14 tháng 7, 2012

Việt Nam phản đối Trung Quốc cho tàu cá ồ ạt xuống Biển Đông

 

Ngoài việc đưa tàu cá xuống Biển Đông, Trung Quốc còn đặt thêm ra-đa tại Trường Sa (DR)
Ngoài việc đưa tàu cá xuống Biển Đông, Trung Quốc còn đặt thêm ra-đa tại Trường Sa (DR)

Sau khi Trung Quốc công khai loan báo cử một đoàn tàu đánh cá hùng hậu xuống Biển Đông, Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối. Hành động này của Bắc Kinh bị coi là một động thái khiêu khích mới nhắm vào cả Việt Nam lẫn Philippines, hai quốc gia đã liên tiếp tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông.

Theo báo chí Philippines, một lãnh đạo địa phương nước này vừa cáo buộc Trung Quốc là đã trang bị thêm radar cực mạnh trên một đảo nhỏ ở vùng Trường Sa bị họ chiếm giữ từ năm 1988.

Như tin chúng tôi đã loan, truyền thông Trung Quốc vừa nhất loạt đưa tin về một đoàn tàu đánh cá hùng hậu gồm 30 chiếc đã rời đảo Hải Nam ngày 12/07 vừa qua, để xuống hoạt động tại vùng quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Hà Nội và Manila.
Chính quyền Việt Nam đã lập tức lên tiếng phản đối hành động khiêu khích mới trong khu vực. Hôm qua, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam xác định : “Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần.
Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng lên tiếng “phản đối kịch liệt” các hành động “xâm phạm thô bạo của 30 tàu cá Trung Quốc vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam”.
Phải nói là truyền thông Trung Quốc đã không che giấu ý đồ hù dọa khi loan tin về sự kiện này. Báo China Daily đã phô trương rằng đây sẽ là một hoạt động đánh bắt phối hợp lớn nhất trong lịch sử của tỉnh Hải Nam, huy động 29 tàu cá và một tàu tiếp tế có trọng tải đến 3 ngàn tấn, và sẽ được tàu tuần tra Trung Quốc trong vùng bảo vệ.
Đoàn tàu này sẽ hoạt động hoạt động trong vòng 20 ngày, tại vùng gần đảo Đá Chữ Thập (tên quốc tế là Fiery Cross – Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đã chiếm đóng bãi đá ngầm này từ năm 1988, và xây tại đó một cảng hải quân, một phi đạo và một trạm quan sát hàng hải.
Trả lời báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh vào hôm qua, ông Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ, đã ghi nhận rằng đây là một hành động mới của Trung Quốc “nằm trong chuỗi kế hoạch nhằm thực hiện âm mưu tranh giành lợi ích kinh tế trên vùng biển với các nước, trong đó có Việt Nam. Đầu tiên là các hành động cắt cáp, rồi mời thầu thăm dò dầu khí trong vùng biển, thềm lục địa của VN, hay tranh chấp bãi đá ngầm với Philippines...”
Trong tình hình kể trên, Trung Quốc lại bị Philippines cáo buộc là đã trang bị thêm radar cực mạnh trên một đảo nhỏ ở vùng Trường Sa bị Bắc Kinh chiếm giữ từ năm 1988.  Theo báo chí Philippines, hôm 12/07 vừa qua, ông Eugenio Bito-Onon, lãnh đạo đơn vị hành chánh Kalayaan mà Philippines thiết lập tại Quần đảo Trường Sa, đã báo động về việc Trung Quốc đặt thêm radar tại đảo đá ngầm Subi Reef (mà Bắc Kinh gọi là Chử Bích Tiều).
Đây là một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chỉ cách đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát khoảng 26 km về phía tây nam, được cả Việt Nam, Trung Quốc và Philippines tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Bắc Kinh đã cho xây dựng trên đấy một tòa nhà, một bến cảng và một bãi đáp trực thăng.
Theo lãnh đạo địa phương Philippines, đó là một đài radar cực mạnh, có thể chỉ nhằm theo dõi thời tiết, nhưng cũng có thể được dùng vào mục đích khác như theo dõi các vật thể di động trên mặt biển trong khu vực rộng lớn. Một phát ngôn viên phủ Tổng thống Philippines, ông Ricky Carandang, cho biết là nếu thông tin kể trên chính xác thì có thể xem đấy là một hành động khiêu khích.
Trọng Nghĩa - RFI Tiengviet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét