Tướng Thước kiến nghị Thủ tướng về Tiên Lãng giám sát công việc
"Đích thân Thủ tướng, thanh tra Chính phủ, UB giám sát kiểm tra Đảng phải về Tiên Lãng giám sát công việc. Nếu không, cứ để tình trạng 'trên bảo dưới không chấp hành' thế này sẽ vô cùng nguy hiểm. Kết luận của Thủ tướng sẽ bị vô hiệu hóa và uy tín của Thủ tướng sẽ bị ảnh hưởng." - Tướng Nguyễn Quốc Thước.
UB kiểm tra TW Đảng phải về làm việc ngay với CLB Bạch Đằng
- Phóng viên: Một số cán bộ lão thành của Hải Phòng vừa có báo cáo - kiến nghị gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, bày tỏ sự bất bình của các thành viên CLB đối với phát biểu của ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải hôm 17/2 về việc cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng tại buổi nói chuyện với CLB Bạch Đằng. Ông nhìn nhận thế nào về sự việc này?
- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi cho rằng việc ngay bây giờ phải làm là UB giám sát kiểm tra TW Đảng, Thanh tra Chính phủ cần về ngay CLB Bạch Đằng tìm hiểu sự việc cụ thể. Nếu đúng mọi việc diễn ra như trong đơn thư của mấy vị lão thành cách mạng này thì sự việc thật sự nghiêm trọng, thậm chí sẽ có chấn động hơn việc ông Đoàn Văn Vươn. Hậu quả sẽ lớn hơn nhiều.
Nhiều người cho rằng, đáng lẽ vụ Tiên Lãng đã không gây bức xúc lòng dân đến như thế nếu không vì các quan chức Hải Phòng liên tiếp có những phát ngôn không phù hợp. Nhưng nay ngay cả khi Thủ tướng đã có kết luận mà vẫn tiếp tục như vậy thì phải nhìn sâu vào hiện tượng này là gì?
Từ hôm Thủ tướng có kết luận đến giờ, tôi thấy các cấp của Hải Phòng đều hứa hẹn: sẽ tự kiểm điểm nghiêm khắc rồi kiểm điểm tập thể hàng loạt. Nói thế ai chẳng nói được. Chỉ nói cốt để xoa dịu tình hình và làm nhẹ tội, nhưng cụ thể 'nghiêm túc' là thế nào, 'kiểm điểm tập thể' là thế nào, hay nghĩa là chẳng ai cả.
Nghiêm nghĩa là trong tập thể phải có cá nhân, cụ thể là người lãnh đạo cao nhất. Nghị quyết TW 4 đã xác định: Người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, bộ ngành phải chịu trách nhiệm trước hết. Chỉ khi trách nhiệm được quy về một cá nhân cụ thể mới giải quyết được tình hình.
Ngay từ hôm Thủ tướng mới đưa ra kết luận, tôi đã có ý kiến TW phải trực tiếp giám sát việc thực hiện của Hải Phòng, nếu không cứ thế này chỉ đạo của Thủ tướng sẽ không có kết quả, mà như thế hậu quả thậm chí sẽ còn nặng hơn lúc vụ việc bùng nổ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Hải Phòng chưa thực sự tự phê bình
Điều gây bất bình cho các cán bộ hưu trí ở chỗ ông Thành có những trình bày trái với kết luận của Thủ tướng như: "Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác vào, chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngợi công an, bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; có cán bộ lão thành nói không chuẩn; ông Vươn xây nhà không trong quy hoạch - trốn nợ thuế - không có tí công tích gì, trong khi đó Tiên Lãng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông Vươn...". Nhưng người ta thấy khó hiểu là vì sao chính Bí thư Thành ủy Hải Phòng, người đã từng đứng ra chủ trì họp báo công bố kết luận của Hải Phòng, xử lý kỷ luật các quan chức Tiên Lãng làm sai thì nay, trong một cuộc họp thông tin nội bộ lại có phát ngôn khác?
Tôi không được trực tiếp dự cuộc họp đó nên không biết chính xác ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã phát biểu những gì. Chính vì thế tôi kiến nghị UB kiểm tra Đảng về Hải Phòng làm việc ngay.
Nếu đúng ông Thành đã phát biểu như những gì các vị lão thành cách mạng Hải Phòng phản ảnh, thì tôi có thể nói rõ ràng: con người đầu tiên phủ định kết luận của Thủ tướng chính là Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Cũng chính người đó đã từng dự họp với Thủ tướng và như này là người đầu tiên phủ định kết luận của Thủ tướng. Việc này nếu không xử lý nghiêm túc thì hậu quả sẽ không dừng lại ở Hải Phòng. Nhân dân Hải Phòng và cả nước khi nghe người đứng đầu thành p phố phát biểu thế này, họ sẽ không bao giờ tin TW sẽ giải quyết vụ này triệt để và hợp lý.
Tôi thấy Hải Phòng vẫn chưa thực sự tự phê bình sau kết luận của Thủ tướng; chưa thống nhất với kết luận của Thủ tướng, cũng tức là của Bộ Chính trị. Chắc chắn Thủ tướng không thể tự mình nói ngược với ý kiến của Ban bí thư, Bộ Chính trị.
Hậu quả sẽ không biết sẽ đi về đâu.
Phải chăng những sự việc đang diễn ra ở Hải Phòng cho thấy điều mà nhiều người đã cảnh báo lâu nay về hiện trạng "trên bảo dưới không nghe"?
Khi vụ việc xảy ra, nhiều người có trách nhiệm ở Hải Phòng từng phản ánh lại với tôi: Tiên Lãng chỉ là hệ quả của hàng chuỗi sự việc về đất đai của Hải Phòng như vụ Đồ Sơn, vụ Quảng An và vụ chính quyền Hải Phòng định khai trừ Đảng một đại tá an ninh, người đấu tranh chống tham nhũng - tiêu cực ...
Những vụ việc trước chưa được giải quyết thấu đáo nên những người có quyền hành bất chấp tất cả mới dẫn đến vụ thứ tư là Tiên Lãng. Vụ Tiên Lãng diễn ra ở mấy chục ha đất nhưng lại lớn vì nó dính đến một loạt chuyện hệ trọng không được giải quyết dứt điểm, rốt ráo.
Tôi nhắc lại, nếu phát ngôn của ông Thành đúng như báo chí phản ánh thì ông ta chính là người phủ định kết luận của Thủ tướng và Nghị quyết TW 4.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu có thể hi vọng Hải Phòng sẽ "tự xử" một cách nghiêm túc hay đã đến lúc TƯ cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa?
Đến giờ này tôi thấy tập thể lãnh đạo của Hải Phòng thực sự có vấn đề. Chưa từng có vụ nào rộ lên như Tiên Lãng thế này. Theo tôi nguyên nhân cũng bắt nguồn từ đất, Hải Phòng là thành phố lớn, giá trị đất của Hải Phòng ngày càng cao. Càng làm việc sai bao nhiêu, lợi ích cá nhân càng nhiều bấy nhiêu cho nên không giải quyết được. Vụ sau chồng lên vụ trước, sai lại càng sai mãi.
Nếu vụ Tiên Lãng này mà Hải Phòng giải quyết từ huyện trở xuống là không đúng. Làm gì có chuyện một việc lớn như vậy mà Thành ủy, từ bí thư, chủ tịch không biết gì cả thì các anh ngồi đó quanh năm làm những gì?
Thủ tướng đã ra kết luận, nhưng nếu Hải Phòng không xử lý triệt để từ bí thư, chủ tịch trở xuống thì kết luận của Thủ tướng không thể đi đến đích được.
Ngay việc để ông Thoại, ông Ca đứng trong công tác điều tra đã cho thấy Hải Phòng làm rất dở. Cứ cho là ông Thoại, ông Ca điều tra thực sự khách quan trung thực thì sau toàn bộ những việc các ông làm - nói, vẫn cực kỳ phản cảm; dân không còn tin các ông nữa.
Tôi kiến nghị Trung ương phải đưa không chỉ mấy ông đó, mà cả những người chịu áp lực từ Hải Phòng phải đứng bên ngoài công tác điều tra. Đích thân Thủ tướng, thanh tra Chính phủ, UB giám sát kiểm tra Đảng phải về Tiên Lãng giám sát công việc.
Nếu không, cứ để tình trạng 'trên bảo dưới không chấp hành' thế này sẽ vô cùng nguy hiểm. Kết luận của Thủ tướng sẽ bị vô hiệu hóa và uy tín của Thủ tướng sẽ bị ảnh hưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét