8 tháng 12, 2012

Thủ đô của Quốc gia nào trên Thế giới giống Hà nội ?


   Thực tế này ai cũng biết, đến sinh viên chưa ra trường cũng biết, nó xảy ra ngay từ khi có chuyện " thi công chức". Thế nhưng dường như không anh chị nào của các cơ quan chức năng " quan tâm", " làm rõ" hay đưa lên công luận, cả xã hội coi đó là một chuyện bình thường, một thứ bình thường như cân đường hộp sữa, không cần văn bản nào qui định và cũng không coi đó là chuyện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật.

  Chỉ đến bây giờ, ông chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ, đại biểu HĐND TP Hà nội nêu ra thì báo chí mới ăn theo, nói theo thì vấn nạn này đã trở thành Quốc nạn rồi. Bao nhiêu tiền tham nhũng từ những phi vụ " thi công chức" ấy đã vào túi ai ? bao nhiêu con em của dân phải bán trâu bán chó để " thi công chức " để mang nợ đến khánh kiệt vì nếu có được làm công chức thì lĩnh lương đến bao giờ mới đủ tiền trả nợ, mua lại đơợc trâu chó ? Vụ việc hơn 100 giáo viên tại Yên Bái bị cho thôi việc sau khi mất hàng trăm triệu để " thi công chức" mà báo NLĐ đang đăng tải mấy tháng nay hiện vẫn chưa biết lãnh đạo nào của Yên bái sẽ chịu trách nhiệm về số phận khốn khổ của các giáo viên nghèo này. 
  " Thi công chức " hiện đang là một trò cười mất rồi, vô hình chung nó khiến cho các công chức bị nhìn nhận như những kẻ cơ hội, tiếp tay cho giặc tham nhũng, chung tay cho đám sâu mọt phá hoại Đất nước thông qua việc hối lộ, đút lót - một hành vi vi phạm luật pháp rất rõ ràng.
  

 GS Thuyết:"HN cần điều tra việc “chạy” công chức không dưới 100 triệu"  

    “Lấy tiền của thí sinh thi tuyển công chức là lợi dụng chức quyền để tham nhũng, làm mất kỷ cương phép nước. Đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nói. 
Tại phiên thảo luận sáng 7/12 của HĐND TP. Hà Nội, ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã thẳng thắn nói về việc "chạy" để được thi, "chạy" để được đỗ công chức với số tiền không dưới 100 triệu đồng ở một số quận, huyện của Hà Nội.
Chiều tối 7/12, trao đổi báo Giáo dục Việt Nam, ông Trần Trọng Dực cho biết tình trạng phải chạy không dưới 100 triệu để được thi, để được đỗ công chức ở một số quận, huyện là dư luận xã hội.

Về vấn đề này, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói: “Về câu chuyện chạy việc mất tiền từ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu tùy chỗ, tùy địa phương là câu chuyện tôi đã nghe nhiều người nói rồi.
GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Đại biểu Quốc hội

Ở những địa phương cách xa HN đến vài trăm km, có người xin về làm cô giáo ở một trường THPT đã phải chạy trăm triệu rồi. Thậm chí có nhà báo còn kể với tôi có người về làm y tế học đường ở một trường tiểu học cũng phải mất đến 30 triệu.

Có thể nói chạy việc bằng tiền là tình trạng khá phổ biến nhưng cũng chỉ là câu chuyện truyền miệng ở những chỗ thân tình thôi. Còn công khai tố cáo giữa kỳ họp HĐND thì ý kiến của Đại biểu Trần Trọng Dực ở HĐND có lẽ là đầu tiên. Là người dân, chúng tôi rất hoan ngênh ý kiến thẳng thắn của vị đại biểu này. Ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Thành ủy Hà Nội, ý kiến của ông Dực lại càng có cơ sở, đáng tin cậy.”.

GS. Thuyết nói tiếp: “Chưa nói chuyện một trăm triệu lớn hay không lớn mà đó là một việc vi phạm pháp luật trắng trợn. Lấy tiền của thí sinh thi tuyển công chức là lợi dụng chức quyền để tham nhũng, làm mất kỷ cương phép nước. Có thể nói đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 

Còn về lượng tiền thì đó thực sự là một số tiền rất lớn đối với người dân. Khi người dân phải “giật gấu vá vai” chạy một trăm triệu, chắc không thiếu trường hợp rơi vào bi kịch, chúng ta có thể hình dung ra được. Và đối với những người đã có mầm hư hỏng rồi, khi đỗ công chức vào chỗ có thể làm tiền thì lại tìm cách tham ô để bù lại phần tiền đã bỏ ra để “chạy” công chức. Đó là chuyện rất đau lòng và rất đáng xấu hổ. 

Tôi nghĩ sau khi có ý kiến công khai của Đại biểu HĐND như vậy thì chính quyền thành phố Hà Nội cần vào cuộc, điều tra để xử lý nghiêm những trường hợp có chứng cứ rõ ràng để lập lại kỷ cương phép nước.

Nhân câu chuyện của Hà Nội, các địa phương khác cũng phải rà soát xem tỉnh, thành mình như thế nào. Hiện nay, câu chuyện chạy việc bằng vài chục, vài trăm triệu vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tin đồn, nếu cơ quan chức năng không nắm được “gáy” ai thì cũng không thể xử lý dứt điểm và triệt để được.” 

Trước ý kiến cho rằng, việc “chạy” công chức chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm tham nhũng”, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Tệ nạn tham nhũng ở nước ta đang lan tràn nhưng xử lý rất hời hợt.

Các nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm về việc này. Không thể vì ở đâu đó, ở cấp nào đó không xử lý nghiêm mà mình “tặc lưỡi cho qua”. Hễ thấy vấn đề thì phải điều tra, xử lý đến nơi đến chốn. Có như vậy thì cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mới có hiệu quả.”

Khi được hỏi về kế sách để lãnh đạo Hà Nội có thể xử lý được tình trạng đau lòng này, ông Thuyết nói: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây là lãnh đạo TP có quyết tâm làm không vì kế sách thì không thiếu. Người dân đã bày ra nhiều kế sách rồi. Và khi một vị lãnh đạo như ông Dực nói ra thì điều đó hẳn phải có cơ sở. Vấn đề ở đây là xử lý các trường hợp cụ thể như thế nào.”

 GDVN.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét