Tôi có mặt tại Tây bắc từ cách đây 25 năm, khi chưa tròn 17 tuổi.
Đặt chân xuống Mộc Châu là lúc 3 giờ chiều sau khi đêm trước xếp hàng ngủ đêm vạ vật tại bến xe Bến Nứa Hà nội từ đêm trước để mua vé. Chiếc xe hải Âu của Liên xô cũ ì ạch leo đến Cao Nguyên đẹp như mơ thì phải ngủ lại, chờ mai đi tiếp lên Sơn La.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là bạt ngàn hoa hai bên đường với đủ màu sắc, xen lẫn những cây cải xanh to và mập. Chú đi cùng bảo : hoa thuốc phiện đấy. Lần đầu tiên trong đời được biết đến cây thuốc phiện. Khi ấy cũng chưa biết cây thuốc phiện nó cho thuốc phiện như thế nào, thuốc phiện dùng để làm gì, ăn được không...? vì thời đó mình còn ngây thơ và miền xuôi thì đám trẻ chưa biết nhiều về loài cây đó.
Ngày hôm sau thì mới tới Sơn La, toàn đồi ngay giữa một cái thị xã nhỏ, người Thái và người H'Mong nhiều, ra chợ thấy số đông là họ, người kinh ít. Trục đường dọc trung tâm Thị xã có tên Chiềng Lề, kéo xuôi xuống ngã ba Quyết Thắng qua cầu Trắng - cầu 308 - chỉ toàn lau sậy bên đường. Phía suối bên tay phải xuôi về Quyết Thắng là con suối uốn lượn, thỉnh thoảng mùa lũ lên ngập đến mép cầu.
Người Thái và H'Mong thật thà, vui tính. Họ nói tiếng kinh lơ lớ, người kinh cũng học tiếng của của bà con rồi giả giọng lơ lớ như nhau, nghe rất vui.
Những cảm nhận đầu tiên về người dân tộc đối với mình là họ rất chân chất, không hề có cái chất như nhiều người kinh : láu cá và ranh mãnh khôn lỏi. Riêng người H'Mong thì không thích người khác gọi họ là người Mèo, nếu họ cầm con mèo mà hỏi con gì thì họ nói : con kiing đấy - rất vui mà lém lỉnh, không ai bực tức gì về điều đó cả.
Những tìm hiểu của mình về họ đã đem đến nhiều bất ngờ : họ không ăn trộm của nhau vì luật lệ riêng rất khắc nghiệt. Nương rẫy không rào ngăn cách, nếu anh nào ăn trộm cây cối hay quả gì của nhau mà bắt được thì kinh lắm : đền 1 thành 10 và còn bị bêu ra trước bản.
Người H' Mong vui lắm vào mỗi dịp mùng 2 -9, đó là Tết của họ. Họ mang ngựa xuống thị xã, mang theo củi trên lưng ngựa, hoa quả hay sản vật của họ xuống bán rồi lấy tiền uống rượu, ăn phở, mua những thứ cần thiết cho gia đình và cá nhân : muối, mắm, cá khô, kim chỉ, đèn pin, bánh kẹo, mì chính, đường...và băng cattset đối với những nhà nào giàu có, đã có đài chạy băng.
Hầu hết đàn ông đều say sau một ngày chơi dưới thị xã, con ngựa đứng bên đường cứ chờ, chồng say nằm bên vệ cỏ thì vợ cầm ô ngồi cạnh chờ đến khi chồng tỉnh rồi họ về. Ngày ấy chưa có máy ảnh nên chỉ nhớ những hình ảnh đó qua trí nhớ, người kinh thấy vậy rất tò mò, thấy lạ.
Trẻ em thời đó vẫn như thời nay : chân đất nhiều lắm, ít đứa có dép hay giày. Có thể vì chân đất thì giúp chúng trèo leo đồi, đường dốc ? này thì có dép tổ ong. Người lớn thì vẫn dép rọ từ xuôi sản xuất mang lên. Ít người mang giày như dân xuôi, có lẽ cũng vì thói quen và đặc thù sinh hoạt của họ.
Trong chuyến đi với chương trình " Trung thu miền sơn cước " vừa rồi, những ký ức thời hơn hai chục năm trước ùa về, trước cảnh núi rừng trùng điệp, những mảnh ruộng bậc thang, cánh rừng trên đồi dốc, ngọn đồi trọc được đốt để làm nương rẫy ...khiến mình như được sống lại thời trai trẻ. Cũng lại nhớ đến cảnh đang đêm tiếng gõ của cồng chiêng, tiếng tù và thổi, tiếng hú hét vang vọng núi rừng khi bỗng dưng cháy bản vào mùa khô, cảnh đó thường diễn ra quanh cái thị xã Sơn La thời đó.
Điều đặc biệt là tới Than Uyên lần này, nhiều đổi thay đã đến với bà con người dân tộc nơi đó : họ đã định canh định cư trong các khu tái định cư do địa phương xây dựng ra, người H'Mong và người Thái ở chung một khu, nhà sàn gỗ lợp Bro xi măng, khu tái định cư cạnh các con suối và có đường vào tương đối dễ.
Tuy nhiên có những điều khác biệt lớn với miền xuôi về hạ tầng : các khu bản hoặc tái định cư đa số là chưa có điện, cho dù đường điện cao thế 110 KV và trung thế 35 KV chạy qua bản, qua khu tái định cư.
Bí thư huyện đoàn còn cho biết : có bản đang bị cô lập trong lòng hồ do làm thủy điện, mất đường vào vì nước hồ dâng lên, chỉ đi đến được bằng thuyền. Huyện quyết định giữ lại tên bản, chỉ di dân phần nào.
Đến với các điểm trường mầm non và tiểu học để tặng quà cho các con thì thấy : các con trẻ vẫn như con trẻ ngày xưa : chúng rất chất phác, thật thà, không láu cá, gian dối như trẻ em dưới xuôi. Phát quần áo, phát bánh cho từng đứa, có đứa ăn, có đứa cho vào túi cất đi. Hỏi con có bánh chưa thì nó chỉ tay vài túi, vạch túi ra cho xem bánh đã nhận.
Nhiều đứa chưa được nhận bánh hay nhận áo vì đứng tít cuối hàng, xã và đông nên chưa phát kịp thì cứ đứng yên trong hàng, không sốt sắng chen đẩy hay chạy vòng lên như đám trẻ dưới xuôi mà mình từng đi dự nhiều lần các chương trình của chúng.
Bố mẹ của đám trẻ đưa con đến điểm trường thì đứng xung quanh, bánh kẹo hoa quả để đầy trên mâm cỗ trung thu nhưng đến khi MC nói đại diện các cô giáo và các thành viên mang bánh kẹo mời phụ huynh thì họ mới nhận, không một ai tự ý lên xin hay lấy gì. Họ đứng xem rất nhẹ nhàng và gần như không có vẻ gì đòi hỏi cho con của họ được quần áo, bánh kẹo sớm hơn con nhà khác, không ý kiến gì cả. Kể cả có con chưa được nhận áo thì MC thấy liền nói : con nào chưa được nhận áo tối này thì mai đến trường các cô sẽ phát tiếp. Bố Mẹ của các cháu và đứa trẻ cũng không có thái độ gì thể hiện ra mặt là buồn hay sao cả. Hay họ có cách thể hiện tâm trạng ẩn bên trong, không giống người kinh ?
Cô Hường - hiệu trưởng mầm non đang phát quà cho các con. Bố Mẹ các con đứng xung quanh bên ngoài nhìn.
Đại diện Thày Cô giáo mang quà chia cho các phụ huynh.
Hai cô bé này nhận được hai quả ổi to, cũng rất vui vẻ nhận mà không đòi hỏi gì, không đòi đổi bánh dẻo hay kẹo.
Nhiều đôi chân trần nhưng vẫn vui vẻ múa hát.
Nhìn theo đoàn đến lúc xe đi khuất sau đồi.
Không phân biệt miền xuôi miền ngược, cùng nắm tay nhau nhảy múa, hát ca rất vui nhộn.
Nắm tay hát với các cô chú trong đoàn rất tự nhiên.
Xem biểu diễn văn nghệ.
Điểm trường Phúc Than
Điểm trường Noong Thang
Các lớp mà đám trẻ đang học trong đó. Đa số là vách, mái lợp tấm bro xi măng.
Lối vào điểm trường Noong Thang, nước chảy qua đường nhỏ và gồ ghề.
Truyền hình huyện tới đưa tin đêm văn nghệ đón Tết trung thu.
Càng đi nhiều càng thấy rõ rệt những sự khác biệt giữa miền xuôi và miền ngược, về con người và cơ sở vật chất, văn hóa, đời sống của dân chúng hai miền.
Nhưng nổi bật lên một sự khác biệt rõ rệt nhất là : miền xuôi nhiều bảo tàng, nhiều con đường được thắp sáng đôi khi cả ban ngày vì quên tắt đèn. Miền ngược nhiều lớp học trát vách, cái biển tên trường cheo leo trên hai cây gỗ như trên ảnh. Con người miền núi chất phác và sống chậm hơn người miền xuôi, cũng có thể vì họ được sống trong không khí trong lành, ít ô nhiễm hơn về mọi mặt.
Cũng có thể bà con miền ngược vì xa trung tâm nên thiệt thòi đủ thứ kể cả ánh sáng đèn điện trong lớp học của trẻ con. Ở một nơi nào đó đang thừa điện, máy lạnh chạy ngay cả khi không có người làm việc - điều đó là những bất công mà tất cả chúng ta nên loại bỏ dần.
Nhiều sự khác biệt khác cần được tôn trọng, tuy nhiên với nhiều sự khác biệt được đề cập đến trong phạm vi bài viết này theo mình thì cần được tẩy chay - ví dụ : trường học vách đất, không điện, học sinh chân trần đi học.... Những sự khác biệt đó cần được tất cả mọi người chung tay xóa bỏ chúng, chọn lọc những cái hay, tốt đẹp cho cả miền xuôi và miền ngược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét