Thảm hoạ phóng xạ tại Nhật Bản đã khiến người dân lo sợ - Ảnh: Getty.
Hôm 15/4, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano cho biết từ 6/5 tới sẽ không còn lò phản ứng hạt nhân nào hoạt động ở nước này, sau khi lò duy nhất còn hoạt động ngừng sản xuất điện để bảo dưỡng vào ngày 5/5.
Như vậy, số lò phản ứng hoạt động ở Nhật Bản "sẽ tạm thời là con số không kể từ 6/5", ông Edano tuyên bố từ Tokushima. Hiện trong số 54 lò phản ứng của Nhật Bản chỉ còn lò số 3 thuộc nhà máy điện Tomari của công ty điện lực Hokkaido là còn hoạt động. Nhưng tới 5/5 tới đây, lò này sẽ ngừng để bảo dưỡng định kỳ.
Sẽ thiếu điện trầm trọng
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khẳng định, cuối cùng quốc gia này cũng sẽ giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân "tới con số không vĩnh viễn". Tuy vậy, ông cũng kêu gọi sự ủng hộ để tái khởi động hai lò phản ứng số 3 và số 4 ở nhà máy Ohi của công ty điện lực Kansai ở tỉnh Fukui.
Ông Edano không tiết lộ thêm chi tiết, nhưng Bộ trưởng phụ trách khắc phục sự cố hạt nhân Goshi Hosono cho rằng ông Edano muốn nói rằng có thể việc tái khởi động các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Ohi sẽ không diễn ra sớm hơn ngày 6/5, khi xét đến tầm quan trọng của việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giành được sự chấp thuận của các địa phương.
Trước đó một ngày, hôm 14/4, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rằng hai trong số các lò phản ứng của nước này tại nhà máy điện hạt nhân Ohi là an toàn và có thể sẽ được đưa vào hoạt động trở lại nhằm chống lại sự thiếu hụt năng lượng đang ngày một trầm trọng. Việc khởi động lại này cần phải nhận được sự phê chuẩn của các quan chức địa phương.
Bộ trưởng Yukio Edano trong ngày đã lên tiếng cảnh báo rằng, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với một mùa hè "thiếu hụt điện năng nghiêm trọng". Bởi vậy, Nhật Bản đang phải tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch trong lúc các công ty điện lực bị bắt buộc phải đưa các nhà máy điện cũ trở lại hoạt động.
Thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 đã gây hư hại nghiêm trọng sáu lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima Daiichi, trong đó có cả những lò bị nổ và bị nung chảy một phần. Sau sự cố này, dân chúng Nhật Bản đã yêu cầu Chính phủ phải ngừng hoạt động toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản để thực hiện bảo dưỡng định kỳ.
Đây được coi là công việc cần thiết, ít nhất là để thuyết phục dư luận rằng, các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật hiện nay đã bảo đảm được độ an toàn cần thiết trước các sự cố. Đổi lại, nguy cơ thiếu điện trong mùa hè lại càng hiện hữu bởi mức tiêu thụ điện của nước này được dự đoán sẽ tăng khoảng 15%.
Trước khi xảy ra thảm họa Fukushima, điện hạt nhân chiếm gần một phần ba tổng lượng điện năng của Nhật Bản. Nếu toàn bộ 54 lò phản ứng hạt nhân ở nước này vẫn bị đóng cửa vào mùa hè thì cả nước có thể thiếu 10% điện năng trong thời gian cao điểm và khi đó nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, đe dọa nền kinh tế Nhật Bản.
Năm ngoái, Nhật Bản cũng từng lâm vào tình trạng thiếu điện khiến chính phủ nước này phải kêu gọi các tập đoàn kinh doanh lớn cắt giảm tiêu thụ điện năng tới 15%. Các công ty cũng được yêu cầu hạn chế sử dụng đèn, điều hòa, thay đổi giờ làm sớm hơn hay chuyển vào các ngày cuối tuần để tránh tình trạng quá tải.
Hiện rất nhiều công ty ở Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đang phàn nàn rằng, nếu tình trạng thiếu điện kéo dài thêm hai hay ba năm nữa, rất có thể họ sẽ phải chuyển hướng làm ăn ra nước ngoài.
Điểm nóng về dầu mỏ
Tờ Financial Times hồi tháng 3 cho biết, việc các nhà máy điện hạt nhân đóng cửa có thể sẽ khiến cho nhu cầu dầu mỏ để sản xuất điện của Nhật Bản tăng cao trong năm nay. Tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã nhập khẩu khoảng 730.000 thùng/ngày, tăng 350% so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo một số chuyên gia, nếu không có nhà máy điện hạt nhân nào hoạt động, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Nhật Bản có thể sẽ lên tới hơn 1 triệu thùng/ngày. Và do lượng điện tiêu thụ của Nhật Bản trong mùa hè ở mức cao, nên nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của nước này sẽ tăng đột biến trong giai đoạn từ tháng 7 cho tới tháng 9.
Chính phủ Nhật Bản mới đây cho biết kế hoạch xây dựng một mô hình tăng trưởng mới để tái thiết đất nước. Theo Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, mô hình này coi việc tiết kiệm năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Nhật Bản sẽ phải phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với công nghệ xanh, sử dụng sức gió và pin mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Tuy nhiên, mô hình này như thế nào và hiệu quả tới đâu vẫn chưa rõ, trong khi mùa hè thực tế đang tới gần và Nhật Bản chuẩn bị không còn lò phản ứng hạt nhân nào hoạt động. Do vậy, những đánh giá nhận định về tình hình tăng lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản rất có thể sẽ trở thành hiện thực.
Trường hợp Nhật Bản tăng lượng dầu nhập khẩu cũng sẽ đồng nghĩa với việc giá dầu trên thị trường quốc tế bị đẩy lên cao. Những căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân Iran đã đẩy giá dầu tăng tới 30% kể từ tháng 10 năm ngoái tới nay và nếu cộng thêm vấn đề nhu cầu của Nhật Bản, mức giá dầu mỏ rất có thể còn tăng cao hơn nữa.
Tháng trước, bộ phận dự báo của tạp chí The Economist nhận định biến động giá dầu đang trở thành thách thức lớn đối với kinh tế thế giới khi khủng hoảng khu vực đồng Euro tạm lắng. Thậm chí vấn đề giá dầu đang trở thành một “Hy Lạp mới”. Giá dầu thô trung bình đạt 128 USD/thùng trong tháng 3/2012, chỉ thấp hơn 20 USD/thùng trong đợt cao điểm năm 2008.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cảnh báo chi phí nhập khẩu dầu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD trong năm nay, nếu giá đầu đứng ở mức cao như hiện nay, một con số đủ lớn để đẩy nền kinh tế thế giới trở lại hố sâu suy thoái.
Fatih Birol, chuyên gia kinh tế trưởng của IEA, cho biết Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt dễ bị tổn thương, với giá dầu cao như hiện nay đang trở thành vấn đề lớn nhất, chứ không phải cuộc khủng hoảng nợ công. IEA ước tính rằng EU sẽ phải chi một số tiền kỷ lục là 502 tỷ USD trong năm nay để nhập khẩu ròng dầu, tăng so với 472 tỷ USD năm 2011.
Các khu vực khác cũng bị ảnh hưởng. Hóa đơn nhập khẩu dầu của Mỹ dự kiến tăng lên đến 426 tỷ USD trong năm nay, so với mức 380 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tăng chi phí nhập khẩu dầu từ 215 tỷ USD năm 2011 lên 251 tỷ USD trong năm 2012. Nhật Bản sẽ chi 198 tỷ USD để nhập khẩu dầu năm nay, nhiều hơn năm ngoái 20 tỷ USD.
Theo giới phân tích, nếu khởi động trở lại các lò phản ứng hạt nhân, nhu cầu dầu mỏ của Nhật phục vụ cho các nhà máy phát điện sẽ giảm sút trong mùa hè này, làm giảm những rủi ro cho thị trường thế giới. Sự khởi động lại một vài lò phản ứng hạt nhân của Nhật nếu thành công, cũng sẽ giúp khôi phục lại niềm tin của công chúng về nguồn năng lượng này.
Như vậy, có thể thấy rằng, ngoài vấn đề thiếu điện của bản thân nước Nhật, thì việc đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân của nước này sẽ còn dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng đột biến và gây ra ít nhiều ảnh hưởng tới sự biến động trên thị trường dầu mỏ thế giới nói riêng và tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu nói chung
.
Net.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét