8 tháng 2, 2012

Đô thị mất nước - những bi hài muôn thủa.

 Cả mấy ngàn hộ dân mất nước trong ba bốn ngày, đang nháo nhác về thay đổi giờ đưa đón con đi học thì lại thêm nối lo về nhanh để còn ...tìm nước. Ông nước hứa là sẽ có nhưng mở vòi thì vẫn chỉ thấy ...rắn ráo !
  Hơn bốn ngàn hộ dân đang bị mất nước này bị phụ thuộc vào " đường ống công nghệ cao, dẫn nước mặt Sông Đà về Thủ đô" mới làm xong năm ngoái. Vì là ống công nghệ cao nên có thể chưa quen lắp đặt, chưa quen thiết kế, chưa quen vận hành sử dụng, sự cố đầu tiên đáng kể đã xảy ra.
 Bốn ngàn hộ mất nước là chuyện bình thường, một đoạn cao tốc Thăng Long còn xuýt nữa bị cuốn trôi, nhà thầu đã phải khẩn cấp mang cừ thép ra để ép xuống, giữ bằng được ta luy đường, sự cố này chắc không có chuyên gia nào lường trước.
Nước xối hỏng cả taluy đường cao tốc Thăng Long. Ảnh : net.

 Sau khi sự cố xảy ra, báo chí chỉ xoay quanh việc bà con mất nước kêu ca, nhà thầu khắc phục sự cố, hứa cấp nước trở lại mà ít có ai đi tìm nguyên nhân sâu sa của sự cố này. Vì sao một đường ống dẫn có đường kính to như vậy, chưa từng được  thiết kế, lắp đặt, sử dụng ở ta, nói là " công nghệ cao" mà lại dễ dàng đứt phựt như thế.
 Thử mang TCVN của ta vẫn dùng ra xem, liệu hệ thống đường ống này đã được hoàn thành theo tiêu chuẩn ta chưa nhé : chỉ riêng thử áp lực độ bền thôi, đường ống trong công trình công cộng hay bất kỳ hệ đường ống dẫn nước sinh hoạt nào cũng đều được qui định phải thử độ bền cả cả hệ đường ống cao gấp 5 lần áp lực vận hành bình thường theo thiết kế.
 Ví dụ áp lực vận hành trong ống của một tòa nhà phải đạt tối thiểu nhỏ nhất là 1.5 kilogam lực, cao nhất không quá  2.5 kG - quá mạnh thì nước xịt ra tại đầu vòi có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng - vậy áp lực thử bắt buộc không thấp hơn 7.5 kilogam lực.  Việc thử nghiệm bắt buộc này đảm bảo rằng với áp lực trong đường ống khi vận hành theo thiết kế sẽ khó gây vỡ, bục đường ống.
 Việc đảm bảo cho toàn tuyến ống với độ cao khác nhau, áp lực càng cao ở cuối đường ống được lắp đặt các thiết bị giảm áp, điều khiển cho áp lực theo đúng yêu cầu đã thiết kế, ngay cả trong trường hợp với bất kỳ đoạn ống nào bị bục vỡ cũng không thể gây ra hậu quả ghê gớm - sạt lở ta luy đường cao tốc - như chúng ta đã thấy. Song song với vấn đề thử nghiệm sau khi lắp đặt thì các chi tiết thiết kế nâng giữ, định vị, chống co giãn nhiệt, bảo vệ bên ngoài hành lang kỹ thuật của tuyến ống cũng đương nhiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn qui định.
  Nếu thiết kế đáp ứng các chỉ tiêu cơ bản trong tiêu chuẩn thì sẽ  không có các sự cố trầm trọng xảy ra trong tương lai, việc còn lại là của các cơ quan quản lý cái món tiền đã chi ra xây dựng hệ thống đường ống đó. Họ phải chịu trách nhiệm trong vấn đề quản lý dự án, tiêu những đồng tiền của ngân khố một cách hiệu quả, công trình được làm ra phải đạt chất lượng cho dù chỉ với tiêu chuẩn Việt nam. 

Xin cả nước từ vòi  trong nhà vệ sinh về dùng vậy. Ảnh : net.

 Chưa nói đến các vẫn đề khác như : chất lượng nước " sạch ", các chỉ tiêu của sản phẩm mà đơn vị cung cấp nước đã bán cho người tiêu dùng theo như đã công bố. Ai cũng biết việc làm ra một lit nước " sạch "  như đã nói không hề đơn giản. Không chỉ đơn giản là dẫn từ lòng hồ Sông Đà  về rồi bán, cả loạt công nghệ kèm theo từ lắng, lọc, xử lý hóa chất, diệt các vi khuẩn độc hại...cái gì cũng tốn tiền, vậy ai chắc rằng đơn vị sản xuất duy trì được chất lượng sản phẩm nước " sạch" đó quanh năm suốt tháng, ai kiểm tra giám định... ?
  Sẽ còn tiềm ẩn nhiều sự cố còn trầm trọng hơn nếu việc kiểm tra lại tuyến ống dẫn nước đó cho thấy  tồn tại những  khiếm khuyết về kỹ thuật tương tự nguyên nhân đã gây ra  sự cố vừa rồi. 

7 tháng 2, 2012

Tiến sỹ Việt Nam đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa

 

  Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Mão, những du khách đến tham quan hội chợ tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) rất ấn tượng với một chương trình biểu diễn ca trù và hát thơ về các món ăn của Việt Nam kéo dài trong nhiều ngày. Nhưng có lẽ người tổng chỉ huy của chương trình ấy mới thực sự ấn tượng hơn cả. Ông là Tiến sỹ Nguyễn Nhã, là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Luận án Tiến sỹ khoa học của Tiến sỹ Nguyễn Nhã đã khẳng định thêm một lần nữa
chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
“Dũng sỹ học thuật”

Năm 63 tuổi, ở độ tuổi mà những người cùng trang lứa đã “nghỉ ngơi” vui vầy cùng con cháu thì Nguyễn Nhã mới bắt tay vào việc bảo vệ luận án Tiến sỹ với đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Ngay từ năm 26 tuổi, vừa tốt nghiệp 2 trường Đại học Sư phạm và Văn khoa, Nguyễn Nhã làm chủ bút tờ Tập san Sử địa vào năm 1966. Rồi chỉ sau đó 9 năm, chàng thanh niên này đã tổ chức một triển lãm chuyên đề trưng bày tư liệu, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa ở Thư viện Quốc gia. Vì thế, cái duyên của ông với Trường Sa và Hoàng Sa đã gắn kết ông với đề tài mang tầm quốc gia này. 

Hôm bảo vệ Đề cương Luận án cũng có ý kiến cho rằng đề tài này phải là đề tài cấp quốc gia mới làm nổi. Song, với kinh nghiệm của một người nghiên cứu chuyên sâu về Trường Sa, Hoàng Sa, ông đã bảo vệ với luận điểm: cá nhân nghiên cứu cũng có mặt mạnh riêng, nhất là vấn đề học thuật. Với những lý lẽ riêng và bằng vốn kiến thức sâu rộng của một nhà sử học, đặc biệt là với cái tâm trong sáng của một người suốt đời dành cho học thuật, Nguyễn Nhã đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vào năm 2003. Và có một câu chuyện vui đến giờ TS Nguyễn Nhã mới chia sẻ sau khi ông bảo vệ luận án. Đó là việc mọi người ghi nhận ông như một “dũng sỹ học thuật”, dám vượt qua nhiều thử thách và kiên định theo đuổi đề tài đến cùng. PGS.TS Huỳnh Lứa đã nói với ông rằng “Bản thân anh đã dũng cảm mà ngay người nhận hướng dẫn cũng dũng cảm không kém”. Sau này khi bảo vệ thành công, một luật sư của Công ty Mai Linh đã đến nhà tặng TS Nguyễn Nhã chữ Dũng được lồng khung kính hiện ông vẫn treo ở nhà.

Chưa một lần đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa

Điều đặc biệt, cho dù nghiên cứu rất sâu về Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, Hoàng Sa nhưng Tiến sỹ Nguyễn Nhã chưa một lần đặt chân tới 2 vùng biển này. Do đề tài chỉ “khoanh vùng” về “quá trình xác lập chủ quyền”, nên ông đã đi đến tất cả các thư viện sưu tập tài liệu và nơi xa nhất mà ông từng đến chỉ là cái nôi của đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải tại huyện đảo Lý Sơn ngày nay. 

Ấn tượng sâu sắc về những người dân đảo đã đọng lại trong ông là tình yêu với biển đảo quê hương. Những người dân ấy không chỉ gắn bó với lễ Khao Lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 19, 20 tháng 2 âm lịch mà còn dũng cảm tiếp nối truyền thống ấy của những người lính năm xưa đi đánh bắt cá xa bờ ở Hoàng Sa và Trường Sa như một cách tự nhiên khẳng định chủ quyền của cha ông ta trên vùng biển đặc biệt này. Tận mắt chứng kiến những điều này, ông càng có thêm sức mạnh để vượt qua nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình bảo vệ luận án để một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam qua nhiều bằng chứng khoa học lịch sử. 

Với tư cách là một nhà sử học yêu nước và nghiên cứu chuyên sâu về Hoàng Sa, Trường Sa, Tiến sỹ Nguyễn Nhã còn là một người rất yêu văn thơ, đặc biệt là ẩm thực Việt Nam. Ông đã từng nói rằng: “Muốn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi người Việt Nam cần có một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường”. Vốn là người nghiên cứu và dạy môn văn hóa Việt Nam,   TS Nguyễn Nhã nhận thấy Văn hóa ẩm thực Việt Nam rất độc đáo, có thể sánh với ẩm thực Trung Quốc hay Pháp. Vì thế, đã nhiều năm giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam và nay là Trưởng Đề án bếp Việt, ông đã nghiên cứu xây dựng lý luận bếp Việt, đã ra cuốn sách “Bản sắc ẩm thực Việt Nam”, “Độc đáo ẩm thực Thăng Long Hà Nội”, “Độc đáo ẩm thực Huế” hiện đang biên soạn cuốn Phở Việt.

Tuy nổi tiếng trong lĩnh vực sử học và ẩm thực nhưng Tiến sỹ Nguyễn Nhã luôn coi những việc ông đã và đang làm là một cách lui về “hậu đài” để cổ vũ những hạt nhân sáng tạo làm cho đất nước hùng mạnh. Như trong giảng dạy, ông luôn để học trò đi trước, làm việc nhiều, nói nhiều hơn thầy. Ông luôn tự nhủ: nên lấy vui làm lãi. Vui thì quên cả mệt nhọc, quên cả tuổi tác và hăng hái tiếp tục làm…
Phạm Thu Hương - ANTĐ.com.vn
 Tiến sỹ Nguyễn Nhã trong một buổi nói chuyện về Hoàng sa, Trường sa tại Hà nội.


Thêm một bạn trẻ " cởi hết" - chưa biết vì sao.

Mai Hải Anh gây shock với ảnh nude 100% 
 Mặc cho đang dính mác ‘người đẹp nghiện nude’, đúng như lời hứa đầu năm mới Nhâm Thìn về kế hoạch chụp ảnh nude, Hoa khôi tỉnh Khánh Hòa - Mai Hải Anh - quyết định ‘cởi’ hoàn toàn trên bãi biển Nha Trang quê hương.

Quyết chụp cho được bộ ảnh nude khoe thân trong năm Nhâm Thìn, người đẹp tỉnh Khánh Hòa Mai Hải Anh và êkíp đã tranh thủ thực hiện bộ ảnh ngay trong những ngày đầu năm mới.

 

Là người con xứ biển Nha Trang, Khánh Hòa nên Mai Hải Anh cho biết, bộ ảnh được chụp ngay trên biển Nha Trang, tại một khu du lịch đang bị bỏ hoang, chưa được khai phá, mở rộng và khai thác. Vốn có sở thích chụp ảnh nude, nên dù gặp không ít khó khăn trong việc tìm địa điểm kín đáo lý tưởng, ít người qua lại để “cởi”, nhưng cả cô và ê-kíp đều không nản lòng. 

 

Tuy địa điểm chụp là một vùng biển hoang sơ, chưa được đưa vào sử dụng nhưng cũng đã là đất có chủ nên ê-kíp thực hiện bộ ảnh phải ra sức thuyết phục bảo vê đồng ý. Rất may, người bảo vệ nhận ra Hoa khôi Khánh Hòa và gật đầu để cô được “cởi” trong vùng đất này.

 

Về ý nghĩa bộ ảnh, Hoa khôi Khánh Hòa chia sẻ, vì con người thuộc về biển, sinh vật đầu tiên của trái đất cũng bắt đầu từ biển và khi một sinh mạng kết thúc cũng sẽ trở về với biển nên cô muốn truyền tải thông điệp: người miền biển dù có đi đâu, làm gì thì cô cũng vẫn là con gái vùng biển, sẽ quay về với biển. 

 

Mai Hải Anh cho biết, cô đặc biệt thích bộ ảnh này. Cô mong chờ độc giả góp ý để thực hiện những bộ ảnh nude sau này được tốt hơn.
 
 

 

 

 

 

 


Hà Nhuận Nam (theo vnn)
Photo: Mèo Hero
Make-up: B.O
Baomoi.com