28 tháng 12, 2011

Bà mẹ 3 con 44 tuổi bị đi trại vì " bán dâm" !

 Hà Nội: Nhiều uẩn khúc vụ bà mẹ 44 tuổi bị đi trại vì “bán dâm”
(Dân trí) – Trước việc UBND huyện Từ Liêm ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở chữa bệnh có quá nhiều “uẩn khúc”, gia đình nạn nhân đã có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng và Báo Dân trí.
Sổ tạm trú của gia đình chị Phạm Thị Trang (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Việc áp dụng không đúng đối tương vị phạm
Báo Điện tử Dân trí nhận được đơn khiếu nại của chị Phạm Thị Trang, trú tại số 210, khu 2,1 ha, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội phản ánh:
Do bố chị Trang mất sớm, nên mẹ chị Trang là bà Nguyễn Thị Toan, sinh năm 1968 phải vất vả nuôi 3 người con ăn học, bản thân thường xuyên ốm đau, bệnh tật liên miên. Do đã dùng quen các thực phẩm chức năng, nên bà Toan thường mua sản phẩm này của các tư vấn viên Công ty Lô Hội (46 Giang Văn Minh, Hà Nội).
Vào khoảng 21 giờ 30 ngày 14/11/2011, do người bán hàng hẹn bà Toan đến đường Phạm Văn Đồng để lấy hàng, trong khi đang trả tiền hàng thì bà Toan bị lực lượng Công an xã Xuân Đỉnh bắt về trụ sở.
Đến 9 giờ ngày 15/11/2011, Công an xã Xuân Đỉnh đưa bà Toan lên Công an huyện Từ Liêm và 13 giờ chiều cùng ngày bà Toan bị đưa lên trại Lộc Hà, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Đến ngày 22/11/2011, UBND huyện Từ Liêm ra Quyết định số 11140 áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc đối với bà Toan, với lý do: Không có nơi cư trú nhất định, đã có hành vi bán dâm có tính chất thường xuyên.
Quá trình UBND huyện Từ Liêm ban hành quyết định số 11140 trên có rất nhiều uẩn khúc cần được làm rõ là: Bà Toan không có hành vi vi phạm là bán dâm mà lại bị bắt; không có hành vi vi phạm quả tang; không phải là người đã từng có những vi phạm hành chính bị giáo dục ở xã phường, thị trấn; Bà Toan có nơi cư trú ổn định cùng các con ở số 210, khu 2,1 ha, phường Cống Vị, quận Ba Đình (Có sổ tạm trú số 240092259 do Công an phường Cống Vị cấp ngày 29/6/2011). Vậy mà, UBND huyện Từ Liêm lại cho rằng bà Toan không có nơi cư trú nhất định (?).
Ngoài ra, tại biên bản ghi lời khai ngày 14/11/2011 do Công an xã Xuân Đỉnh lập thể hiện nhiều điểm “bất thường”:
Về mặt thời gian: Bản ghi lời khai gồm 04 trang, nhưng được cán bộ ghi lời khai ghi và hỏi rất nhanh chóng, bắt đầu từ 21 giờ 30 và kết thúc vào 22 giờ 00, đây quả là kỷ lục về việc ghi biên bản, Công an xã Xuân Đỉnh chỉ cần 30 phút là đã lấy xong lời khai của  đương sự.
Về cách hỏi rất là miệt thị, không đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, với những câu hỏi: “Toan cho biết…” “ Toan trình bày…”
Căn cứ Nghị định số 43/2005/NĐ-CP; Thông tư số 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA về hướng dẫn Nghị định số 43 quy định về việc đưa người nghiện ma túy, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tại cơ sở chữa bệnh thì hồ sơ phải có: Biên Bản vi phạm hành chính và Biên bản xác định nơi cư trú. Trong trường hợp này thì thiếu cả 2 biên bản trên, vậy mà bà Toan vẫn bị UBND huyện Từ Liêm áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh (?).
Quyết định vi phạm nghiêm trọng về cả hình thức lẫn nội dung?
Ngày 27/12, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Ngô Thế Thêm, Công ty Luật TNHH Đại Việt cho hay: Quyết định hành chính số 11140/QĐ-LXVPHC của bà Phan Lan Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm có nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về cả hình thức lẫn nội dung.
Về hình thức:
Quyết định không đúng căn cứ pháp luật: Quyết định căn cứ vào Nghị định số 43 là không đúng, đây là Quyết định áp dụng biện pháp hành chính, một trong những biện pháp được quy định tại Nghị định số 135/2004. Nghị định số 43 là Nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp tạm thời lưu trú tại cơ sở chữa bệnh, thẩm quyền thuộc Trưởng Công an huyện, thế mà Phó chủ tịch UBND huyện lại làm nhầm thẩm quyền của Trưởng Công an huyện;
Quyết định ghi những điều khoản pháp luật áp dụng như: Tại các NĐ số 43 hay NĐ 135 đều quy định Quyết định hành chính phải ghi rõ điều khoản văn bản pháp luật mà người vi phạm hành chính vi phạm, tuy nhiên quyết định trên không ghi rõ điều khoản, văn bản, pháp luật.
Thực tế làm gì có sự vi phạm hành chính nào nên người có thẩm quyền không thể ghi rõ được điều khoản cũng là phải thôi, làm gì có sự vi phạm nên chẳng biết ghi điều khoản nào cả, đành thôi không ghi nữa…
Quyết định không ghi quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính thời hạn để người khiếu nại tiến hành khiếu nại, khởi kiện hành chính… thực tế thì UBND huyện Từ Liêm không giao quyết định cho bà Toan thì làm sao bà Toan thực hiện quyền khiếu nại hay khởi kiện?
Về nội dung:
Áp dụng không đúng đối tượng vi phạm hành chính: Theo quy định của pháp luật thì chỉ áp dụng đối với những người có hành vi bán dâm quả tang, hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính có hồ sơ quản lý rồi lại vi phạm, người không có nơi cư trú nhất định thường xuyên đi lang thang mới đúng với mục đích, vai trò và ý nghĩa của các biện pháp hành chính.
Bà Toan là một người dân bình thường như bao người dân khác, một người có nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú đang ở cùng các con, khi mua thực phẩm chức năng thì bị bắt…
Để làm rõ hơn vụ việc trên, chiều ngày 27/12, PV Dân trí đã có buổi làm việc với bà Phan Lan Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm. Bà Tú cho biết, hiện nay UBND huyện Từ Liêm đã nhận được đơn khiếu nại của chị Phạm Thị Trang (là con gái bà Toan), cơ quan này đang trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc.
Trong ngày 27/12, PV Dân trí đã trao đổi với ông Đỗ Thiện Đức, Phó Trưởng phòng Lao động, thương binh & Xã hội huyện Từ Liêm, ông Đức cho biết, nếu như cơ quan này biết được bà Nguyễn Thị Toan có sổ tạm trú ổn định tại phường Cống Vị, quận Ba Đình đã không xảy ra vụ việc trên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Vũ Văn Tiến

1 nhận xét:

  1. tranthihuong29 tháng 12, 2011

    Dũng ơi ,thực phẩm chức năng là gì vậy ? thực sự tôi chưa biết và lần đầu tên nghe thấy ,nếu biết giải thích cho tôi nhé .

    Trả lờiXóa