4 tháng 3, 2013

Ôi, phụ tá của bộ trưởng ! ( Báo GĐVN)


 (GDVN) - Những phụ tá này của Bộ trưởng Giáo dục không biết có thuộc diện 30% "sáng cắp ô đi tối cắp về" không, nhưng chắc khó xếp vào 70% còn lại!

Chỉ trong vòng 5 ngày, Bộ Giáo dục & Đào tạo và 1 sở trực thuộc lộ ra 4 yếu kém không thể biện hộ về chuyện xử lý thông tư, hướng dẫn.

1. Một là, ngày 26/2, qua bức thư ngỏ Nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đăng trên Dân Trí, cả nước mới ngớ người ra: Quyết định 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2011, ghi rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là chủ trì, phối hợp với các Bộ để “hướng dẫn các địa phương thực hiện các nội dung của quyết định này”. Một trong các nội dung của Quyết định là trẻ Mầm Non 3, 4 tuổi tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn…được hỗ trợ 120.000đ/tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường.

Các em mầm non bản Pha Lay (Huyện Điện Biên-Tỉnh Điện Biên) và bữa cơm trưa nấu tại lớp đầu tiên với sự hỗ trợ của các cá nhân thiện nguyện. Ảnh: Dân Trí

Một nhà báo khác là nhà báo Bùi Hoàng Tám viết trên Dân Trí Blog: "Ở đây có lẽ chỉ có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là sự vô trách nhiệm đến vô cảm trước nỗi khổ của đồng loại. Thứ hai, do trình độ quá non kém của một số công chức, viên chức được giao nhiệm vụ này nên có mỗi cái thông tư mà triển khai 14 tháng không xong. Nguyên nhân thứ ba, cũng không loại trừ là không ít công chức được giao có cả hai "phẩm chất" trên".
Sau 14 tháng, thông tư hướng dẫn vẫn nằm trên giấy, dù tiền chi cho mục tiêu này ở nhiều địa phương đã có từ lâu. Thành ra 14 tháng các bé vẫn "nhịn đói" hoặc "dấm dúi mà ăn" (một số cán bộ, thầy cô giáo thương các em đành "vượt rào" chi trước). 

Bộ GD&ĐT giải thích: "Ngay sau khi có Quyết định, Bộ GD-ĐT đã khẩn trương chủ trì phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan soạn thảo thông tư hướng dẫn và ngày 13/6/2012 bản dự thảo đã được đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do vướng mắc một số khâu “kỹ thuật” nên cho đến nay thông tư này vẫn chưa được ban hành chính thức".

Theo giải thích trên đây thì: "ngay sau khi" + "khẩn trương" = 14 tháng! 
 
2. Hai là, ngày 28/2, qua VnExpress, người ta ngỡ ngàng nhìn lại Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Thông tư này vừa ban hành còn chưa ráo mực. 
Luật sư Vũ Tiến Vinh chỉ ra thông tư của Bộ GD&ĐT phạm luật ở ít nhất 2 điểm:

- Thông tư 04 quy định nơi tiếp nhận tố cáo chỉ là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và Ban thanh tra giáo dục các cấp là không đúng bởi Luật tố cáo không quy định hành vi vi phạm thuộc ngành nào thì chỉ tố cáo đến cơ quan quản lý ngành đó mà có quyền tố cáo đến các cơ quan khác có thẩm quyền.
- Quy định chỉ được tố cáo sau khi kết thúc ngày thi cuối cũng không đúng. Luật Tố cáo cho phép người dân phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật có quyền tố cáo với cơ quan có thẩm quyền bất kỳ lúc nào, và không yêu cầu chỉ được tố cáo vào những thời điểm nhất định.
"Có thể người soạn quy chế chỉ nghĩ đơn giản là để tránh những ồn ào khi kỳ thi đang diễn ra, tránh ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh cũng như xã hội nên quy định như vậy. Tuy nhiên, vì thiếu tư duy luật pháp một cách căn bản và cách tiếp cận không phù hợp nên gây phản ứng trong xã hội", luật sư Vinh lý giải.

Theo phân tích trên đây có thể hiểu: Người soạn quy chế (văn bản pháp quy) của nguyên một Bộ, một khâu thường xuyên tác động đến hàng chục triệu học sinh sinh viên và gia đình các em, không có tư duy luật pháp căn bản!

3. Ba là, ngày 1/3, Báo Giáo dục Việt Nam qua tiếp nhận đơn thư bạn đọc và xác minh: Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản hướng dẫn kỳ tuyển giáo viên năm 2012 đọc, nghe thì rất trúng tinh thần của Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng khi thực hiện lại "bẻ cong" Nghị định này để làm theo cách riêng, không đếm xỉa đến quyền lợi chính đáng của người thi.
Chị Dương Thị Ánh, một trong 3 người đứng đơn khiếu nại Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Chị học theo diện niên chế, điểm tốt nghiệp đạt 10, nhưng không được tính vì Sở này "bẻ cong" Nghị định của Chính phủ.

Cụ thể, nhiều người thi tuyển làm giáo viên THPT ở tỉnh Vĩnh Phúc vốn được đào tạo theo diện niên chế, khi xét điểm thì đáng lẽ được cộng theo công thức: Tổng điểm xét tuyển (TĐXT) = Điểm học tập (ĐHT) + Điểm tốt nghiệp (ĐTN) + Điểm thực hành (ĐTH) x 2 (quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP).

Bản thân Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc khi chuẩn bị tổ chức kỳ thi này đã ra văn bản hướng dẫn cũng nói rõ áp dụng Nghị định 29/2012/NĐ-CP, nhưng khi xét điểm lại tự quy đổi những thí sinh diện học theo niên chế thành thí sinh diện học theo tín chỉ, để tính theo công thức: TĐXT = ĐHT x 2 + ĐTH x 2. Theo công thức này, những người học niên chế có điểm tốt nghiệp (ĐTN) càng cao càng chịu thiệt; thậm chí có thí sinh ĐTN = 10 nhưng không được đưa vào phép tính xét tuyển!

Khi người khiếu nại và phóng viên trực tiếp đến Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, thì cơ quan trực tiếp liên quan đến khiếu nại này từ chối làm việc bằng con đường tốt nhất (đối thoại), không một ai trả lời, mà chỉ thích làm việc qua văn bản. Trong khi đó, hai cơ quan gián tiếp liên quan, UBND tỉnh và Giám đốc Sở Nội vụ lại có thể trả lời ngay về những trường hợp này! (xem chi tiết)

4. Bốn là, lại chuyện thông tư vi phạm Luật Tố cáo mang số hiệu 04/2013/TT-BGDĐT.

Ngày 1/3, sau khi báo chí đăng tải xác nhận của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam rằng thông tư này sai luật, ngày 2/3 (thứ Bảy) trang VietQ phát hiện ra: "Từ tối qua đến 9 giờ sáng hôm nay 2/3, hai website của Bộ Giáo dục và Đào tạo là www.moet.gov.vn và www.edu.vn vẫn đăng tải Thông tư 04 từ ngày 26/2".

Nhưng đáng nói ở chỗ, từ 9h sáng 2/3 đến 5h sáng hôm nay (4/3, thứ Hai), các trang web này vẫn "án binh bất động", giữ nguyên hiện trạng! Trên trangwww.moet.gov.vn không thể tìm đâu ra cái Thông tư 06/2013/TT-BGDĐT sửa sai cho Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT. "Nhờ" Google và "nhờ" luôn công cụ Tìm kiếm trên trang www.moet.gov.vn thì thấy văn bản được "gửi" ở website Chính phủ - cơ quan vốn không trực tiếp là nơi cung cấp thông tin cho hàng triệu học sinh sinh viên và gia đình các em.

À quên mất, cuối tuần công chức, viên chức của Bộ phải nghỉ chứ!
Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm cập nhật thông tin? Ảnh chụp màn hình lúc 9 giờ sáng ngày 3/2. Ảnh: VietQ
Hiện trạng này được giữ nguyên đến khoảng 5h sáng nay, 4/3/2013. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Tìm kiếm trên chính trang www.moet.gov.vn, không thấy Thông tư 06/2013/TT-BGDĐT, vẫn chỉ thấy Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT có nội dung vi phạm Luật Tố cáo.

5. Những "xì-căng-đan" nói trên do ai gây ra? 
Chắc chắn không thể là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được, bởi ông có "trăm công nghìn việc". Một thuyền trưởng ngành của cả nước không thể cứ lúc nào cũng phải nhúng tay vào mấy việc bé cỏn con như thế, dù rằng, những việc ấy (có thể không bằng một cốc trà đá, như chuyện "bữa cơm có thịt" mà Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã nêu ra) cũng là thể diện của ông, của ngành.

Có thể gọi chung người trực tiếp làm những việc cụ thể đó là "phụ tá" của Bộ trưởng. Phụ tá trực tiếp, nếu là công chức viên chức ở cấp trung ương, phụ tá gián tiếp - nếu là công chức viên chức ở cấp địa phương. Tất cả đều giúp việc cho Bộ trưởng, cho ngành giáo dục cả!

Theo lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công chức hiện nay "30% sáng cắp ô đi tối cắp về". Không biết các phụ tá này có thuộc diện 30% không, nhưng chắc khó xếp vào 70% còn lại!

Sao Bộ giáo dục này lắm chuyện thế nhỉ, hết ban hành thông tư chậm (14 tháng về trợ cấp 120.000 cho trẻ vùng khó khăn) nay lại ban hành thông tư trái luật thật không hiểu trình độ, trách nhiệm của các vị thế nào? Có lẽ hệ thống quản lý của Bộ Giáo dục không phải là là 30% "sáng cắp ô đi tối cắp về" như PTT Nguyễn Xuân Phúc nói mà đến 70% cũng nên! Cứ đà này mà làm thì Bộ GD&ĐT chắc chắn là "ứng cử viên nặng ký" cho kỳ bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội vào 1/5 tới.

Bạn đọc Phan Đăng Lâm, phản hồi về bài viết 'Bộ GD&ĐT ban hành thông tư trái luật' 
Đức Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét