- Trong danh sách 74 chiến sĩ mất tích ở trận tử chiến ngày 14.3.1988 trên đảo Gạc Ma và Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa để giữ chủ quyền của tổ quốc (diễn biến trận đánh đã được đăng tải trên báo Nhân Dân ngày 28.3.1988), anh Trần Thiên Phụng có số thứ tự 49.
Trung đoàn 83 thuộc bộ Tư lệnh Hải quân gửi giấy báo tử về cho gia đình xác nhận anh Trần Thiên Phụng, cấp bậc binh nhất, trú quán tại phường 2, Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, mất tích vào ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma, được hưởng quyền lợi gia đình liệt sĩ.
Gia đình anh Phụng và chị Thiên. |
Nhưng diễm phúc đã đến với gia đình người lính mang số 49 ấy: anh Trần Thiên Phụng không hy sinh, chỉ bị thương nặng. Anh là một trong chín chiến sĩ của trung đoàn 83 may mắn còn sống sót trong trận tử chiến ngày 14.3.1988 trên đảo Gạc Ma và Cô Lin. Chúng tôi đã tìm đến nhà anh Trần Thiên Phụng, người cựu binh Trường Sa trở về từ “cõi chết”.
Không chịu đầu hàng
Thật khó diễn tả được ánh mắt của người thương binh ấy khi tôi đề cập đến trận tử chiến 14.3.1988. Cầm giấy báo tử mang tên mình trên tay, anh vẫn còn xúc động đến không nói được thành lời, hai môi cứ mấp máy. Trên ánh mắt của anh thoáng xót xa khi những ký ức đau thương một thời hiện về.
... Tối 12.3.1988, các chiến sĩ của trung đoàn 83 thuộc bộ Tư lệnh Hải quân lên ba chiếc tàu đi làm nhiệm vụ thực hiện chiến dịch chủ quyền 1988 ở Trường Sa. Sau hai ngày, đến sáng 14.3 thì trận tử chiến xảy ra. Anh Phụng cầm khẩu súng AK47 đứng ngay trước mũi tàu đọ súng với quân lính Trung Quốc. Không tương quan lực lượng nên nhiều đồng đội của anh liên tiếp ngã xuống. Anh đã chiến đấu dũng cảm cho đến giây phút chiếc tàu vận tải HQ-604 của Hải quân Việt Nam bị trúng hoả lực mạnh của Trung Quốc, chìm xuống biển ở phía nam đảo Gạc Ma (trận tử chiến này Việt Nam bị chìm hai tàu HQ-604 và HQ-605, tàu HQ-505 bị hư hại nặng). Anh Phụng lúc đó chỉ kịp vớ lấy một thanh ván vỡ ra từ con tàu rồi ôm chặt lấy, tay trái bơi giữa biển, còn tay phải bị trúng đạn bê bết máu.
Do bị thương nặng, máu ra quá nhiều, hơn nữa lại dầm mình suốt ngày giữa biển nên sức lực cạn kiệt, anh chưa kịp tiếp cận trở lại đảo thì bị bắt vào cuối ngày 14.3. “Khi tôi đang bị trôi trên biển, tàu quân sự Trung Quốc phát hiện, họ chĩa súng trước đầu ra lệnh đầu hàng nhưng tôi cương quyết không chịu. Khi được vớt lên tàu, lính Trung Quốc hỏi vì sao không đầu hàng, tôi nói với họ đất nước chúng tôi không bao giờ dạy cho người lính biết đầu hàng trước mũi súng quân thù”. Sau đó, anh được đưa về đảo Hải Nam cấp cứu rồi đưa tiếp về nhà tù ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Anh Phụng cho biết : “Hôm ấy có chín người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Thời gian đầu cuộc sống giam cầm trong nhà tù vô cùng khó khăn, tủi nhục, nhờ hội Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm thường xuyên nên dần dần được cải thiện hơn”...
Cuộc trùng phùng trong nước mắt hạnh phúc
Ở quê nhà, giọt máu của anh gửi lại cho người vợ đang lớn dần. Họ cưới nhau không được bao lâu thì anh xung phong đi bộ đội, được phiên chế vào lực lượng Hải quân ra đảo Trường Sa giữ gìn tấc đất thiêng liêng của tổ quốc.
Những ngày tháng ấy, người vợ trẻ của anh, chị Lê Thị Thiên đau đớn tột cùng. Chị bảo rằng mình cũng nghe bà con nói có nhiều chiến sĩ Việt Nam hy sinh tại Trường Sa vào ngày 14.3.1988, song không biết làm sao liên lạc được với đơn vị của chồng. Rồi chính tai chị nghe rõ mồn một trong danh sách báo, đài đăng về 74 chiến sĩ hy sinh và mất tích tại Trường Sa, có tên người chồng yêu quý của mình. Chị đau đớn muốn được chết theo anh. Nhưng nghĩ tới mầm sống anh để lại, chị biết mình phải sống vì đứa con yêu thương và thay anh phụng dưỡng cha mẹ già. Không lâu sau, trung đoàn 83 thuộc bộ Tư lệnh Hải quân gửi giấy báo tử thông báo anh Trần Thiên Phụng đã hy sinh – mất tích. Đến lúc đó thì chị tin rằng con trai mình thực sự đã mồ côi cha. Còn bố chồng chị ngày đêm chỉ biết bắc đàn cầu an cho linh hồn người con trai xấu số được siêu thoát.
Anh Phụng và chị Thiên trong ngày gặp lại ở Quảng Ninh năm 1991. Ảnh: |
Cũng không biết vì sao những lá thư của anh Phụng gửi về từ nhà lao Trung Quốc lại không đến được tay chị và gia đình. Không nhận được thư hồi âm của gia đình, anh Phụng lại càng đau đớn hơn vì anh hiểu hơn ai hết sự tuyệt vọng của vợ con, cha mẹ ở quê nhà. Những dòng nhật ký anh viết dành tặng vợ, con đọc lại không ai khỏi nặng lòng: “Con của ba, con có ngoan không, có khoẻ không? Ba mong rằng ba sẽ được trở về sớm với con và gia đình ta một ngày sớm nhất. Ba sẽ kể cho con nghe về trận chiến đấu anh dũng của ba và đồng đội cho con và gia đình ta nghe nhé. Lúc ấy con sẽ cảm thấy đầy tự hào về người cha thân yêu của con...” Rồi những dòng chữ yêu thương anh dành tặng vợ: “Thiên em thật yêu, thật nhớ của anh. Giờ này em đang làm gì ở nhà với con. Sao em không trả lời thư cho anh. Ở bên này anh đợi tin em và gia đình đến cháy lòng. Anh chỉ bị thương và giờ đang là tù binh ở Trung Quốc. Anh mong sớm được trở về với em và gia đình ta... Thương em ở nhà một mình vất vả sớm hôm...”.
Hơn một năm sau kể từ khi anh bị bắt làm tù binh và ở trại giam Trạm Giang, Trung Quốc, chị Thiên mới nhận được tin chồng mình vẫn còn sống. Chị không tin được vào mắt mình khi đọc dòng tin nhắn của anh qua bức thư do hội Chữ thập đỏ quốc tế gửi đến.“Tôi chạy ào tìm đứa con trai ôm chặt vào lòng và hét vào mặt con: ba của con còn sống, ba sẽ sớm được trở về với mẹ con mình...”, chị nhớ lại.
Trải qua bao sóng gió dâu bể, cuộc trùng phùng của vợ chồng anh chị cũng đến. Sau hơn ba năm bị bắt làm tù binh (hơn bốn năm kể từ ngày đi bộ đội), anh cùng tám đồng đội được Trung Quốc trao trả về Việt Nam vào ngày 2.9.1991, qua đường cửa khẩu Hữu Nghị Quan ở Lạng Sơn. Các anh được về an dưỡng tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Chị đã ra tận Móng Cái đón chồng. Cuộc trùng phùng trong hạnh phúc của vợ chồng anh Phụng cùng tám đồng đội khác là một kỷ niệm mà họ không bao giờ quên. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của anh và chị. Những nụ hôn anh chị trao cho nhau ngày gặp lại cháy bỏng tình yêu sau bao năm đợi chờ vô vọng. Cả không gian chìm ngập trong hoa và nước mắt hạnh phúc. Ít hôm sau, các anh chia tay nhau, mỗi người mỗi hướng trở về quê hương.
Sau cuộc trùng phùng đặc biệt ấy, vợ chồng anh Phụng lại có thêm hai người con nữa. Cả ba người con của anh chị nay đã khôn lớn. Riêng anh ốm đau liên miên, không còn sức khoẻ sau những ngày tháng bị giam tù nên chẳng làm được gì nhiều để đỡ đần giúp chị cuộc sống hàng ngày. Cả gia đình trông chờ vào nồi bún bán vào buổi sáng của chị. Đồng lương thương binh của anh mỗi tháng gần 600.000 đồng không đủ tiền mua thuốc chữa bệnh...
Trời ơi, một anh hùng bảo vệ Tổ quốc bây giờ đang trông vào 600 ngàn tiền trợ cấp ?
Trả lờiXóa