20 tháng 1, 2012

Xe tù Nam định, tử hình khách ngay trên xe !

   Không có Tết năm nào báo chí không nói đến nạn xe dù, nhồi khách đi lại. Các chiến dịch ra quân của đủ các lực lượng được chuẩn bị từ đầu quí 4, thanh tra, kiểm tra, đứng trực trên đường...thế nhưng vấn nạn này cuối cùng vẫn diễn ra ngày càng kinh khiếp hơn.
 Chi phí đầu vào gia tăng : xăng tăng giá, thuế má, luật lệ tăng, đủ thứ đổ vào đầu nhà xe nên hầu hết các đơn vị vận tải tư nhân đều tranh thủ bằng mọi cách để vớt khách, nhồi khách, làm luật thế nào đấy để tranh thủ kiếm ăn vào mỗi dịp Tết.
    Nếu chỉ thử leo lên một xe khách tư nhân đi từ bến xe Giáp bát ra đến đầu đường cao tốc thôi là đủ biết các nhà xe họ nhồi khách ra sao. Hiếm có xe nào mới kín nửa số ghế trên xe mà đã chạy, không bao giờ - nhất là dịp Tết này. Ra đến đầu đường cao tốc Pháp vân Cầu giẽ là đa số đã chật cứng khách rồi.
   Nếu hỏi rằng có các lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông bên đường hay không thì chắc không cần trả lời. Dịp tết bao giờ chả được quán triệt tăng cường, kiên quyết triệt để, nghiêm túc thực hiện...tuy nhiên xe nhồi khách thì vẫn nhồi khách, có thể các nhà xe đối phó bằng cách :cho dán hết kính bằng băng dính màu đen ?
  Đỉnh điểm của sự dã man và nhẫn tâm dẫn đến cái chết của một em học sinh quê Nam định ngày hôm nay  đã khiến dân chúng kinh hoàng. Xe tư nhân Nam định chỉ có 24 chỗ nhưng nhét đến gần 70 khách, đi từ Giáp bát về Nam định ! đến địa phận Thanh Liêm thì em học sinh bị chen lấn đến ngạt rồi ...chết !. Nhà xe đã cho dẹp vào lề, vứt em qua cửa sổ rồi đuổi nốt Cha của em xuống rồi ...bỏ chạy !
  Khó có thể tưởng tượng được là một ngày cuối năm như hôm nay mà cảnh sát giao thông từ Giáp bát đến Nam định đều không nhìn thấy cái xe tù này, hay nhà xe đi vào giờ ăn trưa và bịt kín bằng băng dính đen ? có thể.
 Dân chúng xứ ta cũng quá dũng cảm và nhiều sức chịu đựng, chỉ vì cần đi về nhà sớm vài tiếng là có thể coi thường ngay cả tính mạng của mình, tiền vé thì vẫn mất như thế, con cái thì giờ chỉ đẻ có mỗi nhà 1 đến 2 đứa, đều  quý hơn  vàng ngọc cả thế nhưng vẫn liều và can đảm lên xe tù.
 Ở một xứ sở mà quãng đường chỉ vài chục kilomet mà có thể khiến người ta chết được vì chen nhau trên cái xe buýt 24 chỗ ngồi thì chắc chắn Thế giới không đủ trí tuệ để hiểu nổi, kinh thật ! Thế mới hiểu được rằng : mỗi năm có đến cả chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông thì trong đó có cả nguyên nhân từ chen lấn..thiếu khí dẫn đến thiếu máu lên não mà chết anh Thăng ạ.

Quảng cáo : Cần thanh lý rượu ngoại.

 Tết đã về !
 Muốn biết bà con ăn Tết ra sao xin cứ ra cửa siêu thị ngó, biết liền. Mấy ông bạn học đầu tư vào cái MediaMart chuyên đồ điện máy kêu như cháy đồi, cứ ông ơi sắp đi rồi, sắp toi rồi ! toi là toi thế nào ? thuyền to thì sóng lớn, thế thôi. Các ông bán cho tôi cái ti vi mấy năm trước bằng cả gần chục tấn thóc, giờ có tấn thóc mua hai cái, tổng kết các ông vẫn đi xe hơi, tôi vẫn đi uây tàu - kêu cái gì ?
   Năm nay ngành của mình chết như rạ, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, sản xuất đều khóc rinh rích, gặp nhau tất niên cuối năm cứ bảo nhau : giờ này còn ngồi nhậu, còn bật điện thoại là được rồi. Mấy thằng hoành tá tràng năm ngoái giờ vào B14 "nghỉ dưỡng " cả, dân chơi, công nhân  đến xếp hàng ở nhà chờ cả ngày chờ ...tiền.
  Mình may quá còn có Quê, có Ông Bà nội lo cả, Tết đối với nhà quê đơn giản như đan rổ : gà có sẵn hơn chục con, thóc nếp thóc tẻ có cả, mang ra xay xát, nào nấu rượu lậu, nào làm bánh chưng, nấu chè cũng bằng đỗ xanh địa phương, chỉ phụ thuộc mỗi thiên hạ tí đường hay tí muối. Vườn cây có đủ năm sáu buồng cau, trầu không, rau xanh các loại, bưởi diễn cũng có dăm chục quả - vậy là ổn rồi. Phụ thuộc thị trường vài gói kẹo cho trẻ, hạt nho, hạt dưa, vài gói mứt, trà để đi lễ Tết  Tổ tiên.
   Chỉ tiếc mỗi cái nỗi rượu đã cai thì bà con lại mang đến cho nhiều nên phải rao thanh lý. Toàn anh em làm ăn lâu với nhau, cứ nghĩ mình vẫn uống rượu nên mang cho : hai chai Chivat 12, hai chai Black, hai chai Gold, một chai hồ cẩm đào, mấy chai gì gồ gề mà chả biết tên, hai bịch vang 5 lít và mấy chai vang thì tốt rồi, dùng ngay. Rượu nhà thì có sẵn đến cả chục lít ngâm sẵn táo mèo, Minh mạng ...loại nút lá chuối chính hiệu từ quê mang ra để ngâm. Bạn bè ai đến thích thì uống chứ đen đỏ hay vát viếc kia mình cho là đồ đểu tất. Ấy thế nhưng vào siêu thị thấy dán giá đến bảy tám trăm ngàn gì đấy mỗi chai, đúng là dân mình - đồ đã nghèo còn đeo thêm bệnh điên !
   Thanh lý ! bà con nào có mối chợ bán rượu thì liên hệ với mình, thanh lý giá rẻ hoặc đổi lấy rượu vang. Thời hạn giá trị của thông báo thanh lý : hết mùng 4 Tết, nếu không ai liên hệ thì ...uống. Tết đến rồi, mời bà con và anh em đến nhà mình uống rượu Quê rồi chém gió chém bão nhé ! Bố con mình rất hân hạnh được tiếp rượu bà con tại nhà.

Cuối năm đi thăm Người già.

 Ngày làm việc cuối cùng của năm đã xong, anh chị em chúng tôi rủ nhau đến thăm Người già.
Thấy có anh em vác máy ảnh, cháu gái của Cụ cứ nghĩ là dân báo.


  Anh chị em chúc Tết Cụ xong, được nghe Cụ nói chuyện về tình hình ngoại giao của ta đối với láng giềng, chuyện dân Tàu sang ta mua đất trong Đà nẵng, kéo sang Tây nguyên làm ăn, buôn bán và sinh sống la liệt khắp các tỉnh thành của ta, rồi các khó khăn về kinh tế, thay đổi về chính trị, tình hình an ninh trật tự trong nước... Cụ bảo : chuyện xảy ra  ở Tiên Lãng Hải phòng, nổ mìn ở nhà Giám đốc công an Thái nguyên, ném lựu đạn vào công an ở Quảng ninh mới rồi...đều được Cụ quan tâm theo dõi qua báo in, báo mạng. Các cháu cứ tròn xoe mắt bởi một Cụ già 96 tuổi mà vẫn theo dõi, cập nhật thông tin như thế quả là đặc biệt. Đặc biệt bởi ngay giữa Thủ đô thôi, nhiều trung niên hay thậm chí thanh niên cũng còn không nắm bắt, cập nhật được thông tin như Cụ.
 Thêm một điều khiến anh chị em ngạc nhiên không kém : Cụ tự phục vụ mình trong dịp Tết bởi bác giúp việc đã về quê. Cụ bảo mình sống gian khổ từ bé, có việc gì mà không biết làm, nhất là mấy việc cá nhân đơn giản như nấu nướng, tự chăm sóc bản thân, ăn uống và nghỉ ngơi đúng mực, đúng giờ. Có thể chất lính đã ngấm sâu vào Cụ, anh chị em bảo nhau vậy.


 Chỉ có Phương Bích là lãi nhất : Cụ biết chị từng tham gia biểu tình phản đối Tàu gây hấn hồi mùa hè năm nay, bị bắt và giữ trong Hỏa lò năm ngày, cũng phần vì bác ruột của chị từng làm Bí thư Thái Bình từ trước những năm 50, cùng thời với Cụ. Cụ ký và tặng Phương Bích cuốn hồi ức của Cụ, động viên các anh chị em học tập, làm việc giữa thời điểm Đất nước có nhiều khó khăn về kinh tế, nhiều biến cố về văn hóa, chính trị, xã hội. Cụ hỏi : trước Tết các anh chị em đã lên thăm Bùi Hằng chưa ? tất cả thưa là con trai chị ấy và bạn bè, các anh chị em vừa mới lên thăm và tiếp tế cách đây vài hôm, sau Tết lại lên thăm nữa, Cụ gật đầu chia xẻ.
 Các anh chị em chúc Tết Cụ xong, được nghe nói chuyện cũng đã dài nên xin phép ra về. Cụ tiễn anh chị em ra tận cổng và không đóng cổng ngay, Cụ bảo có đoàn của thứ trưởng ngoại giao đang đến chúc Tết Cụ.
 Một ngày cuối năm, chúng ta nên thăm Người già cũng để yêu quý tương lai của mình.

17 tháng 1, 2012

Bắt quả tang thư ký Tòa án TP Biên Hòa nhận hối lộ

 
Phapluattp.vn - Viên thư ký tòa án nói nếu gia đình bị cáo lo 20 triệu đồng, bị cáo sẽ được xử nhẹ.

Vào lúc 16 giờ 30 ngày 16-1, tại quán cà phê Q-Treo (phường Thống Nhất, TP Biên Hòa), Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa đã bắt quả tang ông Từ Ngọc Cương - thư ký của TAND TP Biên Hòa về hành vi nhận hối lộ.
Theo bà Phạm Thị Dịu, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa, sự việc bắt đầu từ ngày 11-1, khi bà đến TAND TP Biên Hòa để làm thủ tục hòa giải và đóng tiền bồi thường cho anh Trần Hữu Thảo - người bị em trai bà là Phạm Văn Duy gây thương tích. Sau khi hoàn tất thủ tục nộp tiền bồi thường, nhận giấy bãi nại và ra về thì ông Cương gọi bà Dịu ở lại và nói rằng vụ án này luật sư không giải quyết được gì mà quyền quyết định hoàn toàn ở thẩm phán xét xử. Ông Cương nói với bà Dịu là muốn em trai của bà được hưởng những tình tiết giảm nhẹ tại phiên xét xử sắp tới thì phải gửi phong bì cho thẩm phán.
Ngày 13-1, bà Dịu liên hệ qua điện thoại với ông Cương, ông cho biết nếu muốn lo thì phải lo trước khi tòa xử (ngày 17-1, tòa án sẽ xử vụ án gây thương tích do em trai bà Dịu gây ra). Tuy nhiên, khi bà Dịu hẹn gặp ngay thì ông từ chối vì phải về Sài Gòn và hẹn lại bà Dịu vào lúc 11 giờ thứ Hai (16-1) đến phòng làm việc của ông ta đưa tiền để ông gửi cho thẩm phán.
Ông Cương bị bắt quả tang đang nhận tiền tại quán cà phê. (Ảnh chụp lại từ video của PV) Ảnh: DUY ĐÔNG
Số tiền tang vật. Ảnh: DUY ĐÔNG
Đến 11 giờ 30 ngày 16-1, bà Dịu đến phòng số 3, tầng 3 gặp ông Cương, tại đây khi bà Dịu đưa 3 triệu đồng để ông Cương lo giúp nhưng ông Cương chê ít và cho rằng công của ông giúp bà Dịu và anh Thảo hòa giải rất lớn vì ông Cương cho biết ông ta có mối quan hệ với phía anh Thảo. Khi bà Dịu hỏi đưa bao nhiêu cho thẩm phán thì hợp lý, ông Cương nói rằng chuyện đó là tùy gia đình nhưng phải đưa sao cho xứng với mức án 8-12 năm. Vì vậy, bà Dịu nói 3 triệu đồng này bồi dưỡng công của ông Cương hòa giải giúp với gia đình người bị hại nên ông Cương đã lấy trong hộc tủ một cái phong bì khác đưa cho bà Dịu và bảo bỏ tiền vào đây cho đàng hoàng. Còn tiền của thẩm phán thì để về vay và đưa sau. Lập tức, ông Cương hẹn bà Dịu 15 giờ quay lại phòng làm việc của ông ta để đưa tiền.
Bà Dịu đã chủ động tố giác sự việc trên với PV báo Pháp Luật TP.HCMvà PV của báo đã liên hệ với Công an TP Biên Hòa. Nhận được tin báo, lãnh đạo Công an TP Biên Hòa đã chỉ đạo Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội tiếp nhận và theo dõi vụ việc.
Đến 16 giờ 30, bà Dịu điện thoại hẹn ông Cương đến quán cà phê Q-Treo nhận tiền. Khi ông Cương bỏ số tiền 15 triệu đồng vào túi quần trái thì bị trinh sát hình sự bắt quả tang đưa về Công an phường Thống Nhất làm việc.
Cơ quan CSĐT đang tạm giữ hình sự ông Cương và tang vật để điều tra làm rõ.
Cuộc gọi thứ nhất, ngày 13-1
Dịu: Em Dịu, chị của Duy đây, anh Cương ơi, hôm bữa anh nói với em việc đưa phong bì cho thẩm phán để giúp Duy có tình tiết giảm nhẹ, vậy bây giờ nhờ anh đưa tiền cho chú thẩm phán bao nhiêu thì đủ anh?
Ông Cương: Cái đó tùy em, cái này không phải mua bán nên anh không nói được.
DịuVậy từ trước đến giờ những vụ tương tự như thế này thường khoảng bao nhiêu anh?
Ông Cương: Cái đó tùy gia đình, anh không nói được đâu. Cái này anh giúp được nên anh giúp em thôi.
Dịu: Anh ơi, thứ Hai này xử rồi, em đưa 20 triệu anh đưa cho chú thẩm phán giùm em nhé.
Ông Cương: Rồi, rồi.
Dịu: Hôm nay anh rảnh không anh?
Ông Cương: Trưa thứ Hai đi nha, em lên phòng anh.
Cuộc gọi thứ hai, ngày 16-1
Ông Cương: Alô, anh nghe.
Dịu: Bây giờ em cầm tiền ra cho anh 20 triệu, anh nói cho em biết để em nói cho gia đình là với 20 triệu này, anh có lo được cho em sáu năm không?
Ông Cương: Được.
DịuBây giờ em giao trước 15 triệu, mai xử xong em giao thêm được không anh?
Ông Cương: Em đừng lo lắng vậy, cái này không phải mua bán, nếu không được thì anh trả lại hết cho em.
DịuVậy bây giờ em đưa qua phòng anh nhé?
Ông Cương: Bây giờ đang giờ làm việc, em đến đâu gọi điện để anh ra lấy.
DUY ĐÔNG

16 tháng 1, 2012

Bộ Công an vào cuộc vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng


"Lãnh đạo Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đã chỉ đạo vụ cưỡng chế đất nên phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và trả lời cơ quan chức năng liên quan", Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh cho biết.
'Phá nhà ngoài khu cưỡng chế đất là sai luật'
'Tôi sẵn sàng đối chất về vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng'

Chiều 16/1, trao đổi với VnExpress.net, trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho hay, sắp tới lãnh đạo Bộ sẽ có cuộc họp để nghiên cứu vụ cưỡng chế và dùng súng chống trả lực lượng chức năng ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).
Trước câu hỏi trách nhiệm của huyện Tiên Lãng khi phá nhà dân nằm ngoài khu vực cưỡng chế, tướng Vĩnh cho biết, do chưa được Bộ Công an giao nghiên cứu hồ sơ vụ việc nên chưa thể trả lời, nhưng trước hết địa phương phải lên tiếng. "Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng chỉ đạo vụ này nên phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và phải trả lời cơ quan chức năng liên quan", ông Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vĩnh, trong tất cả các vụ liên quan đến đất đai đều phải nghiên cứu kỹ Luật đất đai 2003. "Phải vận dụng đầy đủ, chính xác pháp luật và mọi người đều bình đẳng nhưng cũng phải tôn trọng pháp luật", trung tướng Phan Văn Vĩnh nói.
Ảnh: NLĐ.
Cảnh sát trang bị vũ khí cưỡng chế ngôi nhà. Ảnh: NLĐ.
Trả lời báo Người Lao động, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp Quốc hội khẳng định, do nhận thức không đầy đủ về luật pháp hoặc nghĩ dân không nắm được luật nên chính quyền đã làm ẩu, thu hồi đất sai luật. Trong vụ phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng phải bồi thường và làm rõ trách nhiệm người ra quyết định.
"Ngôi nhà của người phạm pháp là tài sản của bản thân họ và người thân thì càng không thể san bằng và chẳng pháp luật nào cho phép làm việc này. Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng đang gây xôn xao dư luận, nếu Hải Phòng không có hướng xử lý thỏa đáng có thể bị khiếu kiện", ông Thảo cho biết.
Theo ông Thảo, việc huyện Tiên Lãng sử dụng lực lượng vũ trang trong quá trình cưỡng chế cần được xem xét để làm rõ tại sao lại có quyết định này bởi pháp luật không cho phép dễ dãi trong việc sử dụng lực lượng vũ trang khi cưỡng chế.
Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tiến Dũng

Máy phát điện chạy bằng ...nước lã ( có vài chất phụ khác nữa)

  LD - Nếu thế hệ máy phát điện này được đưa vào sản xuất, bán rộng rãi thì quả thật các nhà khoa học Việt nam đã đạt được những thành công đáng quý.
   Có điều là : thông tin chưa cho biết rằng : giá thành chi phí cho bình quân một KW điện từ máy phát này ở mức bao nhiêu tiền, so với máy phát chạy bằng xăng, dầu, phong điện, thủy điện, nguyên tử..., tuổi thọ bao nhiêu, chi phí bảo dưỡng, bảo trì, vận hành bao nhiêu, độ an toàn cho  con người và môi trường như thế nào, sử dụng  rộng rãi hay chỉ cho vài mục đích đặc thù ...? 
    Dù sao thì đó cũng là một bước tiến của các nhà khoa học nước nhà, sự thành công của các nhà khoa học có thể đột phá chỉ khi có cơ chế chính sách phù hợp, tôn trọng, tạo điêu kiện cho họ được nghiên cứu, phản biện, thực nghiệm, bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại tự do.

Máy phát điện chạy bằng... nước, chuyện lạ...
SGTT.VN - Máy phát điện của trung tâm Nghiên cứu và triển khai (thuộc khu Công nghệ cao TP.HCM) chạy bằng... nước, có sử dụng một loại phụ gia kèm theo. Chuyện lạ này không phải là trò ảo thuật mà là sáng chế khoa học đã được đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ dưới tên tác giả Nguyễn Chánh Khê, phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu và triển khai.
Một nhân viên của trung tâm lần lượt đổ nước máy vào ba chiếc bình bằng nhựa trong suốt. “Mỗi chiếc bình như một tổ máy phát điện”, nhân viên này giải thích. Còn một nhân viên khác đang khuấy đều phụ gia (một loại hoá chất không có mùi – PV) trong chiếc cốc đổ vào từng chiếc bình đựng nước. Hỗn hợp trong bình nước sôi sùng sục. Khoảng một phút sau, bật công tắc của thiết bị inverter (thiết bị chuyển đổi dòng điện), bóng đèn bật sáng, còn cánh quạt của chiếc quạt quay tròn…
TS Nguyễn Chánh Khê (phải) và cộng sự trình diễn máy phát điện bằng nước (có kèm chất phụ gia) tại trung tâm Nghiên cứu và triển khai (khu Công nghệ cao TP.HCM). Ảnh: Minh Phúc
Nhờ chất xúc tác theo công nghệ nano
Chất phụ gia làm sôi nước, theo TS Khê, là hoá chất ứng dụng công nghệ nano. Hoá chất này sẽ khử nước thành khí hydro, sau đó tham gia xúc tác, tách khí hydro thành điện tử và proton H+. Kết quả của quá trình này sẽ tác động đến thiết bị phát ra dòng điện một chiều (cũng do trung tâm thiết kế). Dòng điện một chiều từ thiết bị phát điện, qua thiết bị inverter, sẽ được đổi thành dòng điện xoay chiều. Không tiết lộ chi tiết về hoá chất đó như thế nào nhưng theo lời của TS Khê, để khởi động thiết bị điện có công suất 300W chạy trong vài tiếng đồng hồ chỉ tốn số tiền nhỏ, ước tính chưa tới 1.000 đồng!
Quan sát tại phòng thí nghiệm của trung tâm, cũng như các thiết bị phát điện khác như bình ắcquy, năng lượng mặt trời hoặc gió, quá trình phát sinh điện của thiết bị điện chạy bằng hỗn hợp nước không hề có tiếng động. Theo thuyết minh của TS Khê, quá trình phát điện từ nước và hoá chất xúc tác không gây độc hại cho môi trường. Còn hoá chất theo công nghệ nano, chỉ xúc tác với nước nên quá trình vận chuyển khá an toàn. Cũng theo lời của TS Khê, không chỉ nước sạch mà ngay cả nước biển, nước thải sinh hoạt… cũng có thể sử dụng để làm “nhiên liệu” cho thiết bị phát điện.
Tháng 6 tới sẽ bán hàng
TS Khê cho biết, đã có một công ty đầu tư vào việc thương mại thiết bị chạy bằng nước. Ông không tiết lộ danh tính cũng như giá trị chuyển nhượng sáng chế trên cho nhà sản xuất mà chỉ cho biết, hai bên (trung tâm và doanh nghiệp) đã đạt được những thoả thuận hợp tác như: thiết kế lại thiết bị phát điện theo xu hướng nhẹ hơn, xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị phát điện, đã xây dựng 512 đại lý phân phối thiết bị cũng như chất xúc tác. Với sản phẩm mẫu hiện có tại trung tâm, nếu loại có công suất 2.000W (đủ công suất cho các thiết bị điện cần thiết trong gia đình như: bóng đèn, nồi cơm điện, tivi, quạt máy, lò vi ba hoặc tủ lạnh…) sẽ có giá khoảng 32 triệu đồng. Còn loại có công suất 300W (sử dụng bóng đèn, quạt máy…) có giá ước chừng từ 6 – 8 triệu đồng. “Nếu không có gì trục trặc, theo thoả thuận hợp tác giữa hai bên, khoảng tháng 6 năm nay, những sản phẩm thương mại sẽ có mặt trên thị trường. Trước mắt, sẽ có hai dòng sản phẩm với hai mức công suất 2.000W và 300W. Sau này, tuỳ theo nhu cầu sẽ có những dòng sản phẩm với mức công suất khác nhau. Muốn tăng công suất phát cho thiết bị không khó, chỉ cần thêm bình nước, thiết bị phát và bình tích điện”, TS Khê nói.
Theo tính toán của nhóm sáng chế, thiết bị phát điện sẽ có “tuổi thọ” khoảng 5 – 6 năm, còn các thiết bị chứa nước và chất xúc tác sẽ có thời gian “bền vững” 3 – 4 năm. Với thiết bị phát điện, sau khoảng thời gian trên, nếu có trục trặc, chỉ cần vệ sinh và thay thế những chi tiết hư hỏng, sẽ tiếp tục sử dụng được.
TS Khê cho rằng, thiết bị phát điện bằng nước không chỉ phù hợp cho người dân ở vùng sâu vùng xa mà ngay cả cư dân đô thị, phòng khi hệ thống lưới điện bị cúp đột ngột. Cũng như nhiều sáng chế khác, sáng chế phát điện bằng nước tất nhiên sẽ còn nhiều “trục trặc” trong quá trình vận hành như lời xác nhận của TS Khê. “Tuy nhiên, về cơ bản, sáng chế này đã chứng minh rằng nước là “nhiên liệu” có thể sinh ra điện để phục vụ đời sống con người. Giải pháp này còn có thể khử “nước nhiên liệu” thành nước sinh hoạt”, TS Khê nói thêm.
GIA VINH

" Vụ Tiên lãng là một tổn thất chính trị lớn "

Tướng Thước: "Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn"

Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt.
Những ngày cuối năm Tân Mão, bên cạnh những lo toan bận rộn cho ngày Tết Nguyên đán sắp tới gần, dư luận cũng không quên dành sự chú ý cho hai vụ án đang gây xôn xao: xét xử sát thủ Lê Văn Luyện, và vụ việc chống người thi hành công vụ trong việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, cũng không ngoại lệ. Mang nặng những tâm tư, trăn trở lão tướng 86 tuổi chia sẻ suy nghĩ của ông về 'vụ án Đoàn Văn Vươn':
Theo tôi, sai lầm lớn nhất trong toàn bộ việc này là dư âm và hậu quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi Tiên Lãng, Hải Phòng; mà sẽ tác động đến tình hình chung của toàn đất nước.
Những việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền đã xảy ra từ cách đây 20 năm, từ những năm 1990 - 1992. Nhiều địa phương đã phải rút kinh nghiệm rồi, nhưng 20 năm sau một cấp ủy, chính quyền để xảy một sự việc như thế này là một vấn đề không thể chấp nhận được.
Sự việc đúng - sai sẽ còn phải thẩm tra nhiều trên cơ sở các văn bản luật, và Luật đất đai hiện nay vẫn còn nhiều nhược điểm; nhưng dù thế nào đi nữa thì việc để xảy ra sự việc vẫn không thể được. Chưa nói đến việc có thể có việc làm sai luật hay có những động cơ không trong sáng ở phía chính quyền địa phương đằng sau, thì cái sai càng đặc biệt nguy hiểm.
Tướng Nguyễn Quốc Thước
Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt. Tính chất chính trị của vụ việc sẽ có những tác động sâu xa đến chế độ này như thế nào?
Có thể nói, chủ trương của các cấp lãnh đạo trong hệ thống chính quyền địa phương trong vụ việc này đã không trên cơ sở vì lợi ích của quốc gia và nhân dân; đặc biệt là lợi ích quốc gia là trên hết.
Cho dù luật có thể có hạn chế, nhưng một cấp ủy vì dân sẽ biết cách hạn chế được những thiệt hại đó. Còn việc Luật hiện nay có phù hợp không thì ta phải chờ Quốc hội bàn bạc.
Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang: "Để thực hiện "canh bạc" với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang... Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công"
Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng "Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội"
Theo Vnexpress
Để xảy ra hậu quả này, không chỉ chính quyền Tiên Lãng, mà những lãnh đạo cấp trên như TP Hải Phòng, bộ ngành phải đều phải chịu trách nhiệm. Tôi rất ngạc nhiên một sự việc nghiêm trọng như vậy đã xảy ra mà đến giờ này các cấp lãnh đạo Hải Phòng vẫn chưa hề có tuyên bố gì chính thức, vẫn chỉ để ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng phát biểu.
Không lẽ Tỉnh ngồi đó, để mặc Huyện và Xã tự làm gì thì làm?
Dù sao vẫn còn may dân mình rất hiền lành, kiên nhẫn, và nghe theo lời của Đảng và Nhà nước. Cho nên có những việc người dân biết mình bị thiệt hại nhưng họ thấy thôi dân mất nhưng Nhà nước được thì cũng thế cả, nên người dân kiên nhẫn chứ không phải họ không biết gì đâu. Nhưng cũng có những người không kiên nhẫn, kiềm chế được thì xảy ra manh động. Đây là lỗi của những lãnh đạo cấp ủy.
Qua báo chí, tôi đọc lời phát biểu của ông nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang, Tiên Lãng, người đã giao đất cho anh Đoàn Văn Vươn mười mấy năm trước thấy rất nhiều vấn đề. Ông là người thế hệ trước, là người giao đất và chứng kiến người nông dân ấy vỡ hoang từ những ngày đầu. Ông cũng là người nắm rõ chủ trương và hoàn cảnh của người dân nhất.
Những anh sau này mới lên thì đã biết gì, sao nắm được những lịch sử ấy mà lại hồ đồ cho rằng "anh Vươn không có công lao gì", rồi dùng quyền lực cá nhân áp đặt.
Chưa nói sau những việc này là động cơ gì thì còn sâu xa hơn nữa. Những người đó sao đại diện cho dân được.
Theo tôi sau vụ này, toàn bộ các cấp từ tỉnh huyện xã, đến tòa án, quân đội, công an đều phải nghiêm túc ngồi lại kiểm điểm và nghiêm khắc rà soát kỷ luật, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân.
Mọi việc cụ thể còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra tỉ mỉ, nhưng có điều rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến cả nước.

Vậy xử lý mấy ông lãnh đạo Tiên lãng sao đây ?

 Chỉ còn vài ngày nữa là Tết đến rồi, mấy gia đình anh em anh Vươn hiện đang phải lang thang ở nhờ hàng xóm, anh em chỉ vì một quyết định sai trái của lãnh đạo Tiên lãng. Một bài học đắt giá về quản lý, chính trị khi nguwoif cầm cân nảy mực ở cấp địa phương cứ tự tung tự tác hành động, không cần biết đúng hay sai luật. Phải chăng đó cũng là những lỗ hổng về công tác đề cử cán bộ, bầu bán ở cấp địa phương ?
Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước:
Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Chính quyền huyện, xã đều sai
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhận định như trên. Ông cho rằng TP Hải Phòng phải rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm cán bộ. Dân trí xin giới thiệu bài phỏng vấn của phóng viên báo Người Lao Động với ông Lê Đức Anh.
 >>  Công bố thông tin phía sau vụ 6 chiến sĩ bị xả súng
 >>  Lời khai đối tượng xả súng làm trọng thương 6 chiến sĩ
 >>  Nổ mìn, xả súng trong buổi cưỡng chế, 6 chiến sĩ trọng thương
Phóng viên: Thưa ông, cảm nhận của ông như thế nào khi theo dõi vụ việc thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng?
Ông Lê Đức Anh: Tôi đang theo dõi sát vụ việc này nên có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện. Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại.
Vụ việc ở Tiên Lãng là một bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Cứ để kéo dài nhiều vụ sai phạm của chính quyền địa phương như vậy và xử lý không nghiêm cán bộ sai phạm thì sẽ làm mất lòng tin của nhân dân.
 
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động.
Xin ông cho biết quan điểm khi ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn không nằm trong phạm vi cưỡng chế nhưng vẫn bị san phẳng, dẫn đến việc họ không còn nơi cư ngụ?
Chính quyền phải bồi thường cho gia đình ông Vươn. Cả gia đình họ mất nhiều năm mới có thành quả như hiện nay mà chính quyền lại muốn thu hồi, điều đó là không được! Nếu TP Hải Phòng và Trung ương không xử lý nghiêm việc này thì rất nguy hại.
Việc phá nhà của dân về mặt đạo lý là không thể chấp nhận, thưa ông?
Đây là hành vi bất chấp luật pháp. Ông Vươn sai thì cứ xử theo luật, còn chính quyền không thể có hành động như vậy.
Ông nhìn nhận thế nào về tình hình sai phạm trong quản lý đất đai hiện nay?
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hải Phòng mà tôi đã nghe một số nơi cũng có chuyện tương tự. Vì vậy, không chỉ TP Hải Phòng rút kinh nghiệm mà cả nước cũng cần rút kinh nghiệm để không xảy ra những vụ việc tương tự.
Khi còn công tác, ông đã từng xử lý cán bộ nào sai phạm trong quản lý đất đai giống như vụ việc ở huyện Tiên Lãng?
Khi tôi còn công tác, đã có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm bị xử lý nghiêm. Chính quyền sai trong phương án cán bộ còn phải thôi chức, chưa nói đến làm sai như vụ việc ở huyện Tiên Lãng.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Đang có hiện tượng rất xấu xảy ra ở nhiều địa phương là chính quyền mua rẻ đất của dân rồi bán đắt, trong đó có một phần chia nhau. Chưa kể đất nông nghiệp bị thu hồi làm khu đô thị, khu công nghiệp rồi để hoang hóa nhiều năm. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, cần được rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm”.
Theo Thế Dũng
Người Lao Động