát thực hiện và mở rộng các đề tài khoa học tại Trường Sa. Các đề tài nghiên cứu gồm: trồng thử nghiệm các giống rau xanh, cây ăn trái chịu mặn trồng được trên đảo; phát triển nuôi trồng hải sản; nghiên cứu triển khai thử nghiệm một số công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải trên đảo; Nghiên cứu các biện pháp chống rong rêu trên các thiết bị vật dụng trên đảo; Nghiên cứu một số vấn đề văn hóa, xã hội… Hưởng ứng cuộc vận động cả nước tham gia ủng hộ "Quỹ vì Trường Sa thân yêu", tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động như tổ chức biểu diễn nghệ thuật kêu gọi sự vận động đóng góp quỹ; vận động sâu rộng trong hệ thống giáo dục, các cơ quan đoàn thể và doanh nghiệp… Hàng nghìn sinh viên học sinh cũng tham gia các hoạt động vì Trường Sa. Net. |

Hoàn cầu thời báo kêu gọi tàu hải giám hộ tống ngư dân đánh bắt trong những vùng biển tranh chấp
Nhật báo tiếng Anh China Daily của Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo Philippines và Việt Nam ‘đừng đùa với lửa’ ở Biển Đông trong một bài xã luận hôm thứ Năm ngày 12/4.
Cùng lúc, tờ Hoàn cầu thời báo cũng đăng bài xã luận nói về tranh chấp Biển Đông.
“Những động thái mới nhất của hai nước láng giềng của Trung Quốc đã vượt quá sự tha thứ. Những động thái này thách thức trắng trợn sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc,” bài xã luận của China Daily viết.
‘Kiềm chế tối đa’
Bài này cáo buộc Việt Nam và Philippines đang tạo ra những tranh cãi mới ở Biển Đông và Trung Quốc nên có thêm các biện pháp bảo vệ lãnh hải.
Đề cập đến cuộc đối đầu với hải quân Philippines hiện đang diễn ra ở bãi cạn Scarborough, China Daily mô tả tàu hải quân Philippines đã ‘quấy rối’ ngư dân Trung Quốc đang thả neo ở một đầm phá ‘gần đảo Hoàng Nham’.
Việt Nam cũng bị China Daily phê phán với việc ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ ở Biển Đông với công ty Nga – một hành động mà báo này cho rằng ‘đang lôi kéo một cường quốc như Nga vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh’.
"Sự kiềm chế của Trung Quốc không nên bị hiểu lầm. Chúng tôi không thiếu phương tiện và lực lượng để hành động mạnh bạo hơn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ."
China Daily
“Manila và Hà Nội phải dừng ngay việc tranh giành các lợi ích mà họ không có quyền,” bài xã luận cảnh báo, “Các nước này nên nhớ rằng đi vào vùng biển sóng gió là điều mạo hiểm.”
China Daily cáo buộc rằng kể từ cuối những năm 1970 khi mà Biển Đông được phát hiện có trữ lượng dầu mỏ và khí thiên nhiên dồi dào thì hai quốc gia này đã ‘cạnh tranh với nhau để chiếm đoạt những hòn đảo và đảo san hô 'của Trung Quốc' để khai thác phi pháp các tài nguyên’.
Tuy nhiên, tờ báo này cho biết Trung Quốc rất coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện với các nước trong khu vực và rằng nước này luôn cố gắng kiềm chế tối đa vì họ mong muốn môi trường xung quanh ổn định.
“Tuy nhiên sự kiềm chế của Trung Quốc không nên bị hiểu lầm. Chúng tôi không thiếu phương tiện và lực lượng để hành động mạnh bạo hơn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ,” bài xã luận đe dọa.
Hộ tống tàu cá
Cùng lúc, tờ Hoàn cầu thời báo cũng đăng bài xã luận dưới tiêu đề ‘Các lý tưởng hòa bình bị đặt dưới họng súng ở Biển Đông’ hôm thứ Năm 12/4.

Trung Quốc nói họ sẵn sàng đáp trả tương xứng nếu bị khiêu khích
Bài xã luận này cũng có cùng giọng điệu với China Daily, tức là Trung Quốc luôn duy trì sự kiềm chế ở Biển Đông nhưng đe dọa sẽ đáp trả nếu các nước khác khiêu khích.
“Nếu tàu hay tàu cá Trung Quốc bị tấn công bởi các tàu hải quân của Philippines hay Việt Nam thì điều này sẽ báo hiệu leo thang tranh chấp,” bài xã luận viết, “Hải quân Trung Quốc sẽ có đáp trả.”
“Nếu một cuộc xung đột quân sự xảy ra ở Nam Hải, Trung Quốc sẽ không bắn phát súng đầu tiên nhưng sẽ đáp trả tương xứng.”
Hoàn cầu thời báo trấn an Trung Quốc sẽ không giải quyết các tranh chấp thông qua các phương tiện quân sự.
“Chúng tôi có kiên nhẫn để cùng tìm kiếm giải pháp với các quốc gia có liên quan thông qua thương lượng. Chúng tôi vẫn kiềm chế trong việc bảo vệ các lợi ích của mình,” bài xã luận viết.
Hoàn cầu thời báo cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn đối với cuộc đối đầu hiện nay với Hải quân Philippines.
“Cuộc đối đầu này xảy ra trong ngư trường quen thuộc của Trung Quốc. Philippines chưa bao giờ thật sự kiểm soát đảo Hoàng Nham,” tờ báo cho biết và nói thêm rằng phản ứng của Trung Quốc là theo trình tự thông thường khi tài sản của họ bị Hải quân Philippines đe dọa.
Bài xã luận đánh giá Trung Quốc có bước tiến trong việc thực thi chủ quyền ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa) khi các tàu hải giám của nước này đã thật sự bảo vệ được các tàu cá của họ mà không cần dùng đến lực lượng hải quân.
"Trung Quốc sẽ đáp trả quả quyết để bảo vệ lợi ích của mình. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ vô nguyên tắc đối với sự liều lĩnh của các nước láng giềng."
Hoàn cầu thời báo
Cách phản ứng này của Trung Quốc sẽ khiến cho các bên có tranh chấp phải thay đổi suy nghĩ về thái độ của nước này, Hoàn cầu thời báo nhận định.
“Trung Quốc sẽ đáp trả quả quyết để bảo vệ lợi ích của mình,” bài báo viết, “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ vô nguyên tắc đối với sự liều lĩnh của các nước láng giềng.”
“Tranh chấp và quấy rối sẽ không làm chùn bước các ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở ngư trường truyền thống của mình,” bài xã luận khẳng định.
Tờ báo này cũng kêu gọi các tàu hải giám Trung Quốc hộ tống chặt chẽ các tàu đánh cá của họ và trợ giúp các tàu đánh cá này trong các trường hợp chạm trán như hiện nay vì ‘những tàu cá không được bảo vệ thường bị các quốc gia láng giềng bắt giữ’.
Hôm 11/4, tờ China Daily đã có bài nói Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ quốc gia nào muốn khai thác nguồn lợi dầu khí "trong các vùng biển của Trung Quốc mà không xin phép".
Đến nay, truyền thông nhà nước Việt Nam vẫn im lặng và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có thêm phản ứng gì về những chỉ trích mới nhất của báo chí Trung Quốc.
BBC Tieng Viet