12 tháng 5, 2014

VÔ VĂN HÓA VÌ CHỐNG NGOẠI XÂM THEO CHỈ THỊ


Nguyễn Văn Khải – Ông già Ôzôn
Ảnh : internet, chỉ để minh họa

Tối hôm qua (10/5), mãi tới khuya tôi mới thấy trên mạng hình ảnh của 2000 tri thức dự buổi phát động “Hi sinh vì tổ quốc” do hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Trong số các ảnh chụp tôi thấy có những người đọc báo, có những người nói chuyện riêng, có người há hốc mồm lên cười, có người ngủ gật . Có đoạn trên báo Người lao động ghi, ông cựu giám đốc sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh hỏi : “Chúng ta quyết tâm bảo vệ tổ quốc, nhưng đất nước ta nghèo lấy gì để chiến tranh?”. Nhiều người  hô “Hi sinh, hi sinh, hi sinh!”. Sáng nay, khoảng 9 rưỡi, trước cổng ĐSQ Trung Quốc, trong đám mấy thanh niên cầm cờ búa liểm, cờ sao vàng, các khẩu hiệu “cùng đồng hành với Đảng và chính phủ,…” có người hô lớn đến lạc cả giọng: “Toàn dân đồng hành cùng Đảng và chính phủ quyết hi sinh để bảo vệ đất nước”. Đáp lại lời hô ấy chỉ là những tiếng la ó ồn ào vì những người trong nhóm của người ấy không biết hô theo thế nào. Khi quay lại thấy tôi anh ta giơ tay bắt tay chào tôi: “Cháu chào bác Ôzôn.” Bên cạnh tôi là nhà văn Vũ Ngọc Tiến, bác Nguyễn Hữu Mai nên tôi cũng đưa tay nắm chặt tay anh ta và nói to cho anh ta và mọi người nghe: “Bác biết chắc rằng từ năm 900 không phải tất cả người Việt Nam nào cũng tham gia đánh giặc mà có nhiều kẻ sợ giặc, thậm chí làm tay sai cho giặc, nên chỉ có những người Việt Nam yêu nước mới dám đánh giặc cháu nhé. Nước ta có 90 triệu dân nếu ai đi đánh giặc cũng quyết chết thì lấy ai xây dựng đất nước ta tươi đẹp hơn khi đã thắng giặc. Chỉ có những kẻ đánh giặc mồm trong xó bếp mới hô toáng lên như vậy. Thế hệ bố của bác, thế hệ của bác đi đánh giặc phải tìm cách sao cho sống để còn nuôi vợ con hạnh phúc hơn sau khi chiến thắng”. Rất nhiều người hưởng ứng, tán thưởng lời khuyên của tôi nhất là những bậc cao niên như bác Tiến, bác Mai.

Khi đoàn tuần hành bắt đầu rời vườn hoa Canh Nông có mấy nhóm thanh niên cầm khẩu hiệu cứ tranh nhau vượt lên trước. Trong số họ có một vài thanh niên cứ hô những khẩu hiệu rất dài mà không ai biết hô theo như thế nào cả. Tới gần bờ hồ, mọi người đi chậm lại, tôi vẫy gọi: “Các cháu gái lên hàng đầu”. Khẩu hiệu được nhiều cháu gái cầm lách qua mọi người vừa đứng lên vừa lên hàng đầu thì mấy thanh niên khác lại cầm khẩu hiệu chạy lên trước họ. Một bác tóc đã bạc mà tôi nhớ là ngày 7/8/2011, khi đi biểu tình quanh hồ Gươm đã cho tôi xem thẻ thương binh của mình và hình như bác về hưu với quân hàm thượng tá, bác cười chua chát: “Lũ vô văn hóa nhảy lên đầu để được chụp ảnh vì đi biểu tình theo chỉ thị”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét