1 tháng 10, 2012

Thày cũ.


PGS.TS. NHÀ GIÁO ƯU TÚ ĐẶNG QUỐC THỐNG-HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐOÀN THỊ ĐIỂM
..... làm gì tốt cho con trẻ
          PGS.TS. Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống, hiệu trưởng trường TH Dân lập Đoàn Thị Điểm sinh ngày 10.9.1946 tại Phúc Thuỷ, Thanh Oai, Hà Tây( nay là Hà Nội). Năm 1964, sau khi tốt nghiệp lớp 10 trường THPT Chu Văn An- Hà Nội, thầy đi thanh niên xung phong xây dựng kinh tế miền núi theo tiếng gọi của Đảng. Từ năm 1968, thầy trở về Hà Nội, theo học khoa Điện trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt, thầy Đặng Quốc Thống từ giã giảng đường đại học, nhập ngũ, tham gia vào Lữ đoàn pháo binh 16 Bộ tư lệnh pháo binh, phục vụ tại chiến trường Thừa Thiên Huế. Sau giải phóng miền Nam, vào tháng 10.1975, thầy quay lại trường hoàn thành chương trình đại học. Năm 1978, thầy tốt nghiệp đại học, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Từ đó đến nay, thầy vẫn tiếp tục công tác tại khoa Điện, đã từng giữ cương vị Phó chủ nhiệm bộ môn hệ thống điện, khoa Điện, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước, thầy đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến. Trong sự nghiệp giáo dục những kĩ sư tương lai cho đất nước, thầy đã có nhiều đóng góp quan trọng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2008. Đây là danh hiệu cao quý dành cho những nhà giáo có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, có lòng tận tâm và lương tâm trong sáng với nghề, với các thế hệ học sinh. Hơn 30 năm giảng dạy tại trường ĐHBK Hà Nội, thầy đã góp phần đào tạo ra rất nhiều thế hệ sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước; không ít những học trò của thầy đã trưởng thành, đang đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực điện.
              Để có được những thông tin về quá trình hoạt động công tác của thầy Đặng Quốc Thống như ở trên không phải là một điều dễ dàng. Bởi lẽ thầy Đặng Quốc Thống rất ít khi nói về mình, về những thành tích mà thầy đã đạt được trong hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Mặc dù rất bận với nhiều công việc phải giải quyết (thầy hiện nay vẫn tiếp tục công tác tại khoa Điện, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, đồng thời giữ cương vị chủ tịch Hội đồng quản trị- hiệu trưởng trường THCS và THPT Đoàn Thị Điểm), thầy vẫn dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thân tình về sự nghiệp dạy học, những điều thầy tâm huyết khi xây dựng trường TH DL Đoàn Thị Điểm.
´Điều quan trọng nhất đối với nghề giáo là phải yêu trẻ con. Phương châm hoạt động của tôi là làm những gì tốt nhất cho con trẻ”.
Sắp bước vào độ tuổi “thất thập cổ lai hi”, sau rất nhiều năm giảng dạy, thầy Đặng Quốc Thống vẫn rất say sưa với công tác giáo dục. Ở khoa Điện trường ĐHBK Hà Nội, thầy vẫn tiếp tục lên lớp giảng bài cho sinh viên các lớp Cử nhân tài năng, hướng dẫn các học viên cao học và nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, thầy còn mở một công ty riêng chuyên về thiết kế lắp đặt hệ thống điện. Công việc kinh doanh chắc chắn rất bận rộn, nhưng xuất phát từ lòng say mê đối với công tác giáo dục, đặc biệt từ mong muốn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho con trẻ được tiếp cận với một môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, có thể phát huy tất cả năng lực, thầy đã quyết định lãnh cương vị chủ tịch HĐQT- Hiệu trưởng trường TH Dân lập Đoàn Thị Điểm. Thời gian đầu, vốn quen với công tác giáo dục ở bậc Đại học, thầy cũng rất ngỡ ngàng và gặp khó khăn trong việc quản lí ở bậc phổ thông. Nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, đồng nghiệp; đặc biệt, được tiếp xúc với các con học sinh nhỏ, nhìn thấy sự trưởng thành từng bước của các con, thầy đã có thêm nhiều động lực để khắc phục những khó khăn, xây dựng trường TH DL Đoàn Thị Điểm ngày một phát triển cả về quy mô và chất lượng. Nhìn lại chặng đường đã qua, thầy luôn tâm niệm một điều giản dị nhưng hết sức quan trọng, đó là, đối với nghề giáo, điều quan trọng nhất là phải yêu trẻ em. Quan điểm, cũng đồng thời là phương châm hoạt động của thầy khi xây dựng trường TH DL Đoàn Thị Điểm là làm tất cả những gì tốt nhất cho con trẻ để các con trưởng thành. Theo thầy, đó không chỉ là nhiệm vụ, là mục tiêu mà còn là niềm vui chân chính của chính bản thân thầy.
          Thầy kể lại, khi tốt nghiệp đại học, thầy cũng đứng trước rất nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Khi quyết định làm công tác giảng dạy, thầy nhận ra cái khó khăn của nghề giáo viên là thu nhập thấp.Trong khi đó, bạn bè làm những việc khác có thu nhập cao hơn, có điều kiện sống tốt hơn.Theo thầy, phải yêu nghề mới có thể vượt qua những khó khăn, cám dỗ trong cuộc sống. Nhưng với thầy, cái được lớn nhất của nghề giáo đó là lứa học trò trưởng thành, trở thành những con người tốt, có cống hiến cho xã hội. Niềm vui lớn nhất của người làm thầy làm cô là giúp được những học sinh, nhất là những học sinh có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn có thể trưởng thành nên người. Những thế hệ sinh viên của thầy sau khi ra trường, dù công tác ở cương vị nào, hàng năm vẫn nhớ đến thăm thầy. Đó là những tình cảm quý giá mà theo thầy không phải làm nghề nào cũng có được.
Khi đảm nhận cương vị Hiệu trưởng trường THCS Dân lập Đoàn Thị Điểm, thầy vẫn luôn tâm niệm quan điểm giáo dục của mình. Quản lí hàng ngàn học sinh nhỏ, đang ở tuổi chơi, tuổi nghịch, thầy luôn xác định phải cố gắng nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn tới các con. Bởi lẽ, có đầy rẫy những hiểm hoạ có thể xảy ra cho các con. Thầy quan niệm: “Trẻ em phải nghịch”. Đó là cái nghịch hồn nhiên của con trẻ. Người thầy người cô phải hiểu điều đó để có cách quản lí tốt hơn. Không được cấm đoán các con. Nhưng lại không thể để xảy ra điều gì nguy hiểm cho các con, vẫn phải phát huy hết mọi năng lực của các con, tính cách của các con…Đó chính là mâu thuẫn mà người quản lí phải giải quyết. Chính bởi lo lắng cho các con, muốn tạo môi trường tốt nhất cho các con học, các con chơi, thầy Đặng Quốc Thống đã quan tâm chú ý từ những việc nhỏ nhất. Những bồn cây trên sân trường đều được thầy yêu cầu mài nhẵn các góc để tránh gây nguy hiểm khi các con chơi đùa trên sân có thể ngã vào. Cửa kính các lớp học đều được thay bằng tấm nhựa mika ở khu vực tay cầm, để tránh trường hợp các con đùa nghịch làm vỡ kính, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của các con. Khi các con tập thể dục giữa giờ hay các hoạt động ngoại khoá dưới sân trường, thương các con có thể bị nắng, thầy yêu cầu làm cho mỗi con học sinh một mũ đội đầu. Hiện nay, thầy còn cho lắp đặt hệ thống mái che để che mưa che nắng cho học sinh. Những việc làm tuy nhỏ nhưng đều chan chứa tình thương yêu của một người thầy, hơn nữa là một người ông, một người cha với các con học sinh nhỏ. Có người nói đùa: “ Thầy chiều học sinh quá”. Thầy chỉ cười và nói còn nhiều việc phải lo cho học sinh nữa.
Với thầy hiệu trưởng Đặng Quốc Thống, không gì vui hơn, hạnh phúc hơn được nhìn các con học sinh mà thầy yêu thương được vui chơi, được học hành, được tham gia những hoạt động bổ ích. Mỗi khi đến trường, được nhìn thấy ánh mắt long lanh của các con, được các con ôm trìu mến, thầy như thấy mọi mỏi mệt đều tan biến, khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Thầy tâm sự, có những con học sinh đã viết thư gửi vào hộp thư góp ý cho thầy với những lời lẽ động viên, với những tình cảm hết sức chân thành, hồn nhiên, khiến thầy thêm vững vàng hơn để đảm nhận và hoàn thành tốt công việc của mình.
 
Trường học như một gia đình lớn….
 
           Khi công tác tại khoa điện trường ĐHBK, thầy luôn chú ý xây dựng tổ bộ môn như một gia đình thứ 2 đối với mỗi người. Đến khi về trường, thầy vẫn tâm niệm, trường có tốt, các giáo viên có phát huy hết năng lực của mình, các con học sinh có chăm ngoan học giỏi chỉ khi trường hoc phải thực sự là một gia đình lớn. Các thầy cô, các cán bộ nhân viên nhà trường phải luôn yêu thương học sinh như con, như cháu, như em của mình. Chính tình thương yêu chân thành của thầy cô, của người lớn sẽ cảm hoá được các con. Thầy luôn nhắc nhở các cán bộ, giáo viên nhà trường phải giáo dục các con bằng tình thương hơn là mắng mỏ, quát nạt, trách phạt các con. Khi các con cảm nhận được tình thương của người lớn, của thầy cô dành cho nó, các con sẽ ngoan hơn, sẽ vượt qua những thói hư tật xấu , sẽ vững vàng hơn khi bước ra cuộc đời. Và khi ấy, các con cũng sẽ biết đối xử với bạn bè, với mọi người bằng tình cảm chân thành thực sự.
Với các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, thầy luôn nhắc nhở mọi người phải cố gắng đối xử với nhau như những người trong một gia đình lớn. Ở đó tất cả mọi người đều là đồng nghiệp, không phân biệt người già- người trẻ, người có địa vị- người không có địa vị,…Trong trường, người nhiều tuổi là chú, là bác,là anh; người ít tuổi là cháu, là con, là em…tất cả đều tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ niềm vui cũng như những khó khăn trong cuộc sống. Khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua nếu cả tập thể đồng lòng, đồng tâm, đồng chí vì sự nghiệp chung. Ở góc độ một người quản lí, thầy luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho giáo viên yên tâm công tác. Thầy cũng rất chú ý đến việc bồi dưỡng cán bộ trẻ, luôn coi họ là những đồng nghiệp tin cậy của mình.
Tôi có rất nhiều hoài bão xây dựng trường THDL Đoàn Thị Điểm…
Khi được hỏi về những định hướng phát triển nhà trường, thầy Đặng Quốc Thống rất say sưa với những dự định của mình.
Trước mắt, thầy đang phấn đấu tối đa để có thể trang bị cơ sở vật chất tốt nhất cho nhà trường. Trong thời gian tới, tất cả các phòng học sẽ được trang bị các phương tiện dạy học hiện đại như TV, máy tính…
Về lâu dài, thầy xây dựng kế hoạch phát triển trường không chỉ về số lượng, về quy mô mà quan trọng là về chất lượng đào tạo.
Không chỉ là một nhà giáo đã có kinh nghiệm qua hơn 30 năm công tác trong nghề, thầy Đặng Quốc Thống còn là một doanh nhân, điều hành công ty kinh doanh rất hiệu quả. Với những kinh nghiệm quý báu có được trong quá trình hoạt động kinh doanh cùng với cái tâm của một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, thầy Đặng Quốc Thống mong mỏi tạo ra những cơ hội học tập và hội nhập tốt nhất cho các con học sinh, để có thể đào tạo những học sinh đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội hiện đại. Sau những chuyến công tác ở nước ngoài, thầy rất muốn học tập những mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại của các nước trên thế giới, muốn tạo ra một môi trường học tập hiện đại cho các con học sinh để học sinh Việt Nam có thể phát huy tối đa năng lực của mình, có khả năng hòa nhập quốc tế. Chính bởi thế, trong năm học mới 2009-2010, thầy Đặng Quốc Thống đã tiến hành mô hình giáo dục liên kết với trường Salomon của Mĩ- đất nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới với mục tiêu tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với cách học của Mĩ, được chính các thầy cô của trường Salomon giảng dạy và đánh giá nhưng lại với chi phí rẻ hơn nhiều so với học tại nước ngoài. Trong hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế, nhà trường mở rộng phạm vi, không chỉ với các trường của Singgapore như những năm gần đây mà còn với New Zealand- đất nước thuộc hệ thống Liên hiệp Anh đang khẳng định được chất lượng đào tạo tốt hàng đầu trên thế giới, với Mĩ…Những kế hoạch của thầy chính là những bước đi hết sức táo bạo, thể hiện tầm nhìn xa của một nhà quản lí- một doanh nhân- một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và rất tâm huyết với nghề, với học sinh.
Không những vậy, trong tương lai, nhà trường sẽ mở rộng xây dựng mô hình trường nội trú, trước mắt là dành cho học sinh cấp 3. Đồng thời , thầy đang lên kế hoạch xây dựng trường Quốc tế Đoàn Thị Điểm, tách phần đào tạo liên kết nước ngoài riêng, để tạo điều kiện tốt hơn cho việc quản lí.
Biết bao dự định, biết bao hoài bão mà thầy hiệu trường Đặng Quốc Thống muốn làm với trường THDL Đoàn Thị Điểm. Nhưng thầy cũng biết trước mắt, còn biết bao việc phải làm…
Hạnh phúc mỗi khi được trở về gia đình…
  Gia đình luôn là một bến đỗ bình yên nhất với thầy Đặng Quốc Thống. Sau mỗi giờ làm việc ở khoa, ở trường, thầy luôn hạnh phúc khi trở về gia đình nhỏ của mình. Niềm hạnh phúc của thầy là một người vợ hết mực yêu chồng thương con, là hai con thành đạt, đang tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ( con trai thầy đang điều hành công ty công ty thầy xây dựng, con gái thầy hiện đang là giảng viên trường ĐHBK Hà Nội), và đặc biệt là đứa cháu nội mới đang đi học mẫu giáo. Những ai đã từng tiếp xúc với thầy Đặng Quốc Thống đều nhận thấy tình yêu thương vô bờ thầy dành cho cháu nội của mình. Đi nước ngoài lần nào thầy cũng chỉ chăm chăm đi tìm mua bằng được thứ quà mà cô cháu gái yêu cầu. Cứ rảnh buổi chiều nào thầy đều nhận nhiệm vụ đến trường đón cháu về, vì cháu rất thích được ông đón. Có phải xuất phát từ tình thương yêu cho con, cho cháu mà thầy cũng luôn dành tình thương, sự quan tâm cho những học trò, nhất là những học trò nhỏ của mình?
Thực hiện: Hải Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét