Dưới cổng làng Đường Lâm. Ảnh : Buôn Gió.
Lâu ngày không gặp mấy anh bạn học cùng phổ thông, hôm qua bỗng dưng được gặp.
Một anh bạn là giáo viên, một anh làm bí thư chi bộ, gọi thêm một lính thổi kèn, một thủ quỹ ngân hàng và một thợ nhôm kính, một thằng chánh văn phòng huyện, hai đứa làm thủy văn thời tiết - thế là đủ mâm, bia vào lời ra rôm rả như đám cưới ở Quê mình vậy.
Rồi, nào hỏi thăm chồng con, vợ con, nhà cửa, chức vụ, thu nhập ...vv, có vàng cất đi chưa, có bồ hay không và rồi lại hỏi có i meo hay phây búc chưa.
Hơn chục đữa thì có 3 đứa có i meo, mỗi mình chơi thêm phây búc. Thực tình là khi hỏi đến chuyện này thì cả đám bớt đi ồn ào nhiều bởi chủ đề câu chuyện nó đã chuyển sang một không khí mới. Thực ra, nếu chỉ bán bánh cuốn như bạn Hà, làm cửa nhôm kính như bạn Hỷ, thậm chí là giáo viên tiểu học như bạn Huy thì không có i meo hay gì nữa cũng được. Như bạn Tuyết làm ngân hàng thì đương nhiên giao dịch hàng ngày với sếp, cộng sự - báo cáo, thông báo, gửi và nhận tài liệu, chat hay làm gì đó vv, i meo là một phần cuộc sống của họ.
Hay như tay bạn đang làm kế toán trưởng cho một tập đoàn xây dựng lớn nhất nhì miền bắc, chuyên làm về hầm, cọc nhồi, xây nhà thì i meo là một nửa cuộc sống của hắn. Nói không quá chứ sáng ra hắn mất hơn nửa tiếng để kiểm tra thư, trả lời thư của cả chục bộ phận, đội thi công, các phòng ban...vv đã gày mất nửa ký rồi. Nhìn hắn như thanh lạt gói bánh trưng trong khi tiền thì dày như tảng đá granit ngay cửa cơ quan, được đục, nạm chữ vàng vào để quảng cáo, giới thiệu công ty. Nhưng dù thế thì hắn vẫn không dùng phây búc.
Xong chuyện i meo, phây búc thì thằng Hậu làm chỗ quân nhạc bảo : dạo nọ tôi thấy trên mạng có ông ! ái chà, có tôi, mà mạng nào chứ ?
Trên mạng mà có cả tên ông ghi trong đấy ấy. Á à, bờ lốc của tôi.
Cả bọn hét lên : ông biết viết bờ lốc, ông viết cái gì, để làm gì ? trời ơi, lại trả lời, lại giải thích cho hai phần 3 trong hơn chục đứa bờ lốc là cái gì, dùng để làm gì, cho ai...vv và vv.
Giải thích luôn phây búc là gì, cho ai dùng, để làm gì, ở đâu trên Thế giới dùng và dùng ra sao. Chết thật, mình bỗng dưng trở thành thày giáo về "công nghệ "mạng miếc, kinh quá. Đúng là nói như Hiệp Gà vừa bỏ vợ 2 : mình ngưỡng mộ mình quá !
Tuyệt nhiên không dám câu nào chê hay phê bình bạn nào chưa dùng i meo hay phây búc. Bởi nói rồi : bán bánh cuốn hay lắp cửa nhôm kính thì dùng mấy cái đó cũng chỉ mất thời gian thêm, đang mải tráng bánh thì làm sao mang máy tính ra được ?
Thế nhưng vẫn khuyên các bạn nên học sơ qua tí để dùng mấy cái thứ đó, nếu ngai chưa biết thì bảo con nó hướng dẫn cho chỉ hai tiếng là ổn. Đứa nào cũng có con lớn cả, có hai thằng còn lên chức ông nội rồi mà.
Chỉ có tay bạn làm kế toán trưởng kia thẳng tính nói luôn : các ông bà đã lạc hậu, công nhận không, công nhận không ? - nó cứ hỏi dồn các bạn còn lại và bắt phải công nhận là đã lạc hậu. Nó bảo : nếu các ông bà muốn biết thông tin về bạn bè hàng ngày thì phải có i meo, phây búc thì đòi hỏi cao hơn vì phải biết dùng cách vượt qua " tường lửa", tường này là gì ? nó lại mất hơn chục phút để giải thích tường lửa là gì.
Còn nếu các ông bà vẫn không quyết tâm dùng i meo thì phải có điện thoại di động, mà đừng đổi số hay dùng sim rác khuyến mãi liên tục như bà Hà, bà Thủy, bà Thúy, bà Hiên, bà,,, nó biết đâu ở ngoại thành thì cứ thấy khuyến mãi rẻ là mua, cần gì số cũ ?
Tóm lại là chúng ta cần cố lên một tí để hội nhập, những thứ đó rất có ích và làm cho các ông bà trẻ ra, năng động lên, có những thông tin kịp thời, đa dạng về mọi thứ : xã hội, bạn bè, cơ hội làm ăn, học tập và học cách tồn tại khi sức khỏe đã đến ngưỡng U50, U 60.
Chia tay, hẹn nhau chậm nhất cuối tuần này là tất cả phải có i meo, ai có phây búc thì chơi luôn, nhớ tên tôi vào để có cưới con hay ông bà già ốm thì còn biết gọi nhau đi thăm.
Đấy, người Hà nội đấy ạ, cách Hồ gươm có hai mươi ki lô mét thôi chứ đâu có xa.