28 tháng 3, 2012

EVN vá ...đập bê tông.

   Thử tìm trên Google, trong 0,23 giây với từ khóa " vá trinh " thì tìm ra được hơn 8.570.000 kết quả. Bọn Google kinh thật, bất kỳ báo nào có từ khóa " vá trinh " hay " vá màng trinh" hoặc " vá trinh nhân tạo" thì đều bị bọn nó cho vào mục tìm kiếm ráo, thậm chí chỉ gõ từ " trinh " không thì cũng ra cả triệu kết quả.
 Quảng cáo vá víu trên mạng.

  Ấy thế nhưng nếu thử gõ từ khóa " vá đập thủy điện " thì những 0,40 giây mới ra được cỡ 2.500.000 kết quả, chứng tỏ chuyện vá đập nó có lịch sử sau chuyện vá trinh hơi lâu. Mình học đúng nghề Hệ thống điện hẳn hoi, có cả riêng một môn về "Nhà máy thủy điện" - đương nhiên có đập -  tuyệt nhiên trong trường chưa bao giờ dạy chuyện vá  này, thậm chí công nghệ bê tông đầm lăn áp dụng cho đập thủy điện Sơn la kia cũng chưa có giáo trình dạy, nghe mấy anh bên IBST - Viện khoa học công nghệ xây dựng - khi đi giảng  về quản lý dự án bảo phải mua công nghệ của  Bỉ hay Âu châu gì đó, đắt lắm.
  Mà đắt thì sắp ra miếng, các anh ấy bảo  : ví dụ bê tông thường như ở đập thủy điện Hòa bình ngày xưa thì với mác 350 phải mất 350 kg xi măng cho mỗi mét khối bê tông, nếu công nghệ đầm lăn như Sơn la, Sông Tranh 2  thì chỉ hết từ 60 hoặc tối đa là 100 kg xi măng cho mỗi mét khối bê tông có mác tương đương. Nhẩm tính mỗi con đập vài triệu khối bê tông ăn ra núi tiền chứ bộ ! với trình độ làm kinh tế giỏi như mấy chủ đầu tư ở ta thì ngu gì không chọn công nghệ mới?
   Riêng chuyện thấm cái đập thủy điện Sông Tranh 2 thì mình cho là chuyện cũng không có gì là to tát lắm. Chuyện thấm đập nói vậy nó  không phải chỉ là đập thấm mà đập nó thấm nhiều hay ít, thấm khi nào và thấm chỗ nào, từ bao giờ thì đó  mới là chuyện mà báo chí cần phải lao vào, xin tư liệu của Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu, ban tiếp nhận sử dụng dự án mà mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân bằng nhãn quan khoa học kỹ thuật, qui định từ luật pháp đối với vấn đề quản lý ... chứ tuyệt đối không nên lợi dụng chuyện thấm cái đập để móc câu vào chuyện chính trị hay tham nhũng, yếu kém của mấy cái anh quản lý liên quan đến dự án đó. Cánh báo chí là chúa hay liên tưởng từ con gà ra con công, từ con voi sang con kiến rồi chụp mũ cho mấy đồng nghiệp của mình, kết tội họ thay tòa án lắm. Mình là mình phản đối những cái chuyện tương tự như này.
  Thực ra, chuyện qui hoạch thủy điện thì từ mấy năm trước, mấy Thày của mình ở khoa Hệ thống điện Bách khoa Hà nội cũng đã vì bức xúc nghề nghiệp mà nói rồi, cụ thể là Thày Thống cũng đã viết bài chê mấy chỗ qui hoạch đã không quan tâm đến qui định về đánh giá lợi hại, đánh giá tác động môi trường, tác động dân cư, tác động địa chất, tác động về cụm phụ tải tập trung khi cứ nhồi nhà máy vào các con sông mà lưới chưa có, rừng đang cần  phủ kín khu đó lại đè ra làm hồ chứa... nói nhưng thôi vì nó đã rồi. Khi họ lập dự án có mời các chuyên gia giỏi, mời các Thày của họ đâu, họ cứ mời chuyên gia, nhà thầu lạ tận đâu ấy chứ, ai biết được.
  Còn đập thấm và được chỉ đạo vá bằng vật liệu gì như ti vi quay thì mình chịu, đời xây dựng mình chỉ từng được làm mấy cái vách bê tông tầng hầm của 5 tầng hầm từ năm 96 hay 97 gì đó, đến nay Hà nội cũng chỉ có thế, 5 tầng hầm là sâu nhất, việc làm nó với kỹ thuật của bọn tư bản khiến không có lỗ thấm nào qua vách dày từ 20 cm đến 600 cm là một thành công trong đời. Tay nào dân xây dựng từng làm vách tầng hầm nhà cao tầng mà không thấm lỗ nào  thì mình xin mang cơm nắm đến học, gọi làm Thày.
   Để chống thấm cho cái vách bê tông với áp lực chênh giữa  trong và ngoài tầng hầm nhà chung cư đã là vấn đề nan giải nếu nó thấm sau khi đổ bê tông. Ngay cả khi đã được thiết kế biện pháp dùng công nghệ bê tông chống thấm, thi công theo đúng qui trình qui phạm của bọn tây hướng dẫn, nếu không còn điểm thấm nào thì đáng được phát huy chương rồi.
   Nếu có thấm thì việc chống thấm ngược ( từ bên trong ) cũng vô cùng khó khăn. Thấm từ mao dẫn của bê tông, thấm từ ngoài vào, dưới lên, trên xuống...vv cực kỳ khó chịu, xương xẩu  ngay cả đối với cả những chuyên gia chống thấm tây ta đủ các màu da.
    Nói vậy để bà con thấy rằng : để khắc phục được cái chuyện thấm của đập  thủy điện Sông Tranh 2 theo kiểu đa đa  nhét nhét ( hình như công nghệ Nga ? ) chỉ là chuyện son phấn ca ve. Anh nào chỉ đạo làm trò đó cũng có trình độ  chỉ dưới mấy tay bác sỹ quảng cáo vá trinh đầy rẫy trên mạng mà bọn Google đang  sưu tập kia.
   Nếu ai làm xây dựng thì thấy họ vá vậy có lẽ chết đi được vì tức cười và có thể chết vì ...buồn hoặc sốc. Chả hiểu họ là theo giáo trình nào, thử nghiệm ở đâu, tiêu chuẩn nào...? chịu.Hay họ mới nghiên kíu ra nhể ? nể phục họ quá đi mất.

   Theo dõi từ hơn tuần nay thì có vẻ lượng nước ngày càng thấm nhiều, vết nứt có lẽ to thêm một phần vì ...nước  chảy bê tông mòn.  Để vá có mỗi tí thịt cỡ bằng đồng xu mà bọn bác sỹ lang băm cũng đã chém vài trăm đô, chưa chắc đã bảo hành, huống hồ cả con đập dài cây số, cao hơn trăm mét thì nhân ra liệu có hết  cả núi tiền, biết đâu còn đắt hơn là phá đi làm lại cái mới chưa biết chừng.
  Thôi, không nói đến chuyện phá đi làm lại kẻo bọn báo chí nó đọc được ý tưởng chuyên môn của mình sau vài chục năm kinh nghiệm mới có được  lại lao vào ăn cắp, bới móc rồi lại móc xích sang chuyện chính trị, cho là phản động thì chết toi.
  Mình chốt lại : Mình chỉ nói là phá đập đi làm lại chứ không phá gì đâu nhé bọn báo chí nhé. Chứ vá vá nhét nhét thì theo mình chỉ lừa được bọn trọc phú hám ...bóc tem giả nó thích thôi, vì  như thế chỉ là thừa tiền mà ngu, đồ giả vẫn là đồ giả lấy đâu ra ...xịn được ?

2 nhận xét:

  1. Trong cuộc họp gần đây ông Vượng thớ trưởng bộ công thương, ngày trước làm bên tư vấn điện 1 bảo đảm an toàn tuyệt đối nhưng cũng không dám ra văn bản cam kết với Tỉnh Quảng ngãi, cũng giống mấy tay vá màng đâu có dám bảo hành Hề ...hề...
    nguenmucar

    Trả lờiXóa
  2. Nói đến thấm đập không có nghĩa là nói đến chuyện thấm đập, mà chuyện thấm đập là phải hiểu những vấn đề thuộc về thấm đập...
    Mình ngu quá, chả hiểu đếch gì người ta nói, lằng nhằng như giẻ rách, lờ đờ như nước ốc. Mình chỉ thấy rằng đập bỏ cái đập, xây lại mới ổn. Sai sót mang tính hệ thống rồi, sửa cái nỗi gì!

    Trả lờiXóa