Một bức công thư đi từ văn phòng UBND TP, Sở Ngoại vụ đến tay Bí thư Thành ủy Hà Nội mất… 30 ngày, cho nên việc thông quan hàng hóa ở các cảng biển theo cơ chế một cửa giảm từ 21 ngày xuống 18 ngày (xem Thanh Niên ngày 8.12) thực sự là một tin vui.
Cũng giống như khi Bộ Tài chính tuyên bố sẽ cắt giảm 300 giờ làm thủ tục thuế trong năm 2015 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp như được tiếp thêm sức mạnh.
Kết quả thực sự còn ở phía trước, bởi lẽ đấy mới là quyết tâm về mặt thể chế, trong khi tồn tại lớn nhất trong cải cách hành chính hiện nay chính là do tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Thực tế cho thấy, ở những nơi, đơn vị, cán bộ được lựa chọn kỹ, rèn luyện kỹ về tác phong, đạo đức công vụ (và dĩ nhiên được giám sát chặt chẽ), thì nơi đó công việc trôi chảy, được lòng dân. Ngược lại, ở những nơi cán bộ lơ là trách nhiệm, thiếu công tâm, thì để lại điều tiếng, gây mất lòng tin với dân, thậm chí làm cản trở quá trình cải cách hành chính...
Một kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội công bố hồi cuối năm 2013 cho thấy: 93% người dân được hỏi đánh giá công chức nắm vững quy trình nghiệp vụ, trình độ nhận thức khá; nhưng số phiếu đánh giá tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình trong giải quyết công việc lại chỉ có 52,4%. Về tính quyết liệt cải cách hành chính tại các ngành như kế hoạch - đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, tài nguyên - môi trường, thì đơn vị được đánh giá cao nhất cũng chỉ đạt 28%. Điều này trùng với thực tế rằng, những thủ tục được rút ngắn lâu nay chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực “nhẹ nhàng” như đăng ký khai sinh, cấp giấy CMND, thẻ bảo hiểm y tế... Trong khi đó, việc xem xét và xử lý hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai, dự án, thuế, hải quan... vẫn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
13 năm trước, năm 2001, Chính phủ bắt đầu thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, một người rất tâm huyết cải cách hành chính, khi đó trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên có nói một câu đại ý rằng: muốn cải cách thủ tục hành chính hiệu quả cần có cơ chế buộc thôi việc, luân chuyển đối với những cán bộ nhũng nhiễu, hành dân. Chỉ khi nào cán bộ giải quyết công việc với sự nhiệt tình, trách nhiệm cao mới mong cải cách tốt thủ tục hành chính.
Về mặt nguyên tắc, thay đổi cơ chế vận hành bộ máy nhà nước, vượt qua sức ì bộ máy, luôn được xem là then chốt cho việc cải cách hành chính. Nhưng điều này chỉ có động lực khi người dân được tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá cán bộ, công chức. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp phải trở thành thước đo đánh giá sự thành công, tín nhiệm của các cấp lãnh đạo thay vì quyền lực của các cơ quan cấp trên.
An Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét