21 tháng 9, 2011

Tượng đài và loại " tư duy tượng đài".

 Dạo trước, có anh nào đó trong một tỉnh nào đó vẽ ra cái dự án nghe rất vui : Khắc truyện Kiều lên núi đá.
 Dự án này chắc trình lên trung ương xin thì bị gọi điện chửi cho một trận vì tội đã có bệnh bụng to máu mỡ lại còn mang thêm bệnh nghệ sỹ nửa mùa, các nhà văn thì gọi là con điếm như đang gọi cho một anh chức sắc trong làng văn hiện nay.
 Cái dự án tượng đài Mẹ Việt nam anh hùng trong Quảng Nam đang tiến hành theo báo chí cho biết là : lãnh đạo tỉnh bảo thiếu tiền vẫn xây, vừa xây vừa vận động tiền thêm từ các nguồn, thiếu vẫn xây bởi không thể không xây, bởi nó rất hoành tráng. Xét về phương diện hoành tráng thì ở cấp tỉnh nghèo như Quảng nam thì tương đương với độ hoành tráng của dự án tàu cao tốc mà nhà nước đang bàn để làm.

Ảnh : trên mạng.

 Kiến trúc sư thiết kế kiêm luôn nhà thầu thi công thì cho rằng công trình tượng đài này là tất cả tâm huyết của anh ấy. Đúng, to vậy cơ mà, cả đời mấy ai được làm cái đó hai lần, cơ hội có một và cảm hứng đâu phải cứ ra Hàng Chiếu mua vi a gờ ra uống vào là ra cảm hứng được ?
  Tôi từng làm việc và biết những Kiến trúc sư ở Việt nam, những anh từng thiết kế cải tạo Nhà hát lớn, những anh chị được bà con trong làng biết và nể như:  Hồ Thiệu Trị, Trần Thanh Vân, Lê Trương, Hoàng Thúc Hào.. . Hỏi họ về những cái tượng đài hay bảo tàng ở ta đã và đang làm thì họ đều chỉ cười, họ bảo : rất ấn tượng ! chả hiểu ấn tượng theo cách gì mà cứ từ lúc khởi công đến lúc thi công đã vượt dự toán đến 5 lần ?
 Ví dụ cái dự án tượng đài mà bà con đang quan tâm, lúc đầu là 81 tỷ, bây giờ chưa xây đã vượt lên 430 tỷ mà đã mất 4 đến 5 năm - từ nhiệm kỳ của một lãnh đạo khác của tỉnh. Nào thì đổi từ đá thường ( rẻ) lên đá hoa cương ( đắt, bền), nâng chiều cao thêm vài mét, rộng thêm vài mét, rỗng cãi ruột bên trong thêm để có không gian - như lời anh Hài lãnh đạo tỉnh nói - cho bà con thăm thú, nghỉ ngơi. Chả biết có định làm thêm phòng nghỉ trong đó hay không ? Còn chuyện có tăng thêm kinh phí hay không cho đến khi khánh thành thì chỉ cần hỏi mấy bà nội trợ ngày nào cũng đi chợ mua đậu phụ cũng có thể có câu trả lời.

 Hôm chủ nhật tôi có đi Thanh hóa thăm viếng nhân ngày lễ hội Lam Kinh, trong đó cũng có tượng đài rất hoành tráng, quảng trường cũng rộng và thành phố ngày nay cũng khá hơn chục năm trước nhiều. Tuy nhiên, có cái xấu hơn trước : ăn xin vào tận bàn ăn của khách để xin, có cả Mẹ già và trẻ em.

                  Mẹ già đi xin ở các quán ăn chỗ phố ẩm thực Hàng than, TP Thanh hóa. Ảnh : Lê Dũng


" Khi chưa làm được những việc nhỏ, thiết thực như giúp đỡ người già và trẻ em có nơi nương tựa thì chưa nên xây bảo tàng hay tượng đài. Vì càng xây những cái đó thì càng phản cảm..." Một anh bạn học bên Thái về Việt nam làm phát biểu.
 Anh cho rằng : hai cái hình ảnh đó : xây bảo tàng, tượng đài và dân đói, ăn xin ngay dưới chân tượng đài, quảng trường đẹp nó như hiện ra cái mâu thuẫn khó xử lý. Mâu thuẫn giữa hai luồng thẩm mỹ : tai nghe và mắt thấy vậy.
 Thôi, nói chuyện kiểu vĩ mô và chính khách đó làm gì, chỉ hiểu là dự án ở ta nó như miếng đùi gà KFC, cắn vào mỡ toe toét quanh miệng gây ra một sự thích thú khác lạ. Nhất là khi cắn cái đùi gà đó mà lại không phải trả tiền, còn được tiếng là sành điệu, đã gây dấu ấn của mình trong nhiệm kỳ ngắn ngủi.
 Tư duy nhiệm kỳ, nhãn quan của đám thích ăn đùi gà không mất tiền cho dù có tạo được dấu ấn gì thì cũng bị lịch sử ghi lại. Khó có thể tạo được tiếng vang tốt cho dù lấp liếm bằng bất kỳ giọng điệu nào.
 Những tư duy nhiệm kỳ đó có thể tạm gọi đó là loại " tư duy tượng đài".  Thực ra, để cố tạo dấu ấn một cách ngờ nghệch, che đậy cho cơ hội bòn rút những đồng tiền đầy mồ hôi  của bà con đóng vào ngân khố.