11 tháng 11, 2011

Nên có cách nhìn mới về người bán dâm. ( Luật nhà thơ còn chưa bàn xong các bố ạ).

   “Nên có quy định cho người bán dâm hành nghề” là ý kiến của chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính chiều 10-11. Ông Khiết cho rằng với xã hội phát triển và hội nhập như ngày nay, VN cũng nên tính toán nghiên cứu cho người bán dâm những địa điểm hành nghề nhất định để quản lý vì thực tế nói cấm nhưng mại dâm vẫn phát triển mạnh.
Đối với việc bỏ quy định buộc người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền hoàn toàn đồng tình với dự thảo luật vì cho rằng các vấn đề xã hội phải được giải quyết bằng các biện pháp xã hội. Trưởng ban tổ chức Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Ngọc Thạch cũng nhất trí bỏ quy định này nhưng đề nghị phải có cơ quan quản lý.
“Cùng sự phát triển, mại dâm ngày càng tăng, có lẽ phải công nhận nó tồn tại như một vấn đề xã hội để quản lý” - ông Thạch đề nghị. Phân tích thêm, phó giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong nói: “Thật ra nếu đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì không phải xử lý về hành vi mà là xử lý con người, cách ly người ta. Biện pháp này hơi nghiêm khắc”.
Ý kiến phân vân thuộc về phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội). Ông Tuyến công nhận tình trạng bán dâm hiện nay khá phổ biến nhưng cho rằng nếu không bắt buộc người bán dâm bị phát hiện đi chữa bệnh thì hậu quả của xã hội sẽ lớn.
Đối với mức xử phạt trong vi phạm hành chính, cả ông Nguyễn Đình Quyền và phó chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh đều cho rằng mức tối đa 2 tỉ đồng là quá cao. “Trong Luật hình sự phạt 400 triệu đồng đã là tội nghiêm trọng, vậy tại sao phạt hành chính có những hành vi khởi điểm 400 triệu và lên đến 2 tỉ đồng?” - ông Ánh đặt câu hỏi.
Trong khi đó, phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP.HCM Nguyễn Văn Minh cho rằng “mấy bà bán nước mía vi phạm giao thông mà khung phạt 25 triệu đồng thì khó khả thi, bất hợp lý”. Các đại biểu cũng cho rằng khung hình phạt trong từng lĩnh vực quá rộng sẽ dẫn đến tùy tiện.
Dự luật sẽ tiếp tục được thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội vào ngày 18-11.
L.KIÊN - C.V.KÌNH
 Nguồn : TT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét